THẦN
HỌC
TÍN
LÝ CƠ BẢN
THẦN
HỌC CƠ BẢN
Theo cách trình bày "giáo khoa cổ điển", các
phần bàn về "tôn giáo tổng quát" và "phương pháp thần học"
được coi là những chương đầu của môn "thần học cơ bản" (theologia fundamentalis). Tuy nhiên cũng có
thể coi những điều bàn giải của các phần đó có mục đích dẫn nhập vào thần
học.
I. VẤN ĐỀ THẦN HỌC CƠ BẢN
Khi bàn giải về
"phương pháp thần học", chắc chắn từ ngữ "thần học cơ bản"
đã phải thành quen thuộc. Căn cứ vào từ ngữ, ta có thể diễn tả cách khái quát
vấn đề đem bàn : môn khảo sát về nền tảng của khoa thần học.
Khoa thần học thường được định nghĩa : "là khoa học về mạc khải, tức là khoa học của
những điều Thiên Chúa đã mạc khải cho con người qua cử chỉ, lời nói và con
người phải tin" (Theol. Fund. Arialdo Beni tr 83). Như thế nền tảng
của thần học là mạc khải. Nói khác đi môn thần học kitô giáo dựa trên nền tảng
mạc khải và các dữ kiện mạc khải vừa là đối tượng vừa là ánh sáng, nhờ đó chúng
ta được hướng dẫn trong các khảo luận thần học. Môn thần học cơ bản chủ yếu
phải bàn giải về mạc khải, đặc biệt là về giá trị của sự hiện hữu của mạc khải
được Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử. Biến cố chính của mạc khải là Đức Kitô.
vấn nạn đặt ra cho thần học cơ bản giải quyết là : mạc khải có thực sự xảy ra
và Đức Kitô là Đấng tỏ Thiên Chúa ra giữa chúng ta ? Một vấn nạn khác cũng trực
tiếp liên quan với vấn nạn trên : mạc khải có thực sự được trao phó cho Giáo
hội và Giáo hội là nơi Đức Kitô hoạt động ? Tuy nhiên việc giải đáp vấn nạn thứ
hai đó, ngày nay được xếp vào môn Giáo hội học.
Mạc khải là hành vi của Thiên Chúa. Hiến chế "Lời
Chúa" của Công đồng Vaticanô II viết : "Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho
mọi người biết Mầu nhiệm thánh ý Người" (DV 2). Chính Thiên Chúa mời gọi con
người. Nhưng Người cũng dành quyền "đáp trả" mạc khải của Người cho
tự do con người. Hiến chế Lời Chúa viết tiếp :"phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin đối với Thiên Chúa
mạc khải" (DV 5). Vậy việc bàn giải về mạc khải kéo theo việc bàn giải
về đức tin. Nội dung thần học cơ bản vì thế cũng bao gồm cả việc nan giải nầy.
Bàn về mạc khải và đức tin, khoa thần học cơ bản còn nằm
trong phạm vi của lý trí, dùng đến những lý luận để đưa ra những minh chứng cho
điều "khả tín" (crédibilité - đáng tin). Rồi từ đó có thể dẫn đến
"tất tín" (credentité - phải tin) : một khi đã tìm tòi, nghiên cứu
dựa trên những nguyên lý và tiêu chuẩn chắc chắn, lý trí con người cảm nhận
"điều mạc khải" là "khả tín". Từ đó dẫn tới cảm phục, mến
yêu (hành vi ý chí) con người có thiện tâm cảm thấy có bổn phận phải tin (hành
vi lý trí). Vì thế, Thần học cơ bản cũng được gọi là "Hộ giáo" hoặc
"minh giáo". Thực ra nếu hiểu theo nghĩa chuyên môn, thì khoa thần
học cơ bản chỉ dùng phần nào "chất lượng" của những gì được coi là
thuộc về "hộ giáo" hoặc "minh giáo" đã có trong quá trình
lịch sử của Giáo hội. Hộ giáo có một ý nghĩa rộng rãi. Nói khác đi, nội dung
của khoa thần học cơ bản bao gồm những điều của hộ giáo, nhưng không phải là
tất cả.
II. VẤN ĐỀ HỘ GIÁO
Cùng gốc với động từ Hy lạp Apologeomai ((((((-((((((),
nghĩa là biện hộ (se défendre), minh giải một sự kiện. Có hai từ ngữ thường
được dùng để chỉ việc minh giải, biện hộ về kitô giáo : Apologia và
Apologetica. Theo nghĩa chuyên biệt, người ta thường dùng Apologia cho việc
biện hộ một chân lý, hoặc một sự kiện lẻ loi, riêng biệt bị đả kích ; còn từ
ngữ Aplogetica để chỉ một hệ thống biện hộ có tính cách bao quát hơn.
Mục đích của hộ giáo là chuẩn bị con người đi tới đức
tin, nghĩa là chứng minh cho người ngoài kitô giáo thấy những giáo lý của kitô
giáo là có cơ sở đáng tin, chứ không phải vô lý. Trong những năm gần đây, hộ
giáo thường bị phản đối, người ta đã hiểu hộ giáo theo nghĩa tiêu cực là để
bênh vực đạo giáo (và Giáo hội) khỏi sự chỉ trích, tấn công của địch thù. Do đó
thờng lẫn lộn hộ giáo với những cuộc bút chiến, tranh cãi, có tính cách đả
kích, phá hoại, làm suy tàn. Có người coi hộ giáo như phương thế đạt tới đức
tin, coi nó như một nghệ thuật cho sự trở lại, hoặc tệ hơn như một loại
"bí tích". Thực ra hộ giáo không phải vậy. Hộ giáo, không khảo sát
trực tiếp những cách làm thế nào để cải hóa con người thành "tín
hữu". Hộ giáo - không quan tâm tới việc "ban đức tin", nhưng -
đem ra ánh sáng những lý lẽ, vì đó chúng ta tin. Có hai khuynh hướng.
1. Tin lành
Theo Martin Luther ((1546), ông tổ phái Tin lành và một
số người thân cận, giữa Thiên Chúa và linh hồn không có một trung gian nào cả
(họ chối sự hiện hữu và quyền bính của Giáo hội). Họ chỉ nhận có Kinh Thánh và
chủ trương đọc và hiểu Kinh Thánh theo sự
hướng dẫn của Thánh Thần". Họ coi Kinh Thánh là tuyệt đối và và tin
vào linh hứng sát nghĩa trong Kinh Thánh. Như thế đối với họ, hộ giáo chỉ có
nhiệm vụ chứng minh tính xác thực (hoặc sự kiện thực sự linh hứng) của Kinh
Thánh.
Nhưng dần dần về sau, nhiều anh em Tin lành cũng nhìn
nhận tính cách mâu thuẫn của quan niệm trên : Kinh Thánh (dù sao cũng là một
cuốn sách thể chất), làm sao có thể khiến tâm hồn người khuất phục các hình
thức, máy móc như vậy ? từ đó đi đến chủ trương : Thiên Chúa dạy trực tiếp với
mỗi tâm hồn cách riêng biệt, thầm kín, không có phương tiện kiểm soát. Vậy, hộ
giáo bị phế bỏ.
Chủ trương nầy cũng đưa đến điều khó chấp nhận : thực tế
cho thấy Thiên Chúa không mạc khải cho từng cá nhân như đã mạc khải cho tổ phụ,
ngôn sứ, tông đồ xưa. Người không phán với từng tâm hồn cách trực tiếp những
điều Người dạy trong Kinh Thánh. Từ đó có người chủ trương : đức tin chẳng hạn,
chỉ là một kinh nghiệm,một cảm giác tôn giáo mà mỗi người tìm được từ đáy lòng
mình ; đức tin của tôi, tức là cảm tình tôn giáo nổi dậy trong tâm hồn tôi khi
suy niệm về Thiên Chúa (dần dần đưa tới chối bỏ). Như thế việc tìm hiểu đức tin
là phi lý và hoàn toàn vô ích. Hộ giáo như vậy là vô ích và vô nghĩa.
Tuy nhiên nếu đức tin cốt ở tại một vài hiện tượng
chủ quan trong ý thức của tôi, thì làm
sao có thể phân biệt được đức tin với bất kỳ quan niệm trần tục nào ? Dựa vào
tiêu chuẩn nào để chứng thực rằng : Thiên Chúa đã phán dạy tôi ? Vì vốn bảo tồn
chủ trương không chấp nhận "trung gian" giữa Thiên Chúa và tâm hồn
con người (từ việc phủ nhận vai trò của Giáo hội), nơi các anh em Tin lành
trong những năm gần đây, nổi dậy nhiều lý thuyết khác biệt, có thể thu về hai
loại.
* Khuynh hướng duy tâm : coi mạc khải có tính cách nội
tại, từ bản tính con người phát xuất ra (dễ lẫn với mơ mộng).
* Khuynh hướng duy ngoại : coi mạc khải hoàn toàn bởi bên
ngoài tràn vào con người, không có một mối liên quan tương đối gì với nhau. Con
người bị đè bẹp trước sự xâm lấn của mạc khải (đức tin bị coi là cái gì áp đặt,
ví dụ, do giáo dục).
Hậu quả tất yếu là tính chất "chủ quan tuyệt
đối" trong vấn đề đức tin : mỗi người tự tạo cho mình đức tin của mình, và
phán đoán theo khuynh hướng, giáo dục, môi trường, đoàn thể mà họ lệ thuộc. Vậy
đối với đức tin, lý trí bất lực. Hộ giáo không có lý do để hiện hữu.
2. Công giáo
Người công giáo (Lamã) tất nhiên cũng công nhận đức tin
là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và tâm hồn con người. Nhưng người công giáo
chủ trương Thiên Chúa mạc khải bằng nhiều thể nhiều cách. Người có thể dùng mọi
yếu tố, cả bên trong con người và ngoài con người.
* Có sự chuẩn bị đưa đến đức tin, là thế giới hữu hình tỏ
lộ, sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa (mạc khải tự nhiên).
* Có những điều kiện dẫn tới đức tin là trí năng và ý chí
tự do của con người (phương tiẹn tự nhiên).
* Có lịch sử để chuyển đạt đức tin (nhưng không áp đặt).
* Có những bằng chứng xác thực và những dấu chỉ chứng tỏ
sự mạc khải (như phép lạ, lời tiên tri ứng nghiệm, được khảo sát nghiêm túc,
dựa trên những tiêu chuẩn xác đáng).
* Có nội dung đức tin (mạc khải) rõ ràng, là những chân
lý chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh truyền, được Giáo hội công bố.
* Có thế giá uy tín để bảo vệ và bảo đảm là Giáo hội do
quyền năng Thiên Chúa ban.
Thiên Chúa đã xử dụng tất cả để mạc khải cho loài người
và thích nghi với loài người theo phương thức nhập thể.
Người công giáo không thể bỏ qua đặc tính rất quan trọng
của đức tin là "hợp lý" mà con người có thể chứng minh được (dù còn
có mặt tương đối, ví dụ trường hợp "phép lạ"). Do đó đạo Công giáo có
một khoa hộ giáo đầy đủ, hợp lý, dựa trên những cơ sở vững chắc.
III. MẤY NÉT LỊCH SỬ VỀ HỘ
GIÁO TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Khoa hộ giáo được hiểu như một cơ quan khoa học, phân
biệt khỏi các khảo luận thần học, hình thành tương đối muộn thời, khoảng thế kỷ
17 (có một hình thức giáo khoa tạm ổn định). Tuy nhiên các yếu tố cốt lõi và
chất liệu xây dựng khoa hộ giáo, thì đã hiện hữu và đã được sử dụng tùy theo
nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh, ngay từ đầu lịch sử của Giáo hội. Với sự vụ
truyền bá các chân lý mạc khải cũng như nhiệm vụ bảo tồn và bảo đảm (bền vững
và xác thực) các chân lý đó, Giáo hội, luôn gặp những chống đối, xuyên tạc, đòi
hỏi "phải đấu tranh", và Giáo hội cũng luôn có đủ "nhân sự"
(Thiên Chúa ban) để phấn đấu.
1. Thời sơ khai
Chính Đức Kitô, để chứng tỏ nguồn gốc từ Thiên Chúa của
Người, Người đã nại đến các phép lạ Người làm "nhờ ngón tay của Thiên
Chúa" (chữa bệnh, trừ quỉ Ga 2,11-23; 3,2; 5,36; 10,23), và các lời tiên
tri ứng nghiệm đúng nơi Người (Ga 11,42; Lc 4,21,24,27).
Noi gương thầy chí thánh, các tông đồ ngay từ bài giảng
đầu tiên, cũng trưng ra những việc kỳ lạ Đức Giêsu đã làm và những ứng nghiệm
của các lời tiên tri, để làm chứng về Đức Kitô (Cv 2,22; 3,17,55). Đặc biệt các
Người nhấn mạnh đến sự kiện phục sinh của Đức Kitô, như dấu ấn của Thiên Chúa,
chứng tỏ thần tính của Người.
Các Giáo phụ thời các tông đồ cũng đã chép sách, dùng
những bản văn (song song với các bài giảng) nêu lên những yếu tố về hộ giáo,
với hai ý tưởng trổi vượt : sự ứng nghiệm những loan báo tiên tri về Đức Kitô
và sự mạc khải kitô giáo đã có sẵn trong Cựu Ước (Didachès 15,3; thư Banaba 1,7
; th. Ignatio gửi Magnesi 9,2). Các Người quả quyết Giao ước cũ, tạm thời bất
toàn, đã được thay thế bằng giao ước mới, toàn vẹn và cố định.
2. Ở thế kỷ II
Một mặt dựa vào Kinh Thánh (Cựu Ước) để minh chứng về Đức
Kitô cho người Do Thái, mặt khác các nhà hộ giáo thời kỳ nầy phải phi bác những
vu khống, nói xấu đạo, phát xuất từ ngoại giáo. Các Người đã dùng những bản văn
có tính triết lý, nhưng cũng bình dân dễ hiểu. Ngoài phần tiêu cực, dùng những
lý chứng để phi bác những điều vu khống bịa đặt, các Người còn trình bày mặt
tích cực về sự công chính, thánh thiện của kitô giáo.
Những nhân vật nổi tiếng như Aristide viết lên hoàng đế
Adrianô ; Apologia ; Dialogus cum Thryphone Thánh Justi-nô được coi là sáng
chói nhất.
Điều đáng chú ý là ngay từ thời nầy, các nhà hộ giáo đã
rất ý thức về tính cách tự do của đức tin. Do đó, bên cạnh việc trình bày những
lý luận khách quan, các ngài cũng luôn đề cao tính cách cần thiết của ơn Chúa
soi sáng và khuyến khích lòng đạo đức, thái độ khiêm nhu, ngay thẳng, tâm hồn
trong sạch, thiện chí, chủ quan.
Ngoài những yếu tố hộ giáo căn bản của thế kỷ trước (phép
lạ, ứng nghiệm lời tiên tri, sự phục sinh của Đức Kitô), các nhà hộ giáo thời
nầy đã đưa vào chính "sự phát triển kỳ lạ của tôn giáo mới" và những
hậu quả tốt lành thánh thiện của đời sống kitô hữu. Nhất là lòng can đảm anh
dũng của các vị tử đạo.
3. Từ thế kỷ III
Thời kỳ nầy, việc bài xích kitô giáo có vẻ được thực hiện
cách "khoa học" do một triết gia ngoại giáo như Celsus, Por-phyrus,
Julius bội giáo, họ như muốn đả phá tự nền tảng của kitô giáo, như thế giá của
Phúc âm, thần tính của Đức Kitô. Phía Giáo hội cũng xuất hiện những cây bút
xuất sắc về hộ giáo. Ta có thể kể : Origenus ((254) với tác phẩm Contra Celsum,
thánh Cyrillô thành Alexandia với cuốn De Sincera Religione Christi adversus Libeos Athei Jubiani ; Lactentius
(320) với cuốn Divinarum Institutionum ; Tertullianus.
Các nhà hộ giáo đã bắt đầu làm phát triển những yếu tố
thần học để giải thích giáo lý kitô giáo, tuy chưa được hệ thống hóa, những yếu
tố quí giá đó đã là những mầm chứa đựng tất cả tổng hợp khoa hộ giáo tương lai.
Từ thế kỷ IV, kitô giáo bắt đầu phát triển tự do (thời
hậu tử đạo bắt đầu năm 314 với Constantinô Cả). Các tác phẩm thần học xuất hiện
nhiều, trong đó có nhiều yếu tố hộ giáo. Hai nhà thần học kiêm hộ giáo nổi danh
thời kỳ nầy :
Eusebiô thành Corscerea (265-340) với hai tác phẩm : Praeparationis Evangelicae Libri XV và Demonstrationis Evangelicae Libri XX, đã xứng đáng danh hiệu "tổ phụ khoa
hộ giáo". Người cũng là nhà sử học của Giáo hội.
Thánh Augustinô (354-430) với tác phẩm De Civitate Dei trong đó trình bày chương
trình của Thiên Chúa quan phòng trong lịch sử. Người chứng minh sự kiệt
quệ, bất lực, nghèo nàn của các tôn giáo trong đế quốc (Lamã), ngay cả trong
lãnh vực hạnh phúc trần gian. Việc đế quốc sụp đổ chưng tỏ sự thắng thế của
Thành Trì Thiên Chúa lấn át thành trì của ma quỉ.
Người còn viết những tác phẩm khác, bao gồm yếu tố hộ
giáo, như De vera Religione (khoảng 389-391); De Utilitate Credendi (391-392) ;
De Fide rerum quae non videantur
(400).
4. Hộ giáo đời trung cổ
Ngoại giáo đã tàn dần (xã hội Tây Âu) với những sai lầm
của họ. Kitô giáo đã chiếm được địa vị vẻ vang và các tổ chức của Giáo hội về
nhiều mặt đã khá vững chắc. Các tiến sĩ kinh viện, ngoài việc nhấn mạnh đến nền
tảng đức tin để làm phát triển thần học, cũng tỏ ra rất quan tâm về hộ giáo
bằng chú trọng đặc biệt đến những tương đồng, tương quan của mạc khải với các
tư tưởng triết học. Hộ giáo ở thời kỳ nầy chính yếu nhằm về "đề
kháng" các tấn công của Do Thái, Hồi giáo, nhất là của các triết gia Ả
rập, mang nặng tinh thần quốc gia quá khích. Tóm tắt như sau.
* Ở thế kỷ VII và VIII, bên phía Tây phương của Giáo hội,
có thánh Isodore (Tây ban nha) và bên Giáo hội Đông phương có thánh Jean
Damascène. Các Người cũng được coi là "các Giáo phụ cuối cùng"
* Kinh viện học phải mở đầu với thánh Alselmô (1109).
Người đưa ra giải đáp những thắc mắc của người tín hữu muốn tìm hiểu những điều
họ tin. Nguyên tắc căn bản Fides quaerens
intellectum" được đề ra, các nhà kinh viện dùng lý luận chứng minh
"sự hợp lý" của đức tin kitô giáo.
* Thánh Thomas d'Aquin (1225-1274) được coi là "ông
hoàng của kinh viện và hộ giáo mà người kể là "phận sự của thần học"
(functio theologica). Tác phẩm nổi tiếng nhất về hộ giáo của người là bộ Summa
contra Gentiles, trong đó (dùng triết học
Aristote) người ra công minh chứng bằng lý luận những chân lý đức tin Kitô
giáo. Tác phẩm chủ yếu nhằm phi bác lý luận của Averroès, một triết gia Hồi
giáo (cũng chấp nhận triết học
Aristote). Không những người trình bày mặt tiêu cực : chứng tỏ không một chân
lý triết học nào (hiểu theo nghĩa đứng đắn) lại nghịch với đức tin Kitô giáo.
Nhưng người cũng đưa ra những lý lẽ tích cực rút từ cuộc sống cụ thể Kitô giáo.
* Đồng thời với thánh Thomas, còn phải kể đến Raymond
Martin (1286) tác giả cuốn Pugio Fidei
adversus Mauros et Judeos, vừa phi bác những tấn công của Mauros (Ả rập và
Do thái), vừa trình bày đức tin của người kitô hữu chính là đức tin của các tổ
phụ, ngôn sứ của Cựu Ước.
* Cũng nên nói đến công của một số nhà hộ giáo gốc Do
thái (đã trở lại kitô giáo) như Paul Alvare de Cordone (thế kỷ XI), Pierre
Alphonse và Hermann (tk XII), Jérome de sainte Foi (tk XIV), Paul Marie, tức
Salomon Ben Levi (tk XV). Họ đã trở thành những chiến sĩ đắc lực cho tôn giáo
mới mà họ tin theo.
* Qua thời đầu của nền phục hưng, với ảnh hưởng triết học
Platon về "Chân, Thiện, Mỹ", tu viện trưởng Suvonarole OP (1452-1498)
trong tác phẩm Triumphus Crucis (hoặc De
Veritate fidei - Florence 1497), đã nêu lên những hậu quả tốt đẹp và thánh
thiện của kitô giáo. Cũng đường hướng đó Marcilio Ficini (khoảng 1474) đã viết
cuốn De Religione Christiana (Bâle 1543),
Louis Verès (Tây ban nha 1429-1540) đưa ra những lý do xác đáng của mạc
khải và sự cao vượt của giáo thuyết kitô giáo (so sánh với Do thái và Hồi
giáo).
5. Từ thế kỷ XVI
Với sự phát sinh của "phong trào cải cách" do
Martin Luther khởi xướng (1543), các nhà hộ giáo (công giáo Lamã) phải đương
đấu với những "đối thủ" mới (nhóm Tin lành ly khai). Đường hướng hộ
giáo cũng xoay chiều : phía Tin lành phủ nhận điều căn bản là "quyền bính
của Giáo hội". Từ đó đưa ra những sự từ chối nhiều về chân lý mạc khải,
tín điều cổ truyền khác. Do đó, (bên phía công giáo Lamã) đã xuất hiện một số
nhà hộ giáo nổi danh, đưa ra những luận cứ vững chắc, bênh vực Giáo hội.
* Đầu tiên phải kể đến thánh Robertô Bellarminô
(1542-1620) với tác phẩm Disputatione de
Controversiis Christi-anae Fidei (do ảnh hưởng của Công đồng Trentô). Những
vị khác như thánh Franìois de Sales (1567-1662) ; Hồng y P. de Bérulle
(1575-1629). Giám mục Bossuet (1627-1704) và Giám mục Fénelon (1651-1715) cũng
là những nhà hộ giáo lừng danh, thời kỳ nầy, vì các anh em Tin lành còn chấp
nhận "nền tảng Kinh Thánh", nên các cuộc bàn cãi mang tính chất thần
học hơn là hộ giáo.
* Đại văn hào Pascal (Pháp 1623-1662) cũng đã góp công
lớn vào hộ giáo, với một đường hướng mới mẻ (đặc biệt trong tác phẩm Pensée sur
la Religion chưa hoàn tất - Edit intégrale 1884). Ông không từ bỏ hộ giáo
truyền thống, mà còn tìm ra những lý chứng mới trong bản tính nhân loại mà
phong trào phục hưng đề cao.
* Thế kỷ XVIII còn được ghi dấu đậm về hộ giáo trong Giáo
hội với một số tác phẩm nổi danh khác : Demonstratio Evangelica của Huet, De
Veritate Religionis Christinae, Gro-tius.
* Sang thế kỷ XVIII, thời đại của nhóm "Bách khoa tự
điển" (Encyclopédique) với tinh thần "bài ca tôn giáo" về mọi
mặt (đưa đến cuộc cách mạng Pháp 1789). Rồi từ ảnh hưởng của "sự phản tính
tự do" bên Tin lành đưa đến "cá nhân chủ nghĩa" chối bỏ hầu như
toàn bộ nền tảng đức tin. Nơi Giáo hội công giáo, cũng xuất hiện nhiều nhà hộ
giáo nổi danh : tại Pháp có thể kể Guénée de Feller, Barruel d'Aguesseau,, Hồng
y De la Lugerue. Bên Ý và Đức có : Hồng y Gotti Valschi, th. Alphonse de
Liguori, M. Gerbert, Statler, Zimmer, Neubauer.
Nói chung, thời kỳ nầy hộ giáo vốn giữ quan niệm cỗ
truyền về luận cứ đức tin, cũng như tính cách khả tín của những sự kiện tôn
giáo. Nhưng điều đáng quan tâm là thời kỳ nầy xuất hiện nhiều thiên khảo luận
về tôn giáo và Giáo hội. Khoa hộ giáo cũng được coi là "có hệ thống ấn
định" với nội dung rõ ràng, tuy đường lối trình bày vốn lệ thuộc khoa thần
học.
Những tác phẩm đáng lưu ý hơn cả, phải kể đến thiên khảo
luận về Giáo hội : La vera Chiesa di Gesu
Cristo của Hồng y Gotti (Ý), sau đó J. Hooke đã soạn cuốn "Religionis
natalis et Revelata principia" được
coi như hình thức quyết định của khoa hộ giáo đương thời.
6. Từ thế kỷ XIX
Ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm đã đưa đến sự chối bỏ
"siêu nhiên" (từ đó không còn chấp nhận giá trị của các sự kiện tôn
giáo, đức tin, nhất là mạc khải). Nơi Giáo hội xuất hiện những nhà hộ giáo với
những cái nhìn mới của thời đại.
* Trước hết phải kể đến văn sĩ Chateaubriand (Pháp
1768-1818), với tác phẩm : Le génie du
christianisme (Paris 1802). Ông đã trình bày vẻ mỹ lệ của đạo công giáo và
từ đó chứng tỏ các chân lý đức tin chân thật.
* Lacordaire OP (1865), nhà hùng biện trứ danh Pháp đã có
những "bài giảng" tại thánh đường Notre Dame de Paris, đề cao phương
diện xã hội và luân lý Kitô giáo. Người cũng đòi nhà cầm quyền trả lại tự do
cho các hoạt động dòng tu trong Giáo hội, và nêu lên những ích lợi cho chính xã
hội do sinh hoạt các dòng tu cung cấp.
* Tại Pháp cũng còn nhiều người tên tuổi khác, như L.
Gratry, Montalambert, Mgr Bougand, L. De Broglic.
* Tại Tây ban nha có Jacques Balmès (1848), Donoso Cates
(1853), J.M. Guadrado.
* Bên Đức phải kể đến A. Moehler, Doellinger, F.
Heltinger, A.M. Weiss, P. Von Schanz.
* Nước Ý trẻ cũng góp mặt : Mangoni, Ventura, Ferrone.
* Đặc biệt là Hồng y Deschamps ở Bỉ đã có thêm những mới
mẻ trong phương pháp hộ giáo, với tác phẩm Entretien sur la Démonstration Catholique de la Révélation chrétienne (1857).
Ở cuối thế kỷ XIX xuất hiện một số học giả nghiêng về
phương pháp nội tại trong khi trình bày đức tin, như O. Laprune (1898), G.
Fonsegrive (1852-1917), sau đó đã được M. Blondel (1861-1949) và L.
Laberthonière (1860-1932) xây dựng hoàn chỉnh hơn.
Ngoài ra cũng phải kể đến một số học giả chuyên môn về
các môn khác, nhưng cũng gắng công khai thác khoa chuyên môn của mình để minh
chứng Đạo mạc khải.
* Sử học có : Gorini, Ozanam, Gode Froid Kurt, Goyan,
Daniel Rops.
* Khảo cổ học : FB. Rossi, Magarita, Guardueci, Ferrua.
* Khoa học tự nhiên : Albert de Broglie, Le Roy,
Boullaye, Broes, Schmids.
MẠC KHẢI
TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Mạc khải là một thực thể cơ bản của Kitô giáo. Nói khác
đi Kitô giáo (nối tiếp Do thái giáo) là một tôn giáo dựa trên nền tảng mạc khải
là hành vi của Thiên Chúa, những gì Thiên Chúa thực hiện thì kỳ diệu mầu nhiệm,
qua đó con người được Thiên Chúa tỏ mình cho. Nhờ mầu nhiệm mạc khải, con người
được Thiên Chúa thông ban cho tất cả các mầu nhiệm khác. Mạc khải làm cho con
người hiểu biết về ơn cứu rỗi và các phương thế để đạt tới ơn cứu rỗi đó. Vì
thế Kitô giáo đã có biết bao cố gắng để bàn giải về mạc khải. Tuy nhiên vì là
một mầu nhiệm không bao giờ con người có thể thấu triệt được đầy đủ hoàn toàn.
Mỗi cố gắng bàn giải về mầu nhiệm cơ bản nầy, đều có giá trị "tương
đối" của nó. Nhưng về phía con người, công việc đó còn phải tiếp tục. Công
đồng Vaticanô II nói được là của "thời đại chúng ta", mặc dầu rất ý
thức về những gì đã được trình bày trong Giáo hội về Mầu nhiệm nầy, cũng đã
dành cả một Hiến chế, để góp phần làm sáng tỏ thêm "Hiến chế tín lý về mạc
khải của Thiên Chúa" (Dei Verbum :
Lời Thiên Chúa). Đó là chưa kể các văn kiện khác của Công đồng cũng chứa
đựng nhiều điều có tương quan liên hệ dến mạc khải. Công đồng tuyên bố :
"Bởi thế noi
gương Công đồng Trentô và Vaticanô I, thánh Công đồng nầy muốn trình bày giáo
lý chân thật về mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền mạc khải ấy, để khi nghe
công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo để nhờ tin mà hy vọng và nhờ hy
vọng mà yêu mến" (DV 1).
Bàn về chính việc mạc khải, văn kiện của Công đồng viết :
"Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan
đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết Mầu nhiệm Thánh ý Người
(Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời
nhập thể trong Chúa Thánh thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (Ep
2,18; 2Pr 1,4). Trong việc mạc khải nầy, với tình thương chan chứa của Người,
Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu
(Xh 33,11; Ga 15,14-15). Người đối thoại với họ (Bar? 3,38) để mời gọi và đón
nhận họ hiệp nhất với Người. Công việc mạc khải được thực hiện bằng các hành
động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện
trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố
giáo lý và những điều được giải thích thì công bố việc làm và khai sáng mầu
nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ Mạc khải nầy, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng
như về phần rỗi con người được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng trung gian, đồng
thời là sự viên mãn của toàn thể Mạc
khải" (DV 2).
Bằng những xác quyết ngắn gọn và súc tích ở chương I của
Hiến chế, Công đồng đã trình bày rõ ràng về sự kiện Thiên Chúa mạc khải chính
mình, cũng như các giai đoạn mạc khải, được hoàn thành trong Đức Kitô. Nói khác
đi, người ta tìm được ở đây sự giải đáp cơ bản cho những thắc mắc về mạc khải
như : nguồn gốc, mục đích, đối tượng, sự cần thiết, của mạc khải.
Phần khảo luận nầy có mục đích tìm hiểu tổng quát về việc
mạc khải, dựa trên những gì đã được xác quyết trong giáo thuyết của Giáo hội.
Sau khi đã tìm hiểu phân tích từ ngữ để hiểu ý niệm, ta sẽ bàn đến mạc khải
siêu nhiên, nêu lên bản chất, đặc tính, sự khẩn thiết và thích hợp của mạc
khải, cũng như dấu chỉ để nhận ra mạc khải đã được thực hiện tiệm tiến trong
lịch sử. Từ đó có được cái nhìn bao quát của vấn đề mạc khải. Với chủ đích làm
sáng tỏ "nền tảng" của khoa thần học, là khoa học về mạc khải, ở đây
ta chỉ nêu lên đại cương sự hữu lý của việc mạc khải cách chung. Còn việc đề
cập đến từng sự kiện mạc khải đã được thể hiện cụ thể và chi tiết với những lý
chứng rõ ràng, sẽ được dành cho các thiên khảo luận về thần học, nhất là trong
phần khảo luận về Đức Kitô, mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa và nền tảng đức
tin kitô giáo.
I. TỪ NGỮ VÀ Ý NIỆM
Thường ý niệm được diễn tả bằng một hay nhiều từ ngữ.
Nhưng việc dùng từ ngữ để diễn tả không phải luôn luôn tương xứng, nhất là đối
với ý niệm thuộc lĩnh vực siêu nhiên (về mầu nhiệm).
1. Phân tích từ ngữ
Khảo sát cụ thể, ta đi từ việc phân tích từ ngữ trong
tiếng Việt, phiên dịch của những từ La ngữ và Hy lạp (được chính thức dùng
trong giáo thuyết của Giáo hội).
a) Từ Việt ngữ
Người ta tìm thấy hai từ ngữ quen
được dùng trong vấn đề : Mạc khải và Mặc khải. Cả hai đều là chữ hán.
* Chữ "mạc" có nghĩa
"cái màn", chữ "khải" có nghĩa "vén tỏ". Như thế,
theo nghĩa đen, mạc khải là vén tỏ bức màn che khuất điều gì đó. Nhờ đó điều bị
che khuất được tỏ hiện rõ ràng, được nhận ra, được biết.
* Chữ "Mặc" có nghĩa
"mực, đen, kín" tức là đen
tối, kín lặng, thâm trầm. Vậy "Mặc khải" được coi là cất bỏ sự gì đen
tối, kín đáo, phơi bày ra ánh sáng.
Hai từ trên tuy có khác nhau về
nguồn gốc, kết cấu, nhưng tựu trung chúng cùng có ý nghĩa, có thể coi là giống
nhau : vén tỏ cho biết sự gì tự nó chưa được rõ ràng, còn bị che khuất. Chúng
có thể được dùng như một động từ nhưng cũng có thể được coi là một danh từ. Tuy
nhiên từ ngữ "mạc khải" có vẻ chính xác hơn so với từ ngữ nước ngoài
(Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây ban nha, không "dịch" chỉ "phát âm
riêng" của La ngữ).
b) Từ ngữ Latinh
Revelatio được coi như ghép bởi Velum (cái màn) và tiền tố Re (xa ra, tháo gỡ). Như vậy từ mạc
khải có nghĩa tương đương.
2.
Ý niệm nội dung
Đây là từ ngữ diễn tả ý niệm tôn
giáo, phải được hiểu về việc Thiên Chúa mạc khải, nghĩa là Người tỏ mình và
chương trình, ý định của Người cho loài người, mà đối với trí khôn loài người
bị che lấp, vì là mầu nhiệm. Cần phân biệt :
* Mạc khải khác với Thần hứng (hoặc linh ứng, inspiratio), vì thần hứng tự nó không
đem lại một chân lý nào mới. Nó chỉ là ơn thúc đẩy, nâng đỡ cho ký giả (các
tác giả Kinh Thánh hoặc Thánh Sử) phán đoán và viết đúng như ý Thiên Chúa muốn,
dầu là những điều biết được một cách tự nhiên (do truyền thống). Tất nhiên mạc
khải có thể đi kèm theo ơn linh ứng. Tuy nhiên hai quan niệm vẫn hoàn toàn cách
biệt về ý nghĩa.
* Mạc khải cũng không phải là kiến thức thiên phú (science infuse) vì kiến thức
thiên phú chỉ sự thông truyền chân lý cho những ảnh niệm Thiên Chúa tác tạo
trong trí năng con người ; chân lý được chấp nhận không phải nguyên bởi thế giá
của Thiên Chúa (mạc khải) nhưng bởi chân lý sáng sủa, rõ ràng.
* Mạc khải cũng không phải hoàn toàn đồng nghĩa với tiên
tri (prophétie) vì tiên tri là ơn linh ứng soi sáng. Thiên Chúa ban cho một
người nào, để họ rao truyền, công bố chân lý đã thu nhận được, cho người khác, hoặc bằng lời nói, hoặc
bằng văn tự. Thực ra bao giờ tiên tri cũng hàm ý mạc khải, hoặc kiến thức thiên
phú, nhờ đó thánh ý Thiên Chúa được biểu thị. Nhưng có thêm một điều là có mệnh
lệnh công bố loan truyền cho người khác chân lý đã lĩnh nhận. Như trường hợp
các ngôn sứ của Cựu Ước, các ngài nhận được "mạc khải siêu nhiên trực tiếp
từ Thiên Chúa, rồi các ngài phải thi hành" điều Thiên Chúa muốn, (như
"nói lại" cho vừa, cho đến...vì thế gọi các ngài là ngôn sứ).
Chủ động mà xét thì mạc khải là một hoạt dộng, khởi đầu
do sáng kiến của Thiên Chúa (ý nghĩa chính là nói về mạc khải siêu nhiên sẽ được bàn sau),
một biến cố, một cử chỉ tình yêu của Người : Thiên Chúa tự hạ mình xuống, đến
gặp con người đáp trả bằng đức tin, để được thông hiệp vào đời sống của Thiên
Chúa. Hoạt động mạc khải của Thiên Chúa bao gồm ba yếu tố chính : tỏ mình (cho
biết), kêu gọi và thông ban (về phía Thiên Chúa thực hiện mạc khải). Mạc khải
được hiểu vừa về tác động bày tỏ, vừa về điều
được bày tỏ.
II. CÁC ĐƯỜNG MẠC KHẢI
Thiên Chúa "tỏ ra và cho ta biết" mầu nhiệm
Thánh ý Người cách gián tiếp hoặc trực tiếp mà từ ngữ chuuyên môn goi là
"mạc khải tự nhiên" và "mạc khải siêu nhiên".
1. Mạc khải tự nhiên
Đây là mạc khải được thể hiện trong vũ trụ thiên nhiên,
trong mọi công trình sáng tạo và an bài của Thiên Chúa. Nhờ vũ trụ thiên nhiên
với muôn vẻ mỹ lệ, huy hoàng, con người dựa vào nguyên tắc nhân quả, có thể
nhận biết đấng Tạo hóa. Từ ngữ mạc khải ở đây hiểu theo nghĩa rộng.
Trong phần bàn về nguồn gốc tôn giáo, ta đã thấy
"nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí,
từ những tạo vật, con người có thể biết được chắn chắn Thiên Chúa là nguyên ủy
và cứu cánh muôn vật" (DB 1785). Giáo lý công giáo từ Thánh Kinh, Thánh Truyền, đến giáo huấn của Giáo hội ủng
hộ đều quả quyết như trên.
Nhìn về mạc khải, khi coi mạc khải là hành vi của Thiên
Chúa, ta có thể khẳng định : Thiên Chúa là Chúa Tể mọi sự và tạo dựng nên mọi
loài. Người có thể dùng "bất kỳ điều gì vật nào, để mạc khải theo ý Người
muốn. Người để lại dấu vết quyền năng và sự "hiện hữu của Người nơi mọi
vật thụ tạo, Người ban cho con người khả năng khám phá (bằng lý luận và sự hiểu
biết hữu lý của lý trí) để nhận ra Người nhờ các dấu vết có nơi thụ tạo. Dĩ
nhiên đây chỉ là mạc khải gián tiếp, nên rất lu mờ.
Sau đây ta nhắc lại vấn đề với hai khía cạnh : tích cực,
xét theo khả năng và tiêu cực, vì bị hạn
chế.
a. Khả năng tích
cực.
Ca dao Việt nam có câu : "Núi kia ai đắp mà cao,
sông kia bể nọ ai đào mà sâu ?
Sách Luận ngữ của Nho giáo cũng có một câu rất thâm thúy
"Thiên hà ngôn tại, tứ thời hành yêu, bách vật sinh yêu" - trời có
nói gì đâu, nhưng bốn mùa chuyển vận, trăm loài sinh nở. Thiên nhiên vạn vật tự
nó biểu lộ những kỳ diệu ngay trong chính sự hiện hữu của chúng, được coi như
tự nhiên, bình thường của chúng - nhưng không thể coi là tầm thường.
Thánh vịnh (19A) cũng nói : "Trời xanh tường thật
vinh quang Thiên Chúa, không trung laon báo việc tay Người làm" (Tv18,2).
Như thế về mặt khả năng tạo vật, muôn loài có thể được
coi là sự biểu lộ quyền năng vô biên Đấng Tạo hóa, đều phơi bày những điều kỳ
diệu và thực sự là những kỳ công. Tuy nhiên sự nhận thức về những kỳ công đó lệ
thuộc nơi con người : chủ thể nhận biết là con người.
Giáo lý công giáo : con người có khả năng nhận biết Thiên
Chúa, nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí. Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích
của mọi sự có thể được nhận biết cách xác tín dưới ánh sáng tự nhiên của lý trí
con người nhờ các thụ tạo ; nhờ vào công cuộc tạo dựng vũ trụ, con người có thể
chiêm ngắm được Thiên Chúa (Rm 1,20).
b. Hạn chế tiêu cực.
Dù tất cả vũ trụ vạn vật đều mang dấu vét của sự hiện hữu
quyền năng của Đấng Tạo thành, chúng cũng lại là những chướng ngại vật cho con
người, trên đường tìm đến sự hiểu biết Người.
Trong sách Khôn ngoan, sau khi đã đề cập tới sự thờ cúng
của các tôn giáo của những dân ngoại giáo, đã mô tả hai hình thức tôn thờ ngẫu
tượng :
* Hình thức của những kẻ "thần linh hóa" chính
thiên nhiên và các sức mạnh của nó. Hạng người nầy chỉ đáng trách phần nào, và
họ có lẽ lầm lạc, vì mê cái đẹp của thiên nhiên mà họ cho chúng là thần. Họ
mang lấy lỗi kể từ khi họ ngừng trên tạo vật : "Vì khả năng đạt tới một
tri thức như thế, họ có thể truy tầm về vũ trụ, thì làm sao lại không khám phá
ra chúa tể của các vật ấy. (Rm 13,3-9).
* Hình thức của
những người thờ kính ảnh tượng do con người làm ra. Hạng người nầy quả là đáng
trách vì họ thờ kính ngẫu tượng (theo nghĩa hẹp), và Kinh Thánh có rất nhiều
nơi lên án việc thờ kính ngu muội nầy (St 14,8,9,15,27).
Theo thánh Phaolô, mọi người dù Do thái hay dân ngoại,
đều cần tới ơn cứu độ do công cuộc của Chúa Kitô, vì tất cả đã phạm tội. Tội
người dân ngoại vì đã từ chối nhận chân lý về Chúa. Vũ trụ như một cuốn sách mở
rộng, trong đó khi suy tư với lý trí, con người có thể đọc thấy sự hoàn thiện
của Thiên Chúa. Vũ trụ như sự tỏ mình của Chúa tồn tại mãi. Người ngoại giáo có
thể nhận biết Chúa. Họ thực sự nhận ra, tuy họ không nhận đúng, không dâng cho
Người những lễ dâng xứng đáng. Nếu họ lại thờ ngẫu tượng họ trở thành người
điên rồ và không thể hiểu được (Rm 1,18; Cv 14,15; 17,22-29). Như thế, dù quả
quyết về khả năng, thánh Phaolô cũng thừa nhận sự yếu kém của khả năng thực tế
: con người thường bị thiên nhiên "lừa dối", làm cho sai lầm.
Giáo thuyết của Giáo hội, đặc biệt qua sự xác quyết của
Công đồng Vaticanô I (1869-1870) chấp nhận khả năng đó, nhưng không đề cập sự
nhận biết Thiên Chúa qua con đường mạc khải tự nhiên nầy. (dù có thực sự nhận
ra, cũng không hoàn toàn chối bỏ được mặt ân sủng).
Sự mạc khải tự nhiên về Thiên Chúa là sự mạc khải bất
toàn. Các vật hữu hình là những dấu chỉ ít thích hợp với việc Thiên Chúa
"tỏ mình ra". Các dấu chỉ đó chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và
loài người, vì thế không dẫn tới và không có thể dẫn tới sự nhận biết sâu đậm,
có tính cách cá nhân, cá thể và đem tới sự hiệp thông trực tiếp. Qua sự hiện
hữu của đau khổ và sự chết. Lẽ dĩ nhiên là không thể cắt nghĩa nổi sự Thiên
Chúa tỏ mình ra. Sự nhận biết qua những sự vật
đã được dựng nên không những là sự bất toàn, mà còn là sự khó hiểu. Sự
mạc khải tự nhiên còn là ngưỡng cửa của mầu nhiệm, nhưng chưa vào trong mầu
nhiệm. Được sự mạc khải tự nhiên nói về Thiên Chúa, nhưng chưa phải chính Thiên
Chúa đích thân "phán và cắt nghiã". Phải đợi việc "phán và cắt
nghĩa" của Thiên Chúa, con người mới biết được chính xác và rõ ràng về
Thiên Chúa. Và ngay cả về những gì trí khôn con người có thể biết được. Công
đồng Vaticanô II dạy : "Chính nhờ Thiên
Chúa mạc khải mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không vượt quá
khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể
biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm". Đó là mạc
khải siêu nhiên.
2. Mạc khải siêu nhiên
Đây là mạc khải chính cống, theo nghĩa hẹp chuyên môn của
thần học : "Chính Thiên Chúa đích
thân can thiệp vào lịch sử con người. Người "phán và cắt nghĩa" (mạc
khải qua lời nói và hành động) những gì Người muốn cho ta biết, thông ban cho
ta những gì ta cần. Chính Thiên Chúa đã hạ mình xuống với chúng ta, dùng ngôn
ngữ thích ứng của chúng ta, diễn tả tư tưởng Người bằng kiểu nói của chúng ta,
tiếp nhận cuộc sống của chúng ta, cho dù là yếu hèn đi nữa : Thiên Chúa nhân
lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu
nhiệm thánh ý Người" (DV 2; Ep 1,9). Trong phần khảo luận dưới đây,
khi dùng từ ngữ mạc khải tức là ý nói mạc khải siêu nhiên.
A. BẢN CHẤT MẠC KHẢI
Con người thường thông hiệp với nhau qua ngôn ngữ và cử
chỉ, hành động có ý nghĩa. Mạc khải cho con người, Thiên Chúa cũng dùng những
phương thế của con người, như Công đồng Vaticanô II đã quả quyết "công cuộc mạc khải nầy được thực hiện bằng các
hành động và lời nói liên kết với nhau"(DV 2).
1. Lời nói của
Thiên Chúa
Thiên Chúa vô hình, huyền bí và siêu việt, vì tình thương
bao la đã "ngõ lời" với loài người. Thư gửi Do thái bắt đầu bằng câu
"Đã nhiều lần cùng nhiều cách, xưa
kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nơi các tiên tri" (Dt 1,1). Từ
"nói" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, theo thực tế
lịch sử, Thiên Chúa đã trực tiếp "phán" với Abraham, các tổ phụ,
Môisen và qua những con người được Thiên Chúa kén chọn. Những lời của Thiên
Chúa "nói" bằng biểu thức nhân loại cho những con người cụ thể. Họ được
Thiên Chúa tác động, soi sáng, để hiểu Người và trở nên những người cắt nghĩa
thánh ý Người trong lịch sử.
Vì Lời của Thiên Chúa là Lời phần rỗi, nên không thể vang
lên một cách vô ích, hoặc được giải thích như một khái niệm trừu tượng, nhưng
luôn sinh động. Lời của Thiên Chúa là tiếng mời gọi đối thoại, thông hiệp : "Nhờ đó loài người có thể đến cùng
Chúa Cha, nhờ Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần và được thông
phần bản tính của Thiên Chúa" (DV 2 ; Ep 2,18; 2Pr 1,4). Mục đích của
mạc khải là cứu độ con người, chứ không phải để thỏa mãn óc tìm tòi "tò
mò" của trí khôn con người, ai coi mạc khải chỉ ở phương diện khái niệm,
hoặc như một mớ khái niệm, họ sẽ ở ngoài nhiệm cục cứu độ được diễn ra trong
lịch sử ; nơi lịch sử đó chúng ta thấy Thiên Chúa Đấng đã nói cho nhân loại và
làm cho nhân loại hiểu Người muốn gì. Lời của Thiên Chúa là Lời hằng sống.
Tuyệt đỉnh của Lời Thiên Chúa là Thiên Chúa Ngôi Con được Thiên Chúa Ngôi Cha
ban cho con người. Người là Lời của Thiên Chúa hằng sống. Nhập thể diễn tả
thông hiệp và soi sáng mọi người (LG 1,9).
2. Các hành động
Thiên Chúa không chỉ mạc khải qua "Lời nói",
nhưng còn "thể hiện bằng các hành động". Đó là điều Công đồng đã làm
sáng tỏ. Nền thần học kitô giáo "tiền Công đồng", thường chỉ coi mạc
khải như "Lời nói", còn các hoạt động của Thiên Chúa bị coi là thứ
yếu. Như vậy là vì ảnh hưởng của triết học Hy lạp thường đồng hóa Lời với Chúa,
"Chân lý được mạc khải trong lịch sử". Hiến chế "Lời Chúa"
muốn đề cao việc Thiên Chúa tự mạc khải "bằng các hành động và lời nói
liên kết mật thiết với nhau". Từ ngữ "hành động" (gesta cũng
dịch được là "cử chỉ") có một ý nghĩa bao quát hơn là "hành
động" (để chỉ những việc làm, facta
có vẻ thiên về tác động vật chất). Các hành động bao gồm : "Công việc,
cử chỉ, dấu hiệu, biến cố cũng như những can thiệp lạ thường trong lịch
sử". Ví dụ : việc Thiên Chúa chọn và gọi các tổ phụ, các ngôn sứ cũng như
cả dân riêng. Việc Đức Kitô thể hiện các "dấu lạ", chữa bệnh, trừ
quỉ, tất cả những hành động đó được bao hàm trong "kế hoạch cứu độ"
của Thiên Chúa, và khi được thể hiện thì mạc khải chính là kế hoạch đó (từng
phần). Hành động tột đỉnh được coi là biến cố trổi vượt nhất, là Ngôi Lời nhập
thể : Người hiện hữu, hoạt động, nhất là qua cái chết của Người.
3. Tương quan giữa hành
động và lời nói
Tương quan giữa hành động và lời nói là điều phải được
chú tâm đặc biệt vì lời nói và hành động liên đới, bổ túc, soi sáng lẫn nhau.
Đôi khi một hành động (như một biến cố, một sự kiện lịch sử) có thể trở nên khó
hiểu, hàm hồ vì có nghĩa quá phong phú, sâu xa, hoặc chỉ xảy ra một lần độc
nhất, để lướt thắng những khó khăn, hàm hồ đó, "Lời nói" được dùng
cắt nghĩa mầu nhiệm được chứa đựng trong hành động. Chẳng hạn, Lời Thiên Chúa
phán với Môisen giải thích ý nghĩa việc dân Do thái được cứu khỏi tình trạng nô
lệ Ai cập. Các lời Đức Kitô đã nói "tiên tri" về cái chết và phục
sinh của Người giúp các tông đồ khám phá ý nghĩa mầu nhiệm thập giá. Lời thánh
Phêrô giảng trong buổi lễ Ngũ tuần (Hiện
Xuống) chứng thực rằng : các tông đồ hoạt động theo sự tác động của
Thánh Thần (chứ không phải là say rượu 2, 16-18).
Ngược lại nhiều khi các hành động (sự cố, công việc) kiện
cường chân lý của lời nói bằng việc thể hiện những việc đã nói. Như việc xuất
Ai cập kiện cường lời hứa "Thiên Chúa sẽ cứu dân Người".
Việc chữa lành người bệnh bại liệt chứng tỏ hiệu năng lời
tha tội của Đức Giêsu đã nói (Mt 9,6).
Các lời nói và các sự kiện (coi là hành động của Thiên
Chúa) xen lẫn nhau, tạo cho mạc khải có tính lịch sử. Mạc khải được thể hiện
trong lịch sử cho con người trong lịch sử. Nó là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người cụ thể của lịch
sử. Nó được thể hiện cách tiệm tiến, do chính Thiên Chúa chủ động. Nó được đưa
đến tột đỉnh là chính Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể. Người là Lời ỏ nơi Thiên Chúa
(Ga1,1), Lời sự sống (1Ga 1,1), qua Người "vào thời gian sau hết, tức là
những ngày nầy, Thiên Chúa đã nói với chúng ta" (Dt 1,2) trong biến cố
Nhập thể và cứu chuộc Người thực hiện.
Tóm lại, Mạc khải là hành vi Thiên Chúa thực hiện để tỏ
hiện chính Người về ý định cứu rỗi nhân loại của Người. dù việc tỏ hiện đó là
lời nói hoặc một dấu chỉ gì (như biến cố trong lịch sử, một hành động can thiệp
trực tiếp) được ban ra cho con người từ Thiên Chúa, thì tất cả đều liên kết có
tương quan với nhau và đưa đến cùng đích là cứu rỗi loài người. Tất cả đều
hướng về Đức Kitô, Đấng cứu rỗi loài người.
B. CÁC ĐẶC TÍNH CỦA MẠC KHẢI
Phân tích các văn
kiện Công đồng, một số đặc tính căn bản của mạc khải cũng thấy xuất hiện rõ
ràng.
1. Mạc khải có tính cách
"liên ngôi vị"
"Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải
chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người" (DV 2). Chính
Thiên Chúa là Đấng khởi đầu sự mạc khải, Người muốn và Người thực hiện điều
Người muốn. Mạc khải được coi là "cuộc gặp gỡ" giữa Thiên Chúa và
những người được Thiên Chúa tuyển chọn (Cựu Ước). Vì tình thương chan chứa,
Thiên Chúa vô hình ngõ lời với loài người như với bạn hữu. Người đối thoại với
họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người (DV 2). Bằng mạc khải Người
đến với con người như một chủ thể, "một ai"đó.
Những người được
Thiên Chúa chọn (các tổ phụ, các ngôn sứ) cũng là những người được mời gọi và
"được Thiên Chúa đối xử như bạn hữu", như những chủ thể khác. Mạc
khải có tính cách cá thể, như "cái tôi" với "cái anh". Tính
cách "Liên Ngôi vị" (Revelatio interpersonalis) làm nổi bật mạc khải
siêu nhiên và làm phân biệt hẳn với mạc khải tự nhiên (tự mình nhận thức được).
Tính cách nầy biểu lộ tuyệt hảo việc Ngôi Lời nhập thể.
2. Mạc khải có tính cách "nhưng không"
Mạc khải là do lòng
nhân hậu của Thiên Chúa. Người hoàn toàn tự do và việc Người đến gặp gỡ con
người là hành động ban ơn nhưng không (Révélation grâcieuse). Chính nhờ tình
thương của Người mà con người được chiếu cố, vốn Người cũng để con người được
tự do tiếp nhận và đáp trả hồng ân của Người, vì mạc khải là một sự hiệp thông
: con người được mời gọi và đón nhận vào thông hiệp với Người.
3. Mạc khải có tính cách cứu độ
"Thiên Chúa muốn dùng mạc khải để bày tỏ và thông
ban chính mình Người, cùng những ý định muôn đời của Người liên quan đến phần
rỗi của nhân loại" (DV 6). Mạc khải không phải là một sự thông đạt kiến
thức, ý niệm hay các chân lý, nhưng chủ yếu là có mục đích cứu rỗi con người
nghĩa là để con người được thông phần vào đời sống của Thiên Chúa. Tất cả mạc
khải tiệm tiến tạo thành lịch sử Ơn Cứu
độ và qui hướng về Đấng Cứu thế là Đức Kitô, trung tâm của lịch sử cứu độ và
cũng là mạc khải trọn vẹn : "Đấng là Trung gian đồng thời là viên mãn của toàn thể mạc khải" (DV 2).
4. Mạc khải có tính cách xã hội
Dù được coi là "cuộc gặp
gỡ" liên ngôi vị, có tính cách cá thể , nhưng mạc khải nhằm toàn thể nhân
loại, chính vì đặc tính cứu độ : để mọi người ý thức được về sự hiệp thông trong tình yêu thương, trong ơn cứu độ, điều
này được biểu lộ qua đời sống của từng "vị ngôn sứ". Qua mạc khải các
ngài lĩnh nhận sứ điệp và có nhiệm vụ công bố cho toàn dân. Mạc khải là đoàn
sủng, thường được trao ban cho những cá nhân được Thiên Chúa tuyển chọn. Về mặt
nầy mạc khải cũng được coi là có tính "phẩm trật" (ngôn sứ, tông đồ,
Giáo hội). Mạc khải cũng được coi là "phổ quát" cho mọi người, mọi
thời : "Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi" (không loại
trừ). Đến nhà ông Cornêliô ở Xê-da-rê, tháh Phêrô đã lớn tiếng kêu lên :
"Quả thực tôi biết Thiên Chúa không thiên vị ai. Vậy bất luận dân nào, hễ
ai có lòng kính sợ Người, làm việc phúc đức, đều đẹp lòng Người" (Cv
10,34). Văn kiện Công đồng dùng từ ngữ "tỏ cho mọi người biết". Dĩ
nhiên đây không có ý nói cách trực tiếp từng người, mà qua trung gian một số
người được chọn.
5. Mạc khải có tính cách nhập thể
Thiên Chúa mạc khải bằng các hành
động và lời nói. Đó là những phương thế thông hiệp của con người : ngôn ngữ, cử
chỉ, bộ điệu, có ý nghĩa. Nói với con người, Thiên Chúa cũng dùng ngôn ngữ của
con người. Người thích nghi với điều kiện tinh thần và thể chất của con người,
văn kiện của Công đồng dùng những từ ngữ : ngỏ lời, đối thoại, mời gọi và đón nhận, để diễn tả tính cách nhập
thể (Révélation incarnée) của Mạc khải.
Chính vì thế, con người tiếp nhận và
diễn tả "chân lý mạc khải" bằng nhiều cách khác nhau tùy theo khả
năng và hoàn cảnh. Để hiểu mạc khải của Thiên Chúa, ta cũng cần tìm hiểu khả
năng, hoàn cảnh, thời buổi, của chính các trung gian.
6. Mạc
khải có tính cách lịch sử
Bằng mạc khải Thiên Chúa đi vào lịch sử con người : "Các hành động và
lời nói xen lẫn nhau, tạo cho mạc khải có tính cách lịch sử. Các biến cố được
Kinh Thánh ghi lại, thực sự là những biến cố lịch sử. Dù Kinh Thánh không phải
là cuốn sách chép lịch sử, người ta cũng không thể chối bỏ sử tính của những gì
được Kinh Thánh kể lại.
Mạc khải vì được thể hiện tiệm tiến,
qua những điều Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người (nhất là thời Cựu
Ước), nên bao hàm sự tiến bộ theo thời gian. Có sự phát triển cả về phẩm, cả về
lượng (Cựu Ước) và được hoàn tất nơi Đức Kitô (Tân Ước).
C. SỰ THÍCH HỢP VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA MẠC KHẢI
Đối với người không chấp nhận có
siêu nhiên, vấn đề mạc khải siêu nhiên không được đặt ra. Tuy nhiên có những
người có lẽ chấp nhận có siêu nhiên, nhưng lại chủ trương mọi sự xảy ra tại trần
gian nầy đều có thể giải thích theo luật và khả năng của thiên nhiên hoặc lấy
lý trí con người làm mực thước cho mọi chân lý, kể cả chân lý của tôn giáo hoặc
cho rằng mạc khải đều là những hiện tượng thuộc phạm vi tự nhiên, phát xuất bởi
chính nội tâm con người. Theo một số người, mạc khải nếu có, sẽ là một cản trở
cho tiến bộ khoa học. Nếu nói về những chân lý tự nhiên thì mạc khải là thừa,
vì lý trí con người tự nó có thể đạt được, còn nếu nói về những chân lý siêu
nhiên, thì tính cách tự lập của lý trí không còn nữa, vì bắt nó tin những mầu
nhiệm không thể hiểu được. Do đó mạc khải là vô ích và không thích hợp.
Ta có thể dùng lý luận để phi bác
chủ trương trên bằng việc chứng tỏ mạc khải là thích hợp và cần thiết (ít là
cho con người trong tình trạng lịch sử).
Ở phần bàn về mạc khải tự nhiên, ta
được thấy mặt tích cực và tiêu cực của nó, khả năng của lý trí con người là
hiện thực và đáng quí. Tuy nhiên nó không phải là toàn năng, mà bị hạn chế vì nhiều lý do. Vì thế,
Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã can thiệp. Nhờ đó chân lý thâm sâu về
Thiên Chúa, cũng như về phẩn rỗi con người, được sáng tỏ (nơi Đức Kitô).
Sự can thiệp của Thiên Chúa thường
được thể hiện, khi Người chọn một số trung gian để qua họ, điều Người mạc khải
đến với mọi người. Như thế các trung gian được Thiên Chúa mạc khải trực tiếp,
còn những người khác phải lĩnh nhận cách gián tiếp qua trung gian. (Trong mạc
khải tự nhiên cũng có gián tiếp qua trung gian vũ trụ vạn vật).
1. Sự thích hợp
Cũng như việc tạo dựng, mạc khải là
hành vi của Thiên Chúa, tự do và quyền năng, không gì có thể ép buộc hoặc ngăn
cản Người tỏ cho mọi người biết thánh ý mầu nhiệm Người. Qua mạc khải, nhiều
phẩm tính hoàn hảo của Người được sáng tỏ. Người thực hiện điều Người muốn, và
Người chỉ muốn điều thiện hảo, thích hợp và hữu lý.
a) Mạc khải thích hợp với con người
Trí khôn con người luôn khát vọng
hiểu biết, nhất là về các chân lý. Nhưng thường bị hạn chế, kể cả trong phạm vi
tự nhiên : dễ sai lầm, dễ hoài nghi, thiếu chính xác. Mạc khải cho con người
biết rõ ràng, chắc chắn, không sai lầm, được biết những điều thuộc siêu nhiên là đáng quí, là đặc ân. Nhất là được biết về
bổn phận : cá nhân, gia đình, xã hội,
Thiên Chúa.
Mạc khải nâng cao phẩm giá con người
: "Thiên Chúa ngỏ lời với loài người như với bạn hữu" (DV 2).
"Từ nay Thầy không gọi các con là
tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi các con là bạn hữu,
vì những gì thầy biết nơi Cha thầy thì thầy cũng cho các con biết" (Ga
15,15).
Mạc khải hoàn thiện hóa con người :
sự hiểu biết về siêu nhiên được mở rộng. Con người sống xứng đáng hơn. Ý chí
được nâng cao, biết luôn hướng về Thiên Chúa.
b) Cách mạc khải thích hợp với con người
Để mạc khải Thiên Chúa đã tự hạ dùng
phương thế con người, đến với con người.
* Những người được chọn làm trung
gian, được Thiên Chúa chuẩn bị xứng đáng bằng những đặc ân : "đối thoại để
mời gọi và đón nhận vào hiệp thông với Người". Dĩ nhiên Thiên Chúa cũng
đòi hỏi ở họ sự dâng hiến thành tâm và cố gắng thực hiện sứ mạng được trao,
trong phạm vi của họ, Người cũng ban quyền năng tùy theo sứ vụ.
* Đối với mọi người : Thiên Chúa có
thể mạc khải trực tiếp cho từng người. Nhưng điều đó không thích hợp vì đòi hỏi
nhiều điều kiện khó khăn. Số người được chọn làm trung gian rất hạn chế, như
men trong bột. Thiên Chúa không nhân thừa phép lạ cách vô ích.
Con người có xu hướng xã hội : trong
lãnh vực giáo dục tự nhiên con người dễ nhận "những điều hay lẽ phải"
từ nơi những con người có thế giá hơn. Trong lĩnh vực siêu nhiên cũng vậy. Mạc
khải qua trung gian còn kính trọng sự tự do của con người, có thể đón nhận hoặc
khước từ chân lý mạc khải. Cũng tránh cho con người những ảo tưởng tai hại (coi
ý mình làm ý Thiên Chúa, kiêu căng, tự mãn, có thể sống không cần đến ai) và để
có dịp tập những nhân đức khiêm nhường,
vâng phục, kính trọng quyền trên.
2. Sự cầm thiết Mạc khải
Đây là xét mặt con người cần ; có
hai loại cần thiết.
* Cần tuyệt đối, nghĩa là tự mình không cung cấp được. Nếu Thiên Chúa
không mạc khải thì lý trí con người bất lực, không thể hiểu biết được.
* Cần tương đối hoặc luân lý
(moralis), nghĩa là tuy tự mình, lý trí có thể suy luận để tìm ra không cần đến
mạc khải của Thiên Chúa. Nhưng thực tế, trong tình trạng con người lịch sử đã
bị tội lỗi làm hoen ố, lý trí bị bao ngoại cảnh làm lu mờ, ý chí trở nên yếu kém.
Do đó cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua mạc khải.
a) Những chân lý thuộc phạm vi siêu nhiên
Vì quá sức tự nhiên của lý trí, để
hiểu biết những chân lý nầy, con người tuyệt đối cần đến sự mạc khải của Thiên
Chúa. Ví dụ : Mầu nhiệm Ba Ngôi. Thực tế, dầu Cựu Ước có một vài ám chỉ lờ mờ,
nhưng chưa có một ý niệm gì về mầu nhiệm nầy, vì chưa được mạc khải. Chính nhờ
sự tỏ hiện của Chúa Kitô với việc ban Thánh Thần mà Mầu nhiệm Ba Ngôi được sáng
tỏ trong Tân Ước. Vì thế, thánh gioan nói : "Chẳng ai xem thấy Thiên Chúa
bao giờ, chỉ Con Một Thiên Chúa ở trong lòng Chúa Cha, chính Người đã cho ta
biết" (Ga 1,18).
Đó cũng là Mầu nhiệm tàng ẩn trong
Thiên Chúa từ muôn thuở mà thánh Phaolô nhắc tới trong Ep 3,9. Chính nhờ việc
Thiên Chúa tự nghiêng mình xuống tầm mức nhân loại, nâng nhân loại lên với
Người, Mạc khải cho biết những điều mà tự sức trí khôn, con người không khi nào
đạt tới được.
b) Những chân lý thuộc phạm vi tự nhiên
Vì nằm trong khả năng con người,
những chân lý nầy được coi là đối tượng của mạc khải tự nhiên. Tuy nhiên, ta đã
bàn về tích cực và tiêu cực của mạc khải nầy xét theo tình trạng lịch sử của
"nhân loại bị sa đọa", con người cũng vốn cần Thiên Chúa mạc khải mới
mong thấu triệt các chân lý nầy được. Đây là sự cần thiết luân lý. Dù sao, sự mạc
khải của Thiên Chúa không bao giờ cản trở tiến triển của khoa học, ngược lại
còn giúp cho đà tiến triển nầy.
* Về mặt tâm lý, con người có những
hạn chế do điều kiện môi trường, hoàn cảnh sống. Để nhận ra sự hiện hữu của
Thiên Chúa và chứng minh cách rõ ràng, con người cần phải có biết bao điều kiện
tinh thần và thể chất. Những điều kiện đó không phải bất cứ ai cũng có được đầy
đủ. Sự mạc khải vì thế không bao giờ được coi là thừa.
* Về mặt lịch sử, thực tế lịch sử
cho thấy con người thường sai lầm, thiếu
sót. Nhìn qua lịch sử tôn giáo của dân tộc cổ xưa, ngay cả những dân đã có được
nền văn minh tương đối, ý niệm về Thiên Chúa rất mông lung mờ mịt, phát minh đủ
thứ thần thoại về nhị thần, đa thần, phiếm thần.
Những bậc thiên tài trong nhân loại
cũng chỉ đạt tới một mức độ nào đó, trên con đường tìm hiểu về Thiên Chúa, Đấng
sáng tạo vũ trụ vạn vật. Ví dụ, các triết gia lỗi lạc của Hy lạp, hoặc đức
Khổng Tử của Trung Hoa, cái biết của họ về Thượng Đế cũng rất mờ nhạt, còn chứa
đựng nhiều sai lầm, thiếu sót (nếu không muốn nói là chính họ cũng "lảng
tránh vấn đề" khi phải đề cập đến Thượng Đế, mà thực sự họ chưa thể có
được ý niệm chính xác).
Ta có thể nói, tư tưởng nhân loại,
cả trong lúc tiến xa nhất cũng chưa đạt tới ý niệm minh bạch về Thượng Đế và về
các phẩm tính hoàn hảo của Người. Vì thế Công đồng còn dạy : "Chính nhờ
Thiên Chúa mạc khải mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không
vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều
có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn, mà không lẫn lộn sai lầm" (DV 6).
Như vậy, Mạc khải thích hợp và cần
thiết.
D. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA MẠC
KHẢI
Sách Xuất hành kể cho ta câu chuyện
Thiên Chúa mạc khải cho Maisen (Xh 3,7).
Quả thực, Maisen đã rất ngại việc lãnh sứ vụ và ông đã có lý khi thưa cùng
Yahwê : "Họ sẽ không tin tôi đâu, họ sẽ không nghe tiếng tôi, vì họ nói :
Yahwê không thể hiện ra với ông" (Xh 4,1). Chính Thiên Chúa đã phải trấn
an Maisen bằng việc ban cho ông làm những dấu lạ, và rồi, vô vàn dấu lạ còn được
Thiên Chúa thể hiện lâu dài.
Mạc khải là hành vi của Thiên Chúa
vô hình ; chính mạc khải lại là lốt Mầu nhiệm, vậy làm thế nào để con người
nhận ra mạc khải, nếu không có những dấu hiệu ? Sự thể hiện mạc khải siêu nhiên
thường qua các trung gian, làm thể nào để chứng tỏ các trung gian đó là đích
thực, được Thiên Chúa tuyển chọn và xứng đáng, nếu họ không được ban cho "làm những dấu
lạ".
Các nhà thần học đã đưa ra những
"dấu hiệu của mạc khải" khả dĩ chứng minh sự kiện mạc khải bởi Thiên
Chúa. Do đó người ta cũng gọi là những "tiêu chuẩn" (criterium) của
mạc khải hoặc những lý do đưa tới khả tín (motifs de crédibilité). Những dấu
chỉ của mạc khải hiểu theo nghĩa nầy, không những có chức năng chứng minh tính
"chân thật của trung gian" và của mạc khải, nhưng còn chứng tỏ kitô
giáo, một đạo dựa trên nền tảng mạc khải, là đạo duy nhất chân thật theo thánh
ý của Thiên Chúa. Những dấu hiệu nầy có nhiều loại.
a. Nội tại (signes intrinsèques)
Cốt yếu nhất là chính con người Đức
Kitô, rồi đến nội dung giáo lý của Người về vấn đề Thiên Chúa, vũ trụ và con
người. Giáo lý nầy có thể nghiên cứu dưới hai khía cạnh : tự tại (tính cách chân thật, siêu việt, hoàn
hảo) và trong hậu quả (đem lại an bình, hoan lạc, thánh đức).
b. Ngoại tại (signes externes)
Bao gồm phép lạ và tiên tri. Công
đồng Vaticanô I đã tuyên bố : "Để cho sự thần phục đức tin của chúng ta
phù hợp với lý trí, Thiên Chúa đã muốn cho những ơn trợ giúp nội tâm của Thánh
Thần được bổ túc bởi những bằng chứng ngoại tại của mạc khải, tức là những sự
kiện do Thiên Chúa thực hiện, nhất là phép lạ và tiên tri, chính vì chúng biểu
lộ rõ rệt quyền năng và kiến thức vô hạn của Thiên Chúa, nên trở thành những
dấu hiệu rất chắc chắn của mạc khải, thích hợp với tầm hiểu biết của mọi người
(DV 1970).
Thêm vào đó còn có những dấu hiệu
phụ thuộc, thường được gọi là những tiêu chuẩn tiêu cực và tiêu chuẩn nội tâm.
Bị coi là phụ thuộc vì nguyên dấu hiệu nầy thôi thì chưa đủ để chứng minh chắc
chắn sự can thiệp của Thiên Chúa. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp thực tế
chúng lại rất quan trọng.
a) Dấu hiệu tiêu cực : nghĩa là
những dấu hiệu giúp ta có được phán quyết
chắc chắn sự phủ định. Ví dụ, một giáo lý nghịch với những chân lý tôn giáo tự
nhiên, nghịch với sự hiểu biết của lý trí lành mạnh của con người, một điều phi
lý, hoặc phản lại những thuần phong mỹ tục chính đáng, tinh thần không thể nào
được coi là phát xuất từ Thiên Chúa. Nếu một đạo giáo dựa vào một quyền lực bất
chính để bành trướng, thì cũng rất đáng ta đặt vấn đề nghi ngờ. Cũng thế, một
đạo giáo được thiết lập và quảng bá bằng một (hoặc những) con người bất lương,
dối trá, thiếu quân bình trong cách sống, hoạt đầu, mất trí, thì có thể quả
quyết rằng không thể nào là "đạo bởi trời" được.
b) Tiêu chuẩn nội tâm : bao hàm
những ơn soi sáng an ủi trong
tâm hồn, niềm phấn khởi hoan lạc, an bình do giáo lý đem lại. Những điều nầy
trong nhiều trường hợp rất hữu ích, giúp ta loại bỏ được những thành kiến sai
lầm, củng cố đức tin cho người tín hữu,
hoặc giúp chuẩn bị tâm hồn người ngoại giáo để đón nhận đức tin. Dĩ nhiên đây
là những tiêu chuẩn phụ thuộc tự nó chưa đủ chứng tỏ điều gì, vì những tình cảm
hoan lạc nội tâm như thế chỉ là bồng bột, nhất thời, hoặc do ảo tưởng chủ quan
thôi.
Trong phần bàn giải tiếp sau đây, ta
sẽ chú trọng đến hai tiêu chuẩn (hoặc dấu hiệu) ngoại tại được Công đồng
Vaticanô I nêu lên. Đó là phép lạ và tiên tri. Cũng cần ý thức khi Công đồng
nhấn mạnh : "nhất là phép lạ và tiên tri" (không có ý phủ nhận những
tiêu chuẩn khác), trở thành những dấu hiệu chắc chắn (không phải là chắc chắn
nhất). Theo khung cảnh lịch sử, văn kiện nhằm phi bác chủ thuyết của phái Duy tín (Fidéisme) và phái Duy lý
(Rationlisme). Tài liệu nhằm trước hết vào Đức Kitô (các phép lạ Người làm, các
lời tiên tri Cựu Ước chỉ về Người, cũng như chính những gì Người nói trước, đã
ứng nghiệm).
Ở đây ta chỉ bàn tổng quát về phép
lạ và lời tiên tri, như dấu hiệu ngoại tại của mạc khải nói chung.
PHÉP LẠ
Chung quanh ta luôn xảy ra biết bao
điều lạ lùng, mà có lẽ ta không thấy vì ta không chú tâm. Thiên nhiên quả là kỳ
công của Thiên Chúa. Tuy nhiên từ ngữ phép lạ ở đây được hiểu theo nghĩa chuyên
biệt, chỉ một điều gì lạ lùng khác thường làm người ta ngạc nhiên bỡ ngỡ, (từ latinh là Miraculum, bởi nguồn gốc của
động từ Miror, có nghĩa ngạc nhiên, lấy làm lạ). Trong kitô giáo từ ngữ phép
lạ được dùng để chỉ những sự kiện khác thường do Thiên Chúa thực hiện. Kinh
Thánh thường diễn tả bằng nhiều từ ngữ khác có thể có ý nghĩa bao quát hơn, như
quyền năng (dunamis), sự lạ (teras), dấu
hiệu (semelon) hoặc tác phẩm (ergon).
Do đó phép lạ thường được định nghĩa
: một sự kiện khả giác, do Thiên Chúa thể hiện, vượt quá luật thông thường của
thiên nhiên vì mục đích cao cả. Mấy yếu tố cần được lưu tâm :
* Phép lạ phải là sự kiện khả giác.
Nếu sự kiện gì chỉ được thực hiện một cách kín đáo trong nội tâm thì chưa kể là
phép lạ và không thể coi là tiêu chuẩn được. Tính cách khả giác có thể là trực
tiếp (đối với nhiều người) hoặc gián tiếp (qua trung gian cá nhân).
* Phép lạ phải do Thiên Chúa thể
hiện hoặc cách trực tiếp, hoặc cách gián tiếp nhờ một trung gian thụ tạo làm
nguyên nhân dụng cụ. Thường Thiên Chúa dùng những dụng cụ xứng đáng (thiên
thần, người lành thánh). Nhưng đôi khi Người cũng có thể dùng những dụng cụ coi
là bất xứng (nhưng phải ý thức rằng hành vi của Thiên Chúa là mầu nhiệm).
* Phép lạ phải vượt quá luật thông
thường của thiên nhiên. Đây là do quyền lực cao hơn thiên nhiên. Tuy thế phép
lạ không làm rối loạn trật tự, vì mọi trật tự đều dưới quyền của Thiên Chúa, mà
trật tự thiên nhiên chỉ là một loại trật
tự.
* Phép lạ cũng phải có lý do cao cả,
vì mục đích tốt lành và thường biểu lộ tình thương của Thiên Chúa, như giải
thoát nỗi khổ cho loài người, chứ không phải để kheo khoang, biểu diễn. Những
trò ảo thuật, thần thông kỳ dị dùng lừa bịp người đời thì không đáng được gọi
là phép lạ.
Phép lạ được chia thành nhiều loại :
* Thể lý (physique) : là những điều
lạ xảy ra vượt quá luật thông thường của vật chất, như chữa khỏi bệnh tật, đui
mù, què quặt, hồi sinh kẻ chết, nhân thừa bánh.
* Tinh thần (intellectuel) : là
những điều lạ xảy ra vượt quá luật thông thường của trí năng con người. Như
biết được những sự kín nhiệm trong nội tâm hoặc vượt quá không gian, thời gian.
(Về tiên tri sẽ được bàn).
* Luân lý (moral) : là những điều lạ
xảy ra vượt quá luật thông thường về luân lý, như đời sống thánh thiện, lòng
anh hùng hào hiệp.
Những điều vừa trình bày chứng tỏ
phép lạ phải được xét đoán rất dè dặt, thận trọng (điều nầy Giáo hội công giáo
rẩt khắt khe). Mấy vấn nạn được nêu lên : Như vậy phép lạ có thể hiện hữu không
? Có thể xác nhận được phép lạ không ? Đâu là giá trị thực sự của phép lạ trong
việc chứng minh một giáo lý ?
1. Phép lạ có thể xảy ra.
Các trào lưu chống đối trực tiếp
phép lạ, bành trướng trong một thời gian gần đây, đặc biệt phải kể đến
"Định mệnh thuyết" và "Ngẫu nhiên thuyết".
a. Theo định mệnh thuyết
Luật tự nhiên thì tuyệt đối tất yếu,
và không thể biến đổi. Do đó không chịu ảnh hưởng của những luật trừ. Đối với
những người theo thuyết nầy : "phép lạ hôm qua sẽ là kinh nghiệm của ngày
mai". Họ chủ trương cái người ta gọi là phép lạ chỉ là hậu quả của một sức
mạnh chưa biết tới. Nhưng có thể khám phá ra được "qui luật" nhờ sự
tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vì thế họ phủ nhận phép lạ. Khoa học (nhất là khoa
học thực nghiệm) dựa vào những luật bất di dịch của thiên nhiên. Nếu nhận có
phép lạ tức là có luật trừ làm mất di tích các bất di dịch của thiên nhiên, do
đó phép lạ phản với khoa học.
Quả thực dựa vào luật cố định, các
vật tự nó hướng tới hoạt động theo một qui luật nhất định. Các vật sẽ hoạt động
y như thế, miễn là phải có đủ các điều kiện đòi buộc và không có một lực nào
ngăn cản thể hiện. Ví dụ, vật chất rơi từ cao xuống sẽ rơi theo đường thẳng.
Nhưng nếu có một tác nhân nào can thiệp vào - chẳng hạn nam châm đối với một số
kim loại - thì có thể xảy ra khác. Luật vật lý không cố định mà có thể giả
định. Khoa học không bao giờ xác định cho A cũng sẽ cho B. nhưng luôn luôn giả
thiết : nếu cho A cũng sẽ cho B (hiểu ngầm chỉ có A thôi, đừng có C,D, gì cả,
thì sẽ cho B). Luật tự nhiên phải nhường bước trước con người (khắc phục thiên
nhiên), nên cũng phải nhường bước trước Thiên Chúa.
Điều khác nhau giữa sự can thiệp của
con người với sự can thiệp của Thiên Chúa là :
* Con người không thể can thiệp vào
thiên nhiên nếu không nhờ tới sức mạnh khác của thiên nhiên (để khắc phục).
* Thiên Chúa can thiệp độc lập do
quyền lực siêu nhiên. Như thế mới là phép lạ vì vượt quá tự nhiên.
Nhưng sự can thiệp lạ lùng của Thiên
Chúa có làm xáo trộn trật tự vũ trụ và khoa học không ? Chắc chắn là không. Sự
can thiệp của Thiên Chúa không đình chỉ luật tự nhiên. Chúa chỉ áp dụng cho vài
trường hợp. Cách chung, luật tự nhiên vốn luôn luôn ở trong sức tự nhiên ; ví
dụ, khi tôi giữ một vật cho khỏi rơi, tôi đã tránh hiệu quả của luật trọng tâm
cho nó, nhưng không phải tôi phá luật trọng tâm. Cũng vậy, phép lạ Thiên Chúa
ngăn cản hay biến đổi hiệu quả chứ Người không biến đổi luật.
Cũng nên thêm rằng, thường phép lạ
là hiện tượng rất lạ, và vì thế,biểu lộ một việc khác thường đối với luật
chung. Ngoài ra sự khác thường nầy dễ nhận ra do chính các đặc tính khi xảy ra
sự kiện. (Ví dụ, thời gian hoặc phương tiện không xứng với hiệu quả, như một
bệnh nặng được chữa lành trong chốc lát).
Sự khác thường đây không hủy bỏ luật
mà còn bổ sung cho luật (thường luật trừ là để bổ túc cho luật, chứ không hủy
bỏ luật chung). Do đó phép lạ không làm xáo trộn sự hòa hợp trong việc sáng tạo
của Thiên Chúa, cũng không làm thiệt hại sự tìm kiếm và kết quả của khoa học.
b. Theo thuyết ngẫu nhiên
Các biến cố xảy ra không có dây liên
lạc nào, không có gì lệ thuộc với nhau cả. Những người theo thuyết ngẫu nhiên
chủ trương rằng sự nối kết giữa các biến cố với nhau là do lý trí con người tạo
nên (chủ quan). Như vậy, phép lạ chỉ là hiện tượng biến cố vượt trên cái nhìn tự nhiên thường xuyên của ta : "Nếu phép lạ vượt lên trên phạm vi hiện
tượng, nó chỉ là sự ngộ nhận trong một luật ngộ tín" (Hume, Poincaré).
Quả thực, theo phần đông, các nhà
khoa học nhận định, trong phạm vi vật lý hạt nhân nguyên tử, có sự ngẫu nhiên
trên bình diện chủ quan. Ví dụ, nếu cùng một lúc ta không thể đo được tốc độ và
vị trí của vi thể, đó là do giới hạn của dụng cụ thí nghiệm.
Dù sao không thể chối bỏ sự hiện hữu
của định luật trong thiên nhiên. Nhưng định luật đó là cố định. Nếu có sự thay
đổi, tức là phải có nguyên nhân, như ở trên đã bàn.
c. Phép lạ trên bình diện lý thuyết
Là có thể xảy ra được. Để có thể
chấp nhận được, phải có trên bình diện cụ thể, tức là phải xảy ra thực sự. Xác
quyết nầy có thể chấp nhận do những điều có trước hoặc theo sau bởi tất cả
những gì liên quan đến chính sự cố : ai làm, làm thế nào, làm vì mục đích gì ?
(Theo định nghĩa phép lạ ở trên).
* Đối với Thiên Chúa, phép lạ là
phương tiện rất thích hợp để biểu lộ quyền năng của Người một cách linh động
hơn. Thực ra mọi hành vi của Người đều là kỳ công. Nhưng như thánh Augustinô
nhận định : "Thiên Chúa muốn thể hiện ít nhiều công việc vượt quá trật tự
thông thường để cho người ta chú ý hơn" (?).
* Đối với con người : phép lạ rất
phù hợp với tâm lý của ta. Thường con người mong muốn và chờ đợi phép lạ. Nhất
là gặp những khó khăn nguy hiểm, ta mong chờ một sự giải thoát đặc biệt, lạ kỳ.
Nơi tôn giáo, phép lạ lại càng là một cái gì linh thiêng và cần thiết.
Nhưng làm sao có thể chấp nhận là có
sự can thiệp lạ thường của Thiên Chúa, nếu không có lý do tương xứng. Chắc chắn
Người không làm phép lạ nếu không vì mục đích cao cả, biểu dương lòng từ bi
nhân hậu vô biên của Người, để con người nhận biết Người và ý định cứu độ của
Người. (Phép lạ là một dấu hiệu của mạc khải).
Thêm nữa, làm sao có thể chấp nhận việc Thiên Chúa can thiệp cách kỳ lạ nơi
một trung gian (ban quyền cho trung gian thể hiện phép lạ), mà trên thực tế
trung gian đó chỉ là một con người ba hoa bố láo ? Giá trị chứng minh của phép
lạ, sẽ nói sau).
2. Phép lạ có thể xảy ra.
Chấp nhận sự khả hữu của phép lạ,
vấn nạn làm ta phải băn khoăn là : ta có thể nhận biết chắc chắn khi một sự
kiện lạ kỳ xảy ra do Thiên Chúa thể hiện không ? Trong thực tế làm thế nào để
khẳng định sự cố nào đó thực sự là phép lạ, tức là sự can thiệp của Thiên Chúa.
a. Trước hết có ý kiến cho rằng
Phép lạ vì là công việc của Thiên
Chúa, nên không thể chứng minh một cách khoa học, mà chỉ có thể nhận biết được
bằng đức tin (Karl Barth). Nhưng nếu vậy phép lạ đâu còn là tiêu chuẩn ngoại
tại để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa (Mạc khải). Phép lạ phải là một sự
kiện khả giác, có thể nhận biết được một cách chắc chắn, chứ không phải chỉ là
một kinh nghiệm nội tâm.
b. Có người đưa vấn nạn
Phép lạ xảy ra vượt quá định luật
thông thường của thiên nhiên, nhưng ai dám quả quyết mình biết hết định luật
thiên nhiên. Nếu không, tại sao quả quyết được việc nầy, việc nọ là phép lạ ?
Biết bao điều xưa kia được coi là kỳ lạ, huyền bí, mà ngày nay khoa học đã giải
thích minh bạch ! Những điều ngày nay còn coi là kỳ lạ, biết đâu ngày mai khoa
học sẽ chẳng khám phá ra hết. "Phép lạ hôm qua sẽ là kinh nghiệm của ngày
mai" (Spinoza, Strauss, Sabatier, Harnach). Đối với những phép lạ xa xăm
(chủ yếu đả kích những phép lạ trong Tin mừng), người ta càng dễ bị ảo ảnh lừa
dối hơn nữa. Do đó không nên vội vàng quyết đoán điều gì là phép lạ.
Dĩ nhiên ngày nay và có lẽ chẳng bao
giờ con người có thể biết được hết mọi khả năng của thiên nhiên. Nhưng ít nhất
trong nhiều trường hợp cụ thể nhất định, ta có thể khẳng định được những cái mà
thiên nhiên không thể thực hiện : tuy không biết hết được giới hạn tích cực của
luật thiên nhiên , nhưng ít ra cũng có thể khẳng định về giới hạn tiêu cực nào
đó : nó không thể thế này thế kia. Ví dụ, trộn bột đỏ với bột đen, không thể có
một hỗn hợp trắng. Đức Giêsu quả quyết : " Há người ta lại hái nho nơi bụi gai hay vả nơi bụi găng
? (Mt 7,16). Cũng vậy, một lời nói tự nó không bao giờ có thể làm im sóng gió
hoặc hồi sinh người đã chết.
Về các phép lạ chữa bệnh (đặc biệt
nơi Đức Kitô) cũng có thể quả quyết trong nhiều trường hợp cụ thể, chẳng hạn khi
bệnh nhân mắc những bệnh nan y, trầm trọng, như phong cùi, bại liệt, hư hỏng bộ
phận quan trọng, mù lòa, câm điếc, mà đột nhiên được chữa lành hoàn toàn, không
bao giờ mắc lại và không để dấu vết gì. Như thế nhất định phải quả quyết là
việc Thiên Chúa can thiệp cách kỳ lạ. Và nữa nếu khả năng thiên nhiên làm được,
thì phải xảy ra được mãi khi có cùng điều kiện.
Đối với những phép lạ quá khứ, ta
rất có thể khảo sát các bằng chứng để lại, thế giá và tư cách chứng nhân.
Dù sao cũng phải nhìn nhận rằng tiêu
chuẩn thể lý (critère physique) thường không đem lại một sự chắc chắn tuyệt
đối. Sự kiện có thể bổ túc bằng các tiêu chuẩn luân lý (critère moral). Phép lạ
không phải là một sự kiện biệt lập, lẻ loi. Nó liên kết với nhiều sự kiện khác
trong khung cảnh tôn giáo, nói lên ý nghĩa mầu nhiệm và nguồn gốc siêu nhiên
của nó. Phép lạ quả thực là một dấu hiệu của một trí năng siêu việt gửi cho con
người có trí năng nhận thức.
c. Một vấn nạn khác nữa cần quan tâm
Cho rằng có ít nhiều hiện tượng lạ
lùng xảy ra, không thể giải thích theo định luật thiên nhiên, mà phải chấp nhận
quyền năng siêu nhiên. Nhưng phải chăng chỉ có một mình Thiên Chúa mới thể hiện
được phép lạ ? Thời nào lại chẳng có những "pháp sư, phù thủy, đồng bóng" lợi dụng ma quỉ, vong hồn để thực
hiện những sự lạ ? Như vậy cần chi phải nói đến Thiên Chúa ? (Garig. Lagrange, La Revel. Rom. 1932).
Phải công nhận rằng ma quỉ và những
vong hồn có thể thi hành được một số việc kỳ lạ vượt khả năng thiên nhiên và
hơn con người. Trong thực tế, ngoài những trường hợp bịp bợm, lường gạt khôn
khéo tự nhiên (ảo thuật) chắc
chắn đã có ít nhiều hiện tượng kỳ lạ do ma quỉ.
Tuy nhiên quyền lực của ma quỉ tà
thần chỉ ở một mức độ nào, chứ không có toàn quyền trên thiên nhiên (xem Mt
12,22; Mc 3,22 ; Lc 11,14). Nhất là có thể dựa vào tính cách luân lý của sự
kiện để thẩm định theo nguyên tắc : "mỗi nguyên nhân đều hành động theo
bản tính của mình". Thiên Chúa chỉ có thể thi hành những điều thiện hảo và
qui về mục đích thiện hảo. Trái lại ma quỉ chỉ có thể thực hiện những điều ác
hoặc việc dẫn tới sự ác.
Phương pháp lý tưởng (của hộ giáo
ngày nay) để nhận ra phép lạ (đích thực từ Thiên Chúa) là tổng hợp hai yếu tố ;
hiện tượng kỳ lạ của sự cố và những trường hợp luân lý tôn giáo (được coi như
linh hồn của phép lạ).
Pascal nói rất chí lý : "Phép lạ giúp ta nhận thức giáo lý và giáo lý
giúp ta nhận thức phép lạ" (Les pensées 803)
3. Phép lạ có thế giá chứng tỏ Mạc khải
Theo thánh Thomas d'Aquin, trong
việc chứng minh giáo lý mạc khải, phép lạ chỉ giữ vai trò chứng minh gián tiếp
: phép lạ được coi như dấu hiệu chắc chắn chứng tỏ tính chân thật của mạc khải.
Nó loại trừ được những phán đoán sai lầm. Nhưng nó không đem lại sự hiển nhiên
của chính sự kiện mạc khải. Quả thật, nếu Thiên Chúa làm phép lạ (hoặc ban
quyền cho làm phép lạ) để chứng tỏ một trung gian tự xưng là phát ngôn viên của
Thiên Chúa, mà thực tế chỉ là gian dối, lạc giáo, thì Người chứng thực cho sự
sai lầm giả dối. Và như thế Người lừa dối nhân loại. Đó là một điều phi lý
không thể xảy ra vì Thiên Chúa là nguồn mọi chân lý, là chân lý tuyệt đối. Do
đó, phải kết luận : một giáo lý tự xưng là mạc khải của Thiên Chúa mà được
Thiên Chúa làm phép lạ (hoặc qua trung gian) để chứng tỏ tính chân thật, thì
giáo lý đó phải bởi Thiên Chúa.
Như vậy, phép lạ trực tiếp biểu lộ
sự hiện hữu và toàn năng của Thiên Chúa. Gián tiếp nó chứngminh nguồn gốc thần
linh của giáo lý. Phép lạ bảo đảm tính chân thực của giáo lý. Vì thế thánh
Thomas đã ví dụ, phép lạ như dấu ấn (sceau) : khi một văn kiện có mang dấu ấn
của vua, thì ta phải quả quyết tính cách chính xác của văn kiện phát xuất từ
vua.
Nhưng để phép lạ thành một dấu hiệu
chắc chắn của Mạc khải cần có điều kiện giữa phép lạ và giáo lý : phải có một
mối liên quan với nhau mà người ta có thể nhận ra được. Nếu không, phép lạ có
biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, cũng không minh nhiên có giá trị minh chứng
nào đối với giáo lý được truyền giảng. Mối liên quan giữa phép lạ và giáo lý có
thể biểu lộ một cách sáng tỏ không thể hồ nghi, chẳng hạn khi nhà truyền giảng
giáo lý tuyên bố sẽ thực hiện phép lạ (do Thiên Chúa ban quyền, chứ không phải
để khoe khoang tự phụ) để chứng tỏ giáo lý mình truyền giảng là bởi Thiên Chúa,
hoặc nại đến những phép lạ đã làm để chứng thực sứ mệnh thiêng liêng cao cả của
mình.
Một điểm quan trọng cần nhắc lại ở
đây : bằng chứng phép lạ (cũng như bằng chứng khác về tôn giáo, không có tính
cách hiển nhiên tuyệt đối, khả dĩ bắt buộc lý trí phải tuân phục. Đây chỉ là
một dấu hiệu, một tiếng mời gọi của Thiên Chúa gửi đến con người. Phép lạ, như
được nói, là một sự kiện tôn giáo, tất nhiên phải có thái độ cởi mở, quảng đại,
mới lĩnh hội được. Tất cả đều được giải đáp trong ánh sáng tôn giáo, khi điều
lạ xảy ra mà khoa học tiến bộ không đủ lý do minh chứng theo giải pháp tự nhiên
(và nại đến sự can thiệp của Thiên Chúa). Vì thế cần phải móc nối hai yếu tố :
hiện tượng lạ kỳ xảy ra và những lý do luân lý tôn giáo, để nhìn nhận phép lạ.
Ở đâu mà thiếu thái độ chân thành
cởi mở khiêm tốn tìm hiểu và quảng đại nhìn nhận, thì phép lạ trở nên vô ích và
nhiều khi trở thành cớ vấp phạm và chướng ngại vật. Tại Nazareth, cũng như
trước thái độ kiêu căng của Biệt phái, Đức Giêsu không thể làm phép lạ (Mt
6,5). Phép lạ cũng không phải là khí cụ để biểu diễn khoe khoang (điều nầy nhắm
vào các phép lạ Đức Kitô đã thực hiện, theo các tường thuật của Tin mừng).
Trước mặt Hérode, Đức Kitô không thèm nói nửa lời, vì ông chỉ coi Người như một
nhà ảo thuật (Lc 23,8).
Như vậy phép lạ bao giờ cũng để mở
một lối thoát cho những ai nhất định không muốn tin. Nó vừa đủ sáng để soi cho
những tâm hồn có thiện chí, thành khẩn. Nhưng nó cũng hơi lu mờ để những kẻ
thiếu thành tâm, ngoan cố, có thể phủ nhận. Triết gia Blondel nói : "Sự sáng của dấu hiệu không ích gì, nếu trong
tâm hồn không có dự định ánh sáng mong muốn" (L'Action, p.398).
Tóm lại phép lạ có thể xảy ra với sự
can thiệp quyền năng của Thiên Chúa : hoặc chính Thiên Chúa thể hiện trực tiếp,
hoặc qua trung gian.
Phép lạ cũng có thể được nhận ra
cách chắc chắn nhờ những biểu hiệncủa các sự kiện khả giác trong biến cố. Để
nhận thức được phép lạ thực sự do Thiên Chúa thực hiện, cần phải xét toàn bộ
phép lạ, với những liên quan thể lý cũng như tinh thần và luân lý, cần tin nhận
với tất cả thiện tâm và coi đó là một sự kiện tôn giáo.
Việc minh chứng bằng phép lạ chỉ có
tính cách "Dấu hiệu ngoại tại" nhưng "rất chắc chắn của Mạc
khải, thích hợp với tầm hiểu biết của mọi người". Vì thế, phép lạ giữ vai
trò rất quan trọng, cả trong Tân Ước lẫn Cựu Ước. Nhưng đặc biệt nhất là trong
Tin mừng : các phép lạ Đức Kitô được thể hiện là độc đáo.
@
TIÊN TRI
Cùng với phép lạ, văn kiện của Công
đồng Vaticanô I (D 1997) đã nêu"sự kiện tiên tri" như "dấu hiệu
ngoại tại" của Mạc khải. Thực ra sự kiện tiên tri cũng là phép lạ. Đúng
hơn, đó là phép lạ trong phạm vi lý trí, vì thế những gì được bàn giải ở phần
phép lạ trên cũng có thể áp dụng cho "sự kiện tiên tri".
Tuy nhiên tiên tri được coi là một loại phép lạ đặc biệt, nên ta cũng nên
nói thêm cách đặc biệt để hiểu rõ ràng hơn. Như đã nói văn kiện Công đồng nhằm
trước hết vào Đức Kitô. nhưng ở đây ta chỉ nêu lên những gì liên quan đến sự
kiện tiên tri cách chung.
1. Khái niệm tiên tri
Danh từ "tiên tri" có thể
hiểu về một người (ngôn sứ), hay một việc
(Sứ ngôn, sấm ngôn) do một động từ hy lạp có nghĩa là "nói trước",
nhưng đúng hơn là "nói thay". Nghĩa nầy thích hợp với danh từ hy
bá "Nabi" có nghĩa là "phát
ngôn viên" của Thiên Chúa. Thực ra nói thay hay nói trước cũng đều
ngầm hiểu "biết trước" (tiên
tri). Thường Thiên Chúa mạc khải kiến thức cho vị ngôn sứ để rồi ngôn sứ
nói thay Người điều Người muốn mạc khải (sẽ xảy ra).
Vậy tiên tri được định nghĩa :
"Việc tiên báo chắc chắn, minh bạch về những điều tương lai tự do (bất
tất) mà tự nhiên trí loài người không thể biết trước được" (Nên phải nại
đến sự can thiệp của Thiên Chúa).
a. Xét
về đối tượng tri thức
Và theo phạm vi bành trướng của kiến
thức tương lai : Tiên tri có thể chia thành bốn cấp độ.
* Nhà tiên tri không những biết
trước được sự kiện tương lai, mà còn biết đích xác thời gian sẽ xảy ra, ý nghĩa
của sự kiện và biết Thiên Chúa là nguyên ủy của kiến thức Tiên tri. Ví dụ, Đức
Giêsu biết và loan báo trước về cuộc tử nạn của Người, về việc thánh Phêrô sẽ
chối.
* Nhà tiên tri biết sự kiện tương
lai, ý nghĩa và nguồn gốc từ Thiên Chúa, nhưng không rõ về thời gian sẽ xảy ra.
Ví dụ, Đức Giêsu nói trước về cánh chung cũng như việc Jerusalem bị phá.
* Nhà tiên tri biết trước sự kiện và
ý nghĩa, nhưng không rõ Thiên Chúa là nguồn gốc kiến thức tiên tri (Sum. Theol.
IIa q171, a.5).
* Nhà tiên tri chỉ nói về việc hậu
lai, nhưng không có ý thức và cả ý nghĩa lẫn nguồn gốc từ Thiên Chúa. Ví dụ,
Việc thượng tế Caipha nói về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (Ga 11,49).
b. Xét theo bản tính sự kiện tiên tri có thể là :
* Tuyệt đối (Prophetia
praescientiae), nhất định thực hiện.
* Hữu kiện (Prophetia comminationis
seu promissionis), phải có điều kiện mới thực hiện. Ví dụ, Jona nói về thành
Ninivê bị phá, nhưng việc đã không xảy ra vì (hết) điều kiện.
c. Xét theo thể cách tiên tri
Có thể tiên tri được "biết
trước" bằng thị kiến trí năng, thị kiến hình tượng hoặc thị kiến giác cảm.
Tình trạng nơi nhà tiên tri thu nhận kiến thức có thể là lúc tỉnh thức, lúc
xuất thần hoặc lúc ngủ.
Cũng nên lưu ý là ánh sáng tiên tri
không được ban cho trí năng cách thường xuyên, chỉ lúc nào cho biết, nhà tiên
tri mới được biết.
2. Tiên tri có thể xảy ra
Những người chối bỏ phép lạ thì cũng
chối bỏ khả năng hiện hữu của tiên tri. Theo họ, những điều tự do bất tất nằm
trong sự tự do của mỗi người, do đó có tính cách bất định, không thể nào biết
trước được. Vả lại việc biết trước (và tiên báo) như vậy là vi phạm quyền tự do
của con người.
Quả thực với lý trí hạn hẹp của con
người, những điều tương lai bất tất không thể nào biết trước được. Tuy nhiên
khi nói đến từ ngữ "trước, sau" là hiểu theo tương đối trong thời
gian. Nhưng Thiên Chúa là tuyệt đối. Người không lệ thuộc thời gian, Người hằng
hữu và thông suốt mọi sự việc, cả những việc tương lai dầu tự do bất tất, cũng
không thoát khỏi tri thức thần linh (thượng trí) của Người. Người nhìn thấy
trong hiện tại đời đời cả những hành động của vạn vật đã do Người sáng tạo.
Ở đây không bàn đến thể cách của tri
thức Thiên Chúa trước những sự việc tương lại bất tất. Các nhà thần học theo
các môn phái Thomas và Molina đã và còn đang bàn cãi rất nhiều. Nhưng không ai
phủ nhận thực tại đó. Nó là yếu tố căn bản của khoa thần học luận (Theodicée).
Một khi đã công nhận Thiên Chúa biết
tất cả mọi sự, bao gồm cả những việc hậu lai bất tất, tự do, thì việc Người
truyền thông tri thức đó cho "con người nào đó" đâu có phải là phi
lý, không thể xảy ra được. Việc thông truyền nầy nằm trong quyền năng của Thiên
Chúa. Những hình ảnh do kinh nghiệm hiện tại và quá khứ chất chứa trong ký ức
của nhà tiên tri, sẽ là những tài liệu Thiên Chúa dùng, sắp đặt, diễn tả sự
kiện tương lai. Người cũng có thể in những hình ảnh, ý niệm hoàn toàn mới vào
trí năng nhà tiên tri về những sự việc sẽ xảy đến, đồng thời ban cho một luồng
sáng để nhà tiên tri phán đoán những sự kiện thu nhận một cách chắc chắn, không
sai lầm.
Việc tiên báo những điều hậu lai cũng không làm tổn thương đến hành động tự
do của con người. Thường tác nhân không biết đến sự kiện đã được tiên báo, vì
nó vượt tầm nhãn giới của họ. Tuy nhiên nếu có biết chăng nữa, sụ việc vẫn xảy
ra theo đà diễn tiến của nó. Ví dụ, trường hợp thánh Phêrô, được Đức Giêsu cho
biết trước về việc sẽ chối Thầy ba lần, trước khi gà gáy, và sự việc xảy ra như
vậy
3. Tiên tri có thể xác nhận
Trong vấn đề tiên tri có hai yếu tố
quan trọng cần xét. Đó là việc tiên báo và sự thực hiện. Vì là tiên tri nên hiển nhiên là việc tiên báo phải có trước
sự thực hiện. Vì thế phải chắc chắn là lời loan báo tiên tri không xuất hiện
sau sự cố loan báo. Điều này có thể xác định bằng việc nghiên cứu, phê bình các
tài liệu bút tích hoặc truyền khẩu (nhân chứng).
Nhưng điểm quan trọng hơn vốn là
việc ứng nghiệm, nghĩa là sự cố tiên báo đã thực sự xảy ra như đã tiên báo.
Trong cuộc sống có thiếu gì những niềm hy vọng chỉ là hão huyền, những lời hứa
hẹn rỗng tuếch chẳng bao giờ thấy thực hiện ! Kinh nghiệm thực tế và lịch sử,
tùy trường hợp, có thể cho phép ta quả quyết chắc chắn về sự hòa hợp giữa lời
tiên báo và sự việc xảy ra.
Tuy nhiên xác nhận lời tiên báo và
sự ứng nghiệm lời tiên báo cũng chưa đủ, còn phải tìm ra những mối tương quan
thực sự giữa hai yếu tố đó : một sự ngẫu nhiên trùng hợp vốn có thể xảy ra và chẳng
có giá trị gì ! Thêm vào đó, ai cũng có thể phỏng đoán về tương lai một cách
nào đó. Và có những người thông minh đoán trước được nhiều chuyện cách rất
chính xác. Có thể đó là tự nhiên, hoặc do kinh nghiệm. Vì thế cần phải chú ý
tới mối tương quan thực sự giữa lời tiên báo và sự việc xảy ra. Nó lại phải có
tính cách phi thường vuợt quá khả năng tự nhiên của con người. Phương pháp
chung phải dùng là phân tách các hoàn cảnh và so sánh các hậu quả. Mặc dù ta
không thể đặt một giới hạn nhất định cho khả năng sâu sắc của trí óc con người,
nhưng thế nào cũng nhận ra sự việc có đích thực vượt quá khả năng đó và phải
nại đến sự can thiệp của siêu nhiên (Thiên Chúa).
Cũng cần xét đến môi trường, hoàn
cảnh, điều kiện, tâm lý của nhà tiên tri với tất cả sự nghiệp của ông, ở đây
cũng phải nói như đã bàn về phép lạ :
tư cách và cuộc sống của nhà tiên tri (hoặc trung gian thể hiện phép lạ) rất
đáng quan tâm cho việc đoán định và xác nhận hành vi. Thiên Chúa không thể làm
chuyện lừa dối.
Tính cách siêu nhiên càng làm biểu
lộ rõ nét khi sự việc xảy ra hoàn toàn lệ thuộc thánh ý Thiên Chúa, lại được
tiên báo nhiều lần và bao hàm nhiều chi tiết tỉ mỉ. Ví dụ, Chúa Giêsu đã loan
báo trước nhiều lần về cuộc khổ nạn.
4. Giá trị minh chứng của tiên tri
Cũng phải chấp nhận như đã bàn giải về phép lạ : tiên tri thực sự là một
loại phép lạ mà chỉ một mình Thiên Chúa mới thực hiện được.
Giá trị chứng minh giáo lý (Mạc
khải) bằng tiên tri đặt trên mối tương quan giữa chúng : chẳng hạn khi vị tiên
tri truyền giảng giáo lý gợi đến sự ứng nghiệm của lời tiên báo về Người, ngay
cả khi Người chưa xuất hiện.
Các lời tiên tri của Chúa Giêsu đã
tiên báo về chính Người (đặc biệt là lời tiên báo về mầu nhiệm phục sinh).
Các lời tiên tri của Đức Giêsu đã
tiên báo về người khác, như về các tông đồ, về Giáo hội, về thành Jerusalem sẽ
bị phá.
Các lời tiên tri về Đức Giêsu do các
ngôn sứ trong Cựu Ước là một kho tàng phong phú, mà chính Đức Giêsu và các tông
đồ đã rút ra bao lý chứng quyết liệt để thuyết phục người Do thái. Thánh sử
Luca ghi lại câu chuyện "trên đường Em-maus", đã tóm tắt : "Và khởi từ Maisen và hết thảy các tiên tri,
Người đã dẫn giải cho họ các điều đã viết về Người trong toàn bọ Kinh
Thánh" (Lc 21,27 t).
@
E. CÁC CHẶNG CỦA MẠC KHẢI
Tuy là hành vi của Thiên Chúa, nhưng
Mạc khải được thể hiện cho loài người sống trong không gian và thời gian. Vì
thế mạc khải bao gồm yếu tố không gian và thời gian : đó là các chặng của mạc
khải, được ghi dấu trong lịch sử. Mạc khải là một chuỗi những cuộc gặp gỡ, tạo
nên lịch sử ơn cứu độ (được Kinh Thánh và truyền thống ghi lại).
1. Song song với việc mạc khải tự nhiên qua vũ trụ vạn vật, mạc khải siêu nhiên đã được ghi dấu ngay
từ khởi điểm của lịch sử loài người. Bằng những hình ảnh sinh động với lối văn
nghệ thuật, sự mạc khải đầu tiên được mô tả trong những câu chuyện đầy thơ mộng
của buổi bình minh lịch sử, con người vừa được tạo dựng. Nhân loại truyền lại
những trang sử đầu với lòng nuối tiếc : Thiên Chúa đã đến với những con người
đầu tiên, trong buổi chiều tà gió mát hiu hiu, đàm đạo với họ cách thân mật tại
"vườn Địa đàng". Cuộc gặp gỡ thân tình nầy đã ghi khắc sâu thẳm vào
tâm hồn con người, đến nỗi nói được mọi tôn giáo bằng một cách nào đó, đều duy
trì ấn tượng của sự mạc khải đầu tiên nầy.
2. Chính tội lỗi đã làm mất đi mối thân tình những con người đầu tiên với Thiên Chúa. Nhưng Thiên
Chúa nhân lành và khôn ngoan đã không loại bỏ hẳn nhân loại : một chương trình
cứu độ được Người vạch ra. Cuộc Mạc khải thứ hai diễn ra để loan báo Tin mừng
chương trình cứu độ đó (ngay sau lời tuyên án phạt) với lời hứa cuộc chiến
thắng của sự thiện trên sự ác, dặt nền tảng cho niềm hy vọng cho loài người
trong tình trạng sa ngã. Đây được coi là Tin mừng đầu tiên được loan báo (Tin
mừng ơn cứu độ).
Ngụp lặn trong cảnh cơ cực của sự
thống trị của tội lỗi, con người đã không bị Thiên Chúa bỏ rơi hoàn toàn. Sự
trợ giúp hiện diện của Người vốn luôn ở bên cạnh con người, được mô tả qua các
chương đầu của sách Sáng thế, bằng những câu chuyện đơn giản nhưng đầy ý nghĩa
thâm trầm siêu nhiên. Những cuộc đàm thoại của Thiên Chúa với các người công
chính của Cựu Ước phải kể là mạc khải Thiên Chúa ban cho con người, để duy trì
niềm hy vọng ơn cứu độ.
3. Thực sự can thiệp trực tiếp vào lịch sử loài người, Thiên Chúa đã chọn Abraham, một con người
lịch sử (khoảng thế kỷ 19 trước Cn.). Cuộc mạc khải nầy được coi là mạc khải đúng nghĩa đầu tiên. Thiên Chúa vô hình đã
ngỏ lời với Abraham như một bạn hữu. Người đối thoại với ông để mời gọi và
đón nhận ông hiệp nhất với Người (St 12,1). Với chặng mạc khải nầy, Thiên Chúa
đã chọn một dòng giống để từ đây sự chuẩn bị ơn cứu độ được diễn tiến :
"Ngươi sẽ là một mối phúc lành". Các tổ phụ của những thế hệ kế tiếp
: Isaac, Jacob, Giuse, cũng sẽ được mạc khải làm phát huy dòng giống được tuyển
chọn đó.
4. Để công khai thiết lập một dân thánh, dân tư tế, dân riêng lo việc thờ phượng theo cách thế Người
muốn, Thiên Chúa đã mạc khải một lần nữa, trang trọng và quyền uy, bằng những
kỳ công. Dòng giống được tuyển chọn từ Abraham là Israel đã sinh sôi phát triển
nhưng lại rơi vào tình trạng nô lệ khốn khổ dưới ách các Pharaô Ai cập. Thiên
Chúa tuyển chọn Maisen và đặt ông làm thủ lĩnh để giải cứu Israel khỏi Ai cập
dẫn về Đất Hứa.
Tại chân núi Sinai, qua Maisen,
Thiên Chúa lập lại với Israel giao ước xưa (giao ước với các tổ phụ Abraham, Isaac, Jacob) : "Ta sẽ
là Chúa của ngươi, và ngươi sẽ là dân Ta". Isarel đã trở thành dân
thánh, dân riêng của Thiên Chúa, với nhiệm vụ loan báo, làm trung gian và mang
ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại (Xh 19,5). Qua việc lựa chọn Israel làm
dân riêng, Thiên Chúa tiếp tục đi sâu vào lịch sử dân Người bằng những can
thiệp đầy ơn quan phòng. Dân được dẫn đưa
một thời trên sa mạc (40 năm), phần để được giáo dục đặt trọn niềm tin và
hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng trung tín, và học biết vâng phục thánh ý Người,
phần nữa là để dân lớn mạnh, đủ sức quản lý Đất hứa. Rồi Josuê và các quan án
(judices) tiếp tục được Thiên Chúa hướng dẫn để thi hành cho dân sứ vụ chiếm
Đất hứa.
Ở chặng mạc khải nầy, dân Chúa được
"dạy dỗ để họ nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất, hằng sống và chân
thật, là Cha quan phòng, là thẩm phán chí công" (DV 3). Giao ước Siná là
cao điểm với việc mạc khải "lề luật
thánh" và hòm giao ước luôn ở giữa dân như tiếng nhắc bảo phải giữ
lòng trung thành với Thiên Chúa.
5. Không những được đặt làm dân riêng của Thiên Chúa, Israel còn được Người cho trở thành một
vương quốc tư tế (với Sẵl, David và Salomon). Nhiệm vụ thờ phượng theo cách
Người muốn phải được đặt lên hàng đầu, vì thế một đền thờ nguy nga tráng lệ đã
được xây dựng tại thủ đô Jerusalem, nơi đây những nghi thức tế tự được thực
hiện.
Việc dạy dỗ dân được tiếp tục, Thiên
Chúa trở thành nhà giáo dục chính thức của dân và Người kiên nhẫn giáo dục dân
Người. Nhưng Israel luôn gặp nhiều khó khăn trong việc giữ lòng trung thành với
sứ mệnh thiêng liêng cao cả của Thiên Chúa đã trao ban. Họ luôn có khuynh hướng
sống và tổ chức xã hội của họ như các dân ngoại khác. Tâm hồn họ luôn hướng về
việc thờ ngẫu tượng.
Để hướng dẫn dân trong đường lối của
Người, chắc chắn ngôn sứ đoàn đoàn lớp lớp luôn được gửi đến cho dân. Họ là
những người được sống thân tình với Thiên Chúa, được Người ngỏ lời với và được
cho trọng trách phát biểu sinh động thánh ý Người giữa dân Người. Cuộc đấu
tranh cho Độc thần và chống lại các tệ nạn xã hội của các ngôn sứ thật cam go suốt
quá trình lịch sử Israel (nhất là trong thơòi kỳ phân chia : Israel miền Bắc và
Juda miền Nam). Dù sao dân riêng của Thiên Chúa vốn luôn luôn bất trung, vương
quốc tư tế đã không mấy hoàn thành sứ vụ.
6. Cuộc thanh tẩy dân riêng ngày càng khẩn thiết. Lần nầy Thiên Chúa dùng các cuộc thống trị của
ngoại bang để cải hóa dân thánh. Các thế lực Assyria, Babilon, Ba tư, lần lượt
được coi là những dụng cụ Thiên Chúa dùng cho cuộc thanh tẩy nầy. Dù sao các
ngôn sứ vẫn còn được sai đến với dân để giữ vững lòng tin và hướng lòng dân về
với Chúa. Ơn cứu độ đã được hứa ban.
Cuối cùng số còn lại sau hết của dân
còn tồn tại và được đem về nơi họ đã bị đem
đi. Các cuộc lưu đày dù sao cũng đã đem lại kết quả tích cực cho Israel. Ở
chặng mạc khải nầy (vì Thiên Chúa là Chúa của mọi người) ý niệm về Thiên Chúa
đã ló rạng ở khắp nơi (đặc biệt do các thị kiến của Daniel và một số sách cuối
cùng trong Cựu Ước). Như vậy qua bao thế kỷ, Thiên Chúa đã dọn đường cho Phúc
âm. (DV 3).
Tóm lại, ở số 3 của Hiến chế Mạc
khải, Công đồng Vati-canô II đã nêu vắn tắt các chặng mạc khải được Cựu Ước ghi
nhận. Quá trình mạc khải nầy tiệm tiến cả về lượng và phẩm, đầy tính cách lịch sử và cứu độ. Vì còn bất toàn, tất cả các
lời nói và hành động của Thiên Chúa chỉ có mục đích sửa soạn cho Lời Chúa. Lời
của các lời : Ngôi Lời nhập thể.
7. Sau khi phán dạy nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ, nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã
nói với chúng ta qua Người Con (Dt 1,1-2). Lời nhập thể không phải là hiện hữu
về phương diện hiệu nghiệm hay trợ giúp, nhưng đích thân hiện diện, Người là sự
xuất hiện của Thiên Chúa, là chính sự mạc khải trong lịch sử chúng ta, Người là
trung tâm tất cả lịch sử và việc Người đến đòi hỏi chúng ta làm cho lịch sử
trần tục trở nên lịch sử thánh. Người là đường mạc khải cho chúng ta sự sống,
và là con đường để đạt tới sự sống. "Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai tới được Chúa Cha nếu không
qua Ta" (Ga 14,16). "Không ai biết Chúa Cha trừ Chúa Con, và không ai
biết Chúa Con trừ Chúa Cha và những kẻ Chúa Cha mạc khải cho" (Mt
11,2t.).
Tất cả cuộc đời Chúa Kitô là một mạc
khải : bằng lời nói và hành động. Những gì Người đã làm đều là mạc khải. Ví dụ,
khi Người làm một phép lạ thì hành động đó vừa như dấu chỉ để nhận ra Người và
vừa xác nhận Mạc khải nơi Người.
Nhưng hành động mạc khải vĩ đại nhất
và là tột đỉnh của mạc khải nơi Đức Kitô, là chính cái chết và sự phục sinh của
Người.
8. Thánh Thần trong Giáo hội. Đức Kitô vừa là Đấng mạc khải vừa là sự mạc khải của Thiên Chúa,
Người đã chọn các thánh tông đồ như những trung gian (chứng nhận trực tiếp) để
lĩnh nhận mạc khải. Qua việc được trực tiếp thấy, nghe, chạm tới và sống với
Đức Kitô, các tông đồ đã lĩnh nhận mạc khải để từ đó truyền lại cho mọi người.
Nhưng các tông đồ cũng chỉ là con người với khả năng lĩnh nhận bất toàn. Đức
Kitô đã ban một phương thế hiệu nghiệm cho các Người để đón nhận mạc khải trọn
vẹn. Đó là Chúa Thánh Thần. Sự hiện diện của Người trên các tông đồ trong biến
cố "Hiện xuống" đã làm cho các Người ý thức được ơn mạc khải. Chúa
Thánh Thần "không nói điều gì mới lạ", nhưng "sẽ nhắc nhở các
con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con" (Ga 14,26).
Với các tông đồ, Giáo hội của Chúa
Kitô được thiết lập. "Nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết
ra và lưu truyền chỉ được ủy thác cho quyền giáo huấn của Giáo hội, và Giáo hội
thi hành quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô" (DV 10). Chúa Thánh Thần luôn
hiện diện trong Giáo hội và mạc khải được lưu truyền và bảo tồn cũng như bảo
đảm nhờ ơn trợ giúp của Người.
@
F. MẠC KHẢI SIÊU NHIÊN ĐÃ KẾT THÚC RỒI
Truyền thống kitô giáo xác quyết :
mạc khải đã kết thúc với cái chết của vị tông đồ cuối cùng (lịch sử cho là
chính thánh Gioan, vị tông đồ trẻ nhất trong nhóm 12, qua đời khoảng năm 100
tại Ephêsô). Cũng theo hướng truyền thống đó, gần đây Công đồng Vaticanô II,
trong Hiến chế Mạc khải (Dei Verbum) đã dạy : "Vậy nhiệm cục kitô giáo, vì là giao ước mói và vĩnh cửu, sẽ không bao
giờ mai một, chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cuộc nào khác nữa,
trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang" (DV 4).
Nhưng ta biết, Mạc khải là hành vi
của Thiên Chúa hằng sống, Người là Đấng vô biên và quyền năng vô cùng. Qua Mạc
khải Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết "chính mình Người" cũng như
ý định cứu rỗi của Người. mà sự hiểu biết của con người luôn nằm trong một khả
năng hạn chế. Dù khả năng đó có tiến triển tùy theo điều kiện hoàn cảnh mạc
khải thì cũng đâu có phải là một mới kiến thức. Vậy phải hiểu sự kết thúc của
mạc khải theo nghĩa thế nào ?
1. Đức Kitô : Lời Mạc khải trọn vẹn.
Ta phải quả quyết mạc khải là cuộc
đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người,
mà tột đỉnh cuộc đối thoại đó chính là Đức Kitô. thư gửi giáo đoàn Do thái,
ngay từ đầu đã quả quyết : "Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã
phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên
Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ
trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ
huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng
lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. (Dt 1,1-3). Theo ý tưởng của toàn
bức thư nầy, Mạc khải cũng như chức Linh mục của Đức Kitô phải là độc nhât và
vĩnh cửu.
a. Đức Kitô luôn quả quyết mình là Mạc khải
Của Chúa Cha và là mạc khải trọn
vẹn. Ta có thể tìm được rất nhiều lời nói xác quyết về vấn đề nầy trong các
sách Tin mừng, nhất là Tin mừng theo thánh Gioan. Ta chú ý đến một số :
* Trong cuộc đàm thoại với Nicođêmô,
một biệt phái có lòng tin chân thành, đã đến gặp Đức Kitô vào ban đêm, Người
nói với ông : "Thật, tôi bảo thật ông, chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi
đã thấy" (Ga 3,11), và còn thêm : "Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai
đi thì nói những lời của Thiên Chúa" (3,34).
* Đặc biệt trong những cuộc tranh
luận với nhóm biệt phái và ký lục, những lời quả quyết của Đức Kitô càng ngày
càng mạnh mẽ và rõ rệt : "Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi nhưng là của Đấng đã sai tôi" (7,16), hoặc "còn
tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi
không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người
và giữ lời Người" (8,55). "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào
tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi" (12,44). "Thật vậy, không phải
tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho
tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Vậy những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa
Cha đã nói với tôi"(12,49-50).
* Nhất là đối với nhóm mười hai,
những lời nói của Đức Kitô càng quyết liệt. Nói với thánh Philip, khi ông xin
Người "tỏ cho chúng con thấy Cha,
thế là đủ cho chúng con", Đức Kitô đã tỏ vẻ nghiêm khắc : "Ai
thấy Thầy là thấy Cha, làm sao con nói :
xin tỏ cho chúng con thấy Cha ; con không tin thầy ở trong Cha và Cha ở trong
Thầy sao ? Các lời thầy nói với chúng con không phải tự Thầy nói ra. Nhưng
chính Cha Đấng ở trong Thầy, hằng làm công việc của Người" (14,10), và
trong "Lời nguyện hiến tế", Đức Kitô tuyên bố : "Mọi sự của Con đều là của Cha và mọi
sự của Cha đều là của Con" (17,10). Điều nầy hiển nhiên, vì chính
Người đã nói : "Tôi và Cha tôi là
một" (10,30).
b. Đức Kitô là Mạc khải trọn vẹn
Vì Người đã thực hiện trọn vẹn Ơn
cứu độ. Cùng đích của mạc khải là ơn cứu độ. Ta phải quả quyết tất cả cuộc đời
"Nhập thể" của Ngôi Lời tại trần gian đều nhằm thực hiện ơn cứu độ.
Do đó tất cả đều được coi là "một Mạc khải". Nhưng nhất là cuộc mạc
khải qua cái chết và phục sinh của Người để hoàn tất ơn cứu độ. Hiến chế Mạc
khải dạy rõ ràng : "Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể" là người đã
được sai đến với loài người, "nói tiếng nói của Thiên Chúa" và hoàn
thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện. Vì thế
chính Người, Đấng mà ai thấy, tức là thấy Chúa Cha, đã đến bổ túc và hoàn tất
Mạc khải bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu
chỉ và phép lạ. Sau cùng bằng việc phái Thánh Thần chân lý đến. Người xác nhận
Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và
sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời (DV 1).
Như vậy Đức Kitô là lời hoàn toàn
sung mãn và như thế cũng là lời cuối cùng và trọn vẹn. Không còn gì vượt trên
sự viên mãn nữa. Xét về phía con người, không thể diễn tả hơn, vì Đức Kitô
chính là sự viên mãn của Mạc khải và Tân Ước là điểm tận của Mạc khải.
2. Thánh Thần tiếp tục đưa Mạc khải đến
hoàn tất với việc khám phá và giải thích Mạc khải
Cho dù mọi sự đã được tỏ bày cho con
người trong Đức Kitô, tâm trí nhân loại không thể lĩnh nhận và thấu hiểu hoàn
toàn Mạc khải. Còn cần phải khám phá, cắt nghĩa điều đã được mạc khải.
a. Nơi các Tông đồ
Các Tông đồ là những chứng nhân đặc
biệt, đã nhìn thấy, nghe, chạm đến và sống với Ngôi Lời Nhập thể. Thánh Gioan
nói : "Điều đã có ngay từ lúc khởi
đầu, điêu chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã
chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống
đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh
em"(1Ga 1-3). Tất cả các Tông đồ đều có sự Mạc khải trọn vẹn như nhau
và hoàn cảnh của các Người là duy nhất. Đức Kitô đã phán với tất cả nhóm họ : "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ
nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì
tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga
15,15).
Tuy nhiên cảm nghiệm của các tông đồ
không thể như nhau được, đó là do khả năng bất toàn của con người nhận Mạc
khải. Chính Đức Kitô đã thấy điều đó, Người bảo các ông : "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em
không có sức chịu nổi" (Ga 16,12). Do đó Người đã trù liệu một phương
thế khác để bổ túc cách hữu hiệu nhất và Mạc khải được hiểu biết ngày càng trọn
vẹn hơn. Đó là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Đức Kitô đã minh nhiên hứa
với các tông đồ : "Nhưng Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em
mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga
14,26). Thánh Thần không mạc khải gì thêm. Nhưng Người kiện toàn sự lĩnh
nhận nơi các Tông đồ : "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự
mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan
báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến" (Ga 16,13).
Quả thực Chúa Thánh Thần đã đến trên
các Tông đồ và từng vị một cách đặc biệt trong ngày Lễ Ngũ tuần (Cv 2,1). Biến
cố "Hiện xuống" đã là một sự
biểu hiện đặc biệt, chẳng những nơi các Tông đồ mà còn cho cả lịch sử nhân
loại nói chung. Tuy thế ơn Thánh Thần không phải chỉ có trong biến cố đó, mà là
cả một quá trình đã, đang và sẽ thể hiện, nơi các Tông đồ cũng như nơi Giáo hội
kế tiếp.
b. - Nơi Giáo hội
Dù các Tông đồ đã nắm giữ vai trò
đặc biệt và duy nhất với nhiệm vụ chứng nhận trực tiếp đối với những mạc khải
phát xuầt từ Đức Kitô, mà hoàn cảnh của các Người không thể còn tái diễn nơi
các thế hệ kế tiếp. Nhưng điều đó không có nghĩa là với cái chết của vị tông đồ
cuối cùng, tất cả những tín điều phải tin đã hoàn thành và những luật lệ, giáo
lý đã được cố định bằng những câu văn sáng sủa rõ ràng trong Giáo hội. Thánh
Thần đã hoạt động nơi các Người cũng như nơi từng vị. Nhưng Thánh Thần còn hoạt
động trong Giáo hội từ biến cố "Hiện xuống" cho đến ngày tận thế,
nghĩa là ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Đây là thời gian của Thánh
Thần trong Giáo hội.
Tuy Mạc khải đã kết thúc với cái
chết của vị Tông đồ cuối cùng, vì Đức Kitô đã hoàn tất Mạc khải và đã hoàn tất
nơi các Tông đồ. Người đã vén tỏ mọi bí nhiệm cho các tông đồ. Nhưng khả năng
lĩnh nhận của loài người luôn còn có hạn chế và vẫn có thời gian khám phá cũng
như giải thích mạc khải. Do đó Giáo hội luôn phải suy tư để khám phá ra sự
phong phú vô tận và nhiều khía cạnh của kho tàng mạc khải, để áp dụng mạc khải
vào hoàn cảnh của mình và diễn tả mạc khải theo những ngôn ngữ từng thời đại :
sự suy tư đó có được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và tự nhiên kéo theo sự
phát triển của tín lý.
Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn
các tiên tri của Cựu Ước cũng như các tông đồ của Tân Ước. Nhưng Người còn tiếp
tục đối thoại với con người, dưới nhiều hình thức khác nhau, với nhiều ý nghĩa
khác nhau. Theo ý kiến của thần học gia nổi tiếng đương thời Ratzinger : với
các tông đồ, mạc khải đã chấm dứt. Tuy nhiên Thánh Thần vẫn tiếp tục đưa mạc
khải trọn vẹn đến phát sinh những kiểu khác để hướng con người tới viên mãn
chân lý và sự sống. "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn
mãi" (Ga 14,16).
Trong sự hiểu biết kho tàng mạc
khải, việc phát triển tự nó không bao giờ cạn, vì chính mạc khải chứa đựng
những chân lý sung mãn của Chúa, luôn phải coi là mầu nhiệm. Cũng chính vì vậy
mà vấn nạn còn được đặt ra trong Giáo hội : "Trong tương lai liệu sẽ còn
nhiều tín điều được Giáo hội công bố ? Dĩ nhiên tín điều không nên nhiều
quá". Lời định tín là lời cuối cùng của Giáo hội (sau nhiều ý kiến và thời
gian tranh luận). Giáo hội chỉ đưa ra khi trường hợp bó buộc. Đó là trong những
trường hợp mà gia sản Mạc khải và đức tin bị đe dọa. Cũng cần lưu ý là, trong
việc khám phá Mạc khải, những "trực giác" sâu xa không phải luôn phát
xuất từ những "kỹ thuật" gia những chuyên viên thần học, mà thường
lại phát sinh từ những người đơn sơ chất phác, những người được Thánh Thần ban
đặc ân nhận ra ánh sáng của Mầu nhiệm.
Tất cả sự chuyển vận của lịch sử,
đều hướng tới sự vĩnh cửu. Thán Phaolô nói : "Toàn vũ trụ đang ngong ngóng trông đợi thấy con cái Thiên Chúa được biểu
dương" (Rm 8,19). Cả chúng ta nữa cũng đương ngóng trông sự hạnh phúc
của Mạc khải cánh chung. Đức Kitô đã thi hành hoàn tất ơn cứu độ. Nhưng ơn cứu
độ chỉ đạt tới viên mãn trong "ngày Đức Kitô lại đến trong vinh
quang". Chỉ khi đó Mạc khải mới thực sự chấm dứt với sự kết thúc của lịch
sử con người. Lúc đó trong sự viên mãn của lịch sử cánh chung , tất cả sẽ được
khám phá bằng "thị kiến trực cận : diện đối diện" như lời thánh
Phaolô. Diễn tả quang cảnh hoàn hảo tỏ hiện đó, trong sách Khải huyền thánh
Gioan viết : "Thành không cần có mặt
trời, mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con
chiên là ngọn đèn chiếu soi" (Kh 21,23).
@
III. NỘI DUNG CỐT YẾU
BAO GỒM TRONG MẠC KHẢI
Hiến chế “Lời Chúa” quả quyết : “Những gì Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi muôn
dân Người đã ân cần săïp đặt để luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho
mọi thế hệ” (DV 7). Quả thật, Thiên Chúa vô cùng quyền năng không thể để
cho những gì Người đã “khởi sự” lại sẽ trở nên vô hiệu và hư đi một cách luống
công được. “Lời Chúa” phải được tồn tại và sinh “ơn cứu độ” cho con người mọi
nơi và mọi thời. Lời quả quyết này của Công Đồng cũng nhằm đến “nội dung” của
mạc khải : chính nội dung của mạc khải phải được bảo toàn và lưu truyền nguyên
vẹn cho mọi thế hệ, Mạc khải của Thiên Chúa bao gồm một nội dung rõ ràng, cụ
thể chắc chắn.
Tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã thể hiện công việc mạc
khải qua một tiến trình “tiệm tiến kéo
dài nhiều thế kỷ” cho đến Đức Kitô “nơi
Người, Thiên Chúa tối cao hoàn tất” trọn vẹn nguồn mạc khải (DV. 7 x. 2 Cr 1,20 ; 3,16 - 4,6). Nội dung của mạc khải
rất phong phú, về bản chất đã cố định (về mặt Thiên Chúa mạc khải) nhưng
còn luôn phải được tiếp tục suy niệm, học hỏi, để khám phá theo khả năng con
người của mỗi thế hệ. Từ chương II của hiến chế “Lời Chúa” mô tả hai nguồn
chính chứa đựng nội dung đó : Thánh Kinh và Thánh truyền.
* Thánh Kinh : gồm toàn bộ Cựu Ước “với tất cả các thành phần đều là sách thánh và
được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh”
(DV 11). Công Đồng quả quyết : ”Phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta
cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lí mà Thiên Chúa đã
muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (DV 11).
* Thánh truyền : do các Tông đồ truyền lại, được tiến
triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Hiến chế “Lời Chúa”
nhấn mạnh : ”Lời các thánh Giáo phụ chứng
thực sự có mặt sống động của thánh truyền và sự phong phú của thánh truyền đã
thâu nhập vào thực hành và đời sống của Giáo Hội hằng tin tưởng và cầu nguyện.
Nhờ Thánh truyền, Giáo Hội biết được toàn bộ chính lục Thánh Kinh và cũng nhờ
thánh truyền, Thánh Kinh được hiểu biết thấu đáo hơn, cũng như thánh truyền đã
làm cho Thánh Kinh không ngừng hoạt động” (DV 8). Hai nguồn chứa đựng mạc
khải đó không nên được coi là hai thực tại “độc lập” : “Thánh
truyền và Thánh Kinh liên kết phối hợp mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất
từ một nguồn mạch là Thiên Chúa, có thể nói kết hợp làm một duy nhất và cùng
hướng về một mục đích” (DV 9).
Một yếu tố thứ ba
rất quan trọng, giữ vai trò thể hiện sự kết hợp của hai nguồn trên đồng thời
cũng bảo tồn hai nguồn đó được nguyên vẹn cũng như bảo đảm sự chân thực của hai
nguồn. Đó là quyền giáo huấn sống động của Giáo Hội, Hiến chế quả quyết “Thánh
truyền và Thánh Kinh hợp thành một kho
tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Thiên Chúa và được ủy thác cho Giáo Hội
nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được
ủy thác cho quyền giáo huấn sống động của Giáo Hội và Giáo Hội thi hành quyền
đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (DV 10).
Như vậy, nội dung của mạc khải “luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ” do ba yếu tố :
Thánh Kinh, Thánh truyền và Quyền giáo huấn của Giáo Hội, mà “theo ý định
vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên
kết và phối hợp với nhau đến nỗi không thể nào trong ba có thể đứng vững được
một mình “( DV 10).
Để tổng hợp nội dung cốt yếu của mạc khải, ta dựa vào “Kinh Tin Kính” của dân
Chúa được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố vào dịp kết thúc năm đức tin (29/06/
1967).
1. Thiên Chúa : khởi đầu
mọi sự
có Thiên Chúa độc nhất
Chỉ một mình Người đã có từ vô cùng. Người tự hữu và hằng
hữu sống động đời đời. (Đấng đã có, đang có và sẽ có mãi mãi). Danh Yahwê được
mạc khải và suốt quá trình lịch sử (tôn giáo của dân Chúa trong Cựu Ước, nhất
là các ngôn sứ, được coi là một cuộc đấu tranh liên tục cho “tôn giáo độc
thần”).
Người là Đấng siêu việt. Mọi ưu phẩm của Người vượt lên
trên mọi sự tưởng tượng và mọi ý tưởng, khác biệt khỏi thế gian. Người thiêng
liêng vô hình. Dẫu thế Người cũng luôn gần gũi con người, Người là chính sự
thánh thiện và là Đấng Chí Thánh, nguồn mọi sự thánh thiện (không phải chỉ hiểu
theo nghĩa luân lí, nhưng nhất là theo nghĩa ngược lại với “thế tục phàm
trần”). Mọi phẩm tính của Người là chính bản tính của Người nên đều vô cùng :
cao trọng, công bằng, ngay thẳng, thành tín, thông suốt vô cùng.
Người là Đấng toàn năng : trọn vẹn tài trí và ý chí. Chúa
trên hết các chúa. Người tạo thành và an bài mọi sự, không có việc gì xảy ra
trong vũ trụ có thể vượt ngoài quyền năng và thánh ý Người, sự quan phòng của
Người bao trùm tất cả.
Người là sự sống và là nguồn của mọi sự sống. Mọi vật nhờ
Người mà tồn tại bằng cách Người ban cho mọi vật sự sống và hơi thở. Được thông
sự sống với Người, tức là được hạnh phúc trọn hảo và vĩnh cửu, vượt trên mọi
ước vọng.
Người là tình yêu và là Cha nhân lành. Mầu nhiệm và sự
sống thân mật của Người vượt trên mọi nhận biết và tình yêu. Sự phong phú về
toàn thiện của Người vượt trên sự nhận thức của nhân loại và vượt trên tình yêu
được ban cho mọi thực thể sống động, có tính cách cá thể, căn bản mà không làm
mất đi sự duy nhất của hữu thể Người.
Đức Kitô đã mạc khải sự phong phú của đời sống thân mật
của Thiên Chúa bằng cách dùng những lời và hình ảnh rút từ cuộc sống con người.
Chúa Cha vì tình yêu đã sai Con Một Người xuống trần gian, để dẫn đưa con người
về với Người, Chúa Cha và Chúa Con đã sai Chúa Thánh Thần để làm cho nhân loại
được thánh hóa và trở nên con cái của Thiên Chúa. Vì thế, người kitô hữu tin
vào Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, một Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, có
cùng bản tính Thiên Chúa, lý trí con người cảm thấy bất lực trước mầu nhiệm
này. Nhưng tất cả sự hiện hữu kitô giáo do Mầu nhiệm này thống trị.
Hành động Thiên Chúa làm nên mọi sự, hoàn toàn do lòng
nhân lành và yêu thương của Người, được gọi là “tạo dựng”. Để diễn tả quyền
năng hành động vô cùng của Đấng tạo thành, Kinh Thánh nói : Thiên Chúa đã dựng
nên mọi sự “bằng lời”. Kinh Thánh cũng quả quyết : Thiên Chúa thấy mọi sự tốt
lành, tức là những gì Thiên Chúa dựng nên đều tự nó là tốt.
Mọi tạo vật được Thiên Chúa dựng nên, được xếp theo bậc
thang từ vật chất thô sơ tới những sinh vật có thể xác và sống động cho đến
loài có đời sống thiêng liêng như con người và cao điểm là các thiên thần,
những tạo vật chỉ có tinh thần thiêng liêng. Tất cả những gì hiện hữu đều do
Thiên Chúa dựng nên để được tham dự vào
sự toàn thiện và tình yêu của Người.
Dù Thiên Chúa vượt trên hết mọi sự, khác với vũ trụ và khác
với con người. Nhưng không phải vì thế mà Người thành xa lạ với mọi loài (và
nhất là với con người), Người luôn hành động trong các tạo vật và gìn giữ thụ
tạo hiện hữu, giúp phát triển hướng tới đích Người đã thiết định. Trong tạo vật
và nhất là nơi con người phản ánh, như trong gương, sự khôn ngoan và sự vĩ đại
vô cùng của Thiên Chúa.
2. Con người
Những trang đầu của sách Sáng thế (Kinh Thánh Cựu Ước)
diễn tả bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc và đầy hình ảnh, nhưng sâu đậm, đã gợi lại nguồn gốc vũ trụ và con người :
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng.
Nhưng con người là cao điểm và là tổng hợp các việc tạo
dựng (được coi là vô cùng phức tạp - Teinhard de Char-din) : có thân xác vật
chất và linh hồn thiêng liêng. Khi mới tạo dựng, con người chẳng những “tốt
lành” như bất kỳ tạo vật nào (theo bản tính thụ tạo), mà còn được thông ban sự
sống siêu nhiên (tình trạng ân sủng nguyên thủy) được coi là “bạn hữu” của
Thiên Chúa, Kinh Thánh nói : Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh
mình.
Con người là hình ảnh Thiên Chúa, còn được hiểu theo
nghĩa : Thiên Chúa ban cho con người trí khôn, lý trí, ý chí, có tự do và bổn
phận hoàn thiện hóa chính mình và muôn loài, có quyền làm chủ mọi vật, hướng
dẫn mọi thụ tạo tới cùng đích là Thiên Chúa. Con người thay quyền Thiên Chúa
thống trị mọi loài.
Trong tình trạng ân sủng nguyên thủy, con người được coi
là thánh thiện tràn đầy ơn Chúa và hòa hợp chính mình với mọi loài (Kinh Thánh
mô tả con người được đặt trong Eden Địa đàng). Do đó đầy tràn hạnh phúc và
hướng về hạnh phúc vĩnh cửu.
Sự tự do Thiên Chúa ban cho con người là một mầu nhiệm
(giống Thiên Chúa). Nơi con người chỉ có tình yêu tự do mới đẹp lòng Thiên
Chúa. Vì tự do, con người có khả năng lựa chọn có thể tùng phục Thiên Chúa và
cũng có thể chống lại Người (Kinh Thánh diễn tả khả năng đó như là một cơn cám
dỗ, một sự thử thách).
Thực tại đáng buồn là con người đã sử dụng tự do cách sai
lạc, đã lựa chọn sự bất tuân phục đối với Thiên Chúa. Mạc khải xác nhận tổ tông
loài người, dù được tình yêu Thiên Chúa tạo dựng để đạt tới chính Thiên Chúa,
nhưng họ đã phản bội vì kiêu căng và ích
kỷ, con người (tổ tông) đã coi mình là cùng đích, là luật lệ của lòng muốn. Đó
là ý nghĩa của câu chuyện sa ngã được sách Sáng thế mô tả bằng việc ăn “trái
cấm” (quả cây biết sự lành, sự dữ). Thật là một tai họa, làm đảo lộn trật tự cả
lịch sử và phần rỗi của con người.
Tất cả nhân loại rơi vào tình trạng “sa ngã” dưới ách
thống trị của tội lỗi. Mạc khải cho biết : sự thánh thiện và sự thông hiệp kỳ
diệu với Thiên Chúa của tình trạng nguyên thủy của ân sủng bị phá hủy do “Tội
nguyên tổ”. Con người bị bóc trần và rối loạn. Quyền cai trị mọi loài không còn
nữa. Tội nguyên tổ là mầm phản loạn nơi con người : có sự “đấu tranh căng
thẳng” giữa giác quan và lòng muốn đưa đến tình trạng mất quân bình, nhất là
trong đời sống nội tâm. Từ đó, kéo theo bao điều khốn nạn cơ cực, con người
phải gánh chịu và cuối cùng là “sự chết” sự tội “đột nhập vào thế gian và vì
tội thì cả sự chết nữa” (Rm 5,12).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con người (và cả thế
gian) đã trở nên xấu xa tự bản thân đâu : Tất cả vẫn còn là thụ tạo của Thiên
Chúa. Kinh Thánh luôn nói đến việc “giáo dục” Thiên Chúa thực hiện cho mọi dân
mọi nước để đưa dẫn con người về với Chúa. Cả sau khi đã “mắc tội tổ tông”, bản
tính con người còn khả năng về điều thiện. Con người vốn có tự do, có thể tìm
kiếm hoặc chối từ cùng đích của đời mình. Nhiều khi trong đau đớn và mặc dù vô
ý thức, con người còn nhớ đến Thiên Chúa, hoài vọng về đời sống bất diệt được
hiệp thông với Người. Đó là khởi điểm sự tìm kiếm tôn giáo của các dân tộc và
là sự lo lắng tận gốc của cõi lòng con người, luôn không được thỏa mãn, cho tới
khi được nghỉ yên trong Thiên Chúa (T. Augustino).
3.
Ơn cứu độ được chuẩn bị
Tội nguyên tổ không làm ngưng tình yêu của Thiên Chúa đối
với con người. Theo mạc khải ngay lúc con người sa ngã, rơi vào tình trạng “mất
ân sủng” Thiên Chúa đã ban cho con người Lời Hứa Ơn Cứu Độ : Đấng Cứu Thế sẽ
đến để mang lại cho con người ân sủng đã
mất vì tội. Ngay từ giây phút con người lãnh án phạt, một viễn ảnh của sự can
thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa để cứu con người đã được phác họa, như công việc
tái tạo lành mạnh hóa nhân loại. Lời Giáo Hội hằng tuyên xưng : “Lạy Chúa là
Đấng đã tác thành phẩm chức con người
cách kỳ diệu và đã cứu chuộc con người cách kỳ diệu hơn” vì thế tội nguyên tổ
còn được coi là tội “Hồng phúc” nhờ đó mà Đấng Cứu Thế được ban cho loài
người.
Công cuộc chuẩn bị ơn cứu độ được diễn tiến theo một quá
trình lịch sử, hướng đến Đấng Cứu Thế (là Đức Kitô) như đối tượng và trung tâm.
Theo chương trình của Thiên Chúa, tất cả sự hình thành lịch sử của nhân loại
đều hội tụ nơi Đấng Cứu Thế. Trong Người
và nhờ Người, mọi sự được chữa lành và được nâng lên. Lịch sử Ơn Cứu Độ được
lồng vào lịch sử nhân loại với những kỳ công của sự can thiệp của Thiên Chúa,
Kinh Thánh (Cựu Ước) bằng những mô tả đơn giản và cụ thể đã để lại các diễn
tiến quá trình can thiệp đó.
Lịch sử Cứu Độ được ghi đậm nét bắt đầu với việc tuyển
chọn Abraham và dòng dõi người (qua các tổ phụ kế tiếp). Từ đó tiến đến việc
thành lập một Dân Thánh. Dân riêng của Thiên Chúa với thủ lĩnh Maisen. Khi bàn
tới giao ước, Kinh Thánh đề cập tới sự hạ mình của Thiên Chúa xuống với nhân
loại, như những cố gắng liên tục vì mục đích cứu rỗi loài người. Đó là lịch sử
tình yêu nhẫn nại của Thiên Chúa và là lịch sử bấp bênh đau khổ của con người.
Dân Do Thái được chọn lãnh sứ vụ “mang Ơn Cứu Độ” cho mọi
dân tộc, vì “Ơn Cứu Độ từ Do Thái mà ra”, đã trở nên “dân tư tế của Thiên Chúa”
thay cho cả loài người. Vì thế, các Ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với Dân để
“nói” cho dân ý định của Thiên Chúa về những gì dân phải tuân giữ và thi hành,
những biến cố xảy ra trong lịch sử Do Thái cũng được coi là những “cột mốc của
chương trình chuẩn bị Ơn Cứu Độ”.
Sự chuẩn bị được coi là cuối cùng và có tầm quan trọng
nhất, là Cung Lòng một Trinh Nữ Do Thái : Đức Maria, Đấng sinh ra Đức Kitô.
Từ giây phút dựng thai, Đức Maria đã được ban “tràn đầy ơn phúc, Chúa ở cùng
Bà” (tín điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” đặt trên nền tảng đó). Như một Nữ tử Sion
cao sang, Mẹ được cả Ba Ngôi Thiên Chúa sủng ái : “Nhờ tác động kỳ diệu và duy nhất của Chúa Thánh Linh, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống Nhập thể
trong cung lòng vẹn sạch của Mẹ, là chính Đức Giêsu Kitô”.
4.
Đức Kitô
Sau khi đã chuẩn bị bằng một thời gian lâu dài với những
kỳ công, Thiên Chúa đã đến với con người cách quả quyết và lạ lùng để thi hành
công cuộc cứu độ.
Ngôi Hai Thiên Chúa theo sự an bài của Chúa Cha và tác
động của Chúa Thánh Thần, đã mặc lấy bản tính loài người trọn vẹn nơi lòng Đức Trinh Nữ Maria. Theo lời thánh
Gioan : “Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể
và ở cùng chúng tôi và chúng tôi đã được chiêm ngắm vinh quang của Người. Vinh
quang như của Con Một từ nơi Cha tràn đầy Ân sủng và Chân lý” (Ga 1,1).
Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và là Con Đức Maria,
vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Qua Người, Thiên Chúa thông hiệp
cách kỳ diệu với con người, nơi Người có tất cả sự viên mãn Thần tính Thiên
Chúa và Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa được tỏ lộ cách cảm nghiệm được đối với
loài người. Người là nguồn suối vinh quang vĩnh cửu cho tất cả nhân loại và là
nguồn cậy trông vô tận cho con người.
Nhờ Nhân tính hoàn hảo của Đức Kitô, Thiên Chúa chia sẻ
(mọi sự) với nhân loại tất cả thân phận hiện hữu của họ, Đức Kitô sống giữa con
người để tỏ cho họ biết Người mang thân phận con người trong mọi sự, ngoại trừ
tội lỗi. Người hoàn toàn càm thông con người và nơi Người, mọi người tìm được
sự Cứu Độ bằng cách thuộc về Người trong Đức tin và bằng cách đồng hóa với cuộc
sống Người cũng như tham dự vào hậu quả của công việc Người thực hiện.
Tất cả cuộc sống của Đức Kitô tại thế đều hướng về Ơn Cứu
Độ và có giá trị Cứu Độ. Người thực hiện việc cứu độ loài người bằng gương sáng
của cuộc sống giữa mọi người, Người dùng Lời nói và hành động để truyền giảng
những chân lý cứu độ (Tin Mừng). Người cũng thi hành những quyền năng (làm phép
lạ), “chữa bệnh tật, trừ quỉ,” để cứu giúp những con người gặp khốn khổ, cùng
cực.
Tột đỉnh của công cuộc cứu chuộc Đức Kitô thực hiện là
Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh. Trong cái chết của Người, Đức Kitô đã hành động
như một Đấng trung gian, Linh mục Thượng phẩm. Người đại diện nhân loại bằng
cách dâng hiến mạng sống mình làm Lễ Hy sinh thay thế và đền tội cho loài
người. Khi hiến thân mình mà chịu chết theo thánh ý Chúa Cha trong tinh thần
vâng phục, con thảo, Người tái lập sự hiệp thông đã mất giữa con người và Thiên
Chúa. Trong ý chí Người, ta được thánh hóa nhờ sự hiến dâng thân xác Người :
cũng vì tội của một người (tội nguyên tổ) mà nhiều người đã trở thành tội nhân,
thì nhờ sự vâng phục của một người (Đức
Kitô) mà nhiều người được gọi là công chính. Đâu càng có nhiều tội lỗi, thì ở
đấy càng giàu ân sủng.
Qua sự Phục Sinh của Người, Đức Kitô đã mang lại sự chiến
thắng trên sự chết bằng cách cống hiến cho mỗi người ân sủng và niềm hi vọng
Phục Sinh như Người, Người trở nên thủ lãnh Dân Thiên Chúa. Mọi người được nhận
từ nơi Người tinh thần nghĩa tử của Thiên Chúa và mọüi ân nghĩa. Thân xác Phục
sinh vinh hiển của Đức Kitô vừa là dấu chỉ, vừa là bảo chứng sự phục sinh thân
xác cho những kẻ tin phục Người : sự Phục Sinh trong vinh quang, chia sẻ vinh
quang của Người.
Mầu Nhiệm “Lên trời” kiện toàn sự Phục sinh của Đức Kitô,
Người là đầu của nhân loại, dẫn đưa nhân loại về với Chúa Cha. Trong mầu nhiệm
này, chính bản tính nhân loại được vinh
hiển nhờ sự sống lại nơi Đức Kitô, được đưa vào vinh quang của Chúa Cha. Từ đây
nhân loại có người chuyển cầu đắc lực và Đấng Trung Gian quyền năng bên Chúa Cha : tất cả những ước
vọng, nước mắt, lời cầu khẩn Ơn Cứu Độ được chuyển qua Đức Kitô để Người dâng
lên Chúa Cha và Người lãnh muôn ơn cứu độ Chúa Cha ban xuống cho loài người.
Về lại “Bên hữu Chúa Cha” cùng với thân xác phục sinh,
Thiên Chúa Ngôi Con đã là “Đồng nguyên nhân” với Chúa Cha để gửi Chúa Thánh
Thần xuống cho loài người. Khi còn tại thế, Đức Kitô đã hứa : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các anh em
một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật” (Ga
14,16).
5.
Chúa Thánh Thần
Hiện hữu trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa từ đời đời và
cũng là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, tuy có được Cựu Ước đề cập đến nhưng một
cách chưa rõ ràng, phải đợi đến Tân Ước (do chính Đức Kitô mạc khải) mới tỏ
hiện : lễ "Hiện xuống” lần đầu tiên với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly (Cv
14,16).
Được Chúa Cha và Chúa Con gửi đến trần gian, Chúa Thánh
Thần có sứ vụ chủ yếu là kiện toàn ơn cứu độ đã được Đức Kitô thực hiện bằng
việc ban phát ơn cứu độ đó cho mọi người, mọi thời cho đến tận thế. Trong các
bản văn mạc khải (Kinh Thánh) có nhiều danh hiệu chỉ về Người : Đấng bầu chữa,
Đấng an ủi, Thần Chân Lý, (sứ vụ của Người được thể hiện bằng nhiều mặt).
Ai tin phục Chúa Kitô đều được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Người hiện diện trong thâm
cung của người kitô hữu, thần hóa họ và làm cho họ liên kết với Chúa Cha và
Chúa Con trong sự hiệp thông sức sống mà cái chết không thể nào bẻ gãy được.
Lời Đức Kitô đã phán : “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở lại với
người ấy” (Ga 14,23).
Khi nói một người được Chúa Thánh Thần làm sống động, có
trong tâm hồn mình sự hiện diện của Chúa Kitô, được gọi là con Thiên Chúa, có
ơn nghĩa với Chúa, được thánh hoá, thì đó là cách nói thông thường để diễn tả
mầu nhiệm cứu độ được thông ban trong Kitô giáo. Sự hiện diện của Thiên Chúa
trong linh hồn và sự biến đổi của linh hồn theo ơn cứu rỗi được gọi là ơn thánh
hoá hoặc nói đơn giản là “ơn thánh” (ở trong tình trạng ân sủng, được nghĩa với
Chúa là Chúa Con).
Theo thánh Phaolô, mầu nhiệm được dấu ẩn qua các thế hệ
xưa, nay đã được mạc khải : Chúa Kitô trong chúng ta, niềm hy vọng được vinh
hiển, sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tín hữu thúc đẩy họ tiến về Chúa với thái
độ tin tưởng, hy vọng và yêu mến.
Hoạt động của Chúa Thánh Thần không phải chỉ đóng khung
nơi tâm hồn cá nhân của các tín hữu. Nhưng chủ yếu là các hoạt động trong cả
cộng đoàn, tức là của Giáo Hội, nhưng thường coi là các đoàn sủng, nghĩa là
nhằm lợi ích chung cho cả Giáo Hội. Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa và là linh hồn
của Giáo Hội. Nói khác đi, Giáo Hội hiện hữu và sống động qua các thế hệ. Cho đến tận thế (Giáo Hội tại trần gian) đều
nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
6.
Giáo Hội
Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, công trình cứu độ đã được hoàn
tất nơi Đức Kitô phục sinh. Nhưng ơn cứu độ còn phải được ban phát cho con
người mọi nơi và mọi thời. Sau khi Đức Kitô “lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”,
việc ban ơn cứu độ được trao cho Giáo Hội, dưới sự hoạt động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Giáo Hội là cộng đoàn của những kẻ tin theo Đức Kitô, bao
gồm cả phần hữu hình với cơ cấu tổ chức tại trần gian và phần thiêng liêng mà chính
Đức Kitô là trung tâm.
Giáo Hội không phải như một xã hội trần gian, do con
người tạo nên, nhưng có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Chính Đức Kitô là Đấng sáng
lập. Thiên Chúa hằng tiếp tục mời gọi loài người gia nhập Giáo Hội nhờ Chúa
Thánh Thần thúc giục bên trong. Chính Chúa Thánh Thần mở cửa cõi lòng con người
để đón nhận đức tin. Vì thế, nơi Giáo Hội có một sức sống siêu nhiên, không
phải bắt nguồn từ con người mà là từ Thiên Chúa được phân biệt với đời sống
hoạt động giữa con người nơi trần gian.
Giáo Hội được so sánh như một thân xác (Nhiệm thể) mà
chính Đức Kitô là Đầu và Chúa Thánh Thần là Linh hồn. Nhiệm thể này được tiếp
tục tăng trưởng, bành trướng. Trong đó các phần tử (kitô hữu) như những chi thể
được liên kết với nhau, như trong một thân thể sống động và trường tồn.
Giáo Hội cũng được gọi là Dân Thiên Chúa là Dân Mới (được
tạo lập để thay thế cho Dân cũ). Dân tư tế có Đức Kitô là Đấng cứu chuộc và
Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa.
Được tạo lập nên giữa loài người (để ban phát ơn cứu độ
cho con người) Giáo Hội được Chúa trao ban cho ba nhiệm vụ chính : truyền giảng
Lời Chúa (tiên tri), thánh hóa con người (tư tế) và hướng dẫn con người trong
cuộc sống tìm về với Thiên Chúa (vương đế). Để thi hành các nhiệm vụ, Giáo Hội
có một cơ cấu phẩm trật gồm các cấp bậc chính là hàng giáo phẩm (Giám mục, Linh mục, Phó tế) và giáo dân.
Đứng đầu Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng (Giám mục Rô-ma),
Đấng kế vị thánh Phêrô trong tất cả sản nghiệp thiêng liêng được Đức Kitô trao
ban, Người là nguyên tắc và nền tảng hữu hình của sự hiệp thông trong Dân Chúa.
Nơi Người cả ba nhiệm vụ chính của Giáo Hội : tiên tri, tư tế và vương đế được
thể hiện cách đầy đủ và cao độ nhất.
Vâng phục Đức Thánh Cha và đồng trách nhiệm với Người
trong hàng giáo phẩm là các Đức Giám mục, những đấng kế vị các Tông đồ. Các
Người chia sẻ việc cai quản toàn thể Giáo
Hội với Đức Thánh Cha (Công đồng chung, Thượng hội đồng giám mục). Đồng
thời các Người được trao phó việc cai trị hướng dẫn các giáo đoàn địa phương
(giáo tỉnh, giáo phận) với sự hỗ trợ của các linh mục và các phó tế (những
người đã thông phần quyền năng của các giám mục nhờ việc lãnh nhận các chức
thánh do bí tích truyền chức).
Đức Thánh Cha, các Đức giám mục và các linh mục là các
nhà giáo dục đức tin và cũng là nhân chứng về đức tin trong Dân Chúa. Các Người
dùng các Nhiệm tích để ban phát Ơn Thánh cùng dùng lời khuyên dạy, giải thích
và gương sáng để hướng dẫn cũng như dùng quyền bính do Đức Kitô ban mà cai
quản. Quyền này không phải để thống trị, nhưng để phục vụ Dân Chúa, nhằm mục đích
làm tăng trưởng Dân Chúa trong trần gian.
Trên bình diện giáo dân và qua ơn gọi, người tín hữu cộng
tác vào sứ mệnh của Giáo Hội mỗi người theo quyền năng và đặc ân Thiên Chúa
ban, dấn thân vào những thực tại trần thế thuộc các lãnh vực gia đình, công tác
nghề nghiệp và các giá trị nhân loại khác, để xếp đặt tất cả theo chương trình
chứa trong tinh thần kitô giáo.
Vào thời đã ấn định, với sự ưng thuận của Mẹ, nhờ công
việc Chúa Thánh Thần tác động kỳ diệu nơi Mẹ, Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria
trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ phần rỗi của nhân loại. Các kitô hữu ngay từ
buổi đầu đã tôn kính Mẹ với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Trong Mầu nhiệm cứu
chuộc Mẹ cùng cộng tác như một Nữ tỳ khiêm cung từ khi Đức Kitô sinh ra, suốt
cuộc đời công khai và cho đến khi chết trên Thập Giá. Mẹ được tuyên xưng danh
hiệu Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người. Sau khi liên kết chặt chẽ với Đức
Kitô trong cuộc sống, Mẹ cùng kết liễu cuộc đời trần gian. Mẹ là người đầu tiên
và là gương mẫu cho Dân Chúa về sự biến hình vinh quang của thân xác. Giống như
việc Đức Kitô sống lại (tín điều Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời) nhờ sự liên
kết mật thiết với Đức Kitô và qua sự sung mãn của Chúa Thánh Thần.
Nhờ sự tuân phục và sự hiến thân cho Thiên Chúa, Mẹ là
gương mẫu lý tưởng cho mọi phần tử trong Giáo Hội, Mẹ được xưng tụng là Mẹ Giáo
Hội và là Mẹ của mỗi kitô hữu.
Mối tương quan giữa Đức Kitô với nhân loại, đặc biệt là
với các kitô hữu được xác định. Đức Kitô so sánh Mình như mục tử, như suối
nguồn, như cây nho, như bánh nuôi dưỡng, đó là những hình ảnh của các hoạt động
mà Đức Kitô thể hiện trong Giáo Hội để đem lại sự sống động và ơn ích cho các
kẻ tin theo Người. Các hành động của nó được biểu lộ qua những dấu chỉ cả những
nghi thức hữu hình, nhưng mang lại ơn thánh thiêng liêng cho tâm hồn. Những dấu
chỉ hữu hình đó được chính Đức Kitô chỉ định. Rồi được thực hiện trong Giáo Hội
do các tông đồ và các Đấng kế vị Người, là Đức Giám mục với các cộng sự viên là
các Linh mục và Phó tế. Theo ngôn từ của Giáo Hội, các nghi thức thể hiện các dấu
chỉ đó gọi là các bí tích (hoặc các nhiệm tích).
Trong mỗi bí tích, chính Đức Kitô hoạt động nhờ sự trung
gian của các người có chức thánh (gọi là thừa tác viên). Vì thế sự hiện hữu của
nó được bảo đảm khách quan (ex opere operato). Nhưng hậu quả của nó (lãnh nhận
ơn thánh) là do người chịu bí tích đó (ex opere operantis).
Nơi mỗi bí tích được cử hành, Đức Kitô gặp gỡ con người
và đích thân ban mình cho con người. Nhờ cuộc gặp gỡ đó con người được trợ giúp
trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hành trình trên trần gian. Có bảy Bí tích
được cử hành trong Giáo Hội.
* Thánh tẩy : nhờ sự sinh ra con người được bước vào cuộc
sống, thì Đức Kitô tái sinh con người qua phép Thánh tẩy, nhờ đó con người được
bước vào cuộc sống siêu nhiên trong tình trạng ân sủng.
* Thêm sức: trong cuộc sống con người cần tăng trưởng và
phát triển sức lực thể xác, tiến tới sự sung mãn và trưởng thành, thì trong
cuộc sống siêu nhiên, người Kitô hữu được Bí tích Thêm sức, với những đặc ân
Chúa Thánh Thần ban cho, làm cho trưởng thành tiến tới sung mãn để hoàn thành
sứ vụ chứng nhân của Đức Kitô.
* Thánh Thể : đời sống thân xác cần được của ăn nuôi
dưỡng bồi bổ luôn, thì đời sống kitô hữu cũng được ban của ăn uống huyền diệu
là phép Thánh Thể. Nhờ Lời Truyền phép của thừa tác viên trong Thánh lễ, Đức
Kitô làm cho bánh rượu dâng trên bàn thờ trở thành Mình và Máu Người để nuôi
dưỡng và bổ sức cho các tín hữu.
* Giải tội : khi sinh hoạt trong đời sống thân xác, con
người cũng thường gặp những tai nạn rủi ro làm cho thân xác bị thương tích, bệnh
tật và cần đến thuốc thang để chữa trị, thì trong đời sống siêu nhiên, các Kitô
hữu cũng được phép Giải tội (hòa giải) chữa lành các thương tích do tội lỗi gây
nên, ngay cả khi linh hồn bị tội trọng giết chết.
* Xức dầu bệnh
nhân : cuộc sống tại trần gian chỉ có một thời gian hạn định, con người tiến
dần đến cái chết. Nhờ phép Xức dầu bệnh nhân, Đức Kitô đến gần bệnh nhân hấp
hối để tẩy sạch họ khỏi mọi tội lỗi, an ủi họ và dẫn họ vào đời sau.
* Chức thánh và Hôn nhân : sự tồn tại của đời sống tự
nhiên cần đến liên hệ gia đình và xã hội. Con người được sinh trưởng trong gia
đình và được phát triển, bênh đỡ trong xã hội. Đời sống kitô giáo cũng cần được
tồn tại và phát triển trong gia đình và xã hội nhờ hai Bí tích Truyền Chức
thánh và Hôn nhân.
Qua Bí tích Truyền chức thánh, các Giám mục, các linh mục
và phó tế được ban quyền hành của Chúa Kitô để phát huy đời sống siêu nhiên cho
các kitô hữu bằng việc thánh hóa họ nhờ cử hành các Bí tích, giáo huấn họ nhờ
việc giảng dạy và hướng dẫn họ trong quyền cai quản.
Qua bí tích hôn nhân, người nam và người nữ kết hợp với
nhau, để giúp đỡ lẫn nhau, và hoàn thiện lẫn nhau trong nhiệm vụ khai sinh tạo
vật mới, hầu phục vụ Chúa và con người qua các thế hệ trong thế gian.
7. Cuộc sống đời sau
Nhờ tin vào Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần thánh hóa,
người Kitô hữu được trở thành con Thiên Chúa, sống trong tình trạng ân sủng của
Thiên Chúa.
* Tình trạng ân sủng này làm cho người Kitô hữu được
thông hiệp chính sự sống của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, ngay tại trần gian và
được coi là đã bắt đầu cuộc sống vĩnh cửu. Người kitô hữu phải có bổn phận duy
trì tình trạng ân sủng đó cho tới chết, bằng cách dùng những phương thế mà Đức
Kitô đã thiết lập trong Giáo Hội.
* Sự chết chỉ tác động trên thân xác và làm thay đổi điều
kiện sống của linh hồn bất tử. Qua cái chết, linh hồn bước vào đời sau (thân
xác rời rã, chờ ngày phục sinh).
* Nếu người kitô hữu sống trung thành, gìn giữ tình trạng
ân sủng đã được cho tới chết, thì có thể cậy dựa vào lời Đức Kitô đã hứa :
”Thánh ý Cha Tôi trên trời là hễ ai thấy
Chúa Con và tin vào Người, đều có sự sống vĩnh cửu và Tôi sẽ cho họ sống lại
trong ngày tận thế Ai tin thì có sự sống đời đời”.
* Nhờ liên kết với Đức Kitô, sự thông hiệp sự sống của
Thiên Chúa mà người kitô hữu có được trong tình trạng ân sủng, không thể bị phá
hủy, qua cái chết thân xác, người kitô hữu đó bước từ cuộc đời trần thế chóng
qua, tới Nước thiêng liêng, sự sống của Thiên Chúa, được xuất hiện trong ánh
sáng của Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu.
* Danh từ ”Thiên đàng” hay “Trời” chỉ đời sống vĩnh cửu
của người đã chết và nay đang được hưởng “Nhan Chúa”. “Cuộc sống hưởng kiến
Nhan Chúa” này, không thể lấy gì ở trần gian này để tượng trưng được cho cân
xứng. Với sự hiểu biết của con người, không thể có một khái niệm nào chính xác
về sự vinh quang của Thiên đàng cũng không có một ý tưởng giông giống nào để
chỉ về sự sống của Thiên Chúa mà người tại Thiên đàng được thông hiệp. Người
Kitô hữu chỉ dựa vào những gì đã mạc khải để đề cập tới.
* Đối với những người công chính (đã lãnh nhận được ơn
cứu rỗi trên thiên đàng) đời sống an hòa hạnh phúc trọn vẹn nằm trong sự hưởng
kiến Thiên Chúa, và trong sự hiệp thông với các thánh. Theo lời thánh Phaolô
:”Như thế chúng ta luôn ở cùng Thiên
Chúa. Vậy chúng ta luôn lấy lời này mà an ủi nhau”. (1Tx 4,17).
* Mạc khải cũng đề cập đến một chốn khác Thiên đàng, đó
là hỏa ngục trầm luân được diễn tả với những cực hình, để chỉ tình trạng mất ơn
cứu rỗi, phải lìa xa Chúa đời đời. Những người ý thức rõ ràng những điều mình
làm và cố tình chối từ Lời Đức Kitô, không lãnh nhận ơn cứu rỗi, hoặc sau khi
tiếp nhận nhưng lại cố tình cư xử trái với những gì Chúa dạy, sống trái với
tiếng lương tâm, sẽ phải chịu “trầm luân hỏa ngục” lìa xa Thiên Chúa vĩnh viễn.
Kinh Thánh gọi trạng thái này là sự chết thứ hai.
* Dĩ nhiên không ai dám quả quyết người nào sẽ đi vào con
đường diệt vong đó. Chỉ một mình Thiên Chúa
biết được những người đó thôi.
* Mạc khải cũng còn cho chúng ta biết một tình trạng khác
nữa, trong đó có những người tuy lúc chết vốn được sống trong tình trạng ân
sủng, nhưng họ cũng chưa được hiệp thông với Thiên Chúa ngay vì những mỏng giòn
sai sót trong đời sống trần gian. Tình trạng đó gọi là luyện ngục, hay là
phương thế để thanh luyện linh hồn chưa công chính đủ, trước khi đạt được sự
thông hiệp hoàn toàn trong sự sống của Thiên Chúa.
* Những người kitô hữu có thói quen tốt lành, là cầu
nguyện, đền thay cho các linh hồn nơi luyện ngục, để họ chóng được giải thoát
khỏi tình trạng đó. Việc hiến dâng những lễ tế hy sinh, để đền tội thay cho
những người đã qua đời là “một việc tốt lành và cao quí”, là ý nghĩ lành thánh
và đạo đức. (2Mcb 12,43.).
* Giữa những người sống trong ân sủng của Chúa có sự hiệp
thông công phúc, dù là những đấng đã đạt tới sự sống hưởng kiến Thiên Chúa
(thiên đàng) hoặc chưa đạt tới tình trạng công chính đủ (luyện ngục) cũng như
còn đang ở trên đường lữ thứ trần gian. Sự hiệp thông công phúc này được mệnh
danh là “các thánh cùng thông công”.
8.
Đức Kitô sẽ đến kết thúc lịch sử loài người
Sau cùng theo chương trình của Thiên Chúa, sẽ có ngày
hoàn thành các chặng lịch sử.
Khi rao giảng Tin Mừng, chính Đức Kitô đã hé mở cho thấy viễn tưởng của buổi cánh chung, bằng
những dụ ngôn (thí dụ : dụ ngôn về cỏ
lùng Mt 13,14, về mẻ lưới thả xuống biển Mt 12,47) hoặc bằng những kiểu nói :
(Mt 25,31)
Chính Người sẽ lại đến trong vinh quang “có hết thảy các Thiên Thần hầu cận” và “các
dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Người” (Mt 2,32) “khi lệnh vang ra
theo tiếng Tổng Lãnh Thiên Thần và loa của Thiên Chúa, thì từ trời chính Chúa sẽ
ngự xuống.” (Is 4,16).
Về ngày giờ đó, sẽ không ai được biết “cả Thiên thần trên trời, cả Con người, trừ chỉ
một mình Chúa Cha” (Mt 24,36). Đây là một bí nhiệm về tương lai, nhưng nó
đã hoàn toàn hiện hữu trong đức tin kitô giáo, “còn anh em về thời buổi, không cần phải để ai viết cho anh em, vì anh em biết
rành lắm : Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối” (Is 5,1).
Sự bí nhiệm (nhưng chắc chắn xảy ra) về tương lai này
phải là mối khích lệ mọi kitô hữu biết chờ đợi và liên lỉ tỉnh thức. Mỗi ngày
người kitô hữu sống ngay chính hơn, trong sạch hơn, sẵn sàng đón tiếp Chúa. “Ai ngủ thì ngủ ban đêm, ai say thì say ban đêm
; còn ta, ta thuộc về ban ngày. Ta hãy tỉnh táo, mặc lấy áo giáp đức tin, đức
mến và mũ chiến và lòng trông cậy cứu rỗi” (Is 5,8).
Lúc đó, nhân loại sẽ đạt tới số mệnh và vinh quang trong
Chúa, Ngôn ngữ nhân loại bất lực để diễn tả điều vượt quá khả năng con người
đó. Vì thế, Thánh Kinh dùng những hình ảnh và biểu tượng : Ngày thế giới sống
lại. Người công chính được biến hình theo hình ảnh của Đức Kitô : “Khi những
biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy
đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc" (Lc 21, 28).
“Những kẻ chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước. Rồi chúng ta, những kẻ còn
sống sót lại, chúng ta sẽ được hợp đoàn trên các tầng mây làm một với họ, đi
đón Chúa trên làn khí” (Is 4,16-17). Tất cả những người sống vì Thiên Chúa,
dù đã chết, sẽ xuất hiện trong một thân xác vinh quang, sẽ không còn sự bất
toàn trong hiện hữu.
Nhân vị của mỗi người sẽ được biểu lộ hoàn toàn, được
mệnh danh là sự phán xét chung ”Người phân tách người ra khỏi nhau, theo cách người chăn chiên tách chiên ra khỏi
dê. Chiên thì người đặt bên phải, còn dê thì ở bên trái” (Mt 25,32). “Một sách
khác nữa cũng đã mở ra, tức là sách sự sống. Và các kẻ chết chịu phán xét chiếu
theo các điều đã ghi trong sổ sách, tùy theo việc họ đã làm” (Kh 20,12).
Đối với người công chính, sự vui mừng và vinh hiển sẽ
tương xứng với những ơn của Chúa và sự đáp ứng của họ đối với các hồng ân đó :
“Hãy đến hỡi những kẻ được Cha Ta chúc
phúc, hãy lãnh lấy làm cơ nghiệp Nước Trời đã dọn cho các ngươi từ tạo thiên
lập địa” (Mt 25,34). Còn “Phường bị chúc dữ” thì phải “Xéo đi khỏi mặt Ta mà
vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỷ cùng chư thần của nó” (Mt 25,41).
Thế giới mang dấu vết tội lỗi và sự chết sẽ biến đi và
xuất hiện “Trời mới, Đất mới”. Lời Sách Khải Huyền và tôi đã nghe có tiếng lớn
từ Ngài phán ra : “Này là Nhà Tạm của
Thiên Chúa ở với loài người. Người sẽ dựng trướng ở với họ và họ sẽ là Dân của
Người. Còn Người là Thiên Chúa ở cùng họ. Và Người sẽ lau sạch nước mắt họ. Sự
chết sẽ không còn nữa, phiền muộn và kêu gào và khó nhọc sẽ không còn nữa vì
các điều cũ đã qua đi, và Đấng Ngự Trên Ngai đã phán : Này Ta làm mọi sự” (Kh
21, 3).
@
ĐỨC TIN ĐÁP TRẢ MẠC KHẢI
Sau khi trình bày đại cương về ý nghĩa Mạc khải cũng như
nêu lên những “chặng Mạc khải” chính yếu, Thiên Chúa đã thực hiện nơi lịch sử
loài người. Hiến chế “Lời Chúa” quả quyết : “Phải bày tỏ sự vâng phục của Đức tin đối với Thiên Chúa mạc khải” (DV 57).
Mạc khải là hành vi của Thiên Chúa, là tiếng Chúa mời gọi con người, để đáp
trả mạc khải, con người phải sử dụng Đức tin cách sống động qua việc bày tỏ sự
vâng phục. Việc tìm hiểu về Mạc khải kéo theo một cách tất yếu việc tìm hiểu về
Đức tin.
Đã có biết bao nhiêu thiên khảo luận, văn kiện, văn bản
đủ loại bàn về Đức tin trong Giáo Hội qua các thế kỷ. Những gì nêu lên ở đây
cũng chỉ là đại cương mấy nét cơ bản cần
thiết cho việc tìm hiểu thần học dựa trên nền tảng Mạc khải nơi kitô giáo, theo
chiều hướng của văn kiện Công đồng (Hiến
chế “Lời Chúa”).
] ] ] ] ]
I. TỪ NGỮ VÀ Ý NIỆM
Tin là một hành vi, một tác động hay một trạng thái của
tâm hồn con người, biểu lộ một tương quan trong xã hội. Không phải chỉ trong
lãnh vực tôn giáo mới nói đến “tin”. Nhưng nói được là tôn giáo nào cũng đòi
“tin” và những người tin vào một tôn giáo nào đó, cũng được gọi là “tín đồ”.
Đức tin hoặc niềm tin đang bàn ở đây có ý nghĩa riêng biệt trong kitô giáo.
Việc tìm hiểu Đức tin này vì thế cần tìm đến những ý nghĩa chứa đựng nơi các từ
ngữ của Do thái (Hibri) và Hy lạp, những môi trường đầu tiên trong đó Đức tin
kitô giáo phát triển (Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước).
1.
Phân tích từ ngữ
Nơi tiếng Do thái và tiếng Hy lạp có nhiều :
a. Do thái : Có hai
nguồn gốc chính của từ ngữ Do thái nói về Đức tin
: Gốc mn (aman) và gốc Bth (batah), được
thấy trong Cựu Ước.
Từ ngữ gốc mn (aman) mang ý nghĩa : chỗ dựa, cái chống
đỡ. Trong ý nghĩa này, nhiều khi mn (aman) được dùng để chỉ một người mẹ hay
một người vú nuôi, là chỗ dựa, chống đỡ cho trẻ nhỏ. Thí dụ : 2 Sm 4,4 nói về
chị vú nuôi của Mơribbaal, con ông Yonathan ; hoặc Rt 4,16 về việc bà Noêmi
bồng đứa con mới sinh của Boaz và Rút (tức Obed) đã dùng từ ngữ về gốc mn (aman) này.
Thuộc họ từ ngữ này, có lẽ quen thuộc nhất là từ “Amen”.
Phải, đúng thế, chắc chắn như vậy (cũng diễn tả sự ước mong). Dĩ nhiên còn có
thể tìm được nhiều từ ngữ khác cùng gốc này như emunah (trung tín) hoặc emet
(chân thật...).
Gốc Bth (Batah), thường dùng để chỉ một tình trạng “cảm
thấy vững chắc, có bảo đảm” (trên nền tảng nào đó theo tính cách nhân loại).
Tuy nhiên, trong Kinh Thánh cũng có chỗ dùng từ ngữ theo gốc Bth (batah) này để
diễn tả lòng “tin cậy” hoặc “lòng hoan hỉ” vững vàng của những người cậy trông
ở Chúa. Ví dụ Tv 4,6 : “Hãy dâng lễ tế thập
thành và tin cậy ở Yahwê” hoặc “Tôi tin cậy vào Người, lạy Thiên Chúa của tôi,
xin chớ để tôi phải xấu hổ” (Tv 25,2).
b. Từ ngữ Hy lạp
((((((( (Pistoiô) và ((ơ((((v (Pictoiêin : đặt tín nhiệm vào, cậy dựa hoặc hãnh diện
về), thường có ý nghĩa tương đương với từ ngữ mn (aman) của gốc Do thái. Danh
từ ((ơ ((( (pistes, trung tín) và tính
từ pis (ó( (pistos, tín
hữu) được gặp thấy thường xuyên trong Kinh Thánh (nhất là bản LXX).
2.
Ý niệm : (nội dung rút từ Kinh Thánh)
Đức tin là một thực tại rất phức tạp của kitô giáo (nói
riêng và của mọi tôn giáo nói chung).
Tôn giáo nào cũng đòi hỏi “tin”, dù nội dung khác biệt. Ở các tôn giáo
khác, ta nên dùng từ ngữ “niềm tin” và dành từ ngữ “đức tin” cho tôn giáo Mạc
khải. Từ ngữ chỉ có thể diễn tả một cách nào đó (và do đó có thể nhiều từ ngữ
được dùng). Vì thế, để nhận thức được ý niệm chính xác (dù còn tương đối), ta
nên căn cứ vào Kinh Thánh. Đây không phải là vấn đề “diễn giải Kinh Thánh” (sẽ
được bàn ở chỗ khác), nhưng chỉ gợi lên một số điểm rút ra từ Kinh Thánh liên
quan đến Đức tin kitô giáo.
]
A. ĐẠI CƯƠNG TỪ CỰU ƯỚC
Phải quả quyết rằng dân Israel đã biết Thiên Chúa lịch sử
trước khi hiểu biết Thiên Chúa theo phẩm tính nhờ những Mạc khải (bao gồm hành
động và lời nói) Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử qua các tổ phụ và các Ngôn
sứ. Israel được cho biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Đức tin là một việc
đáp trả Mạc khải của dân. Đứng trước một (hoặc nhiều) biến cố xảy ra, Israel đã
biểu lộ Đức tin của mình bằng cách sống theo những gì Mạc khải đòi hỏi hoặc soi
sáng. Vì thế, không nên (và có lẽ cũng không thể) tìm ở Kinh Thánh (Cựu Ước)
một “định nghĩa” về Đức tin. Chính cách sống của dân (hoặc của các nhân vật
quan trọng của Israel) là những mô tả sống động về Đức tin (ít là về một yếu tố
cơ bản mà Đức tin đòi hỏi).
1.
Nơi tổ phụ Abraham
Dân Israel được sinh ra từ lời hứa của Thiên Chúa cho
Abraham. Ông là tổ phụ đầu tiên của “lịch sử Mạc khải và cách sống đáp trả của
ông phải được coi là khuôn mẫu của Đức tin Israel. Đề tài này được nhiều nơi
trong Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, sẽ khai thác và quảng diễn. Chính ông
được Kinh Thánh gọi là “Cha của các kẻ tin”.
Phân tích những chương trong sách Sáng thế về câu chuyện
của Abraham, người ta rút ra được mấy đặc tính căn bản của Đức tin. Ông thể hiện
qua cách sống của ông :
Đoạn tuyệt với đời sống quá khứ (Thiên Chúa bảo ông bỏ
quê cha đất tổ, ra đi, dù không biết đi+ tới đâu).
Nắm vững lời Chúa để thi hành (nói được là theo Chúa cách
tối mặt, có thể coi như “mù quáng” !) : vâng
phục hoàn toàn !
Dù gặp trắc trở, hầu như không thể vượt qua được theo cái
nhìn của nhân loại, ông vốn vững vàng “tin ở Lời Thiên Chúa hứa” (chuyện sinh
Isaac, nhất là cuộc “ sát tế hụt”).
Phó thác cuộc đời (toàn thân) cho Thiên Chúa (đối với
ông, Thiên Chúa là Đấng đáng được sự khuất phục trọn vẹn và tín nhiệm tuyệt
đối) vô điều kiện.
Như vậy, nhờ Đức tin, tổ phụ Abraham đã để Thiên Chúa
hoạt động, không những trong việc đưa dẫn đời riêng của ông, mà còn như vị chủ
của lịch sử. “Thiên Chúa của Abraham” trở thành đối tượng cho lòng tin nơi các
tổ phụ kế tiếp (Isaac, Giacob, Giuse) và rồi cho toàn dân Israel sau này.
2.
Nơi Môisen trong cuộc xuất Ai cập
Sự phát sinh và phát triển của Lời hứa của Thiên Chúa cho
Abraham được coi như “hậu quả” của Đức tin nơi Abraham. Dĩ nhiên, việc Thiên
Chúa ban lời hứa của Người là do lòng nhân hậu, là ơn nhưng không và Người luôn
luôn hoàn toàn tự do, kể cả việc Người lập giao ước. Vậy giá trị thực sự của
giao ước ký với Abraham đặt nền tảng trên Đức tin của Abraham (về phía Thiên
Chúa, sự trung tín là tất yếu). Sự phát triển đó đã dẫn tới việc thành lập Dân
riêng của Thiên Chúa (là Israel) bằng cuộc xuất Ai cập và giao ước Sinai với
Môisen làm thủ lãnh.
Được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai cập và dẫn
qua sa mạc về Đất hứa, Israel phải đáp trả bằng Đức tin qua việc bày tỏ sự vâng
phục. Mặc dù Thiên Chúa đã thi hành biết bao “kỳ công, dấu lạ”, trên đường tiến
về Đất hứa, Israel gặp nhiều thử thách trong việc bày tỏ sự vâng phục Đức tin
này.
Từ nay, mỗi thế hệ của Israel có trách nhiệm lưu truyền
cho con cháu “lịch sử của sự giải thoát” kỳ diệu đó và giao ước của Thiên Chúa
với dân Người (Tl 6, 20-25). Đây là trách nhiệm lưu truyền Đức tin, suốt mọi
thế hệ của Israel.
Về nội dung của Đức tin nơi Israel từ cuộc xuất Ai cập,
mấy điểm sau đây là căn bản, phân biệt Israel khỏi các dân ngoại.
Biết Thiên Chúa bằng Danh hiệu Giavê. Khi Mặc khải tên
Người cho Dân qua Môisen, Thiên Chúa đã tỏ hiện cho họ “một cuộc sống thân tình” (Xh 3,15). Chính vì vậy,
Israel trở thành Dân riêng.
Yêu mến và thờ phượng một Thiên Chúa thánh thiện (Tl 6,4)
“Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv
19,2 ; 20, 26). Sự thánh thiện của Israel cũng được hiểu theo nghĩa “luân
lý”. Chính vì thế, các “giới luật” đã được ban nhằm “thánh hóa” đời sống
Israel. Tuy nhiên, nơi Thiên Chúa, sự thánh thiện phải được hiểu về bản chất
của Người. Chân nhận Thiên Chúa là Chúa của lịch sử. Đối tượng của Mạc khải chỉ
là những chân lý (nơi người Hylạp) nhưng là chính ý định của Thiên Chúa. Mạc
khải có bao gồm các chân lý, nhưng hành vi thực tại (action actuelle) của Thiên
Chúa Mạc khải mới chính yếu. Tin là chân nhận chính Đấng Mạc khải.
3.
Nơi các Ngôn sứ
Đặc biệt là ngôn sứ Isaia, việc loan truyền Đức tin nơi
Israel qua các thế hệ quả thực đã được thi hành. Các nghi thức tế tự cũng như các
phong tục tập quán được thiết lập hoặc hình thành dần dần trong quá trình lịch
sử Israel đã là những dấu chỉ của việc bày tỏ sự vâng phục của Đức tin, hiểu
theo một cách nào đó (làm cho Israel tách biệt ra khỏi các dân ngoại). Tuy
nhiên khuynh hướng muốn sống và tổ chức “như các dân ngoại” luôn làm cho Dân bỏ
mất Đức tin chân chính. Nhiệm vụ chính yếu của các Ngôn sứ được Thiên Chúa sai
đến cho Dân và nhắc bảo Dân giữ lòng chung thủy với giao ước. Điểm nổi bật nhất
trong các cuộc đấu tranh, các ngôn sứ thực hiện nơi dân là “ý thức độc thần” :
chỉ có mình Yahwê là Chúa thật. (Isael
thời đó đều theo đa thần giáo). Như vậy đức tin ở thời các Ngôn Sứ chủ yếu chú
trọng đến “độc thần” (điều này chỉ là nhắc lại, vì đã có từ muôn thuở, nhưng do
hoàn cảnh, nó lại là điều cấp thiết). Dĩ nhiên các Ngôn sứ còn có các nhiệm vụ
khác nữa, tùy theo hoàn cảnh cá biệt của mỗi vị. Nhất là làm cho lòng Dân
“hướng về ơn cứu độ” của Thiên Chúa.
Đặc biệt là Ngôn Sứ Isaia. Đức tin mà người quảng bá và
đòi hỏi có vẻ mang sắc thái chính trị (nhất định là do thời thế tạo nên). Nhưng
dù sao nó cũng hướng về một mình Thiên Chúa là chỗ cậy dựa duy nhất. Vụ ngôn sứ
nhắc bảo vua Giuđa là Akhaz phải vững tin vào Thiên Chúa, ngôn sứ diễn tả bằng
một câu “chơi chữ” giữa “vững tin” và “đứng vững” : Các ngươi mà không vững
tin, các ngươi sẽ không đứng vững (Is 7,9 đọc trong bản Hipri : im lô taaminn
hiphil, kilô téa-ménu niphal có thể dịch là : nếu các ngươi không cậy dựa, các
ngươi thiếu chỗ cậy dựa).
Tóm lại, đức tin nơi các ngôn sứ, chủ yếu là “cậy dựa vào
chỉ một mình Thiên Chúa thôi”
B. ĐỨC TIN NƠI TÂN ƯỚC
Tuy Tân Ước phải được coi là “nối tiếp” Cựu ước : những
“chân lý đức tin” của Cựu Ước vốn được Tân ước duy trì. Nhưng phải nhận rằng
Tân Ước có vẻ đổi hẳn nền tảng của đức tin Cựu ước, nếu xét theo cách diễn tả :
tin vào Đức Kitô và chỉ tin vào Người (những gì Người dạy).
Để tìm hiểu ý niệm Đức tin nơi Tân ước, ta nên khởi đầu
bằng việc tìm hiểu các lời giảng của các Tông đồ (những (Keryma) nhất là nơi
thánh Phaolô rồi đến các Tin Mừng Nhất lãm và thánh Gioan, thực tế lịch sử
chứng tỏ đức tin kitô giáo phát triển đường hướng đó.
1.
Lời giảng của các tông đồ về đức tin
Dĩ nhiên không phải tất cả những lời giảng của các tông
đồ đều được ghi chép và truyền lại, nhưng là một số rất nhỏ, đặc biệt là các
bài giảng được ghi trong Cv 2,14-36 (T.
Phêrô giảng trong ngày lễ Hiện xuống) ; 3,12-16 (T. Phêrô và Gioan tại tiền
đình đền thờ) ; 4, 8-12 (trước công nghị Do thái) ; 10,34-43 (tại nhà sĩ quan
Cornelius) ; 13,17-41 (T. Phaolô tại Antiokia của Pisidia). Từ những bài giảng
đó, mấy yếu tố căn bản được ghi nhận (và thực sự cả nền giáo lý Kitô giáo xoay
quanh đó) :
* Đối tượng của Kerygma là Đức Kitô phục sinh : Thiên
Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại. Điều đó chứng tỏ Đức Giêsu là Chúa, là Đấng Cứu
Độ, Đấng được xức dầu cánh chung (kirios Escatologique). Do đó Người là Lời
cuối cùng và trọn vẹn của Thiên Chúa : tin vào Đức Kitô.
* Các Tông đồ là chứng nhân. “Chúng tôi tất cả đều là chứng nhân” (Cv 2,32; 3,15)
Mạc khải, được trao cho các người loan truyền và do đó phải tin vào các người :
Đức tin của Giáo Hội và trong Giáo Hội.
* Phải trở lại (thành người Kitô hữu) nhờ việc lành thanh
tẩy “bằng nước và Thánh Thần” để được ơn tha tội và ơn cứu độ.
* Các lời tiên tri đã hoàn tất nơi Đức Kitô, “sự cố Đức
Kitô” được thể hiện trong lịch sử đã được chuẩn bị và loan báo qua các Ngôn Sứ
Cựu ước. Người đến “để các lời tiên tri được nên trọn”.
* Đối với các “dân ngoại”, việc rao giảng này trình bày
“Thiên Chúa đích thực” (đối với Dothái chỉ cần chấp nhận Đức Giêsu. Nhưng dân
ngoại còn phải tin vào “Thiên Chúa của Dothái”). Tuy nhiên, các Tông đồ, nhất
là thánh Phaolô cũng ý thức : các dân ngoại đã biết Thiên Chúa (nhờ mạc khải tự
nhiên), tuy nhiên còn rất mờ nhạt và bất toàn, sai lạc.
Như vậy, đức tin mà các Tông đồ rao giảng bao gồm trước
tiên là về Đức Kitô Phục sinh. Tin vào Đức Kitô Phục sinh, mà các Tông đồ là
các chứng nhân, sẽ dẫn đến tất cả các điều khác được Đức Kitô truyền dạy qua
Người. Nhờ đó lãnh được ơn cứu độ Thiên Chúa ban qua và trong Đức Kitô. Đức tin
Kitô giáo không phải chỉ lấy Thiên Chúa làm đối tượng, nhưng tin là nhận sứ
điệp của Đức Giêsu, Đấng từ Thiên Chúa mà
đến và sứ điệp đó đang được các Tông đồ rao giảng : chính Thiên Chúa nói qua
các Tông đồ.
2.
Nơi thánh Phaolô
Ý niệm đức tin nơi thánh Phaolô cũng bao gồm ý niệm chung
nơi các Tông đồ và nơi Giáo Hội sơ khai thời đó : “Asserimus proedicationi
Apostolorum, quo accipitur salus a Deo in Christo oblata” (chấp nhận lời giảng
của các Tông đồ, nhờ đó lãnh nhận ơn cứu độ từ Thiên Chúa trong Chúa Kitô). Đức
tin đó cũng có tương quan mật thiết với Kérigma. Nhưng nói được, thánh Phao lô
là một con người rất đặc biệt, so với các Tông đồ khác, Người có được sự hiểu
biết rộng rãi, sâu đậm và chính xác hơn. Vấn đề Đức tin được Người bàn giải, hầu
như trong khắp các thư Người viết. Sau đây ta tóm tắt một số điểm nổi bật :
* Thay vì từ ngữ Kérigma rất ít khi được dùng, Thánh
Phaolô thường dùng từ ngữ “Euangelion” (kết hợp với từ ngữ Euangelidzesthai :
loan báo Tin Mừng). Có lẽ từ ngữ này có liên quan mật thiết với sứ vụ của Tông
đồ : Apostolos (Người luôn xưng mình là Tông đồ của Đức Kitô). Và rồi, có lẽ do
ảnh hưởng của Người, từ Evangelium : Tin Mừng trở nên phổ biến trong Giáo Hội.
* Điểm trọng tâm trong Tin Mừng Người rao giảng vẫn là
Đức Kitô Phục sinh, nhưng điều này không phải chỉ “tin” mà còn đòi luôn được
“tuyên xưng” (Rm 10,9 ; 1Cr 15,1).
* Sự phục sinh của Đức Kitô đưa tới kết luận trước nhất.
Phải chờ đón Người (Người sẽ đến lại, vì Người đang sống). Sự chết không ngăn
cản việc ta được ở với Đức Kitô (1Tx 4,13). Nhờ Người, cả chúng ta nữa cũng sẽ
được sống lại với Người (1Cr 4,14 ; 6,16 ; Rm 6,1).
* Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta : “lời thập giá” được thánh Phao lô đề cao. Đây
là điểm nền tảng của thần học cứu độ được vị Tông đồ dân ngoại đặc biệt chú tâm
(Pl 2,5-11 ; 1Cr 1,17).
* Nhờ tin vào Đức Kitô, con người được “công chính hóa” (nên lưu ý là thánh Phaolô
không bao giờ gọi con người “được công chính hóa” là người công chính (les
justes) nhưng là các kẻ tin : les
croyants) ;
* Tin luôn luôn đi
liền với cậy và mến : đóï là ba thần đức (1Cr
13,13). Tin, Cậy, Mến là ba thái độ của nền tảng của nghĩa tử của Thiên Chúa,
tạo nên cuộc sống mới là dấu chỉ của sự sống đời đời đã bắt đầu. Thánh Phaolô
đã dùng đề tài này để nói về cuộc đời này như : “đời lữ hành” đang tiến về đời
sống vinh quang.
Tóm lại, nơi thánh Phaolô, tin là nhận sự rao giảng của
Tin Mừng đồng hóa với sự mở lòng ra đón nhận quyền năng của sự phục sinh của
đời sống mới Đức Kitô đem đến, đời sống trong Thần Khí và Ơn Cứu Độ Thiên Chúa
ban, trong Đức Kitô qua Giáo Hội. Mặt “cộng đồng” của Đức tin cũng luôn được đề
cao trong đời sống kitô hữu.
3.
Nơi Tin Mừng Nhất lãm
Các biến cố lịch sử được các sách Tin Mừng kể lại đã có
trước Kérigma, lời giảng của các Tông đồ và các thư được thánh Phaolô quảng
diễn (Tin Mừng kết thúc với biến cố Đức Kitô về trời, trong khi đời sống Giáo
Hội chỉ được coi là thực sự bắt đầu với biến cố Hiện xuống). Vì thế, không thể
tìm trong Tin Mừng về Đức tin kitô giáo đã phát triển theo Kérigma và Thánh
Phaolô. Tuy nhiên, những bản văn Tin Mừng thì lại xuất hiện sau (hoặc có thể
coi là đồng thời với Kérigma). Do đó, thực tế có tương quan hai chiều, các
Thánh sử ghi chép Tin Mừng cũng có mục đích củng cố giá trị của Kérigma nữa.
Điểm chủ yếu trong các Tin Mừng Nhất lãm là về “Nước
Thiên Chúa” (nơi Mc và Lc, còn Mt thì ưa dùng từ ngữ Nước Trời). Lời rao giảng
của Đức Kitô, chính là sự loan báo Nước Thiên Chúa đã gần kề (có chỗ nói là đã
bắt đầu hoặc là đã đang hiện diện “giữa các ngươi”). Sự cố của Đức Kitô chính
là hành vi can thiệp quyết định của Thiên Chúa, trong lịch sử để thiết lập
“Nước Thiên Chúa”. Như vậy, tin vào Đức
Kitô là chấp nhận việc Nước Chúa đến, Thiên Chúa đến và được lãnh nhận vào
nước đó.
Các Tin Mừng Nhất lãm dùng “phép lạ” như dấu chỉ chứng tỏ
về Nước Thiên Chúa. Nhưng phép lạ Chúa Kitô thể hiện “để củng cố lòng tin” nên lại đòi hỏi “tin"
trước (như điều kiện tiên quyết).
Tuy nhiên, không được coi “lòng tin” là nguyên nhân sinh ra “phép lạ”.
4.
Nơi Thánh Gioan (Thánh sử)
Cũng trong bối cảnh của các Tin Mừng Nhất lãm, nhưng
Thánh Gioan muốn trình bày Tin Mừng như : ”việc đào sâu giáo lý”. Tuy cũng nêu
những biến cố lịch sử về Đức Kitô, nhưng điều quan trọng là phải “đi vào trong”
(intériorisation -nội tâm hóa) các biến cố đó.
Từ ngữ “Marturi” và “Marturein” gặp thấy nhiều lần. Như
thế, điểm chủ yếu của Tin Mừng thứ bốn là “chứng tá” (bao gồm cả chứng nhân và
chứng từ), nói được là cả Tin Mừng thứ tư này chỉ là “một chứng tá”. Sự hiện
hữu của chứng tá là để mời gọi “lòng tin”. Do đó, cả Tin Mừng này là để quảng
diễn về “tin” (ba lá thư của Thánh Gioan cũng chủ yếu bàn về vấn đề này). Đức
tin, nơi Thánh Gioan, có thể định nghĩa : “Sự
đi sâu vào chứng tá” cụ thể hóa Lời Chúa cho mình : “Ai tin vào Con Thiên
Chúa thì có chứng tá ấy trong mình” (1Ga
5,10). Thánh Gioan còn dùng nhiều từ ngữ “tương đương” để chỉ đức tin như :
Đón nhận Đức Kitô (Ga 1,12) ; đến với Người, ở trong Người, ở trong Lời Người
và trong tình yêu của Người. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, không phải
Thánh Gioan chỉ nói về Đức tin, Người luôn “chiêm ngắm” sự sâu thẳm của điều mà
Đức tin tạo nên nơi kẻ tin.
II. TIN CÓ NGHĨA LÀ GÌ ?
Phần trên đã rảo qua Kinh Thánh để có được ý niệm chính
xác (dù còn tương đối) về Đức tin nơi Cựu Ước và Tân Ước. Vì Mạc khải là một
Mầu nhiệm, được Thiên Chúa thể hiện nơi lịch sử cách tiệm tiến, tới tột đỉnh là
“Biến cố Đức Kitô”, sự đáp trả bằng Đức tin nơi con người cũng phải có một quá
trình tiến triển. Mạc khải đã kết thúc, đạt tới trọn vẹn nơi Lời Hằng Sống là
Thiên Chúa Nhập thể, nhưng việc hiểu biết và quảng diễn Mạc khải vốn còn đang
phát triển nơi đời sống Giáo Hội. Tìm câu giải đáp cho thắc mắc “tin có nghĩa
là gì ?” chính là sự khảo sát sự hiểu biết và quảng diễn đó và cũng là chủ đích
của những điều được nêu lên ở phần học hỏi này.
1.
Phiến diện của Định nghĩa Đức tin
Phải nhận rằng trong khoa thần học kitô giáo đã có rất
nhiều tác phẩm của những nhà Thần học nổi danh bàn về vấn đề Đức tin, nhưng
luận đề về Đức tin kitô giáo vốn còn là một luận đề khô khan, mờ mịt, nhất là
trước Công đồng Vatican II. Lý do có lẽ là nhiều nhà thần học trước Công đồng
đã quá thiên về “tranh luận gây nên những cuộc bút chiến”. Nhất là từ sau Công đồng Trentô (chống lại anh em Tin
Lành).
a. Nơi Thần học (cổ
điển) kitô giáo
Trước Công Đồng Vatican II, định nghĩa về đức tin kitô
giáo thường được diễn tả thu gọn : “Đức tin là một nhân đức, nhờ đó chúng ta
tin các chân lý (mạc khải) dựa vào quyền
năng Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết (các chân lý đó)”. Định nghĩa đức tin
như vậy chắc chắn không phải là sai, nhưng ngày nay ta phải nhận mặt hạn
chế phiếm diện của nó.
Sự phiến diện này nói được là do ý thức phiến diện của
quảng diễn Mạc khải : thường quá chú
trọng đến “các chân lý Mạc khải”. Hiển nhiên là trong cuộc Mạc khải, các chân
lý cũng như các “tin tức” hiện diện và
còn có cả các giới điều nữa. Mạc khải là “Lời mời gọi” của Thiên Chúa và Lời mời gọi đó không phải là
cái gì mơ hồ và vô điều kiện. Các chân lý, tin tức, và giới điều phải coi là
những yếu tố căn bản, kết thành nội dung của Mạc khải. Nhưng các điều đó không
phải là mục đích của Mạc khải, mà chỉ là dụng cụ, là dấu chỉ của chính Thiên
Chúa Mạc khải. Tuy được diễn tả bằng những mệnh đề, nhưng Mạc khải phải được
coi là “biến cố” của phần rỗi, trong đó Thiên Chúa hằng sống tự khai mở cho con
người để nhận lãnh con người vào mối hiệp thông với Người, nhờ đó con người
lãnh nhận được gia sản vinh quang, hạnh phúc vĩnh cửu (xem Thần học căn bản -
Arialdo Beni, p 22).
Việc quá nhấn mạnh đến chân lý Mạc khải làm cho ý niệm về
sự tiếp nhận Mạc khải (tức là đức tin, đáp trả Mạc khải) mang nặng tính cách
phục tùng quyền bính (của Thiên Chúa) hơn là ưng thuận với tự do của Đức tin cá
nhân. Do đó, để đi đến chỗ rút gọn đức tin thành “một kiểu hiểu biết” (đề cao
chiều kích lý trí) và khiến nội dung của Đức tin chỉ được coi là “một mớ khái
niệm trừu tượng”.
b. Nơi các anh em
Tin Lành
Martin Luther ((1546), ông tổ của Tin Lành lại đặt trọng
tâm Đức tin vào “lòng muốn” (ý chí) (chiều kích của) và nhấn mạnh đến khía cạnh
phó thác, đến nỗi chối bỏ mặt ưng thuận thuộc
sự hiểu biết (L’ assentiment intellectuel), tức là thuộc chiều kích lý
trí của đức tin.
Đại cương, có thể nói quan niệm của Luther phát sinh tất
yếu từ quan niệm về sự “công chính hóa
bởi Đức tin” một luận đề nền tảng của “Giáo Hội Cải Cách” do ông sáng lập.
Theo ông, sự công chính hóa là một “tác phẩm độc quyền” (Oeuvre exclusive) của
Thiên Chúa nhờ lòng thương xót của Người. Để được cứu rỗi, con người chỉ được
phó thác (với một lòng tín nhiệm hoàn toàn và trần trụi) vào lòng thương xót
của Thiên Chúa, nhờ đó sự công chính của Đức Kitô xóa tội lỗi cho (một con
người có thể vừa là một tội nhân do hành động của mình lại vừa được kể là công
chính nhờ phó thác vào Thiên Chúa qua Đức Kitô : Simul Justus peccator). Như
thế con người bị chối bỏ “quyền cộng tác” vào việc chiếm hữu ơn cứu độ và không
còn tự do, tất cả là do Thiên Chúa, do lòng thương xót của Người. Quan niệm
“quá khích” này cũng là hậu quả tất yếu của quan niệm “bản chất con người đã hoàn toàn hư hoại do tội” đưa đến chối
bỏ giá trị của việc làm (thí dụ các ân xá).
Thấy bên Tin Lành chối bỏ mặt “ưng thuận thuộc lý trí”
các thần học gia kitô giáo (La mã) lại muốn đề cao khía cạnh này nơi đức tin :
mọi hành động biểu lộ nơi Đức tin đều phải bao hàm việc ưng thuận thuộc lý trí
(mặc dù không phải chỉ bao gồm việc ưng thuận đó mà còn hiểu về những mặt khác
nữa). Công Đồng Trentô, Công Đồng Vatican I và Đức Pio X cũng quả quyết điều
này (DV 1528/798 ; 3008/1789 ; 3032/1811 ; 3542/2145).
2.
Hiến chế Dei Verbum
Công Đồng Vatican II quả quyết :“Sự vâng phục của Đức tin đối với Thiên Chúa Mạc
khải”, Hiến Chế Lời Chúa quảng diễn thêm :“Nhờ sự vâng phục đó con người
phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một
cách tự do, dâng lên Thiên Chúa Mạc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý
chí đồng thời sẵn lòng nhận Mạc khải mà Người ban cho” (DV 5). Đức tin được
Công đồng trình bày trong số này dưới phương diện nhân bản, như một cuộc đối
thoại cứu rỗi. Dĩ nhiên, ở đây Công đồng không có ý trình bày như một lý thuyết
hoàn chỉnh về Đức tin, nhưng chỉ nêu lên một số điểm nền tảng của ý nghĩa phải
được hiểu về Đức tin kitô giáo. Mấy từ ngữ được nêu lên có thể được xếp thành
hai loại : về Thiên Chúa và về con người cuộc “đối thoại” đòi hỏi như vậy.
a. Về mặt ơn Chúa
trợ giúp
Hiến chế quả quyết “cần có ân sủng của Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và trợ giúp bên
trong của Chúa Thánh Thần” (DV 5). Đó là điều kiện tiên quyết.
Trước hết Đức tin là một ơn Thiên Chúa ban hoàn toàn
nhưng không, ta có thể tìm được vô số
lời quả quyết về điều này trong Kinh Thánh : “Không ai có thể đến với Ta
(Đức Kitô, tức là tin vào Người), nếu
không được Chúa Cha lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Trong hành vi Mạc khải
Thiên Chúa đã đi “bước trước” để giúp con người đáp trả Mạc khải của Người bằng
Đức tin, Thiên Chúa cũng lại khởi đầu bằng việc ban ơn của Người cách nhưng
không. Thánh Phaolô nhấn mạnh nhiều về khía cạnh nhưng không này của Đức tin :
Đức tin là hiệu quả của việc tự do lựa chọn của Thiên Chúa (2Tx 2,13-22). Thơ
gửi giáo đoàn Êphêsô còn được quả quyết mạnh hơn : “Nhờ ơn Chúa anh em đã được cứu rỗi. Việc đó không phải tự anh em,
nhưng là ơn Chúa ban” (Ep 2,8). Chỗ khác : “Không ai có thể nói : Đức Giêsu là Thiên Chúa (tin) nếu không được
Thánh Thần thúc giục” (1Cr 12,3).
Đức tin kitô giáo, phải sống động. Nó luôn cần được nuôi
dưỡng không ngừng, mới đem lại “kết quả”. Về mặt Thiên Chúa trợ giúp, văn kiện
Công đồng nói đến “Chúa Thánh Thần thúc
giục và quy hướng con tim, mở mắt lý trí, làm cảm thấy dịu ngọt”. Tóm lại :
“Chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện
toàn Đức tin qua các ơn của Người” (DV 5).
b. Về mặt con người
Chỉ bằng mấy từ
ngữ : “phó thác toàn thân, cách tự do,
quy phục hoàn toàn cả lý trí và ý chí”. Văn kiện Công đồng đã khái quát
những gì con người “tin” cần phải thể hiện.
Tiếng mời gọi của Thiên Chúa không phải là một sự “cưỡng
bách”. “Ai muốn theo Ta !” (Mt 16,24) ;
“Nếu ngươi muốn nên trọn lành” (Mt 19,21) ; “Nếu ngươi muốn có sự sống” (Mt
19,17). Đức tin đòi sự cộng tác đáp ứng “cách tự do” và tích cực của con
người : “Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Để được tự do đáp trả,
con người đòi có sự hiểu biết và lòng muốn cho Đức tin : cả hai mặt lý trí và ý
chí đều quan trọng.
Phó thác toàn thân cho Thiên Chúa. Đây chắc chắn không
phải là “cách tin mù quáng”. Nhưng là “tin tưởng” đi liền với “tín nhiệm, cậy trông và yêu mến”, con người đặt
nơi Thiên Chúa quyền năng và chân thật.
Mạc khải không phải chỉ được hiểu về “một mớ kiến thức hay chân lý, luật điều“ (thuộc tín lý hay luân
lý). Nhưng là việc Thiên Chúa “Mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết Mầu nhiệm thánh ý Người”
(DV 2). Vậy Đức tin nếu muốn thực sự là tiếng đáp trả Mạc khải, không được hiểu
chỉ là sự tiếp nhận tiêu cực, nhưng là “một cuộc gặp gỡ đối thoại” với Đấng
hiện hữu, đang mời gọi và hấp dẫn, để ta được thông hiệp với Người.
Để tránh mọi hình thức “bút chiến, tranh luận”, Công đồng
đã gạt bỏ cả hai khái niệm bất toàn của Đức tin : một khái niệm về Đức tin danh
dự, trên thực tế không còn nội dung gì và một khái niệm đồng ý với “giáo lý”
nhưng không được nhân cách hóa (hành động của con người tự do, có lý trí và ý
chí). Công đồng đã nhằm tới một Đức tin đã hình thành, trưởng thành, toàn diện,
hoàn hảo, làm nỗi bật Đức tin tự do, cá nhân và toàn diện : trong hành vi Đức
tin, con người dấn thân toàn diện chứ không phải phiến diện (lý trí hoặc ý chí).
Theo Schutz và Thuraan : đây là bước tiến của Công đồng
trong tinh thần “đại kết” là cho các anh em bên Tin Lành rất thông cảm với tài
liệu này của Công đồng. Điều này đã đánh dấu sự tập trung những khái niệm thần
học về Đức tin trước vấn đề Mạc khải.
3. Đức tin
Một cuộc gặp gỡ Tin Mừng theo Thánh Gioan, tại chương 9
có kể chuyện một anh em mù từ khi mới sinh, được Đức Giêsu chữa lành. Việc chữa
lành này đã làm cho giáo quyền Do Thái ngày đó tức bực. Họ hạch hỏi anh ta, và
cuối cùng anh ta lại bị trục xuất khỏi cộng đoàn của họ. Sau đây ta ghi lại một
mẫu “đối thoại” giữa anh ta và Đức Giêsu, có liên quan đặc biệt đến vấn đề Đức
tin mà ta đang bàn : “Đức Giêsu nghe biết
họ trục xuất anh, khi gặp lại anh, Người hỏi : anh có tin vào Con Người không ?
Anh đáp : "Thưa Ngài Đấng ấy là ai để tôi tin ?" Đức Giêsu trả lời : "Anh đã thấy Người !
Chính Người đang nói với anh đây !" Anh nói : "Thưa Ngài, tôi
tin. Rồi anh sấp mình bái lạy Người” (Ga 9,35).
Câu chuyện trên cho ta thấy một cách rất đặc biệt về sự
phát triển Đức tin : một cuộc gặp gỡ. Đức tin nơi người kitô hữu phát triển đến
trọn hảo trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô.
a. Tin vào một Đấng
Đã hẵn, tin là tin một “nội dung” những gì Thiên Chúa Mạc
khải cho. Như ở trên ta đã thấy, trong Mạc khải của Thiên Chúa, các chân lý,
tin tức và cả giới điều. Lời Chúa không phải là cái gì mơ hồ. Tuy nhiên điểm
trọng yếu của Mạc khải phải chính là việc Thiên Chúa “nghiêng mình xuống cho
con người”. Người đến với con người. Người gặp gỡ con người dưới hình thức con
người có thể lãnh hội được. Con người đáp trả Mạc khải bằng Đức tin : con ngươi
phải đặt mình trước mặt Thiên Chúa, như trước mặt “nhân vật nào đó”. Đấng Mạc
khải “nói, hành động”. Con người nhờ ơn Chúa, nhận biết Người như Đấng chờ đợi,
mời gọi và đón nhận và hiệp thông với Người. Đức tin trước hết là tin vào một
người, là tiếp nhận một nhân vật sống động, điều này rất hiển nhiên trong lịch
sử Abraham, các Tổ phụ, Maisen, các ngôn sứ, đã gặp gỡ Đức Chúa, Đức Yahwê.
Đức tin là “một cuộc đối thoại cứu rỗi”. Cuộc đối thoại
được thể hiện nhờ sự gặp gỡ với Đấng Cứu rỗi. Đức tin là một sự nhận biết, quý
mến tương quan cá nhân, đối thoại và lắng nghe đầy tình mến, là liên kết cách
thực thể với Đấng là nguồn gốc và là cùng đích của số mệnh cá nhân của ta.
Đức tin nơi người kitô hữu là nhận thấy Đức Kitô đến gặp
mình. Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan đã được thấy Đức Kitô, đã theo Người và sống
với Người (nhất là sau biến cố Phục sinh). Phaolô đã lãnh nhận Đức tin trên đường đi Damas.
Vậy, Đức tin là gặp gỡ Đức Kitô, nhìn nhận Người là người
độc nhất có thể hoàn thành hóa nơi tôi. Nhìn nhận chỉ mình Người làm cho tôi,
con người phù vân, có thể vào trong thế giới của Đấng Tuyệt Đối, thế giới vô
hạn.
b. Đức tin là vấn đề
của ý chí hơn là lý trí
Tin là phó thác, tín nhiệm và trung thành. Tin là một cố
gắng toàn diện. Dĩ nhiên, con người tin, nhận biết Đấng mình tin. Nhưng Đức tin
vững chắc và trưởng thành là tiếng “xin vâng” quyết định. Đã có biết bao gương
trong lịch sử về Đức tin biểu lộ bằng tiếng xin vâng : Abraham, Maisen, Giuse,
Phaolô. Đặc biệt nhất là tiếng xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria.
Tiếng xin vâng biểu lộ sự đồng ý tin vào Thiên Chúa là
Chân Lý, Đấng không bao giờ lừa dối. Một đứa trẻ nằm trong tay mẹ nó và để mẹ
nó muốn mang đi đâu tùy ý vì nó có sự hiểu biết bẩm sinh, hoàn toàn đặt nơi mẹ
nó sự phó thác trọn vẹn. Đó là hình ảnh Đức tin. Thánh Phaolô quả quyết : “Tôi
biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12).
c. Đức tin kiện toàn
Mạc khải
Mạc khải là hành vi của Thiên Chúa. Người “nghiêng mình
xuống”, tìm đến với mọi người, “ngỏ lời, đối thoại, mời gọi và đón nhận con
người vào hiệp thông với Người”. Mạc khải mang đặc tính cứu độ. Đức tin là sự
đáp trả Mạc khải của con người, là tiếng “xin vâng” biểu lộ đồng ý. Như thế Mạc
khải chỉ đạt tới cứu cánh của nó bằng tiếng xin vâng của Đức tin nơi con người.
Thánh Augu-stinô thưa với Chúa : “Lạy Chúa, để dựng nên con,Chúa không cần đến con, nhưng để cứu độ con. Chúa cần đến con”.
Hiển nhiên ơn Cứu Độ cần đến sự cộng tác của con người. Nhưng sự cộng tác
căn bản phải là “sống đức tin”.
Như thế, Mạc khải và Đức tin không những gặp nhau, mà còn
phối hợp thành một biến cố. Đức tin kiện toàn Mạc khải bằng việc đáp trả trọn
vẹn. Đó chính là sự vâng phục, như văn kiện Công đồng đã gọi, tức là hoàn toàn
hiến thân mình cho Chúa, “Thiên Chúa nhân
lành và khôn ngoan”. Sự hoàn toàn hiến thân này bào gồm toàn diện : lý trí,
ý chí, tấm lòng, thân xác, hiện tại, và tương lai, một cách sâu đậm tận gốc,
tuyệt đối và cố định. Đức tin kitô giáo đòi hỏi tương quan mật thiết với Đức
cậy, Đức Mến và hoạt động tức là “sống đức tin”
4.
Trạng thái mới của người tin
Để khích lệ một cuộc sống mới, tối hảo nơi các tín hữu,
thơ gửi giáo đoàn Dothái ở chương 11 đã nêu lên bao hiệu quả đáng quý trọng của
lòng tin nơi các nhân vật lịch sử, từ Abel, Henoc đến các tổ phụ Abraham, Sara,
Maisen, các Phán quan các anh hùng tử đạo qua các thế hệ. Quả thực, người ta
không thể kể hết được những gì Đức tin chân chính mang lại cho kẻ tin chân
thành ; thánh Phaolô đặt tất cả những điều đó vào một ý niệm căn bản : “Được
công chính hóa” (x. Rm 1,17 ; 5,1tt Ep 3,12tt). Vì Mạc khải có tính cách cứu độ
và Đức tin làm cho chủ đích của Mạc khải được thành đạt, có thể nói chính Đức
tin làm cho con người “chiếm hữu” được Thiên Chúa (nhờ sống Đức tin).
a. Đức tin trở nên
giác quan thứ sáu
Ngũ quan là phương thế con người dùng để “biết” mọi vật
(dĩ nhiên trọng tâm sự hiểu biết là lý trí). Nhưng có những điều con người
không thể biết bằng ngũ quan được mà chỉ có thể hiểu bằng Đức tin. Quả thật,
Đức tin trở nên giác quan thứ sáu : trong lúc con người tin cậy vào Chúa và phó
thác vào Người cách triệt để và toàn diện, Đức tin trở nên một giao ước, một sự
hiệp thông sống động giữa con người với Thiên Chúa. Đức tin là ánh sáng, là sự
thánh hiến trí hiểu ra. Đức tin làm cho trí hiểu của ta được “đồng hóa” với
thượng trí của Thiên Chúa nhờ đó ta có thể thấy rộng nhìn rõ những gì không thể
thấy bằng ngũ quan. Theo tư tưởng của thánh Phaolô : “Tin là chiếm hữu trước kỳ hẹn, nhưng rất chắc chắn, những điều Thiên
Chúa hứa”.
Như thế trạng thái mới về sự hiểu biết của người tin thật
lớn lao, nói được là vô cùng “Lời Chúa
chiếu giãi bước con đi, cho con thấy ánh sáng trong ánh sáng”. Đó là lời
xác quyết của một tín hữu lão thành mà thánh Thomas trưng lại : “Ông biết nhiều điều hơn tất cả các triết gia ngoại giáo liên
kết lại với nhau”.
Đức tin làm cho mọi người nhìn thấy bằng con mắt của
Thiên Chúa : ta nhìn thấy được “như Chúa dạy”. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa
là “Ta là Thiên Chúa hoặc trở nên như
Thiên Chúa” (Ấn Độ giáo, phiếm thần). Nhưng ánh sáng Đức tin, với sự phó
thác toàn diện, con người “tin” thấy được mọi sự, kể cả Thiên Chúa vô hình và ý
định của Người.
b. Sung sướng trong
đau khổ
Đặt trọn niềm tin nơi Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã kêu lên
: giữa gian truân tôi thấy lòng tràn đầy vui mừng an ủi (2Cr 7,4). Khi đã phó
thác trọn vẹn và toàn diện bằng Đức tin, vấn đề đau khổ, ngay cả sự chết, không
còn làm ta quan tâm. Con người tin có sức mạnh của Thiên Chúa (nhất là nhờ Đức
Kitô). Biết bao vị anh hùng tử đạo đã chứng minh điều này. Có vị khi bị chém
đầu, đã nhúng ngón tay vào máu của mình và
viết xuống đất : Tôi Tin.
Đức tin làm cho con người cảm thấy được hạnh phúc thật,
ngay giữa cuộc đời đầy đau khổ này : không cô đơn, nhưng luôn có Chúa ở cùng.
Đức tin là một cuộc sống mới đã có “mầm” trong cuộc sống vĩnh cửu. “Dù có chết cũng sẽ sống, sẽ không phải chết bao
giờ” (Ga 11, 25-26).
c. Cảm nghiệm Thiên
Chúa
Đức tin là sự hiệp thông với Thiên Chúa, chẳng những bằng
lý trí, sự hiểu biết mà còn bằng cả ý chí và tình yêu : muốn điều Chúa muốn,
yêu điều Chúa yêu. Ý chí của người tin được kết hiệp với ý chí của Thiên Chúa,
đến nỗi nói được chỉ còn có một. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này, vì
đặt trọn niềm tin nơi Chúa Kitô, Đấng Người luôn luôn tuyên xưng : cũng là
Thiên Chúa, Người đã thành thật kêu lên :
“Tôi sống nhưng không phải là tôi
sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Tới mức độ Đức tin hiện hữu phù hợp với thánh ý Thiên
Chúa, người tin nói được là cũng tham dự vào quyền năng của Người. Chính vì thế
Đức Kitô đã thẳng thắn tuyên bố “Tất cả
đều có thể đối với người tin” (Mt 9,22). “Quả thật : Thầy bảo anh em, nếu anh em có lòng tin và không nghi ngại, anh
em có bảo núi này : xê đi mà nhào xuống biển thì sự đó cũng sẽ xảy ra” (Mt
21,21).
Đã có nhiều gương lành của các thánh : các ngài đã đạt
tới sự hiểu biết Thiên Chúa theo nghĩa Kinh Thánh, nghĩa là các ngài đã cảm
nghiệm được Thiên Chúa (đến nỗi không ai có thể làm các ngài xa cách Thiên Chúa được).
III. ĐẶC TÍNH CỦA ĐỨC TIN
Như Hiến chế “Lời Chúa” đã trình bày : Mạc khải không phải
chỉ là một mớ kiến thức, chân lý và luật điều. Đức tin đáp trả Mạc khải cũng
không phải là chấp nhận tiêu cực một mớ điều đã được Mạc khải đó. Đức tin có
sức sống và cần sống động, nghĩa là nơi mỗi người tin, hiện hữu một quá trình
phát triển của lòng tin. Sự phát triển đó vừa lệ thuộc vào Chúa (Đức tin là ơn
Chúa ban nhưng không), vừa lệ thuộc vào mỗi người (là hành vi đáp trả tự do, cá
thể và đầy tình mến). Vì thế, Đức tin (kitô giáo) có những đặc tính của nó. Nói
khác đi muốn Đức tin phát triển đúng đắn, cần hiểu biết những qui luật phát
triển của nó.
1.
Đức tin và cộng đồng
Theo bản chất, Đức tin có tính chất cá thể : tôi tin vì
tôi tự do tin, nhưng cá thể ở đây không phải là một cuộc sống cô đơn. Đức tin
không phải là một hành vi riêng tư theo nghĩa chuyên biệt : Nó cũng có tính
cộng đoàn.
a. Tôi tin là chúng
tôi tin
Ngay ở cấp độ lý luận thấp, ta cũng thấy được Đức tin
mang “Cộng đồng tính”. Con người là một vật sống trong xã hội, mang xã hội
tính, hay nói khác đi con người hành động có tính cách xã hội. Tin là hành vi
của con người, trước hết, ta thấy việc “tin” đó nhất định ảnh hưởng rất nhiều
của xã hội. Tuy Đức tin là ơn nhưng không do Thiên Chúa ban, nhưng nó cũng chịu
ảnh hưởng của môi trường hoàn cảnh, đặc biệt là do giáo dục.
Nhưng thực tế cũng chứng tỏ, thường nhờ vào Đức tin của
cộng đoàn mà Đức tin của cá nhân hiện hữu và phát triển. Có Đức tin là sống
trong thế giới, trong lịch sử cùng nhau tiến lên theo chương trình của Thiên
Chúa hướng về ánh sáng vinh quang bất diệt. Nói được là tôi tin vì người khác
đã tin và có những người khác đã tin trước tôi, cũng có những người khác cùng
tin với tôi. Kinh nghiệm cho thấy, trong bầu khí dửng dưng, âu lo và xung quanh
đều tối tăm, Đức tin không thể sinh ra và cho dù có sinh ra cách đặc biệt cũng
sẽ chết lạnh như cây non mảnh khảnh trong băng giá. Sống trong một cộng đoàn có
Đức tin sống động (thường được diễn tả dưới nhiều hình thức, nhiều hoạt động)
thì từng cá nhân càng kín múc được sự phong phú của nó.
b. Giáo Hội là
“chúng ta trong Đức tin”
Dĩ nhiên Đức tin phải bắt nguồn từ chính ân sủng của
Thiên Chúa và Người có thể ban cho ai cách nào tùy ý Người. Chính Người hấp dẫn
và “chạm tới” linh hồn từng người. Người có thể “biến những hòn đá thành con cái Abraham”, Người có thể làm cho ngọn lửa
bốc cháy từ nhưng không. Tuy nhiên theo thông lệ, Ơn Thánh hoạt động theo nhịp
của thực tại nhân loại : chính Thiên Chúa đã lập Giáo Hội cho con người. Sự
hiện hữu của Giáo Hội là “vì nhu cầu của con người”. Giáo Hội là “nhiệm tích
của Thiên Chúa”. Vấn đề này sẽ bàn chính xác và chi tiết ở phần “Giáo Hội học”.
Ở đây ta chỉ nêu tổng quát những gì liên quan đến Đức tin.
* Giáo Hội là thửa đất nâng đỡ chúng ta, là bầu khí chúng
ta trong đó sống động. Giáo Hội là dạ cưu mang chúng ta và sau khi sinh chúng
ta ra còn nuôi dưỡng chúng ta, Giáo Hội là “chúng ta trong Đức tin”.
* Lời Chúa là luật tối cao của Đức tin. Tuy thế không phải mọi người có thể
đạt tới, cũng không phải mọi người có thể hiểu cả. Có một luật trực cận của Đức
tin ở tầm tay mỗi người, cả những người mù chữ, đó là luật của Giáo Hội khi
phục vụ Lời Chúa, đề nghị với chúng ta những điều phải tin. Hiến chế “Lời Chúa”
dạy : “Thực vậy, các sự việc và lời nói
truyền lại (Mạc khải) được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi
của các tín hữu, nhờ sự giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc
chắn về chân lý do việc kế vị trong chức giám mục” (DV 8).
* Mạc khải được trao phó cho toàn thể Giáo Hội. Tất cả
Giáo Hội đều học tập để rồi trở thành người dạy kẻ khác. Hiến chế “Ánh sáng
muôn dân” dạy : “Toàn thể tín hữu được
Chúa Thánh Thần xức dầu, không thể sai lầm trong Đức tin. Họ biểu lộ đặc tính
ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về Đức tin của toàn thể Dân Chúa” (LG 12).
* Ta không thể gặp được Chúa, nếu chúng ta muốn đến với
Người, mà lại xa lìa cộng đoàn Giáo Hội, cộng đoàn Giáo Hội là môi trường bình
thường của Đức tin mỗi người. Đức tin là tin vào Giáo Hội, ở trong lòng Giáo
Hội, kitô hữu là người của Giáo Hội.
* Mặc dù tư tưởng nhân loại có thay đổi : những nghi nan
và cám dỗ bủa vây quanh ta, nhưng bởi ta sống trong lòng Giáo Hội, ta có thể
tìm thấy những phương thế khiến Đức tin ta đứng vững. Ta có thể tăng trưởng Đức
tin nhờ vào Đức tin của cả Giáo Hội, luôn được duy nhất nhờ quyền giáo huấn.
c. Thánh Kinh khơi
dậy ý nghĩa Đức tin
Nhờ Đức tin, con người thuộc về Giáo Hội. Họ càng nhập
cuộc vào Giáo Hội sâu thẳm bao nhiêu, họ càng sống triệt để Đức tin trong cuộc
sống bấy nhiêu. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” viết : “Thực vậy, nhờ cảm thức về Đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì, dưới
sự hướng dẫn và giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo,
dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải là lời nói của loài người nữa, mà thực sự
là Lời của Thiên Chúa (Pl. 2,13). Họ gắn
bó hoàn toàn với Đức tin ‘chỉ một lần được ban bố cho các thánh’ (Gđ 3) họ tiến
sâu hơn trong Đức tin nhờ phán đoán đúng
đắn và sống Đức tin cách hoàn hảo hơn” (LG 12).
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Người đặc biệt hỗ
trợ chân lý qua những ơn đoàn sủng được ban cho những vị Giám mục, tức là những
người được chọn làm người bênh vực lợi
ích chung, người tìm chân lý, người canh giữ Đức tin kitô hữu, khỏi bị vất
vưởng theo gió ba đào của lạc giáo (x. Pr
Ord. Số 9).
Thánh Thần cũng ban những ơn Đoàn sủng khôn ngoan cho
những người đã thấm nhuần giáo lý và biết làm cho giáo lý ấy được lan tỏa cách
hiệu nghiệm hơn.
Tóm lại : Đức tin kitô giáo không phải là một sở hữu của
những con người sống xé lẻ, ốc đảo, xa lìa cộng đoàn Giáo Hội. Để tin, đòi hỏi
phải có tự do và như thế kéo theo trách nhiệm cá nhân. Nhưng Đức tin phải được
“Sống động và phát triển” trong cộng đoàn Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Thánh
Thần qua quyền giáo huấn, Đức tin phá tan hàng rào “cá nhân chủ nghĩa”. Đức tin
là cái gì cốt yếu của Giáo Hội mà toàn thể các kitô hữu được tham dự vào.
2. Đức tin với Đức
Cậy và Đức Mến
Người ta so sánh các nhân đức như những mắt xích của sợi
dây chuyền : tất cả đều liên đới với nhau để làm nên sự hoàn thiện. Đức tin
chẳng những là một nhân đức, mà còn là một thần đức, nghĩa là có đối tượng là
chính Thiên Chúa (nhân đức đối thần) nên có tương quan đến các nhân đức khác.
Nhất là đối với đức Cậy và đức Mến, cũng là những thần đức.
a. Đức tin với lòng
phó thác
Tin không phải chỉ là chấp nhận thụ động các chân lý Mạc
khải. Nhưng đòi hỏi có mặt chủ động để thể hiện việc hiến dâng toàn thân mình
và đời sống mình cho Thiên Chúa. Vì thế, hành vi của Đức tin bao gồm cả lý trí
và ý chí. Thánh Phanxicô khó khăn nói : Tôi tin Thiên Chúa của tôi và là tất cả
cho tôi. Bước đường Đức tin là cử chỉ phó thác và tin cậy. Tin có nghĩa là
không còn cậy vào sức mình, nhưng chỉ còn cậy dựa vào Thiên Chúa. Đức tin không
thể xa lìa đức Cậy và lòng phú thác nơi Thiên Chúa.
Ngay những từ ngữ Do thái để diễn tả Đức tin (Aman và
Batan) cũng bao gồm ý nghĩa cậy trông và phó thác. Theo cách mô tả của Kinh
Thánh, những “cuộc sống Đức tin” của
những người công chính sống trong Cựu Ước cũng như các thánh thời Tân Ước,
luôn biểu lộ sự cậy trông và lòng phó thác cao độ nơi Thiên Chúa. Thánh Phaolô
quả quyết : “Tôi biết tôi đã tin vào ai,
và tôi biết chắc chắn Người có đủ quyền phép” (2Tm 1,12). Các sách Tin Mừng
Nhất lãm thường coi Đức tin như là điều kiện tiên quyết để Đức Kitô thể hiện
các “phép lạ”, nhưng “tin” ở đây có nghĩa là “tin tưởng”, “cậy trông”
(confiance). Ta có thể nói, những diễn tả đó nhấn mạnh đến mặt “ủy thác, giao phó, tín nhiệm”, hơn là “chỉ trông chờ
một dấu lạ” (ngược lại với tinh thần “hoài nghi” của người Biệt phái). Tận
điểm của Đức tin là được trực tiếp kết hiệp với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh
cửu. Thực tế, việc đó chưa thể hoàn toàn thể hiện trong cuộc sống này, nhưng
việc kết hiệp đó đã bắt đầu hiện hữu do lòng ước ao, ngưỡng mộ và hy vọng bằng
lòng cậy trông. Như thế, kẻ tin thì luôn
cậy trông phó thác : Đức tin và Đức cậy luôn gắn liền với nhau.
b. Đức tin muốn yêu
mến
Đức tin có thể tồn tại mà không cần đức Mến hiện diện.
Con người có thể nhận ra sự Mạc khải của Thiên Chúa và tin vào những dấu chỉ
nhận được, dù chưa thật sự có lòng muốn. Tuy nhiên, Mạc khải là tiếng mời gọi
yêu thương của Thiên Chúa (chính vì yêu thương nhân loại và muốn cứu độ nhân
loại, Thiên Chúa Mạc khải chính mình và ý định cứu độ của Người). Sự đáp trả
Mạc khải bằng việc “bày tỏ sự vâng phục của
Đức tin” đòi hỏi lòng yêu mến : tình yêu đòi được đáp trả bằng tình yêu.
Chính tình yêu của Thiên Chúa đã khởi đầu Mạc khải. Đức tin không thể hiện hữu
và tồn tại nếu không có tình yêu khởi đầu của Thiên Chúa cũng như lòng ước ao
đức mến. Thánh Thomas d’Aquino nói : “Đức tin không đòi hỏi phải có lòng mến, nhưng muốn yêu mến” (Seut. D 23 q. 2, a, 5,6).
Hơn nữa, để phát triển Đức tin, luôn đòi hỏi những sự hy sinh vì có những
chướng ngại vật cần vượt qua tất cả những cố gắng cần thể hiện. Lòng mến sẽ
giúp cố gắng để vượt qua tất cả (x. Rm 8,31-39). Chỉ có trong Đức ái mà Đức tin
đạt tới sự viên mãn của nó.
3.
Đức tin và hành động
Tin không phải chỉ là chấp nhận một mớ kiến thức, một
“giáo thuyết suông”. Người có Đức tin kitô giáo là người đã lãnh nhận một “sứ
vụ” và có bổn phận thi hành sứ vụ đó trong cả đời sống. Đó chính là việc sống
Đức tin.
a. “Đức tin không
có việc làm là Đức tin chết” (Gc 2,17).
Đạo phải tác động trên đời sống và đưa tới việc “hoàn
thiện”. Chính vì lối sống tách biệt giữa Đạo giáo và những thực tại trần thế,
những vấn đề cụ thể của cuộc sống hằng ngày (của một số kitô hữu) đã làm cho
nhiều người “vấp phạm” : coi Đạo giáo chỉ như là một “thứ đồ trang sức”, hoặc
tệ hơn nữa “cản trở sự tiến bộ của con người
thời nay”, đồng hóa Đạo giáo với những thứ mê tín dị đoan.
Đức tin phải được bày tỏ ra bên ngoài bằng hành động cụ
thể : sự biểu lộ Đức tin cũng chính là làm cho Đức tin đáp ứng lời mời gọi của
Thiên Chúa Mạc khải. Con người có Đức tin phải là con người sống điều mình tin,
tức là biến điều mình tin thành cách sống. Nhờ hành động trong Đức tin mà con
người trở nên hoàn hảo mỗi ngày một hơn. Thực tế, con người không phải là hiện
hữu hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng luôn phải trở nên hoàn hảo (việc nên thánh) qua
các hành động của chính cuộc sống.
b. Ưu tiên của hoạt
động Ơn cứu rỗi
Cùng đích của Mạc khải của Thiên Chúa là đem lại Ơn cứu
rỗi cho con người, người kitô hữu tuyên xưng về Đức Kitô : “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi,
Người đã từ trời xuống thế”. Mầu nhiệm Nhập Thể là một Mạc khải vĩ đại nhất
(Đức Kitô là Mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa) và tất cả Mầu nhiệm này đều
hướng về Ơn cứu độ (mọi hành vi của Đức Kitô trong cuộc đời tại thế này đều có
giá trị cứu độ). Vì thế, Đức tin đáp ứng của Mạc khải, cũng có cùng một mục
đích là lãnh hội được Ơn cứu rỗi. Nói khác đi, sống Đức tin là chiếm hữu Ơn cứu
rỗi (cho mình và cho mọi người).
Ơn cứu rỗi phải lo cho con người, trước tiên phải được
hiểu theo mặt siêu nhiên : giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi dục vọng và
khỏi sự chết (siêu nhiên) nghĩa là làm cho con người được thông hiệp với Thiên
Chúa trong chính sự sống của Người. Như thế, lý tưởng cao đẹp nhất của những
con người “sống Đức tin” phải chính là
hoạt động của Đức Kitô để làm cho Nước Chúa trị đến. Người kitô hữu không
những trông chờ, nhưng còn phải “hành động” để làm cho Nước Chúa mau đến (bằng
cầu nguyện, hy sinh và làm việc tông đồ). Việc Nước Chúa trị đến sẽ đem lại Ơn
Cứu Độ toàn diện cho con người tức là giải thoát toàn diện cho con người.
c. Lời dạy của Công
đồng Vatican II (Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng)
Để nhắc nhở người kitô hữu “sống đúng đắn” Đức tin trong thế giới ngày nay, Công đồng đề cập đến “Trời
mới Đất mới”, hình ảnh của Nước Chúa trị đến, với những đặc điểm (số 39).
Theo Kinh Thánh, thế giới này sẽ đổi mới chứ không nên
hiểu theo nghĩa “tàn phá đổ nát” tiêu
cực.
Dù chưa rõ như thế nào, nhưng “hành động” của ta (tại trần thế này) sẽ đem lại kết quả đời đời : đặc
biệt là các hành động bác ái.
Tuy rằng không thể đồng hóa sự tiến bộ trần thế của nhân
loại với sự mở rộng của “Nước Thiên
Chúa”, nhưng khi ta phục vụ nhân loại và làm cho phẩm giá con người, tình
huynh đệ và tự do phát triển, tức là ta đóng góp vào Nước Thiên Chúa những gì
sẽ tồn tại mãi, sau khi thế giới này được tẩy luyện và biến hình.
Văn kiện nhấn mạnh : “Sự trông đợi ‘Trời mới Đất mới’ không được làm suy giảm, trái
lại, phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này nơi mà thân thể gia đình
nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại
mới...”. Vậy, tin có nghĩa là chia sẻ sự khát vọng chung về hòa bình và
tình huynh đệ cố gắng hoàn thiện cả cơ cấu xã hội, để chuẩn bị một “nhân loại
mới”. Như thế cũng là làm theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Công đồng còn đi xa hơn : “Đối với người kitô hữu, xao nhãng bổn phận trần thế là
xao nhãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính mình Thiên
Chúa, khiến phần rỗi của mình bị đe dọa...” (GS số 43).
IV. TIẾN BỘ VÀ THOÁI LUI
CỦA ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Dụ ngôn “người gieo giống” đã được cả ba Tin Mừng Nhất
lãm kể lại, như là “đầu” của các dụ ngôn Đức Kitô đã dùng để quảng diễn về Mầu
nhiệm Nước trời (Mt 13,3tt ; Mc 4,3tt ; Lc 8,5tt). Có lẽ vì dụ ngôn này trình
bày rõ nét nhất về việc “đáp trả Mạc khải
của Thiên Chúa” nơi con người, nghĩa là về Đức tin : Lời Chúa được gieo
khắp nơi “Này người gieo giống ra đi gieo...”. Nhưng để có kết quả, hiển nhiên
là “môi trường” mà hạt giống được gieo vào có tầm quan trọng quyết định : “Chim
trời ăn mất...bị sém đi và chết khô...gai
vươn lên làm chúng chết ngạt...sinh một trăm...sáu mươi...ba mươi...”. Đức tin
có sức sống và cần sống động. Nhưng Đức tin có thể sống nếu gặp được “môi
trường sống” và môi trường sống đó chính là con người. Vì đây chỉ là một dụ
ngôn nêu lên được hình ảnh về phương diện nào đó thôi, tuy rõ nét nhưng rất hạn
chế. Dù sao áp dụng dụ ngôn này vào điểm ta bàn nơi đây, nhất định sẽ đem lại
cho ta một cái nhìn chính xác và cụ thể.
1.
Thiên Chúa không bị giới hạn trong việc ban ơn
Đức tin là kết quả của hoạt động phối hợp giữa Thiên Chúa
và con người. Tuy câu nói của thánh Phaolô “fides ex auditu” (Rm 10,14tt) luôn
luôn đúng, nhưng hiển nhiên là chỉ mới “phiến diện” (thánh Phaolô ngay ở đoạn
này cũng quả quyết : “tiếng họ đã thấu
toàn cõi đất” “và lời họ đạt tới mút cùng dương gian”. Thiên Chúa đã hoạt động
để Tin Mừng được đến với con người). Đúng như Hiến chế “Lời Chúa” quả quyết
“để được niềm tin đó, cần có ân sủng đi
trước giúp đỡ và sự trợ lực bên trong của Chúa Thánh Thần” (DV 5) ân sủng của
Thiên Chúa đối với đức tin “như là điều kiện tiên quyết” không thể thiếu được (Ga 6,44).
a. Thiên Chúa không
giới hạn trong việc ban ơn Đức tin.
Người luôn dùng muôn hồng ân thiện hảo của Người để làm
cho người tín hữu đạt tới tinh thần Đức tin chân chính. Quả thật, nếu Người kêu
mời chúng ta đến với Người “để được hiệp
thông” (hành vi Mạc khải) mà Người lại không cho chúng ta khả năng để đáp trả
lại tiếng mời gọi của Người “bằng Đức tin” thì tỏ ra Người không thành thật
muốn chúng ta được cứu rỗi. Thiên Chúa không hành động chống lại Thánh ý Người
đã Mạc khải cho chúng ta.
b. Thiên Chúa cũng
không bị giới hạn
Trong việc ban ơn Đức tin mặc dù Thiên Chúa để cho kết
quả tạo nên Đức tin là do có sự cộng tác đáp trả của con người. Nhưng như vậy
không có nghĩa là Người “bị hạn chế”. Nếu
Người muốn, Người vốn luôn có đủ quyền năng để Thánh ý của Người được trọn
hảo. Lịch sử chứng tỏ cũng không thiếu những trường hợp nhìn theo khía cạnh
loài người, có vẻ chính Thiên Chúa “áp đặt” Đức tin cho con người. Thí dụ :
thánh Phaolô trên đường Damas (Cv 9,3 ; 22,5 ; 26,9). Nhưng ngay cả trong những
trường hợp này, hành động của Thiên Chúa cũng vốn phải được coi là “hành động
ban ơn” và là “đặc sủng” (Gl 1,15).
c. Tuy nhiên, trong
bước đường phát triển Đức tin,
Thiên Chúa để con người luôn luôn được tự do. Nhờ đó con
người được kinh nghiệm là cần phải luôn làm “phần riêng mình”. Khởi đầu, Đức
tin được coi là cái gì “còn trong bào
thai”, như một cái “mầm”, cần được chăm sóc và phát triển để trưởng thành.
Cụ thể mà nói, trong quá trình phát triển Đức tin, thường
phải trải qua nhiều chặng và gặp biết bao nhiêu trắc trở với những chiến đấu
liên tục. Từng giây từng phút cuộc sống Đức tin đòi hỏi phải thực hiện những hi
sinh với lòng quảng đại chân thành. Đức tin được so sánh như một mầm sống, chỉ
sống được qua sự phấn đấu để thăng tiến.
d. Nhưng mầm sống
Đức tin có thể
Bị khô héo, cằn cỗi và chết yểu vì thiếu “sự sống”. Đức Kitô trong bữa Tiệc Ly đã nói
thẳng với Phêrô về “nguy cơ chết yểu của
Đức tin Phêrô cũng như đồ đệ khác”. Vì tình thương, Người hứa cầu nguyện
cho Phêrô và truyền cho ông cũng phải “tỉnh thức cầu nguyện”, nhờ đó sau này Phêrô có thể củng cố Đức tin của các
anh em khác (Lc 22,23). Thực tế, đã có người bỏ mất Đức tin “khởi từ Giuđa
Iscariot” (1Tm 1,19).
e. Việc không nhận
được Đức tin
Cũng như sự lùi bước hoặc chết yểu của mầm Đức tin không
thể đổ lỗi cho Thiên Chúa được. Đối với những người không nhận được mầm Đức
tin, thực ra chính vì họ không biết mở lòng ra để đón nhận : Thiên Chúa không
ban, chỉ vì Thiên Chúa “biết” có ban cũng vô ích, Đức tin không được chân thành
đón nhận. Về phương diện này, những người có trách nhiệm thi hành nhiệm vụ “cứ
phải
kiên tâm cần mẫn” và cố gắng gieo vãi với niềm hi vọng : ơn Đức tin có thể được đón nhận ở giây phút cuối
cùng, như trường hợp “người trộm lành” đã
đón nhận trong cơn hấp hối, dù sao Thiên Chúa luôn đầy lòng thương xót và
cũng đầy quyền năng.
Đối với những người bỏ mất Đức tin, cũng phải quả quyết
về trách nhiệm cá nhân, tuy rằng nguyên nhân có thể rất phức tạp. Dù sao “Thiên
Chúa không bỏ, nếu Người không bị bỏ rơi
trước”.
2.
Những thăng trầm trên đương phát triển Đức tin
Như trên đã nói, trong dụ ngôn “người gieo giống”, Đức Kitô nêu lên một số trường hợp
của môi trường bất thuận lợi, khiến mầm Đức tin, dù có được Lời Chúa gieo vào
cũng không đưa đến kết quả. Dĩ nhiên những hình ảnh đó chỉ là “đặc trưng”. Còn
biết bao những nguyên nhân khác, cũng như trong thực tế của hạt giống được
gieo. Sau đây ta tóm lại tất cả vào hai mặt : cá nhân và xã hội với những nét
đại cương.
a. Cá nhân
Đức tin là hành vi tự do đáp trả Mạc khải của Thiên Chúa,
nên cũng lệ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Thánh Augustino có vẻ “hãnh diện” khi thưa với Chúa : “Lạy Chúa, để
dựng nên con, Chúa không cần con. Nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần con cộng
tác”. Mạc khải qui hướng về việc ban ơn cứu độ, do Đức tin cũng qui hướng
về việc “lãnh nhận ơn cứu độ” mà việc
lãnh nhận là do cá nhân chịu trách nhiệm với sự hỗ trợ của ơn Chúa. Ta có
thể dễ nhận ra một số lí do làm cản trở và có thể đưa tới việc là triệt tiêu
Đức tin nơi mỗi “Kitô hữu”.
* Trước hết là sự “vô tri”, đưa đến sự “bất mộ”. Tình trạng vô tri về tôn giáo ngày
nay rất phổ biến. Không thiếu những con người được coi là “uyên bác” về nhiều
mặt, nhưng lại rất “sơ đẳng” về tôn giáo. Lí do chính là thiếu sự dạy dỗ ngay
từ đầu. Điều này có thể có những nguyên nhân sâu xa về nhiều mặt. Nhưng cá nhân
cũng phải có trách nhiệm cho việc tìm hiểu Đạo giáo và chỉ có sự quan tâm đúng
mức về việc học hỏi, tìm tòi, suy niệm và cố gắng, mới mong phá đi được tình
trạng ấu trĩ về phương diện tôn giáo.
* Vì thiếu phản tỉnh toàn diện. Tình trạng này cũng rất
phổ biến trong xã hội ngày nay : con người có quá nhiều công chuyện phải quan
tâm, khiến ý thức về tôn giáo bị lu mờ phai nhạt. Có khi chỉ “sống Đức tin” một
cách hời hợt bên ngoài, thiếu yên lặng và suy tư cũng như cầu nguyện. Cha
Benoit nhận xét khá chính xác : “Nếu Đức tin chỉ là sự gia nhập của trật tự trí tuệ, không có nguy hiểm khi chúng ta biết
hiểu hoặc không hiểu một chân lí. Nhưng trái lại, đức là hành vi của cõi lòng,
phó thác và dâng hiến. Đức tin phải được tiếp tục hoàn thiện qua các hành vi
năng lặp đi lặp lại, mỗi ngày in sâu vào trong cuộc sống. Người tin phải ở
trong tình trạng phó thác qua việc từ bỏ để được luôn đổi mới” (theo Fund.
Arialdo Beni). Do đó, Đức tin không thể sống được nếu không được tiếp tục
cải hóa. Những sỏi đá, gai góc trong cuộc đời bon chen thực tế, nhất định sẽ
làm cho mầm Đức tin bị chết ngạt.
* Còn một lỗi
nữa. Một số nhà thần học cho rằng chính tội trọng làm cho con người bỏ mất Đức
tin : Tội trọng làm mất đi sự trợ giúp đầy đủ của tình phụ tử giữa Thiên Chúa
và con người. Ân sủng bị khô cạn tất nhiên mầm sống Đức tin bị héo úa. Điều này
tuy không phải là vô lý. Nhưng có vẻ quá đáng và theo một số nhà thần học gia
khác, việc mất Đức tin và bỏ Giáo Hội không phải chỉ vì phạm tội trọng, lìa xa
Thiên Chúa. Thực ra con người có bỏ Thiên Chúa bằng những hành động xấu xa của
tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương, ít là trước khi bị luận phạt đời đời. Đức
Kitô đã mô tả tình yêu này trong dụ ngôn “người con phung phá” dù đứa con có
bất hiếu, bỏ cha già mà đi hoang chơi đàn đúm, người cha nhân lành vốn yêu
thương và chờ đợi. Dù sao ai ngụp lặn trong bùn nhơ sẽ bị chết chìm trong bùn
nhơ. Những hành vi xấu xa do đam mê lăng loàn, nhất là do lòng dục vọng thống
trị, nhất định sẽ làm cho mầm Đức tin không thể nào phát triển được. “Con người
của xác thịt không đón nhận những điều
thuộc về Thần Khí Thiên Chúa” (1Cr 2,14). Đức Kitô đã long trọng tuyên bố
trong Bài giảng trên núi : “Phúc cho
những ai có lòng thanh sạch, vì họ sẽ được thấy mặt Thiên Chúa” (Mt 5,8).
Nhất là sự kiêu ngạo. Tin có nghĩa là nhận biết mình là
thụ tạo, nhìn nhận mình có giới hạn. Con người kiêu căng đối lại, hướng về sự
tự mãn, tự túc và độc lập tuyệt đối. Chính Đức Kitô đã từng “kết án” sự tự mãn
của những người Biệt phái Do thái ở thời của Người. Phải chăng chính vì kiêu
căng tự mãn mà họ đã không có được niềm tin và từ chối đón nhận ơn soi sáng. Họ
đòi “dấu lạ từ trời” (Mt 16,1 ; Mc 8,11).
“Nhưng sẽ không cho chúng dấu lạ nào, trừ dấu lạ Giona” (Mt 16,4). Như vậy,
người có Đức tin không cậy dựa vào sức riêng mình, mà đặt mình dưới sự khôn
ngoan của Thiên Chúa, Đấng Mạc khải cách Mầu nhiệm sẽ dẫn dắt trên đường ngay
chính.
b. Xã hội
Ngày nay Đức tin người kitô hữu khó mà tránh khỏi những
vấp váp giao động trong cuộc sống xã hội. Đức tin cũng có tính xã hội (cộng
đồng). Nhưng Đức tin cũng có thể gặp nguy cơ trong xã hội.
Trước hết là vấn đề giáo dục Đức tin con người, kể cả một
số người uyên bác về nhiều mặt, vốn có thể nằm trong tình trạng ấu trĩ về tôn
giáo, nếu không được giáo dục kỹ lưỡng về mặt này. Sự hiểu biết đòi hỏi cố gắng
cá nhân, nhưng cũng là kết quả của sự dạy dỗ, được thể hiện ở nhiều cấp độ :
Gia đình, cộng đoàn, học đường xã hội, (ảnh hưởng của môi trường sống nói
chung). Ngày nay các phương tiện truyền thông (như truyền thanh, truyền hình,
báo chí, phim ảnh) hiển nhiên dễ dàng, tiện lợi, có thể mang lại nhiều mặt rất
tích cực. Nhưng cũng không phải là thiếu những điểm tiêu cực. Nhất là đối với
vấn đề Đức tin.
Trong xã hội ngày nay, phát sinh nhiều ý thức hệ khác
nhau, có những hướng tư tưởng, những quan niệm về trần thế, về cuộc đời, rất
khác biệt mà cũng hiện hữu. Ngay tại những vùng được coi là “kitô giáo”, sự
thống nhất về văn hóa, xã hội thời quá khứ đã biến mất. Sự đa ý thức hệ đó phát
sinh do sự tôn trọng tự do : mỗi người có quyền phát biểu, diễn tả, tuyên xưng,
cũng như truyền bá niềm tin của mình, miễn là vẫn tôn trọng sự tự do của kẻ
khác. Trong xã hội đa ý thức hệ đó, Đức tin thường phải đương đầu với những vấn
đề mới và đa dạng. Đức tin không còn sự hỗ trợ của môi trường “đồng nhất” ngày xưa nữa. Như thế, nếu không
có được sự trung thành về sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm sống, Đức tin có
thể bị giao động và đi đến chỗ tắt dần.
Cơn khủng hoảng về chân lý. Quan niệm hướng dẫn tư tưởng
tân tiến, nổi bật nhất trong xã hội đa ý thức hệ này, phải kể đến sự từ chối chấp nhận sự hiện hữu của chân lý
tuyệt đối : tất cả đều tương đối. Cho dù có được một chân lý tuyệt đối
đi nữa. Chân lý đó cũng không thể được nhận biết. Tình thần “tương đối hóa” mọi
chân lý làm cho những quan niệm về tôn giáo mất đi nền tảng vững chắc và nguy
hại đến Đức tin (kể cả nơi nhiều kitô hữu).
Những điều gây khó khăn cho việc tin ngày nay chính là
thuyết duy tục hóa : tôn thờ khoa học và kỹ thuật.
Trước đây con người như thấy được trong thiên nhiên, công
trình của Thượng Đế và chấp nhận giới hạn của thân phận con người : đã có thời
người ta đặt “thần linh” là nguyên nhân để cắt nghĩa tất cả mọi chuyện, từ sự
vận hành của thời tiết các mùa, đến sự sinh sản của muôn loài, thần linh là câu
giải đáp cho mọi vấn đề khúc mắc có liên quan đến con người, xã hội và thiên nhiên
vạn vật.
Nhưng rồi nhờ những khám phá kỳ diệu của khoa học kỹ
thuật tân tiến, con người “duy tân” đi
đến việc xác tín về khả năng “vô cùng” của con người : con người có thể
giải tỏa tất cả, không cần đến Thượng Đế nữa. Con người có thể coi như làm chủ
được vận mệnh của mình và muốn gạt “Thiên Chúa sang một bên”. Họ, một số người tôn thờ khoa học kỹ thuật, đã
không ngần ngại hô to “Thiên Chúa đã chết” và không phải Thiên Chúa của việc
tôn thờ ngẫu tượng mà là Thiên Chúa của Giáo Hội kitô giáo, (Belhoefer,
Altiser). Dửng dưng thuyết và vô thần thuyết đang bành trướng ở thời đại chúng
ta, cho là số người “tin Chúa” ngày càng trở nên “một đoàn chiên nhỏ bé”.
Dù sao, cũng không được phép nhìn vấn đề một cách quá bi
quan : vô thần thuyết mà hôm nay đối với những người có Đức tin là một sự cám
dỗ liên tục, cũng là dịp đánh thức Đức tin dậy. Con người bó buộc phải “nghiệm
đúng Đức tin”. Phải cố gắng ra khỏi tình trạng ấu trĩ, lột bỏ những thần tượng
có tính cách trẻ con, thần của sợ hãi, của sự mê tín. Đó là loại thần mà Buber
gọi là “những con người bắt chước Thượng Đế”. Cần phải gạt bỏ đi những con
người bất xứng được gán ghép cho Thiên Chúa để đạt tới một Đức tin trưởng thành
về mặt Thiên Chúa chân chính : Thiên Chúa của Đức Kitô.
Thực tế, nơi những người không “sống đạo” hoặc tự xưng mình là “vô thần” cũng vốn có được một tia sáng
nào đó của Đức tin, có thể là rất lu mờ. Thiên Chúa thành thật muốn mọi người
được cứu rỗi. Người luôn ban ơn cần thiết : những ai thành tâm tìm kiến Người,
sẽ được Người cho gặp. Về phần họ, những người tự xưng là vô thần, có lẽ họ từ
chối những vị “thần” hí họa, ngẫu tượng thôi.
Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công đồng Vatican II
nhắc nhở : “Kitô hữu có thể chịu phần
trách nhiệm không phải nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao nhãng
việc giáo dục Đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu
sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che dấu hơn là
bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (GS 14).
3.
Làm thế nào để đạût tới Đức tin
Vấn đề cần quan tâm là làm sao để
Đức tin có kết quả : “Hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”. Đức tin là mầm sống và cần sống động : muốn giữ được Đức tin, phải sống Đức tin, nghĩa là làm cho mầm
sống Đức tin luôn phát triển, trở nên mỗi ngày sâu đậm hơn. Vậy, cần phải làm
gì ? Những điều trình bày trên tuy có tính cách tiêu cực nhưng cũng giúp giải
đáp phần nào thắc mắc quan trọng này. Tuy nhiên, ở đây ta cũng cần phải lưu ý
đến mấy điểm tích cực chủ yếu :
a) Sống trong tinh
thần cầu nguyện
Đức tin là ơn nhưng không của Thiên Chúa : “Để có Đức tin này, cần phải có ơn Chúa đến
trước giúp đỡ và sự trợ lực bên trong của Chúa Thánh Thần : Người thúc giục và
qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho con người cảm
thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý” (DV 5). Việc cầu nguyện cần
thiết để có Đức tin cho mình và cho người khác. Việc đó lại càng cần thiết
hơn để duy trì và phát triển mầm sống Đức tin. Nhất là nơi những người có trách
nhiệm thi hành "mục vụ" : tinh thần cầu nguyện phải đặt lên hàng đầu.
Thánh Phaolô đã viết cho Thánh Timôthêô : “Tiên
vàn, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi
người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật” “Đó là điều tốt lành đẹp lòng
Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta” (1Tm 2,1tt).
Lãnh nhận các nhiệm tích thường xuyên. Một cuộc sống
“thiếu ân sủng” sẽ làm cho mầm sống Đức tin bị khô héo và chết yểu. Vậy muốn
duy trì và phát triển Đức tin, hiển nhiên là phải luôn cố gắng “sống trong tình trạng ân sủng”. Các nhiệm tích là dấu chỉ
về phương thế lãnh nhận ân sủng. Nhất là phép Thánh Thể và nhiệm tích Hòa
Giải. Chính các nhiệm tích là phương thế làm tăng trưởng các nhân đức phú bẩm.
Đời sống kitô giáo phải luôn được gắn liền với các nhiệm tích.
Thực hiện những hành vi tuyên xưng Đức tin, ngay cả “cách
minh nhiên” (bề ngoài) khi có dịp. Đức tin là hành động phải được xác định lại
hằng ngày một cách cương quyết. Hoàn cảnh càng khó khăn, việc tuyên xưng Đức
tin càng làm cho Đức tin vững mạnh và tăng trưởng. Dĩ nhiên, là phải có tinh
thần phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải cuồng
tín.
Phải lo đến chính sự phát triển của Đức tin, bằng học
hỏi, nghiên cứu, suy niệm Lời Chúa, chủ
yếu là Thánh Kinh. Lời Công đồng tha thiết nhắc nhở : “đặc biệt khuyến khích mọi kitô hữu, cách riêng các tu sỹ
(chủng sinh, linh mục) hãy năng đọc Kinh Thánh để học biết khoa học siêu nhiên
của Đức Giêsu Kitô, vì không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (DV 25).
Thánh Kinh là “luật Đức tin” của Giáo
Hội : do Thánh Kinh tiếng Chúa Thánh Thần vang dội và “Cha trên trời bằng tất cả lòng kính mến, đến gặp gỡ
con cái mình để ngỏ lời với họ”, “Lời Chúa còn có sức mạnh và quyền năng có thể
nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh Đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương
thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái
Giáo Hội” (DV 21).
“Kinh nguyện phải đi
đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người,
vì chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện và chúng ta nghe Người nói lúc
chúng ta đọc các sấm ngôn Thần Linh”.
“Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng nhận lãnh bí tích Thánh Thể,
cũng thế, có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng
kính Lời Chúa, là Lời Hằng tồn tại muôn đời”. (DV
26. Xem Is 40,8 ; 1Pr 1,23-25).
V. ĐỨC TIN VÀ KHOA HỌC
Ở trên ta đã khảo sát qua về vấn đề “thuyết duy tục hóa” có thể gây khó khăn lớn lao cho Đức tin của
một số kitô hữu. Thực tế lịch sử cũng không phải là thiếu những trường hợp có
vẻ được coi là có sự đối kháng giữa Đức tin và khoa học. Nhưng với thời gian
nhờ sự tra tầm cặn kẽ và bình tĩnh của những tâm hồn thiện chí và chân thành,
người ta nhận ra được rằng những đối kháng đó chỉ có tính cách “giả tạo và nông nổi”. Tự bản chất Đức tin (của kitô giáo)
và khoa học đúng nghĩa không hề có sự đối kháng được. Vấn đề có thể bàn
giải rất phong phú và cũng đã được nhiều học giả quan tâm. Ở đây chúng ta chỉ
tóm gọn đại cương một số lý chứng cơ bản cho điều quả quyết trên.
1.
Không có sự mâu thuẫn (hoặc đối kháng)
Khoa học được hiểu ở đây với ý nghĩa là khoa học thực
nghiệm và kỹ thuật tân tiến thời nay (nhưng dù sao có bao gồm cả những khoa học
nhân bản hoặc nói chung là “văn hóa”, thì
những gì được bàn ở đây cũng vốn có cùng một kết luận (x. GS phần II,
chương II). Điều mà mọi người đều thấy, đó là nền khoa học tân tiến ngày nay
lại đã (đang và sẽ còn) phát triển, đặc biệt ở những môi trường “được coi là
kitô giáo”. (Nói như thế không có nghĩa là nhà khoa học phải là kitô hữu hoặc
là nơi các môi trường tôn giáo khác khoa học không phát triển được). Chính vì
thế đôi khi trong lịch sử đã xảy ra những trường hợp có sự “cọ xát” giữa khoa
học và đức tin kitô giáo. Nhưng đúng hơn, phải nói đó là những “cọ xát” (được
coi là cuộc “đấu tranh”) giữa thần học gia
(kitô giáo) và khoa học gia.
a. Đức tin (chống đối hoặc) ngăn cản đà tiến của khoa học ?
Đây là lời xác quyết (một cách “hô hoán”) của một số
người. Điều này không phải là “không có lý do”. Thực ra, đã có những kitô hữu
nghi hoặc và lo sợ trước những khám phá của khoa học vì cho rằng Đức tin có thể
bị những khám phá đó làm đảo lộn hoặc đạp đổ. Chẳng hạn, theo họ, toan tính
thiết dựng lại tổng hợp trong phòng thí nghiệm một tế bào sống là đụng chạm đến
tính cách thiêng liêng của sự sống, là xúc phạm đến quyền năng của Thượng Đế.
Dĩ nhiên lòng trọng kính của con người đòi buộc các nhà khoa học phải tôn trọng
nhiều thứ. Trong phòng thí nghiệm, có những giới hạn nào đó, mà nhà khoa học
không được vượt quá. Có những thí nghiệm mà nhà khoa học không được phép làm
trên con người, nhưng ngoài những điều ấy, việc áp dụng kỹ thuật, khoa học để
rút ra những khám phá hữu ích, đâu có phải là xúc phạm đến “tính cách linh thiêng”, đến Thượng Đế.
Chân lý Đức tin được sống và được suy tưởng trong một lối
biểu tượng nhất thời nào đó, có thể làm cho người kitô hữu có những “ngộ nhận”. Và nếu họ là những người
“nắm giữ quyền lực” thì khó tránh khỏi ”điều
đáng tiếc”. Thí dụ : điển hình là “vụ
án Galilê”. (x. Hay là huyền thoại, trang 87).
Phải thú nhận : “một Đức tin thiếu sáng suốt có thể duy trì một thái độ nghi ngờ
đối với khoa học. Một Đức tin không muốn thanh luyện lối diễn tả mà đóng khung
cứng nhắc trong những biểu tượng nhất thời, thì Đức tin ấy có thể chống nghịch
với khoa học”.
b. Khoa học chống
lại Đức tin ?
Đây cũng được coi là lời xác quyết khá phổ biến ở thời
chúng ta. Khoa học tân tiến ngày nay đã có được những khám phá và ứng dụng diệu
kỳ. Nếu nhiều nhà bác học ý thức được rằng “lãnh vực của những cái chưa biết tới” còn tất lớn lao và có vẻ mỗi
ngày một gia tăng, thì lại không thiếu những người ít khiêm tốn hơn cho rằng
ngày gần đây khoa học sẽ biết tất cả. Thật ra, thường họ chỉ là những người “ít
chuyên môn”. Nhất là nếu họ lại là các “chuyên gia viết sách báo để phổ biến khoa học”. Theo họ sẽ đến một lúc nào đó,
kiến thức khoa học sẽ đạt đến sự tiến bộ, đến nỗi mọi “bí nhiệm” đều biến mất. Và như thế, tại sao lại phải nhờ cậy đến
Thượng Đế. Tất cả sẽ được giải thích, không cần Người : “Thượng đế chỉ là giả thuyết để bổ túc vào chỗ thiếu sót
nhất thời của tri thức, giả thuyết đó hữu ích cho thời của nó, nhưng rồi sẽ bị
loại trừ, Thượng Đế chẳng còn dùng gì được nữa”.
Lại còn, “mấy câu chuyện kể trong Kinh Thánh” nữa. Sau khi đã “nghiên cứu” những
thiên khảo luận về những khám phá, những phát minh kỳ diệu của khoa học, làm
sao có thể đọc được những câu chuyện đó ! Dĩ nhiên trừ các phát minh, những
khám phá của khoa học tân tiến, một số vấn đề (đã, đang và còn sẽ) phát minh,
đòi hỏi phải giải đáp cách nghiêm chỉnh do khoa học, thần lý học, Kinh Thánh
học và nói chung cả khoa thần học kitô giáo. Nhưng...
2.
Giới hạn của khoa học
Hiển nhiên là mỗi ngành khoa học (hiểu theo nghĩa rộng)
đều có đối tượng riêng biệt, phương pháp riêng biệt, kỹ thuật riêng biệt. Nhiều
khi xảy ra những chuyện rất khôi hài nếu người ta dựa trên những nguyên tắc của
ngành này để quyết định phải hiểu, phải áp dụng vào một ngành khác một điều gì
đó, khoa học không phải là “tuyệt đối”. Để phát minh và kiểm nghiệm, thường
khoa học dựa trên “những giả thuyết”, có thể chỉ là giải thích tạm thời còn
thay đổi và phải thay thế.
Khoa học có lãnh vực riêng của nó. Mục đích của khoa học
là nghiên cứu những yếu tố. Chẳng hạn khoa học theo đuổi những nghiên cứu trong
những cái “vô cùng nhỏ” và có thể đạt tới điểm mà vật chất và năng lực hầu như
trùng hợp nhau. Khoa học cũng theo đuổi những công cuộc nghiên cứu trong những
cái “vô cùng lớn”, có thể khám phá và thành lập những định luật của không gian
và thời gian. Khoa học cũng theo đuổi
những khoa học nghiên cứu trong những lãnh vực sinh vật học, tâm lý học.
Nhưng phải quả quyết : lãnh vực hoạt động của khoa học
là, và chỉ là, vũ trụ vật chất “đã được tạo dựng” như nó xuất hiện trước giác
quan con người. Đối tượng của khoa học là, và chỉ là, toàn thể những sự kiện
khả giác, hoặc trực tiếp, hoặc qua trung gian máy móc, thiết bị khoa học cố
gắng khám phá những qui luật của vật chất. Như thế, trong việc nghiên cứu tìm
hiểu, khám phá, phát minh khoa học không nhằm những gì là “siêu nhiên”.
Khoa học không bao giờ cắt nghĩa được “tất cả”. Càng tra
tầm học hỏi, nghiên cứu, người ta phải thành
thật thú nhận : điều biết so với điều không biết (hoặc có thể là chưa
biết) thường không đáng kể. Khoa học chỉ nhìn thấy và hiểu theo một số phương
diện nào đó của bất kỳ sự vật gì chứ không bao giờ “nhìn thấy” và hiểu thấu được
toàn diện.
Nếu nói về “khoa học gia”, nghĩa là về con người theo
đuổi việc nghiên cứu khoa học (cũng như bất kỳ loại “gia” nào khác), thì sự hạn
chế lại càng hiển nhiên. Sự hiểu biết của họ đáng được kính trọng và khâm phục.
Nhưng không một nhà khoa học nào dám nghĩ đến việc trở thành toàn năng. Dù sao,
thực tế cũng không phải không có những “tham vọng” quá đáng trở nên “lố bịch”
khi con người “vượt quá” phạm vi của mình.
Ta lấy một câu chuyện làm thí dụ điển hình : Một “phi
hành gia” nọ, sau một chuyến bay khám phá không gian, khi trở về trái đất một
nhà báo hỏi ông : Người có gặp Thiên Chúa hoặc Thần linh nào không ? Câu trả
lời dĩ nhiên là "không". Và điều đó là xác đáng. Nhưng nếu từ đó mà
đưa đến kết luận phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc thần linh thì quả là
“lố bịch”. Các nhà khoa học cũng như muôn người đã có công tạo điều kiện cho
chuyến bay đó, chắc chắn không ai có ý trông chờ việc phi hành gia gặp được
Thiên Chúa hay thần linh trong chuyến bay ông thực hiện. Nhà khoa học có thể
chấp nhận hoặc từ chối tin sự hiện hữu của “siêu nhiên”, của những gì thuộc về
phạm vi “Linh Thánh”. Đó là quyền tự do của ông ta, nhưng nếu ông dùng khoa học
để minh chứng xác quyết của ông ta về những lãnh vực đó, tức là ông đã “vượt
quá” giới hạn của ông ta rồi.
Một điều hiển nhiên chứng tỏ sự hạn chế của khoa học : đó
là lưỡng diện tính của việc áp dụng khoa học (thực nghiệm và kỹ thuật). Việc
khuất phục năng lực, chiến thắng thời gian chinh phục không gian, đều có tính
cách lưỡng diện : người ta có thể dùng khoa học để làm cho sa mạc trở thành một
cánh đồng lúa chín thơm ngát. Nhưng cảnh ngược lại cũng không phải là không
thể. Sự phát minh và sử dụng năng lực nguyên tử là một điều kỳ diệu. Tuy nhiên,
không ai có thể quên được Hirôshima. Không ai có thể không biết đến mối hiểm
họa của bom nguyên tử. Không nên quá “bi quan”, nhưng “lạc quan quá đáng” cũng
không phải là điều hay.
3. Cần đặt đúng vấn đề giá
trị :
Đức tin - nói đúng hơn là thần học kitô giáo - và khoa
học (thực nghiệm và kỹ thuật) phải nói là nằm trong những lãnh vực khác nhau
cần được đặt đúng vị trí của chúng. Theo ý kiến cha Robert Coffy : “Chính cùng
một Thiên Chúa, vừa là Đấng sáng tạo nên một vũ trụ mà khoa học ra sức giải
thích, đồng thời là Đấng sáng tạo nên trí khôn loài người trong trạng thái tìm
tòi, nghiên cứu. Người cũng chính là tác giả của Mạc khải, là đối tượng của Đức
tin. Bởi vậy không thể có đối nghịch giữa khoa học và Đức tin được. Nếu có xuất
hiện một sự đối nghịch nào đó, thì chỉ có thể là sự đối nghịch bề ngoài và tạm
thời thôi. Nếu Đức tin và khoa học cứ ở trong phạm vi của mình, tất không có
đối nghịch, trái lại sẽ gặp nhau” (xem Hay là huyền thoại - trang 113).
Đức tin có những chân lý của Đức tin và khoa học cũng có
những chân lý của khoa học. Nói đúng hơn, chân lý chỉ có một, nhưng được “xem
xét” dưới những phương diện khác nhau, bằng Đức tin hoặc bằng khoa học. Chân lý
không thể mâu thuẫn với chân lý được. Vì thế, những kết luận đúng sự thật của
khoa học không thể mâu thuẫn với Đức tin được.
Công đồng Vatican II trong Hiến chế “Vui mừng và hy vọng” đã đề cao “sự độc lập đúng
mức của các thực tại trần thế” (trong các thực tại đó có khoa học). Chúng ta
những người xưng mình có Đức tin, cần suy tư về lời của Công đồng nhắc nhở :
“Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội
đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần
dần, xử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi sự độc lập như thế là việc hoàn toàn
chính đáng : đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với
ý muốn tạo hóa. Thực vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững
chãi, chân thực và tốt lành, cùng những định luật và trật tự riêng. Con người
phải tôn trọng tất cả những điều ấy. Phải nhìn nhận những phương pháp cá biệt
của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi
ngành đều tiến hành một cách có khoa học thật sự và theo các tiêu chuẩn luân
lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch Đức tin, vì các thực tại trần thế và
các thực tại Đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra” (GS số 36).
Đối với khoa học gia, khi thực hiện những công trình khoa
học, ông có thể sử dụng và phải sử dụng những gì khoa học cung cấp cho ông
trong lãnh vực của ông cũng như tuân theo những gì mà vai trò của ông đòi hỏi.
Nếu ông có niềm tin (kitô giáo), có thể niềm tin cũng chẳng giúp gì được cho
ông. Nhưng ông cũng phải luôn ý thức : niềm tin của ông cũng chẳng ngăn trở gì
cho công trình khoa học của ông và ông cũng không nên để những công trình khoa
học ông thực hiện sinh tác hại cho niềm tin của ông. Nếu điều này “có vẻ” xảy
ra thì ông nên “xem xét lại” sự bất toàn của chính ông hoặc về mặt công trình
khoa học, hoặc về mặt niềm tin, hoặc cả hai.
Cách chung đối với những người có niềm tin (tức là mọi
kitô hữu), có thể đứng trước những phát minh kỳ diệu của khoa học, mà mình
không am tường lắm, một mối lo sợ cho niềm tin của mình có thể phát sinh. Cần
vứt bỏ nỗi lo sợ đó và nên có một thái độ tin tưởng đối với khoa học chân chính
(dành quyền giải thích cho những người chuyên môn hơn về từng ngành, từng mặt
của vấn đề, nhất là vâng theo giáo quyền trong phạm vi đức tin).
Khoa học không đặt và cũng không thể đặt vấn đề “siêu
nhiên” thuộc lãnh vực niềm tin, nhưng nếu sử dụng đúng đắn, khoa học có thể
cung cấp những yếu tố giúp thanh lọc cách diễn tả bất toàn của ta về Đức tin,
giúp xác định rõ hơn và chính xác hơn về Đức tin của ta.
@
@ @
ĐỨC KI TÔ : CON NGƯỜI LỊCH SỬ
ĐẤNG THIÊN SAI, CON THIÊN
CHÚA
(Mặc khải trọn vẹn và nền
tảng đức tin)
Mạc khải là hành vi của Thiên Chúa. Đối với những ai chấp
nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, hành vi của Người hiện hữu là đương nhiên hữu
lý : Người là Đấng hằng sống và toàn năng. Những gì Người muốn, Người có thể
thực hiện như Người muốn. Tất cả giáo thuyết của Thiên Chúa giáo dựa trên Mạc
khải : vì Thiên Chúa truyền dạy như thế. Cần phải đáp trả Mạc khải của Thiên
Chúa bằng niềm tin. Tuy nhiên không phải là một sự tin tưởng mù quáng. Sự hiện
hữu của Mạc khải được chứng tỏ, chẳng những hữu lý mà còn hữu ích, xứng hợp và
cần thiết cho con người, qua những dấu chỉ nội tại cũng như ngoại tại (tiêu cực
và tích cực).
Kitô giáo chẳng những quả quyết sự hiện hữu hữu lý của
Mạc khải mà còn quy hướng tất cả quá trình Mạc khải của Thiên Chúa vào một con
người. Đó là Đức Kitô. Đức tin Kitô giáo đã trọn nơi Người trong việc đáp trả
Mạc khải và quả quyết Người là Mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Người kitô hữu
tin tất cả những gì Đức Kitô dạy tin và cũng chỉ tin những gì hợp với những
điều Người dạy tin - rồi cố gắng sống đức tin đó. Tin là gặp gỡ Đức Kitô, nhìn
nhận Người là Đấng độc nhất có thể được hoàn thành nơi tôi. Chỉ mình Người làm
cho tôi, con người phù vân, có thể vào trong thế giới của Đấng Tuyệt Đối, một
thế giới vô hạn.
Nhưng Đức Kitô của đức tin chúng ta có thật là Đức Kitô
trong lịch sử hay chỉ là huyền thoại ? Nói khác đi, Đức Giêsu Nazareth mà chúng
ta đang xưng tụng là Đức Kitô của đức tin chúng ta, có thực sự hiện hữu trong
lịch sử hay chỉ là một ảo ảnh ? Hoặc tệ hơn nữa, chỉ là một con người lừa bịp ?
Người có thực sự là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa và là Thiên
Chúa của chúng ta ?
Thực tế, từ cuối
thế kỷ 18, một số học giả đã đặt vấn đề về sự hiện hữu của Đức Kitô : Voltaire
(1694-1778) được coi là người đi “tiên phong” mở đường. Theo ông, Đức Giêsu
Nazareth chỉ là một người Do thái vô danh nào đó đã bị đóng đanh trên thập giá.
Sau ông, có nhiều giả thiết đã được đặt ra, để phủ nhận Đức Giêsu là một nhân
vật lịch sử. Nhiều người coi Đức Giêsu là một nhân vật thần thoại, hoặc một lý
tưởng được nhân cách hóa (xem F.M.Braun, OP : où en est le problème de Jesus,
Bruxelles, Paris 1932).
Đây là vấn đề nền tảng của Kitô giáo. Trong phần học hỏi
này, ta sẽ chú tâm bàn về mặt lịch sử và con người Đức Giêsu. Khoa thần học tín
lý sẽ đào sâu và làm sáng tỏ hơn về Người.
I. CÁC NGUỒN TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ ĐỨC KITÔ
Để giải quyết vấn đề “hiện hữu lịch sử” của Đức Kitô,
trước hết chúng ta phải làm sáng tỏ và xác tín vào giá trị các nguồn đề cập đến
Người. Các nguồn này có nhiều loại và dĩ nhiên giá trị của mỗi loại có sự khác
biệt.
1.Các
nguồn Do thái
Đức Giêsu Nazareth được truyền tụng là người Do thái, vì
thế, chúng ta nên chú ý đầu tiên đến các nguồn (bản văn) do người Do thái viết
và truyền lại về Người. Thực ra, những gì chúng ta có được và còn lưu lại quả
là rất ít. Các sử gia, văn sĩ Do thái ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo ít muốn
đề cập về những gì liên quan đến Người. Lý do có lẽ là sự khinh bỉ của người Do
thái đối với Người như Thánh Justinô (thế kỷ II) chứng nhận “ngay từ đầu họ nói
xấu về Người” hoặc muốn quên hẳn “con người Nazareth” đó đi (xem trong ”Đối
thoại" với Triphonê, 18). Tuy nhiên ta cũng có được hai bản văn về Người.
a. Talmud : đây là
bộ sách sưu tập và chú giải các tập tục cổ truyền
Do thái. Sau khi thành Giêrusalem bị quân Lamã phá khoảng năm 70, đời sống Do
thái tại Palestina chỉ còn phong trào “Biệt Phái” làm tiêu biểu. Những “văn
nhân Biệt Phái” đó lo thu thập và làm vĩnh viễn hóa các truyền thống khẩu
truyền Do thái, để cùng với Thánh Kinh (Cựu Ước, những sách được Do thái chấp
nhận) làm thành một gia sản duy nhất. Họ được mệnh danh là các Tannaim và những
bản văn của họ làm thành bộ “Sách Luật” Mishna
mà rồi từ đó “tuyển tập Talmud” thành hình.
Talmud nói chung được cấu thành do một quá trình rất dài
và chứa đựng nội dung rộng rãi về các phong tục tập quán Do thái, khởi từ thời
Macabê về sau. Tuyển tập này viết bằng loại văn rất phóng khoáng, chứa đựng
nhiều chuyện hoang đường, bịa đặt. Tuy nhiên, nó cũng có những nét mang tính
cách lịch sử và những gì liên quan tới lịch sử.
Riêng về Đức Kitô và về kitô hữu, Talmud cũng có đề cập tới
rải rác, có những điều rất muộn thời (từ thế kỷ V hoặc sau). Nhưng ngay tại
cuối thế kỷ I hoặc đầu thế kỷ II cũng đã có những mô tả, phán đoán về các nhân
đức Kitô với những huyền thoại hoang đường, vu khống, nói xấu. Chính thánh
Justino ở giữa thế kỷ II đã lên tiếng phản đối công khai cáo tội các Tannaim đã
thóa mạ, nói xấu, bày đặt về Đức Kitô. Sau đó văn sĩ Tertulliano và văn sĩ
Origiênê (thế kỷ III) cũng lên tiếng tố giác như thế. Ta nên biết Kitô giáo
càng ngày càng bành trướng và làm cho Do thái ghen tương tức giận. Việc họ nói
xấu, vu khống, bịa đặt, đâu có gì lạ. Dù sao việc họ nói tới cũng có giá trị
“chứng minh” sự hiện hữu lịch sử của Đức Kitô. Theo Ricciott I thu thập các
điều rải rác của Talmud, ta có được sơ lược về tiểu sử của Người :
Đức Giêsu Nazareth con của bà Maria và người cha bất hợp
pháp tên là Panteri Paniera. Chồng của bà Maria là Papres hoặc Stala. Có lẽ vì
thấy các Kitô hữu nói về Đức Giêsu là con của Pantheneu, nghĩa là một trinh nữ
(tiếng Hylạp Virgo) nên các Tannaim gán cho như vậy.
Từng ở Ai Cập học nghề “ảo thuật” với Giosuê con của
Perlcha. Sau về bản xứ (bị thầy đuổi) đã thành nghề “ảo thuật” làm điên đảo dân
chúng. Rồi bị án tử hình. Trước khi xử án, còn để bốn mươi ngày để xem ai có lý
do khiếu nại, bênh vực cho tử tội. Nhưng không thấy có ai đứng ra bênh vực nên
bị ném đá và treo thây trên cây ở Lydda, ngày sửa soạn lễ Vượt Qua.
Ở khoảng thế kỷ thứ VI đã xuất hiện nhiều truyền đơn hí
họa viết bằng tiếng Aramaica với danh hiệu : Tonedoth Jesc-hu (lịch sử Đức
Giêsu).
Ngoài ra ngay từ thế kỷ II, nhiều Rabini còn gọi Phúc Âm
của Kitô giáo là Avangillaion bản văn viết truyện phiêu lưu), hoặc Avongillaton
(bản văn viết tội trạng). Họ khuyên đồng bào họ không nên tìm hiểu về Phúc Âm
của Kitô giáo.
Những điều trên chứng tỏ hiển nhiên là những nguồn này
(Talmud) không có giá trị nghiêm chỉnh về lịch sử Đức Kitô và Kitô giáo. Chính nhiều người Do
Thái cũng coi những yếu tố gói gém trong đó như chuyện hoang đường bịa đặt. Các
học giả “Duy Lý” thường cũng cho như thế. Chẳng hạn Renan : coi tất cả Talmud
là hoang đường.
b. Joseph Flavius
: Trong số các người Do thái chỉ có sử gia Joseph Flavius là đáng tin vì tính
nghiêm chỉnh về sử. Sinh trưởng trong một gia đình tư tế tại Giêrusalem (khoảng
năm 37-100). Ông đã sống tại Rôma từ năm 64, từng thân thiết với Hoàng đế
Vespasien. Khi quân La mã vây hãm và phá thành Giêrusalem (khoảng năm 70),
Joseph Flavius đứng về phía Lamã và làm thông ngôn cho tướng Titus. Sau đó, ông
viết cuốn “Chiến Tranh Do thái” để tự bào chữa về việc ông cộng tác với Lamã.
Khoảng sau năm 93, ông viết cuốn Cổ Sử Do Thái. Ông muốn
lập một đài kỷ niệm cho quốc gia đã bị tan vỡ của ông, bằng cách nói cho người
Lamã về những oai hùng và những Người nổi tiếng của quốc gia ông. Trong Cổ Sử
Do Thái người ta vẻn vẹn tìm được có ba đoạn liên quan đến Kitô giáo. Một đoạn
nói về Hêrođê Antipas và những khổ hình Thánh Gioan Tẩy Giả đã phải chịu tại
pháo đài Machérons do ông vua lai căng đó gây cho (18,116-119). Một đoạn khác
nói về thánh Giacôbê Hậu, anh em của Đức Kitô (4,20-200). Đoạn văn nói về Đức
Kitô rất ngắn và rất sơ lược, tuy nhiên ở đây có tầm mức rất quan trọng : “Vào
thời đó Đức Giêsu xuất hiện, Người là một bậc hiền nhân (nếu quả thật gọi Người
là người). Bởi vì Người thực hiện những công việc lạ lùng, dạy dỗ bao người đón
nhận chân lý với niềm hân hoan và Người
lôi cuốn theo Người nhiều người Do thái cùng nhiều người khác thuộc văn hóa Hy
Lạp. (Người là chính Đức Kitô). Khi Philatô, do lời tố cáo của những bậc đàn
anh trong dân ta (Do thái), kết án Người bị đóng đinh trên thập giá, thì những
ai trước kia mộ mến Người vẫn một mực trung thành. (Người đã hiện ra với họ
ngày thứ ba khi sống lại, như các ngôn sứ đã báo trước về việc này cùng nhiều
việc lạ lùng khác nữa có liên hệ tới Người). Và cho tới ngày nay vốn còn tồn tại
nhiều người mang danh hiệu Người là Kitô hữu” (18,3-3).
Đoạn văn trên được mệnh danh là “chứng tá Flavius”
(Testimonium Flavianum). Sự chính thống của nó còn được bàn cãi sôi nổi và hiện
nay vốn chưa có được sự nhất trí. Đặc biệt là những phần để trong ngoặc đơn ở
trên. Có những người chấp nhận hoàn toàn chính xác như Harnack, Felder. Có
người cho là đã bị sửa đổi do một Kitô hữu nào đó (chẳng hạn P. Lagrange,
Riciotti, Grand-Maison). Dù sao, tất cả những văn nhân cổ xưa trong Giáo hội
đều nhìn nhận là của Joseph Flavius và tìm thấy trong cuốn “Cổ Sử Do Thái” (sự
tranh luận chỉ từ thế kỷ 17).
Theo cha Arialdo Beni, vì Joseph Flavius muốn đề cao
những danh nhân Do thái và cũng muốn làm hài lòng những Kitô hữu sống trong
cung điện nhà Flavia, nên ông có nói tốt về Đức Kitô cũng không có gì lạ ! Và
nếu đem so sánh với hai đoạn văn kia (về thánh Gioan Tẩy Giả và về thánh
Giacôbê Hậu). Thì đoạn văn này chứa đựng quá ít những điều tích cực. Quả thực
ông đã tỏ ra rất “dè dặt” khi đề cấp tới Đức Kitô, vì chính ông cũng không hâm
mộ giáo thuyết của Người.
Điều quan trọng ở đây là đoạn văn trên đã chứng tỏ hiện
hữu lịch sử của Đức Kitô, với chứng tá rất gần với thời của Người sống (chỉ
chừng 60 năm sau).
2. Các nguồn ngoại giáo
Ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, người ngoại giáo nói
chung là những người không phải là Do thái, sống trong đế quốc Lamã (hoặc có
những liên hệ với đế quốc Lamã) và thường theo nền văn hóa - văn minh Hy Lạp
(hoặc Latinh). Các văn nhân ngoại giáo thời đó có lẽ chỉ biết được Đức Kitô qua
sự hiện hữu của các cộng đoàn Kitô hữu sống rải rác, và đang phát triển trong
đế quốc. Vì thế có rất ít tài liệu viết về Người do văn sỹ ngoại giáo. Những
bản văn ta hiện có chỉ là do những “cơ hội” họ đề cập tới các cộng đoàn Kitô
hữu nên đề cập ít nhiều mà họ biết về Người.
a. Bức thư của
Plinius Junior
Đây là một tài liệu Latinh cổ thời nhất về Đức Kitô.
Plinius Junior (62-113) là khâm sai tại xứ Bithinia (bên Tiểu Á). Khoảng năm
112 ông viết một bản “Báo cáo” gửi về Hoàng đế Trajanus (98-117) tại Lamã để tường
thuật về phương pháp hành động của ông đối với số người Kitô hữu sống tại miền
đất thuộc quyền ông. Ông đã tâu lên vị Hoàng đế một số sinh hoạt tôn giáo của
cộng đoàn Kitô hữu ở đó và xin chỉ thị của Hoàng đế, đại cương bản báo cáo :
“Họ khá đông trong toàn tỉnh hạt và họ cứ
mỗi ngày một gia tăng mạnh mẽ trong những ngày cố định, trước khi mặt trời mọc,
họ tụ họp lại và hát những bài tán tụng tôn kính Đức Kitô như Thiên Chúa
(Christo quasi Deo dicere). Họ không thể nói dối, không ăn cắp, không ngoại tình,
họ cùng tiệc chung với nhau“ Hoàng đế Trajanus đã ban một chiếu chỉ nêu lên
phương hướng giải quyết được áp dụng cho cả các thời Hoàng đế kế nhiệm trong
thế kỷ thứ II. (Triều đại nhà Antinino).
Tuy không chứng minh trực tiếp sự hiện hữu lịch sử của
Đức Kitô, tài liệu này rất quan trọng và quí giá, vì đây là lần đầu tiên ta có
được một tài liệu ngoại giáo chứng tỏ đức tin Kitô giáo về thần tính của Đức
Kitô.
b. Sử liệu của
Tacitus (54-119)
Chứng từ của ông viết vào khoảng năm 115-117 (trong tập
Annales - XV, 44) được coi như đồng thời với Flinius Junior : “Về vụ hỏa hoạn
do Néron gây nên cho thành Lamã”. Bản văn quan trọng đã được ghi : để dẹp tan
dư luận (vì dân chúng đồn thổi chính Néron là thủ phạm đốt thành), Néron đưa ra
các bị cáo và bắt họ chịu những hình phạt rất độc ác. Họ là những người mà quần
chúng oán ghét vì nhiều tội ác và người ta quen gọi họ là Kitô hữu
(Chrestianos). Tên đó bởi Kitô (Christus) một người đã bị tổng trấn Philatô xử
tử, dưới thời Hoàng đế Tiberio, sau đó việc trở thành ngẫu tượng Ông Kitô và
bùng dậy không chỉ ở Do thái, mà cả ở Rôma nơi những người Kitô hữu tràn lan,
mang tất cả những tiếng xấu tới”.
Không ai hoài nghi tính xác thực của chứng từ trên. Mấy
nét lịch sử (xảy ra năm 64) rất đơn sơ rõ rệt, xứng với một nhà sử học Latinh,
tài liệu đề cập tới việc “thờ ngẫu tượng ông Kitô của các tín hữu Lamã. Điều
này rất quan trọng, nó chứng tỏ quan niệm của Do thái đối với các Kitô hữu thời
Giáo hội sơ khai (nhất là nơi Giáo hội Palestina trước đó).
c. Sử chứng của
Suetonius (75-160)
Ông viết một bộ sử về đời sống về mười hai vị Hoàng đế
Lamã (Césari), trong đó có hai đoạn liên quan đến Đức Kitô và các Kitô hữu. Bộ
sách viết khoảng năm 120.
Cuốn viết về thời Hoàng đế Claunius (25,4) đề cập đến
việc Hoàng đế trục xuất tất cả mọi người Do thái đang sống tại Lamã, Suetonio
viết :”Hoàng đế trục xuất tất cả những
người Do thái luôn luôn dấy loạn do Chresto xúi dục”(Judeos impulsore Chresto
assidus tumultuantes Roma expulit). Chữ impulsore Chresto cho thấy tác giả
đã lầm tưởng và cho rằng Đức Kitô đang sống tại Lamã và xúi giục nổi loạn, có
người cho là sử liệu nói về một người nào đó tên là Chresto ở Lamã. Nhưng không
thể tìm được thực tế có người nào xúi giục nổi loạn tại Lamã thời đó mang tên
này. Chữ Chresto là do đọc trại đi của chữ Christus (theo Tertullianus thì
Tacitus cũng gọi những Kitô hữu là Chrestiani).
Nhiều học giả cho rằng tại Lamã lúc đó kiều dân Do thái
có nhiều người đã trở thành Kitô hữu và thường có những cuộc “tranh luận sôi
nổi” gây xáo trộn giữa kiều dân Do thái (Kitô hữu và không) về Đức Kitô. Vì thế
Hoàng đế cho là Đức Kitô đã xúi giục nổi loạn nên ra lệnh trục xuất tất cả kiều
dân Do thái khỏi Roma, so với Cv 18,2 thì việc này có nền tảng lịch sử (xẩy ra
khoảng năm 49-50). Dù sao sử liệu này cũng chứng tỏ “đã có sự hiện diện của các
Kitô hữu tại Lamã rất sớm.
Trong cuốn về đời Hoàng đế Néron (16,2...) ông cũng đề
cập tới việc Kitô hữu bị Hoàng đế ngược
đãi :”những Kitô hữu (Christiani) phải chịu khổ hình. Họ là giống người tin
theo mớ dị đoan mới và nguy hại”.
d. Hai chiếu chỉ của
Hoàng đế Adrianus (117-138)
Kế vị Hoàng đế
Trajanus năm 117, Hoàng đế Adrianus đã phải đối diện với thực tế lúc đó là vấn
đề các “Kitô hữu đang càng ngày càng đông số trong khắp Đế quốc” ông đã ban hai
chiếu chỉ :
Một gửi cho tổng trấn Fudanus tại Tiểu á khoảng năm 125
(sử gia Eusebius đang chứng tỏ sử tính của văn kiện này) đường hướng giải quyết
vấn đề (đối với các Kitô hữu) cũng vốn theo những quy tắc mà phụ vương ông là
Trajanus đã cho Plinius Junior trước đây.
Một gửi cho lãnh sự Versianus tại Ai cập khoảng năm 133
nói tới những Kitô hữu ở Ai cập. Hoàng đế tỏ ra “nhẹ tay” với họ, vì thực tế
lòng “trung thành” của họ đối với tôn giáo tỏ ra rất “hời hợt” bên ngoài.
Chứng tá của hai văn kiện này chỉ có tính “gián tiếp”đối
với vấn đề “hiện hữu” lịch sử của Đức Kitô. Tuy nhiên nó cũng rất quan trọng và
góp phần làm vững mạnh các chứng tá khác.
e. Các tài liệu có tính cách tranh luận, nói xấu, xuyên tạc :
Ngay từ những buổi đầu của Kitô giáo(thế kỷ I) đã có
nhiều người (ngoại giáo) viết chống lại Kitô giáo, nhưng phần lớn các sách họ
viết ra đã mai một. Các văn bản còn lưu lại hiện nay chỉ là những mảnh vụn,
lượm lặt đó đây thôi cũng phải nhìn nhận chứng tá của họ đa số chỉ có tính cách
tiêu cực, ít giá trị về sự trung thực lịch sử. Tại thế kỷ II (hậu bán) trở đi,
xuất hiện nhiều hơn tài liệu theo đường hướng này. Có lẽ cũng vì các cộng đoàn
Kitô hữu càng ngày càng phát triển khắp nơi. Có những người tỏ ra rất hậm hực
thù ghét Kitô giáo qua các “tác phẩm của họ”.
Sau đây là một số nổi bật điển hình : Ở hậu bán thế kỷ II
hăng hái chống lại Kitô giáo hơn cả : phải kể đến văn sỹ Celcus nhất là với
cuốn “nói sự thật” (Discours de vérité - x. La Réaction Paienne . P. De
Labriolle le Pp. 110, 170) viết khoảng năm 178. Tác giả cuốn sách vừa đóng vai
người Do thái để chỉ trích Kitô giáo, vừa đóng vai triết nhân để đả kích cả Do
thái và Kitô giáo. Theo ông Đức Kitô chỉ là một “tên bịp bợm”, một người phiêu
lưu bị đóng đinh khổ giá như một kẻ cướp ông có thể xứng danh “nhà duy lí cấp
tiến tiên phong”. Dù sao, Đức Kitô cũng “được nói tới” .
Đồng thời cũng phải kể đến văn sỹ Lucianus với tác phẩm Pereginus (người xách động 11-13) được
viết khoảng 170, ông coi Đức Kitô như
“một người phù thủy”, nên đã bị đóng đinh, ông cũng đả kích các luật lệ của Kitô
giáo.
Ở thế kỷ III có Poreirius với tác phẩm “những biện pháp
chống lại người Kitô hữu” viết khoảng năm 270. Cũng vốn có thiên kiến và lòng
ác cảm, ông đã đề cập đến Đức Kitô như một nhà phù thủy, bịp bợm, đồng thời
cũng vu cáo người Kitô hữu thường gây các tội ác.
Muộn thời hơn nữa, cuốn “Bạn của chân lí” do Jerocies
viết khoảng năm 303, trình bày Đức Kitô như một nhân vật thần thoại Apollonio.
Cuốn “chống lại người Galilêa" của Josephus được cho
là xuất hiện cũng khoảng đầu thế kỷ IV.
Tóm lại, người ta thấy các văn sĩ ngoại giáo rất ít đề
cập tới Đức Kitô và giáo thuyết của Người. Điều này cũng dễ hiểu, vì đối với họ
Kitô giáo thời sơ khai chỉ được coi như một là một mớ mê tín dị đoan đáng khinh
bỉ. Palestina, nơi xuất phát Kitô giáo cũng chỉ là vùng đất nghèo nàn không có
gì quan trọng, đáng họ lưu tâm.
Tuy nhiên, thu thập tất cả những dữ kiện của các nguồn
ngoại giáo (và Do thái ngoài Kitô giáo), người ta cũng tìm được nhiều yếu tố
lịch sử rất căn bản về cuộc đời Đức Kitô, xác quyết sự chân thực của những điều
đó trong Phúc Âm thuộc kinh bộ (Giáo hội chấp nhận) : Đức Giêsu Nazareth, sinh
bởi bà Maria, một nữ đồng trinh, đã sống tại Ai cập một thời gian. Khi trở về
quê hương Người giảng dạy cho dân chúng khắp xứ Palestina. Người đã làm nhiều
điều lạ lùng và thu phục rất nhiều người tin theo do sự khôn ngoan của Người.
Vì bị các đầu mục Do thái tố cáo vu oan, Người đã bị tổng trấn Pontio Philatô
kết án tử hình đóng đinh thập giá vào một dịp lễ vượt qua. Nhưng ngày thứ ba
Người đã sống lại. Những đồ đệ Người từ
đó tôn thờ Người như Thiên Chúa. Họ càng ngày càng trở nên một cộng đoàn đông
đảo ngay tại Lamã. Họ thề hứa không nói dối, không ăn cắp, không ngoại tình, họ
thường cùng nhau “dự tiệc”chung, bị tố cáo oan uổng đã đốt thành Lamã và những
tội lỗi khác. Họ bị trục xuất ra khỏi Lamã và bị bách hại với nhiều cực hình.
Tuy thế, họ vốn trung thành và số người tin theo, nhập vào cộng đoàn của họ
ngày càng tăng thêm. Những chứng tá này kể là quá đủ, chứng tỏ cuộc đời và lịch
sử của Đức Kitô và lịch sử sự phát sinh Kitô giáo do Người thiết lập.
3.
Các Ngụy kinh (Phúc Âm giả tạo)
Đó là những sách “kinh thánh ngụy tạo” và “giả tạo”. Do
từ ngữ Apocriptus (dấu ấn bởi động từ đóng kín, bao phủ) vì tác giả của những
sách đó còn bí ẩn (nói là của Phêrô, của Thomas, nhưng thực tế chỉ là ngụy tạo
các tên đó) ; những sách đó thường được viết dưới hình thức những chuyện có vẻ
lịch sử nhưng chỉ là hoang đường thêu dệt, do đó sai lạc phù phiếm. Phải quả
quyết rằng giá trị của chúng không có gì đáng kể. Nhiều giáo phụ đã lên án và
Giáo hội cũng đã cảnh cáo các Kitô hữu cũng không nên đọc và tin các sách đó.
Ngụy kinh nói chung có rất nhiều loại (các sách bị loại
trừ khỏi kinh bộ). Ở đây ta chỉ để ý đến các sách thuộc “Phúc Âm”, nghĩa là nói
về Đức Kitô. Dĩ nhiên các Phúc Âm giả tạo đó cũng chứa đựng nội dung hoang
đường và giá trị chứng tá của chúng về Đức Kitô cũng như về giáo thuyết của
Người, không hơn gì “các tài liệu có tính cách tranh luận, nói xấu, xuyên tạc
của các văn sỹ ngoại giáo ; ta nêu lên đây một số như những “thực tế lịch sử”,
ít giá trị sử tính :
a. Các Phúc Âm của
những nhà tri thức luận :
Loại “Phúc Âm” này viết phỏng theo các Phúc Âm kinh bộ,
nhưng rất tự do đầy tưởng tượng, bịa đặt ; có chừng 15 cuốn thuộc loại này,
nhưng ngày nay chỉ còn lại một số bản văn từng phần rời rạc thuộc 5 cuốn :
Phúc Âm Marcione, phỏng theo Tin Mừng của thánh Luca,
xuất hiện khoảng năm 125 - 140. (Marcius là một lãnh tụ lạc giáo ở Sinoppont,
chết khoảng năm 170).
Phúc Âm của 12 Tông đồ. Giả mạo Phúc Âm theo thánh
Matthêu, xuất hiện khoảng cuối thế kỷ II.
Phúc Âm của thánh Phêrô, viết theo khuynh hướng lạc giáo
thuyết Docetisme, xuất hiện khoảng năm 150 - 170. Năm 1886 đã khám phá được một
bản sao khá đầy đủ, sách nói khá nhiều về cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.
Phúc Âm theo người Ai cập : xuất hiện vào khoảng cuối thế
kỷ II từ Ai cập, có khuynh hướng chống lại việc hôn nhân.
b. Các tài liệu có
tính cách tôn sùng quá đáng
Đặc điểm của loại sách này là khai triển một vài đoạn
được các Phúc Âm kinh bộ đề cập tới. Từ đó thêu dệt những chuyện kỳ lạ để đề
cao một số mặt tôn sùng đạo đức nào đó. Hiện nay còn tồn tại 6 cuốn thuộc loại
này, xuất hiện rất muộn thời :
Tiền Phúc Âm của thánh Giacôbê, xuất hiện khoảng thế kỷ
IV, gồm 25 chương, với 17 chương đầu tường thuật về Đức Maria từ thời thơ ấu
đến khi thành hôn với thánh Giuse. Ở phần này tác giả thêu dệt nhiều về thời
Đức Maria sống, và phục vụ tại đền thờ. Còn 8 chương cuối mô tả những chuyện ly
kỳ về Đức Kitô sinh ra, về các đạo sỹ Phương Đông, về các thánh anh hài, tất cả
đều là “giai thoại”
Phúc Âm theo thánh Thomas : bao gồm một số giai thoại về
cuộc đời thơ ấu của Đức Kitô được thu thập theo “truyền khẩu”. Sách được cho là
xuất hiện vào khoảng thế kỷ II và hiện nay người ta chỉ còn giữ một số phần rời
rạc chép bằng Hylạp hoặc bằng Latinh.
Phúc Âm Do thái của bác thợ mộc Giuse : sách gồm 12
chương với nội dung nói nhiều về thánh Giuse, chép theo “lời kể” của Đức Kitô
về Người cha nuôi của Người. Sách được
cho là xuất hiện khoảng thế kỷ IV hoặc V.
Phúc Âm Do thái về cuộc đời thơ ấu của Đức Kitô : sách
gồm 60 chương, chia làm ba phần : từ chương 1 - 9 nói về sự giáng sinh và cuộc
đời thơ ấu, phỏng theo vết của Phúc Âm kinh bộ. Từ chương 10 - 25, thêu dệt
những đoạn li kỳ của cuộc thánh gia trốn tránh tại Ai cập. Những chương cuối,
từ 26 - 60 thuật lại những phép lạ Đức Kitô đã làm tại Palestina từ thửa nhỏ
đến 12 tuổi ; sách xuất hiện vào khoảng thế kỷ IV hoặc V.
Phúc Âm của thánh Nicôdêmô. Sách gồm hai phần, từ chương
1 - 16 nói về vụ án của Đức Kitô do tổng trấn Pontio Philato thực hiện. Phần
này có những mô tả khá chi tiết về cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Có
người cho phần này là quảng diễn của một bản văn khác mệnh danh là “bản án của
Philato” (acte de Philate).
Còn từ chương 17 - 22 nói về sự cố Đức Kitô xuống ngục tổ
tông (sau khi tắt thở) do một số chứng nhân “mắt thấy” kể lại.
Một số bản sao bằng tiếng Latinh còn thêm phần “phụ
lục” là bản “báo cáo” của tổng trấn
Philatô gửi lên Hoàng đế Tiberio (Claude) để tường trình về vụ án Đức Kitô.
Nhiều người cho rằng sách đã được “đấu lại” ở thế kỷ thứ
XIII của hai bản văn phân biệt có trước. Có thể Theodose II (ở đầu thế kỷ IV)
hoặc thánh Epiphane (hậu bán thế kỷ III) đã có trích dẫn. Nhưng không thấy sử
gia Eusebio (tiền bán thế kỷ IV) đề cập tới.
Đức Maria qua đời (Transitus Mariae). Đây là loại sách
thuật lại Đức Maria lìa trần gian, có lẽ được viết vào khoảng thế kỷ thứ IV.
Tuy bị coi là giả tạo (không được coi là chính lục các sách thánh) những sách
này cũng bao gồm những yếu tố “hợp với truyền thống” và có giá trị sử tính,
đáng kính trọng thường được dùng cá nhân nhưng không được đọc trong các buổi
hội họp chung của các cộng đoàn Kitô hữu.
c. Kinh bộ giả
mạo
Một số sách mang danh hiệu này, nhất là bộ “Phúc âm người
Do thái” vì cũng có những người cho là thuộc kinh bộ chính lục của Giáo Hội.
Một số thánh Giáo Phụ, như thánh Giêrônimô đã sử dụng (đã được thánh Giêrônimô
dịch ra Hylạp và Latinh). Đáng tiếc ngày nay đã thất lạc, cả bản chính lẫn bản
dịch, chỉ còn một số “mảnh rời rạc” (nhất là các mảnh) thuộc bản văn viết bằng
tiếng Ara-maico, có vẻ giống với bản Tin Mừng theo thánh Matthêu.
Có người gán cho cả bộ “Phúc âm theo người Ai-cập” cũng
thuộc bộ kinh giả tạo. Nhưng không đủ lý do.
d. Agrfa
Từ ngữ này có nghĩa là “những điều được viết
ra”. Đây là những thu góp về những lời của Đức Kitô, đã không được chứa
đựng trong các sách kinh bộ và chỉ tìm
thấy nơi các sách ngoài Kinh Thánh (phải ý thức rằng Phúc âm hoặc Kinh Thánh
nói chung, không phải chứa đựng tất cả mọi Lời Chúa, xem Ga 21,25).
Nguồn gốc chúng có thể viết từ thế kỷ II, nhiều nhân vật
đáng kính trong Giáo Hội sơ khai (như Origeno, Eusebio, Giêronimo) đã quý trọng
và truyền bá sách đó. Tuy nhiên theo Grand-Maison, không phải tất cả Agrfa “đều là vàng ròng cả”. Các Agrfa và Logia bị
coi là “giả mạo” vì cũng chứa đựng nhiều điều “giả mạo”, không liên quan gì đến
lịch sử thực sự của Đức Kitô .
Để kết luận chung về những điều giả mạo đã trình bày
trên, chúng ta chú ý mấy điểm sau :
Dù không được chấp nhận chính thức, các nguồn đó nhất
định cũng có giá trị của chúng. Nói khác đi, người ta có thể tìm được nơi chúng
những điều hữu ích và chính xác. Tuy nhiên phải thận trọng, vì chúng có chứa
đựng rất nhiều điều sai lạc.
Các nguồn đó không thấy điều gì quan trọng cho việc tìm
hiểu về Đức Kitô. Các Phúc âm kinh bộ đã đủ và Giáo Hội cũng chỉ chính thức dựa
vào bốn Phúc âm kinh bộ (được liệt vào các sách đã được linh hứng).
Tuy thế, các sách đó cũng xác quyết một số chân lý nền
tảng của nguồn kinh bộ, nhất là về thần tính của Đức Kitô, do đó cũng có thể
được coi là làm vững mạnh chính nguồn kinh bộ.
4.
Các sách Tin Mừng
Trên đây ta đã tìm hiểu các nguồn tài liệu lịch sử về Đức
Kitô không thuộc kinh bộ Tân Ước dù của Do thái ngoại giáo hoặc các ngụy kinh.
Các nguồn tài liệu đó, dù sao cũng rất hạn chế về giá trị chứng tá lịch sử chân
chính “tuy chúng cũng chứa đựng những yếu tố rất tích cực” ta chỉ có thể coi
chúng như “một vài nhánh bông của cả một mùa màng phong phú” nếu đem so với các
tài liệu Kitô giáo chính thống.
Để có được cái nhìn nghiêm túc về vấn đề (sự hiện hữu
lịch sử của Đức Kitô), ta phải xét tới kinh bộ Tân Ước, trong đó các sách Tin
Mừng chiếm địa vị ưu đẳng nhất.
Thực ra theo những chứng tá lịch sử, phải quả quyết rằng
các thư của thánh Phaolô là những bộ sách xuất hiện trước tiên (ít là đa số)
trong số các sách thuộc kinh bộ Tân Ước. Một số các thư khác (thư của thánh
Phêrô, thánh Giuđa, thánh Giacôbê) cũng có thể xuất hiện trước các sách Tin
Mừng. Nhưng điều này không có lý chứng chắc chắn cho lắm. Các sách Tin Mừng
tương đối xuất hiện muộn thời hơn là cuối cùng có lẽ là các tác phẩm của thánh
Gioan Tông đồ.
Thánh Phao lô đã viết “đa số” các thư của Người khoảng
năm 51-66. Tuy Người không có ý định thuật lại cuộc đời Đức Kitô. Nhưng thu
thập những gì Người đã viết (tùy cơ hội thuận tiện) trong các thư của Người, ta
cũng có được những yếu tố, những dữ kiện rất quan trọng, khả dĩ làm thành một
bản “tiểu sử về đời sống Đức Kitô” khá đầy đủ.
“Đức Kitô là một
nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt, Người là con cháu Abraham” (Gl 4,4)
thuộc dòng tộc Davit (Rm 1,3.9) sinh bởi Người Nữ dưới chế độ luật pháp (Gl 4,4) như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi
(Rm 5,15), Người nhân từ và dịu hiền (2Cr 10,1) sống cuộc đời khó nghèo (2 Cr
8,9) vâng lời cho đến chết treo trên thập giá (Pl 2,5-11). Cuộc tử nạn của
Người xẩy ra vào thời gian Lễ Vượt Qua dùng bánh không men (1Cr 5,7) dưới thời
Tổng trấn Lamã Pontio Phi-latô (1Tm 6,3) Người đã bị chôn cất (1 Cr 15,4) và
ngày thứ ba đã Phục sinh theo như lời
Thánh kinh, và hiện ra (1Cr 15,4-8). Ở 1Cr 11,17, thánh Tông đồ đã mô tả việc
Đức Kitô đã lập phép Thánh Thể rất chi tiết và rải rác còn nhiều dữ kiện lịch
sử chính xác.
Những điều Thánh Phaolô viết này rất đáng tin, Người lấy
từ truyền thống sống động của các Tông đồ đầu tiên mà Người đã từng gặp gỡ, bàn
luận và chung sống (Cv 9, 20 ; Gl 1,12).
Thêm vào đó, trước kia Người đã từng là thù địch, bắt bớ các kẻ tin vào Đức
Kitô, rồi Người đã “trở lại”, nhiệt tâm trong việc rao giảng Đức Kitô và trung
thành đến “hy sinh” giọt máu cuối cùng. Như vậy, không thể nào chấp nhận có sự dối
trá lừa bịp được, còn việc chứng minh sự chính xác về giá trị của sự hiện hữu
của các thư đó cũng rất chắc chắn, nhưng sẽ được bàn ở chỗ khác. Quả thực, ta
không còn cách cắt nghĩa nào khác về giá trị chứng tá của thánh Phaolô, hơn là
dựa trên chính lời Người đã tuyên bố “Tin Mừng và tôi rao giảng không phải là một Tin Mừng do loài người” (Gl 1,11).
Người ta cũng còn có thể rút ra được những dữ kiện lịch
sử chính xác về Đức Kitô từ những sách khác thuộc Kinh Bộ Tân Ước. Tuy nhiên ở
đây ta tập trung khảo luận này vào các sách Tin Mừng mà truyền thống Kitô giáo
(với Giáo quyền) chấp nhận (x. DV số
18).
a. Nhìn chung về các
sách Tin Mừng
Truyền thống Kitô giáo chấp nhận bốn bộ sách Tin Mừng :
Matthêu, Marco, Luca và Gioan : từ ngữ Hy Lạp là Euegelion (Bonne Nouvelle và
Người mang lại Tin Mừng) được tiếng Latinh “phiên âm” (Evangelium) và nhiều
tiếng Âu Châu cũng làm theo, cũng được dịch
là Phúc âm (chữ hán) hoặc là Tin
lành (chữ nôm). Lúc đầu từ ngữ này dùng để chỉ “chiếc tay áo mà người đem lại
Tin Mừng mang” (chẳng hạn sứ giả báo tin thắng trận). Nhập vào truyền thống
Kitô giáo từ ngữ này thường được các tác giả Tân Ước, nhất là thánh Phaolô năng
dùng để chỉ “lời rao giảng về Đức Kitô”. Ta có thể định nghĩa tóm tắt : “Tin Mừng về ơn giải
thoát”. Thiên Chúa ban bố bởi việc Đức Giêsu Kitô xuất hiện, nơi Người thời đại
mới, thời tận cùng cánh chung trong ý định của Thiên Chúa đã khai mạc (lời tựa
sách Tin Mừng - Nguyễn Thế Thuấn). Cuối cùng những sách chép về sứ điệp của Đức
Kitô được coi là các sách Tin Mừng, đó là những văn bản tóm tắt những bài giảng
thuyết về Đức Kitô và giáo lí của Người, đã từng được lưu truyền trong truyền
thống của Kitô giáo, truyền thống này thực tế chỉ nhận có bốn bản văn là chính
thống. Về vấn đề này Hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vaticanô II quả quyết :
“Trong mọi thời và khắp nơi, Giáo Hội đã
và đang quả quyết rằng bốn sách Tin Mừng bắt nguồn từ các Tông đồ. Thực vậy,
những gì các Tông đồ rao giảng theo lệnh Chúa Kitô, sau này nhờ Chúa Thánh Thần
soi sáng chính các Người và những người sống bên các Người viết lại và lưu
truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin. Đó là Tin Mừng được trình bày dưới
bốn hình thức : theo thánh Matthêu, thánh Marco, thánh Luca và thánh Gioan” (DV
18).
Đáng tiếc là ngày nay chúng ta không còn giữ được những
bản văn do chính các tác giả đã viết ra. Điều này cũng dễ hiểu vì những chất
liệu được dùng viết những bản văn không được bền. Ở thời đó (mấy thế kỷ đầu của
Giáo Hội Kitô giáo) các bản văn thường được viết theo hai loại chất kiệu :
Codici, tức là các miếng bằng da thuộc và Papiri, là một thứ vỏ cây, chỉ được
viết trên đó ở mặt trong, ta không biết được các bản chính của các tác giả đã
được dùng theo chất liệu nào. Tuy nhiên, ngày nay ta còn giữ được rất nhiều
những bản sao chép bằng cả hai loại chất liệu đó cống hiến cho ta sự chắc chắn
lịch sử bản văn chúng ta có ngày nay ăn khớp với bản chính là bản phát hành do
chính các tác giả. Để chứng tỏ điều đó, ta nêu lên một số điểm lịch sử sau đây
:
Bản Papiro Rylands, là những mảnh lẻ tẻ, viết tóm tắt sách
Tin Mừng theo thánh Gioan, có lẽ đã xuất hiện từ cuối thế kỉ I hoặc quá lắm là
vào đầu thế kỉ II. Bản Papiro hiện được ghi dấu P.52. (thánh Gioan qua đời
khoảng năm 100, sách Tin Mừng Người chép xuất hiện trước đó).
Bản Papiro Egerton, thu góp một phần những đoạn văn của
cả bốn Tin Mừng với mục đích hộ giáo, xuất hiện khoảng tiền bán thế kỉ II.
Bản Papiro Chrester Beaty : được đánh dấu P.45, có lẽ
xuất hiện khoảng tiền bán thế kỉ III. Bản này gồm hai phần : phần một với 28
trang, bao gồm nội dung của bốn sách Tin Mừng, và sách Tông Đồ Công Vụ ; phần
hai có 87 trang ghi lại các thư của thánh Phaolô (thiếu các thư mục). Phần hai
có 10 trang ghi nội dung sách Khải huyền của thánh Gioan.
Bản Papiro Bodmer : được đánh dấu P.66, gồm 2/3 nội dung
Tin Mừng thánh Gioan xuất hiện khoảng năm 200. Một bản khác được ghi dấu P.55
cũng xuất hiện khoảng thế kỉ III, bao gồm phần lớn sách Tin Mừng theo thánh
Luca và Gioan.
Còn nhiều bản văn Papiro khác, sao và chép một phần hoặc
từng đoạn nhỏ để dùng làm các bài học trong phụng vụ, có lẽ xuất hiện muộn hơn
(khoảng 63 Papiri).
Về Codici, nổi tiếng nhất là Codici Vatican, được ghi dấu
bằng chữ B, xuất hiện khoảng thế kỉ IV, bản Codici Sinai, được đánh dấu bằng
chữ S, cũng xuất hiện khoảng thế kỉ IV (Liên xô đã “khám phá” từ thư viện trong
tu viện thánh Catarina trên núi Sinai năm 1884 và rồi bản văn được bán cho thư
viện Luân Đôn năm 1935). Hiện nay cũng có rất nhiều bản, xuất hiện muộn thời
hơn : 212 bản viết bằng chữ hoa (Hi-lạp) và 2699 bản viết bằng chữ nhỏ. Thêm
vào đó, có 1618 bản viết một số những bài đọc dùng trong phụng vụ. (Những bản
này dĩ nhiên cũng chứa đựng những phần của các sách Tân Ước khác hoặc Cựu Ước).
Theo cha O’Gallachan, giáo sư viện Kinh Thánh Rôma và
Barcellona (Ý) : những bản viết bằng tiếng Hy-lạp tìm thấy ở động Qumran 70.
Tuy hiện giờ chưa thể đọc được. Nhưng một số chi tiết về chữ nhỏ, được cho là
bản văn ghi chép theo Tin Mừng thánh Marco. Những bản văn được cho là xuất hiện
khoảng 100 năm sau Đức Kitô tức là khoảng thế kỉ II. Một số khác phác họa lại
những đoạn trong thư của thánh Giacôbê và các thư thánh Phaolô (Rm ; 1Tm) cũng
như Tông đồ Công Vụ.
Nhờ vào các câu được trích dịch của sách Tin Mừng, được
tìm thấy nơi các bản văn Kitô giáo, như nơi các bản văn phụng vụ của những thế
kỉ đầu và những bản dịch sang các tiếng cổ ngữ cho phép ta lần tới chính xác ở
thế kỉ II. Lúc đó phải kết luận, các sách Tin Mừng đã rất phổ biến.
Tuy có nhiều Codici, bản dịch hoặc các đoạn trích lẻ tẻ,
nhưng nội dung bản văn vốn luôn nguyên vẹn, độc nhất, không có gì thay đổi.
Những điều sai biệt thường là do những lỗi viết của một số chữ (viết sai hoặc
cố ý sửa). Đổi cách xếp đặt lời văn mà không đổi ý nghĩa (đặc biệt về tiếng
Latinh). Theo Wetcott và Hort, những nhà phê bình nổi tiếng của Tin lành, thì
7/8 lời văn của Tân Ước không có gì phải bàn cãi nữa. Còn 1/8 hệ tại cách xếp
đặt thứ tự các lời văn hoặc những sai biệt không quan trọng : không có gì sai
biệt về bản chất ; vì thế, quả quyết được là bản văn vốn nguyên vẹn, không thay
đổi gì.
Ta có thể kết luận : mặc dù có sự thăng trầm trong việc
lưu truyền (sao chép tay) chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối và chứng minh
cách khoa học được rằng : bản văn được in ngày nay (của các sách Tin Mừng hoặc
nói rộng ra là cả Tân Ước), hoàn toàn trung thành về bản chất với các bản văn
của các thánh sử đã cho xuất hiện ở thế kỉ I.
Nếu đem so sánh với các bản văn, “thế tục”, ta thấy sức
mạnh chứng tá của các sách Tin Mừng càng nổi bật về mặt cổ kính lẫn mặt chất
lượng đồng nhất. Chẳng hạn : đối với các bản văn của Homere (một thi sĩ Hi-lạp
vào khoảng thế kỷ IX trước kỷ nguyên), người ta còn giữ được khoảng bảy mươi
Papiri và chừng một trăm Codici. Tuy thế, bản Papico cổ nhất cũng ở khoảng thế
kỷ thứ II trước kỷ nguyên nghĩa là thời gian cách xa bản chính chừng sáu thế
kỷ. Còn các bản Codici thì mãi tới thế kỷ IX sau kỷ nguyên mới xuất hiện, hoặc
muộn hơn nữa, nghĩa là khoảng cách giữa bản chính và các Codici là khoảng hai
ngàn năm (kịch bản nổi tiếng nhất là L’iliade et de L’odissée).
Đối với Euripide (thi sĩ Hilạp khoảng năm 480 - 406 với
nhiều vở kịch nổi tiếng nhất là vở Andromaque), người ta còn giữ được khoảng 33
Papiri xuất hiện từ khoảng thế kỷ I-IV, còn các Codici thì rất muộn, khoảng thế
kỷ X-XV (có chừng 12).
Sử gia Tacite của Lamã (55-120) cũng mãi thế kỷ IX hoặc X
mới lưu lại được “bút tích” (đặc biệt là tác phẩm Medicius I-II).
Thi sĩ Virgile của Lamã (71-19) cũng chỉ còn những bản
Papiri hoặc Codici xuất hiện sau khoảng bốn trăm năm.
Tóm lại, trong khi khoảng cách giữa thời gian xuất hiện
của các sách Tin Mừng so với các bản văn còn lưu giữ được ngày nay chỉ chừng
200 năm hoặc ngắn hơn thì các bản văn thế tục nổi tiếng nhất, cũng có một
khoảng cách rất dài. Kết luận thật rõ ràng, không một tác phẩm kinh viện nào có
được những tài liệu cổ kính và nhiều cũng như sát cận như các bản văn Tin Mừng.
2. Các tác giả sách Tin Mừng
Đối với Kinh Thánh (nói chung) tác giả chính là Thiên
Chúa (nguyên nhân đệ nhất). Nhưng Thiên Chúa cũng dùng con người để (nói với
con người). Dù chỉ là “nguyên nhân đệ nhị”, các tác giả “con người” của Kinh Thánh
cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Nhất là trường hợp của các sách Tin Mừng.
Truyền thống Kitô giáo ghi nhận bốn tác giả : Matthêu,
Marcô, Luca và Gioan của bốn sách Tin Mừng thuộc kinh bộ Tân Ước, điều này đã
được Công đồng Vaticanô II khẳng định trong DV số 18 (như đã thấy ở trên) : hai
thánh Matthêu và Gioan là tông đồ thuộc nhóm mười hai của Đức Kitô, các Người
là chứng nhân trực tiếp, đem lại các chứng tá “mắt thấy tai nghe” vì các Người
đã cùng chung sống với Đức Kitô. Còn thánh Marcô và Luca được coi là những
chứng tá trung gian ”kế cận” (thánh Marcô là môn đệ và thông dịch viên của
thánh Phêrô, thánh Luca cũng là môn đệ và “bạn đồng hành” của thánh Phaolô trên
bước đường rao giảng Tin Mừng, nhưng đâu là chứng tá của truyền thống ?
Nếu ở thời chúng ta ngày nay, tên tác giả biểu lộ rõ ràng
trên mỗi tác phẩm, (nhất là các ấn bản). Như thế không còn gì phải đặt vấn đề
nghi hoặc (lại còn vấn đề “giữ bản quyền” nữa chứ). Nhưng ta thừa biết nguyên
bản không còn mà dù có tìm được nguyên bản chắc chắn cũng không thấy có tên của
tác giả trên đó. Người xưa thường ít thích phơi bày danh tính và nhiều khi còn
mượn danh tính của người khác (có thế giá hơn) để làm tăng thế giá của tác
phẩm. Đây là trường hợp của đa số “ngụy kinh” (có thể do người đời gán cho như
vậy). Vì thế vấn đề tác giả (nhất là đối với các sách Tin Mừng) chỉ còn có thể
giải quyết bằng con đường “truy tầm các chứng tá” khác. Sau đây là một số :
a. Đầu tiên người ta
phải nghĩ đến sử gia Eusebio Giám mục thành
Coesarea (quãng năm 263-340) với bộ “Lịch sử Giáo Hội” (và nhiều văn kiện khác
về Tin Mừng). Người được coi là “tổ phụ khoa hộ giáo và giáo sử. Và những chứng
từì Người thu thập được ở những tiền nhân rất có giá trị sử liệu.
b. Sử gia Eusebio,
đã nêu lên chứng tá của Papias, bàn rất rõ về hai
tác giả Tin Mừng thánh Matthêu và Marcô. Papias là Giám mục thành Hierapoli xứ
Phrygia (khoảng năm 125-150). Người được coi là bạn thân với thánh Polycarpo,
Giám mục Smyrne vì cả hai đã từng là môn đệ của thánh Gioan tông đồ. Viết trong
cuốn “Cắt nghĩa Lời Chúa” (sách này đã thất lạc chỉ còn một số đoạn do Eusebio
thu thập được. Giám mục Papias nêu rõ : “Thừa tác viên Gioan đã nói : Marcô
người thông dịch viên của thánh Phêrô
viết chắc chắn nhưng không theo thứ tự, tất cả những gì nhắc nhở tới lời nói,
cử chỉ của Đức Kitô. Quả thật Người không chính tai nghe Đức Giêsu và cũng
không là môn đệ của Chúa. Nhưng như tôi đã nói, sau này Người theo thánh Phêrô.
Thánh Phêrô dạy giáo dân theo sự cần thiết mà không có ý xếp đặt có hệ thống.
Vì thế không phải lỗi của Marco khi ghi chép những gì mình nhớ được. Người chỉ
có một bận tâm là không bỏ qua một cái gì đã hiểu và không đưa vào một lầm lỗi
nào, còn phần Mathêu, Người ghi chép Lời Chúa bằng Aram và mỗi người cắt nghĩa
những lời đó như khả năng cho phép mình làm điều đó" : (Hist Ec III -39).
Theo một số nhà Kinh Thánh học bản Tin Mừng bằng tiếng
Aram được Papias nhắc tới là một tập Logiara, ghi lại cách sơ lược về Đức Kitô,
viết vào khoảng năm 50 -55 (đã thất lạc). Bản Tin Mừng hiện có là bản bằng
tiếng Hy Lạp cũng do chính thánh Matthêu là tác giả (có lẽ viết sau và lệ thuộc
bản của thánh Marcô).
Cũng Eusebiô đưa chứng tá của Clemente Alexandria, viết
trong tác phẩm ”về sự khôn ngoan” (khoảng năm 211-215). Người quả quyết nguồn
gốc của bốn sách Tin Mừng theo truyền thống đã nhận được từ các đồ đệ của các
Tông đồ (Hist. Ecc.).
Bộ lịch sử Giáo Hội của Eusebiô còn nói đến một chứng tá
đặc biệt của văn sĩ Origênê viết trong một bản văn cắt nghĩa về thánh Matthêu,
xuất hiện khoảng năm 254 : “Đây là điều đã học được ở truyền thống liên quan
đến bốn sách Tin Mừng. Những sách này được toàn thể Giáo Hội nhận mà không có
gì bàn cãi. Bản Tin Mừng đầu tiên được Matthêu soạn thảo. Thánh Matthêu trước
là người thu thuế, sau trở thành tông đồ Đức Giêsu. Người viết Tin Mừng bằng
tiếng Aram cho những người Do thái trở lại. Bản Tin Mừng thứ hai, do thánh
Marcô ghi lại những gì do thánh Phêrô giảng. Bản Tin Mừng thứ ba của thánh
Luca, được thánh Phaolô giới thiệu và viết cho dân ngoại trở lại, bản Tin Mừng
cuối cùng là của thánh Gioan" (Hist. Ec. VI-29).
Khoảng đầu tiền bán thế kỉ II, người ta có được chứng tá
của thánh Irênê nói về các tác giả Tin Mừng trong cuốn “chống lạc thuyết”.
Thánh Irênê là đồ đệ của thánh Polycarpo (Giám mục Smyrne, đồ đệ của thánh
Gioan tông đồ), và sau làm Giám mục Lyon (Nam Pháp). Người viết khoảng năm 202
: “Không phải do ai khác mà chúng ta nhận được sứ điệp cứu rỗi chúng ta nếu
không phải nhờ họ (các Tông đồ) mà Tin Mừng tới tay chúng ta. Trước tiên các
Người loan báo cho chúng ta bằng miệng, rồi theo thánh ý Chúa, các Người viết
lại cho chúng ta. Như thế, Matthêu cho xuất hiện giữa người Do thái một bản văn
Tin Mừng, trong khi thánh Phêrô và Phaolô ở Rôma rao giảng và xây dựng Giáo
Hội. Marcô môn đệ và là thông dịch viên của thánh Phêrô cũng để lại bằng bản
văn cho ta những gì Người đã nghe thánh Phêrô giảng. Luca cũng để lại cho ta
bản Tin Mừng được thánh Phaolô rao giảng. Sau cùng thánh Gioan môn đệ yêu quý
của Giêsu, chính Người đã dựa đầu vào ngực Chúa, đã viết bản Tin Mừng đang sống
ở Êphêsô bên Á Châu. Vậy có bốn bản Tin Mừng không hơn không kém. Giáo Hội được
xây dựng trên Phúc âm và Thánh Thần của sự sống phát triển khắp nơi thế nào thì
bốn cột trụ cũng sẽ không bị hư nát, làm cho nhân loại nên sống động như vậy.
Thế là đã quá rõ ràng. Ngôi lời ban cho ta Tin Mừng có bốn hình thức được cùng
một Thánh Thần hỗ trợ (Adv. Haer.
III,1,1).
Đồìng thời với thánh Irênê, văn sĩ Tertulianô trong tác
phẩm “chống lại Marcianus” xuất hiện khoảng năm 223-235, cũng có đoạn “Nguồn
gốc tông đồ của bốn Tin Mừng : trước hết
chúng ta đã quả quyết các tông đồ là tác giả các bản Tin Mừng. Chúa ban cho các
Người nhiệm vụ truyền bá Tin Mừng. Khi tác giả là đồ đệ các Tông đồ, các Người
không viết một mình nhưng trong sự hiệp thông với các Tông đồ, vì sự giảng dạy
của các môn đệ có thể bị nghi ngờ về sự lưu danh nếu không được quyền hành của
bậc Thầy bảo đảm. Hơn nữa phải do từ quyền hành Đức Kitô ban cho các Tông đồ,
Gioan và Matthêu đã thông Đức Tin cho chúng ta. Còn Marcô và Luca tái tân Đức
Tin ấy” (Adv. Marcianum).
Trước đó Thánh Giustinô (tử đạo khoảng năm 165) trong
cuốn hộ giáo và trong cuốn đối thoại với Triphonê cũng đã nhiều lần nhắc tới
các Tông đồ đã để lại ''các kỷ niệm truyền lại cho chúng ta”, được gọi là Tin
Mừng. Các loại quy chiếu mệnh truyền của Chúa. (Apol 1.I, 66).
Năm 1740, do công của Luy Murator, người ta đã khám phá
được một phần kinh bộ bằng tiếng Hilạp, nay được giữ trong thư viện Ambrôsiô
tại Milanô. Đây là một bản văn cổ xuất hiện khoảng thế kỷ II tại Babylon, trong
đó có ghi lại bản kê các sách của Tân Ước được soạn thảo từ năm 170 -185 tại
Rôma. Phần kinh bộ tìm được trong đó (gọi là Fragmento Muratino) có một phần
theo thánh Marcô. Bản Tin Mừng theo thánh Luca (đứng thứ ba) và bản văn thánh
Gioan (Tin Mừng).
Theo nhà Kinh Thánh học Fabbi (Ý) cắt nghĩa : Tác giả
kinh bộ này không ai biết tới. Tuy thế từ bản chất và mục đích chung của bản
văn, chúng ta có thể kết luận : bản thống kê này tượng trưng cho một văn kiện
chính thức của Giáo quyền Rôma. Trật tự mà nhờ đó hai bản Tin Mừng cuối, được đề
cập tới, gán cho Luca và Gioan, tất cả được hoàn thành với chứng tá của thánh
Irênê. Vậy chúng ta có thể kết luận cách hợp pháp văn kiện chính gốc cũng ăn
khớp với phần đã bị mất, tức là hai bản văn Tin Mừng gán cho Thánh Matthêu và
Marcô.
Như thế, những chứng tá trực tiếp và minh nhiên của sự
chính thống của các bản văn Tin Mừng và
các tác giả của chúng do chính các học giả của Giáo Hội (cổ thời) để lại cho
chúng ta rất rõ ràng. Các chứïng tá được đưa ra ngay từ thế kỷ II, thời mà các
đồ đệ kế cận của các Thánh Tông đồ còn sống.
Các chúng tá này gần gũi, phổ quát và ăn khớp với truyền
thống của những thế hệ đầu trong Kitô giáo, không thể nào sai lầm được.
Nhiều nhà Kinh Thánh học còn dùng phương pháp chính bản
văn để đoán nhận và khẳng định về tác giả : Thánh Matthêu có đối tượng độc giả
là các Kitô hữu gốc Do thái trong môi trường lao động của Người. Thánh Marco
(ghi lại lời giảng của Thánh Phêrô) đã chú trọng đến các đối tượng độc giả là
các “dự tòng và tân tòng” (gốc ngoại giáo nhất là dân Lamã). Thánh Luca thường
đồng hành với Thánh Phao lô, và cũng là một lang y. Đối tượng tác phẩm người
viết cho là những dân có nền văn hóa Hilạp cao (có thể coi là trí thức). Còn
Thánh Gioan như một nhà thần học, đưa ra những chủ đề và nêu lên những chúng tá
để khẳng định những chủ đề đó. Cách trình bày trong mỗi bản văn Tin Mừng xác
quyết sự tương hợp của từng tác giả. Tuy nhiên, vấn đề này được bàn kỹ lưỡng
chi tiết hơn trong phần học hỏi khảo sát về Kinh Thánh.
3.
Thời điểm và hoàn cảnh
của
việc soạn thảo các bản văn Tin Mừng
Hiển nhiên là khi đã xác định được tác giả của tác phẩm
người ta cũng có thể xác định (tương đối) vấn đề thời điểm xuất hiện của tác
phẩm đó, cũng như môi trường hoàn cảnh đã khiến tác giả thực hiện và cho lưu
hành tác phẩm của mình. Tuy thế, vấn đề có thể được đặt ngược lại : việc minh
chứng để phát hiện thời điểm xuất hiện của tác phẩm sẽ giúp củng cố vững mạnh
điều xác quyết về tác giả của tác phẩm. Cũng vậy, tìm ra được lí do môi trường
hoàn cảnh đã khiến phát sinh ra tác phẩm, quả là hữu ích (và nhiều khi rất cần
thiết) cho việc đoán nhận và khẳng định tác giả đã làm nên tác phẩm đó. Sau đây
ta áp dụng cụ thể vào các bản văn Tin Mừng.
a. Về thời điểm xuất
hiện các bản văn Tin Mừng.
Hầu như tất cả các học giả (chuyên gia Kinh Thánh lịch
sử) bên Giáo Hội công Công Giáo đều đồng ý : các bản văn Tin Mừng Nhất Lãm (tức
là các Tin Mừng theo thánh Matthêu, Marco, và Luca) đã được viết trước biến cố
thành Jérusalem bị quân Lamã tàn phá, nghĩa là trước năm 70 (do tướng Titô con
của Hoàng đế Vespasiano). Đây là cuộc tàn phá thứ nhất. Sau đó còn hai cuộc tàn
phá nữa, dưới thời Hoàng đế Trajano, khoảng năm 112 và Hidriano khoảng năm
133). Thực tế lịch sử cho thấy, sau khi thủ đô Jérusalem bị triệt hạ năm 70,
quân đội Lamã đã làm thay đổi hoàn toàn “bộ mặt” của cả vùng đất Palestina.
Tuy nhiên, Người ta nhận thấy cách trình bày trong các
bản văn Tin Mừng Nhất Lãm chứng tỏ cụ thể các tác phẩm đó đã được viết trước
khi mọi cái bị thay đổi ở Palestina : các tác giả đã miêu tả đúng môi trưòng
hoàn cảnh về chính trị, xã hội, tôn giáo của Do thái ở thời Đức Kitô. Nếu các
sách Tin Mừng đó (Nhất Lãm) không được viết ra trước biến cố Jéru-salem bị tàn
phá năm 70, ta khó tìm được trong các sách đó sự xác đáng trong việc mô tả.
Nhiều xác quyết đối với các tác giả thời đó (vì không còn có chất liệu) sẽ
không thể có được.
Một số tài liệu liên quan được tìm thấy tại Qumrân những
năm gần đây (nếu chúng chứa đựng sự thật, nhưng cho tới bây giờ người ta vốn
bắt buộc phải nhìn nhận khi dựa trên những suy niệm đúng đắn) cũng ủng hộ những
suy nghĩ được trình bày trên.
Truyền thống Kitô giáo (với đa số đồng ý) đặt niên biểu
cho sự xuất hiện của các bản văn Tin Mừng theo thánh Mathêu và thánh Marcô
trong khoảng các năm 50 -60. Thời gian này thực tế cả hai cộng đoàn của Giáo
Hội sơ khai, những người gốc Do thái và những người gốc ngoại giáo đang cùng
phát triển có vẻ điều hòa. Hai bản văn
Tin Mừng được “đưa ra ánh sáng” nhằm đáp ứng nhu cầu. Hai “loại” cộng đoàn này
dần dần về sau, các cộng đoàn Kitô hữu gốc “ngoại giáo” chiếm ưu thế hơn. Bản văn Tin Mừng theo
thánh Luca được cho là xuất hiện khoảng năm 60 - 62, cũng là hợp lí để đáp ứng
nhu cầu.
Còn bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan, nhất định phải
muộn hơn và giả thiết là các Tin Mừng Nhất Lãm đã khá phổ biến. Thánh Gioan có
vẻ chỉ muốn nêu lên một số chủ đề cơ bản về Đức Kitô và sứ vụ của Người để các
Kitô hữu suy niệm. Tác giả Tin Mừng thứ bốn không có ý đưa ra một bản văn “thay
thế” những bản đã có nhiều sự kiện “bị bỏ qua” vì cho rằng “đã quá quen thuộc”
rồi, mặc dù người tỏ ra biết khá tường tận về môi trường địa lí của những dữ
kiện lịch sử được nêu trong Tin Mừng. Niên biểu gán cho bản văn Tin Mừng bốn
khoảng cuối thế kỉ I (từ năm 93) vì thánh Gioan qua đời khoảng năm 100.
Quan niệm cổ truyền trên được củng cố vững mạnh với sự
khám phá được mảnh Papiro dưới bãi cát tại Ai Cập. Mảnh Papiro này thuộc loại cổ do tiến sỹ Grenfeli
mua được năm 1920 cho “nhà sách John Rylands” (Manchester Anh Quốc) và được ấn
hành công bố năm 1935 (do C. H. Roberto). Nội dung của Papiro do tương hợp với
các đoạn : Ga 18,31-35. Các nhà chuyên môn đồng ý rằng mảnh Papiro đó đã xuất
hiện từ đầu thế kỉ II và nằm trong bản văn được sử dụng tại Tiểu Á cũng như Ai
cập (x. Jesus, Braun, Paris 1947, P. 19). Sự ra đời của papiro đó giả thiết
rằng lúc đó bản văn Tin Mừng bốn lúc đó đã khá “phổ biến”. Như vậy Tin Mừng bốn
không thể được viết sau năm 100 - 110 và
việc nhận thánh Gioan làm tác giả là thích hợp.
Hoàn cảnh tạo sự cần thiết cho sự xuất hiện của các bản văn Tin Mừng. Theo nguyên lí triết
học cái gì hiện hữu cũng điều phải có “lí do hiện hữu” của nó. Các bản văn Tin
Mừng xuất hiện cũng vì nhu cầu của các cộng đoàn Kitô hữu cuối thời các thánh
Tông đồ và sau đó viết về Đức Kitô và sứ
vụ cứu chuộc của Người, nhưng các tác giả Tin Mừng không có ý làm một “cuốn
lịch sử” về đời sống tại thế của Người. Sự thiếu “hệ thống hóa” của các sự cố
được trình bày trong các bản văn Tin Mừng cũng chứng tỏ điều đó. Các tác giả
Tin Mừng có mục đích đầu tiên là đáp ứng nhu cầu về Giáo lí của cộng đoàn của các người đó là “các sách
giáo lí” hơn là cuốn “sách lịch sử cuộc đời Đức Giêsu” (vì thế gọi là sách “Tin
Mừng”), vấn đề sử tính sẽ bàn sau.
Thánh Marco hoạt động truyền giáo với thầy mình là thánh
Phêrô, giữa một cộng đoàn đang phát triển mạnh, mà đa số những người tin theo
là “dân ngoại” (nhất là tại Roma) họ đã được thánh Phêrô và các cộng sự viên
dạy dỗ “bằng miệng” nhưng sự dạy dỗ đó (qua những buổi giảng thuyết) cần được
nhắc nhở (dạy đi dạy lại) mà phương thế truyền khẩu không thể đáp ứng. Vì thế
cần một bản văn. Thực ra trước khi có bản văn Tin Mừng, trong cộng đoàn cũng đã
xuất hiện “những bản văn” ghi lại những phần rời rạc. Thánh Marco đã thu thập,
xếp đặt và hoàn chỉnh hóa để đáp ứng nhu cầu dù chỉ là tương đối của hoàn cảnh
cộng đoàn của người. Vì thế đa số độc giả là người Roma, nên tác giả Tin Mừng
này thường giải thích các từ ngữ Aram khi phải sử dụng và cũng dùng một số từ
ngữ Latinh. Người đặt trọng tâm vào việc minh chứng Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa, Đấng Quyền Năng, thống trị các thế lực tự nhiên gây ra cho con người
những bất hạnh và tội ác (nói nhiều đến
các loại “phép lạ”).
Thánh Matthêu đặc biệt chú trọng đến cộng đoàn các người
tin gốc Do thái, cũng do nhu cầu đòi hỏi, người viết một bản văn “có tính cách
Do thái” hơn, nội dung bản văn Tin Mừng của người tập trung chú ý vào việc minh
chứng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng mà các Ngôn Sứ đã loan báo và Do thái
đang trông đợi, việc minh chứng này được biểu lộ quá rõ ràng qua cách tác giả
trưng dẫn các lời “tiên tri” trong Cựu Ước có tới 70 lần. Cũng với cách thế đó,
Đức Kitô còn được trình bày như Maisen mới, Đấng lập luật mới, và từ đó nói lên
Giáo Hội Chúa Kitô thiết lập chính là dân mới của Thiên Chúa. “Do thái tính”
qua bản văn Tin Mừng này cũng được biểu lộ rõ nét, bằng những từ ngữ quen thuộc
trong môi trường Do thái (như nơi thánh, thành thánh, nước trời, cầm buộc, cởi
mở của Nước trời). Tác giả tỏ ra hiểu biết khá chi tiết về môi trường Palestina
và cũng giả thuyết rằng các độc giả của người rất quen thuộc với môi trường đó.
Không cần giải thích dài dòng những gì được để cập tới.
Thánh Luca tuy biết rõ “có nhiều người tra tay diễn lại các biến cố đã được thực hiện
giữa chúng tôi” (Lc 1,1), nhưng người cũng cảm thấy cần đáp ứng “đầy đủ
hơn” cho môi trường, hoàn cảnh của cộng đoàn đoàn này (mà Théophilô làm đại
diện) “ngõ hầu được am tường rằng : Giáo
Huấn đã hấp thụ thực là đích xác”(Lc 1,4). Sống trong môi trường đang đầy
dẫy những áp bức bất công do những kẻ cao sang quyền quý gây cho các dân nghèo
(nô lệ hoặc bị trị) dưới ách đế quốc Lamã, tác giả sách Tin Mừng thứ ba này
muốn làm nổi bật “khuôn mặt hiền từ nhân hậu” của Đấng Cứu Thế, nhất là việc
tha tội. Những câu chuyện, những dụ ngôn và ngay cả những “phép lạ” được mô tả cũng đều hướng về chủ đích đó. Dĩ
nhiên, đó cũng chính là sách “rao giảng Tin Mừng” mà thánh Phaolô thực hiện.
Thánh Gioan chiếm một “vị thế” đặc biệt. Đối với các đồ
đệ của Người nói riêng và cộng đoàn Kitô hữu lúc đó nói chung “sự cố Đức Giêsu
lịch sử” đã khá quen thuộc vì đã có nhiều bản văn đủ loại nói tới và khá phổ biến.
Nhưng Người vẫn cảm thấy có một cái gì thiếu sót : tâm tình sâu sắc của “ông
thầy trẻ tuổi” của người có lẽ đang dần dần bị quên lãng và bị thay thế về
những nét quả thiên về mặt “suy tôn”. Riêng kinh nghiệm bản thân người, những
rung cảm người nhận được trong thời gian chung sống với Thầy mình còn luôn
“nóng hổi”. Nhất là ở những giây phút cuối cùng của thời gian chung sống đó.
Người cũng ý thức rằng những con người đã cùng Người chia sẻ trực tiếp tâm tình
đó, nay đã “khuất bóng” cả rồi ! Thế là bản văn Tân Ước bốn ra đời, trong đó
người ta thấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần về “môn đồ Đức Giêsu yêu mến”. Chỉ cần
nhìn qua biến cố nhỏ được ghi lại trong Tin Mừng Gioan 1,35-39, người ta cũng
thấy được những điểm sâu sắc đặc biệt tác giả Tin Mừng bốn đặt vào trong bản
văn của người.
Lời của Hiến chế “Mặc khải” (Lời Chúa) cho ta một kết
luận rõ ràng : ”dựa trên trí nhớ hay kỷ
niệm riêng tư hoặc dựa trên chứng tá của những người đã chứng kiến từ buổi đầu
và trở nên thừa tác viên của Lời Chúa. Các thánh sử đã viết ra sách Tin Mừng với mục đích giúp chúng ta nhận biết rằng :
các lời mà chúng ta đã nghe dạy dỗ đều
là chân thật” (DV 19).
Những bàn giải trên đây có thể được soi sáng rõ ràng hơn
khi ta tìm hiểu quá trình hình thành các bản văn Tin Mừng.
4.
Các chặng hình thành và lưu truyền
“Tin Mừng là do Đức Kitô đem đến cho con người. Nhưng
hiển nhiên là Đức Kitô đã không viết và xuất bản các bản văn Tin Mừng. Truyền
thống Kitô giáo quả quyết về bốn tác giả của bốn bản văn thuộc kinh bộ Tân Ước,
nhưng bốn vị đó cũng không phải là những “thư ký riêng” của Đức Kitô, ngồi ghi
"bằng tốc ký", hoặc dựa vào những điều được nói lên, được rao giảng
mà viết. Các Người cũng chẳng phải là những “phóng viên săn tin” như thường có
ngày nay, hai thánh sử Matthêu và Gioan đã trực tiếp thấy, nghe và sống với Đức
Kitô. Nhưng việc viết ra các bản văn chỉ là có sau do nhu cầu đòi hỏi.
Thực tế lịch sử : các bản văn Tin Mừng đã chỉ xuất hiện
như kết thúc của một quá trình hình thành và được đón nhận cũng như lưu truyền
trong cộng đoàn Kitô hữu như di sản quý
báu xác nhận các truyền thống. Thời gian của quá trình hình thành kéo dài từ
khảng 20 năm (các bản Nhất Lãm) đến chừng 70 năm (bản theo thánh Gioan) tính từ
ngày Tin Mừng được chính thức loan báo do Đức Kitô. Quá trình này diến tiến qua nhiều “chặng”.
Khởi xuất từ Đức Kitô - ở phần này, dù ta dựa vào chính
những bản văn Tin Mừng cung cấp để bàn giải, thì cũng hợp lí : giá trị chân
thật của các bản văn đó là xác quyết.
Đức Kitô đã xuất hiện như một vị “Thầy” (Rabbi) : không
những các môn đồ của Người, mà còn cả
đám đông dân chúng trong đó có những kinh sư, tiến sỹ luật, nghĩa là các Rabbi
khác cũng xưng Người là “Thầy”. Dù chỉ là tước hiệu “danh dự” thực tế Đức Giêsu
giảng dạy một giáo lí công khai, Người cũng tuyển chọn một nhóm môn sinh.
Nhưng Người đã không dạy như ngày nay người ta quen làm ở
một “trường học” (như Đại Chủng Viện chẳng hạn) nghĩa là truyền thụ lí thuyết
theo kiểu tiệm tiến, và việc dạy dỗ của Người đầy thực tế, đáp ứng hoàn cảnh
của cuộc sống hằng ngày mà thực tế cung cấp (Mc 10,17 ; Mt 22,36 ; Lc 10,39).
Chính vì thế, những gì Người dạy trở nên dễ lĩnh hội, dễ nhớ. Người ta phải
nhận rằng : việc dạy dỗ của Đức Giêsu được diễn tả theo những hình thức đầy sức
sống, rất cụ thể và đầy màu sắc, hợp với trình độ lãnh hội của từng loại thính
giả.
Cả hình thức văn chương Người dùng cũng dễ làm cho người
ta hiểu và nhớ. Người đã sử dụng những “kỹ thuật” của môi trường Người và các
thính giả Người đang sống, những kiểu nói truyền khẩu, những dụ ngôn mang những
hình ảnh được rút ra từ chính cuộc sống trước mắt. Người làm cho thính giả như
“sờ thấy”, “nhìn thấy” ngay cả khi Người nói về mầu nhiệm (như về Nước Trời
chẳng hạn).
Khi ban một huấn từ, nhất là những gì Người muốn dành
riêng cho các đồ đệ thân cận, Người kiên nhẫn làm cho họ có thể lặp đi lặp lại
tự mình hoặc trong nhóm. Có khi cần, Người nhắc đi nhắc lại một điều bằng những
hình thức khác nhau, hoặc những dụ ngôn khác nhau. Người dùng những câu ngắn
gọn hoặc có vẻ ví von. Nhiều câu chỉ cần nghe một lần là nhớ được.
Tóm lại, thực sự không ai nói được như Người. Dân chúng
bỡ ngỡ sửng sốt và vui thích nghe Người đến “quên ăn" , theo Người trong
sa mạc, nơi bờ biển. Những Lời Người dạy cũng như những dấu lạ Người làm, được
một số người ghi nhận suy niệm và truyền tụng. Nhưng tất cả còn là “truyền
khẩu”.
Truyền qua các tông đồ, trong số những thính giả trực
tiếp nghe Đức Kitô giảng dạy, các đồ đệ,
nhất là nhóm mười hai, là những người thân cận và trung thành nhất. Họ đã đón
nhận “Lời Chúa” qua việc theo Chúa và chung sống với Chúa. Họ thấy, họ nghe, họ
cảm nghiệm, và họ suy tư : với những gì Thầy đã dạy, họ thâu nhận và áp dụng để
giải quyết mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống đến cách xử thế của họ và cả tâm
tình của họ đối với Thiên Chúa nữa. Làm sao họ có thể quên đi mà không khắc sâu
vào tâm khảm những kỷ niệm của chừng 3 năm “theo Thầy” : nào là những lúc cùng
Thầy bận rộn với đám đông đang nô nức ào tới vì những “phép lạ” Thầy họ đã thể
hiện ; nào là những buổi Thầy trò tâm sự riêng tư, những lúc đi đường mệt nhọc,
lời Thầy vang bên tai nhưng trí óc nặng trĩu quay cuồng, không sao hiểu nổi.
Nhiều khi họ cũng phải ái ngại cho Thầy, khi nhìn vẻ mặt hằn học của những “thù
địch” sau những buổi tranh luận gay go. Cũng không thiếu những lúc được chiêm
ngắm Thầy trong vẻ uy nghi giữa cơn bão tố, giữa những tiếng la hét của quỉ dữ,
họ được nghe từ chính miệng Thầy và họ cũng được nghe từ đám dân chúng nói về
Thầy. Khi có dịp họ cũng nói về Thầy, về những gì họ đã mắt thấy tai nghe cho
kẻ khác nghe. Họ vui mừng vì Thầy cũng thông cho họ một số quyền hành “nhân danh Thầy, cả ma quỉ cũng phải lụy phục
chúng con” (Lc 10,17). Nhưng những gì xảy ra trong cuộc khổ nạn của Thầy
càng khắc sâu hơn vào tâm hồn họ. Thầy đã chết một cách quá đau thương trên
Thập giá. Họ đã tưởng mất Thầy vĩnh viễún. Tuy nhiên Thầy họ lại đến với họ
trong cách biểu lộ một sự sống vinh quang, viên mãn.
Cổ nhân có câu : “một đồ đệ tốt giống như một chiếc bể
chứa xây đắp tử tế không để chỉ mất một giọt nước "dạy dỗ của Thầy mình”.
Các tông đồ của Đức Kitô đã thể hiện được tính thiện hảo của một đồ đệ. Quãng
đời theo Thầy là thời gian lãnh nhận “Lời Thầy”.
Thực hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trước khi từ biệt các
môn đệ lần cuối cùng. Đức Kitô đã ban cho các môn đệ một lệnh truyền : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho
họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ những điều Thầy đã truyền cho
anh em" (Mt 28, 19). Môn đệ của Đức Kitô, nhất là nhóm mười hai ý thức
được sứ vụ của mình, nhờ ơn Thánh Thần, đã lăn xả vào chức vụ rao giảng Tin
Mừng. Những gì đã thấy, đã nghe, đã ghi
nhận. Các ngài đã “nói lại”, và làm
chứng công khai. Nhờ vào các tài liệu rải rác trong Tân Ước, chúng ta có thể
hình thành một nội dung căn bản của việc rao giảng của các Tông đồ : “Đức Giêsu
Kitô, Đấng thiên sai đã đến tại trần gian, giảng dạy, chịu đau khổ và chết vì
chúng ta. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Chúng tôi là những chứng nhân
cho Người. Nếu anh em muốn được cứu rỗi hãy thống hối ăn năn và tin vào Người
mà chịu phép Rửa”. Đối với những người đã trở thành Kitô hữu để soi sáng cách
sống xứng đáng cho họ, các “thừa tác viên Lời Chúa” khai triển những bài diễn
văn của Đức Kitô, nhất là những lời dạy về bác ái huynh đệ, về sự tha thứ, về
sự tỉnh thức, cầu nguyện và sám hối.
Đặc tính của những “bài giảng đầu tiên” này là tính cách
chứng nhân trực tiếp mắt thấy tai nghe. Vì thế không thể bàn cãi và từ đó phát
sinh Đức Tin của các tín hữu sơ khai (với ơn Thánh Thần và những dấu lạ được
các Tông đồ thể hiện). Những bài giảng đó cũng được thể hiện “một cộng đoàn có
tổ chức” (Giáo Hội sơ khai) nghĩa là có tính chất phẩm trật : Chỉ những người
có uy thế, như các Tông đồ và những người nhận lệnh nơi các Người, mới được
thực hiện (trường hợp Stepha-nô, TCDCM. 6,5-7 ; Philipphê, Cv 8,24 ; Banaba 9,27).
Chính Thánh Phaolô dù nhận được Mặc khải và sứ vụ trực tiếp từ Đức Kitô, nhưng
Người cũng không bỏ quên việc “lên Giêru-salem trình bày cho họ (các Tông đồ) về Tin Mừng hiện tôi rao
giảng” (Gl 12,1). Điều này bảo đảm sự trung thành tuyệt đối với sứ điệp và
được kiểm nhận do những chứng nhân đầu tiên “được ban quyền bính” đồng tâm nhất
trí (nhận là hợp với chân lý được dạy từ ban đầu).
Tuy nhiên, việc rao giảng tiên khởi này cũng rất sống
động, qua cách truyền khẩu và chú trọng đến các nhu cầu cũng như thích hợp với
thính giả : Điều phải nói được nói lên theo sự cần thiết và thích hợp với từng
hoàn cảnh. Các Tông đồ không chú tâm truyền lại những gì liên quan đến cuộc
sống Đức Giêsu, với sự hiểu biết đầy đủ hơn sự hiểu biết mà chính các Người đã
lãnh nhận do biến cố vinh hiển của Đức Kitô và ơn Hiện Xuống. Công đồng Vatican
II quả quyết : “Sau khi Chúa về trời,
những gì Người đã nói, đã làm thì các Tông đồ sau khi đã hiểu biết cách đầy đủ
hơn. Sự hiểu biết mà chính các Người hưởng thụ được nhờ các biến cố vinh hiển
của Chúa Kitô và ánh sáng của Thần Chân Lý. Các Người đã truyền lại cho những
ai nghe các Người” (DV 19).
Xuất hiện các bản văn “Tin Mừng” đầu tiên. Việc giảng
thuyết đầu tiên được coi là “Tin Mừng truyền khẩu”. Dần dần, người ta cảm thấy
cần phải “ghi chép” lại các đề tài quan trọng hoặc để trở lại suy niệm dễ dàng
(với bản văn) cũng như dễ dàng soạn thảo những bài giảng thuyết mới. Hoặc đúng
lắm, khi không có sự hiện diện của “thừa tác viên” Lời Chúa. Người ta có thể
“đọc lại” bản văn từ đó bắt đầu nổi lên phong trào nhớ lại và ghi lại những
kiểu nói, những sự cố của Đức Kitô. Việc ghi chép này có thể bắt nguồn từ các
bài giảng của các Tông đồ và cũng có thể bắt nguồn từ những chứng nhân khác trực tiếp kể lại
(chẳng hạn về cuộc đàm thoại giữa Đức Kitô và Nicôđêmô hoặc chị Samaritana, nay
cũng đã trở thành các “Kitô hữu” tiên khởi.
Có lẽ những bản văn đầu tiên này, đa số chú trọng đến các
Lời của Đức Kitô đã nói trực tiếp, những cuộc tranh luận Người đã trực diện với
giáo quyền Do thái và Pharisiêu. Hoặc kể lại những phép lạ và nhất là về cuộc
khổ nạn phục sinh của Người. Đây có thể chỉ là những bản văn rời rạc, chưa “hệ
thống hóa” và dĩ nhiên chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của tất cả các “loại”
cộng đoàn Kitô hữu. Người ta cho rằng, bản văn thánh Matthêu chép đầu tiên bằng
tiếng Aram (đã được nêu ở trên) cũng mới chỉ là một “Logia” ghi lại một số lời
của Đức Kitô thôi. Dù sao cùng với “Tin Mừng truyền khẩu”, các bản văn sơ khởi
đó đã tạo thành những “truyền thống” trong Giáo Hội sơ khai.
Các bản văn Tin Mừng thực sự xuất hiện : Nhu cầu của từng
“loại” cộng đoàn Giáo Hội sơ khai đòi hỏi những bản văn đầy đủ hơn đã là một
trong những động lực khiến các thánh sử đã cho xuất hiện các bản văn Tin Mừng
(Dĩ nhiên phải nhìn nhận ơn “Linh hứng của Chúa Thánh Thần"). Các bản văn
Tin Mừng tượng trưng cho chặng cuối cùng của những truyền thống. Lời tựa trong
bản văn Tin Mừng theo thánh Luca cho ta một bằng cớ hiển nhiên (Lc 1,1-4). Như
thế, chất liệu các bản văn Tin Mừng phát xuất từ truyền thống, truyền khẩu và
các bản viết trước. Các thánh sử không có ý viết tất cả, nhưng chỉ muốn viết
“cuốn sách đầu tiên về giáo lý”, để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn cụ thể nơi
các ngài hoạt động. Nên nhắc lại là chính các ngài cũng là những “nhà giảng
thuyết”. Hiến chế “Lời Chúa” dạy : “Phần các Thánh sử đã viết bốn Phúc Âm, các ngài chọn một ít trong số chất
liệu được truyền lại bằng miệng hay bằng sách vở, tóm tắt một số khác hay tùy
hoàn cảnh của các Giáo Hội mà giải thích thêm, nhưng vẫn giữ hình thức của các
bài giảng thuyết và như vậy để luôn chân thành truyền đạt cho chúng ta những
điều chân thật về Chúa Giêsu” (DV 19).
Vậy, Tin Mừng là “sứ điệp chúc phúc”, sứ điệp cứu rỗi mà
Đức Kitô ban cho trần gian. Chính Người đã công bố Tin Mừng đó và rồi được lưu
truyền qua truyền thống, được ghi lại bằng văn tự. Cũng như ơn cứu độ ở nơi Đức
Kitô là duy nhất ; việc loan báo Tin Mừng chỉ có một cho dù dưới những hình
thức loan truyền khác nhau do những con người với khả năng, hoàn cảnh khác
nhau. Vì mỗi bản văn Tin Mừng (thuộc kinh bộ Tân Ước) đều có mang ngay trên đầu
: “Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Marcô, Luca, Gioan”. Thánh Irênê quả quyết :
Chỉ có một Tin Mừng, nhưng được diễn tả qua bốn hình thức soạn thảo khác nhau.
5.
Giá trị sử tính của các sách Tin Mừng
Sau khi đã xem xét đến các “chặng hình thành” của các sách Tin Mừng như đã trình
bày trên, câu vấn nạn “tất yếu” được đặt ra : Vậy các bản văn Tin Mừng, như
chúng ta đang sử dụng có tính cách lịch sử không ? Chúng có cống hiến cho chúng
ta một Đức Kitô của lịch sử nghĩa là những gì được kể lại trong các bản văn đó,
thực sự có giá trị sử tính ? Nói khác đi, có sự khác biệt nào với Đức Kitô được
hiểu về mặt con người đã từng sống và hoạt động tại Palestina thực sự không ?
Quả thực, vấn đề “sử tính” của các sách Tin Mừng đã từng bị một số người “chối bỏ”. Vào khoảng đầu thế kỷ XX này, tại Đức phát sinh một phong trào mệnh danh là “phương pháp văn hình sử" (Formgeschichte method) và phát triển mãi cho tới sau thế chiến II (1939 - 1945). Theo phương pháp này, để khám phá ra giá trị của một bản văn, phải chú trọng đến sự hình thành của nó. Điều này hiển nhiên và rất hữu ích và tiến bộ, theo tinh thần khoa học tiên tiến ngày nay, nếu phương pháp được dùng cách đúng đắn. Áp dụng vào các bản văn Tin Mừng, đặc biệt là các bản Nhất lãm, phương pháp này cũng đem lại nhiều điều hiểu biết sâu sắc hơn.
Quả thực, vấn đề “sử tính” của các sách Tin Mừng đã từng bị một số người “chối bỏ”. Vào khoảng đầu thế kỷ XX này, tại Đức phát sinh một phong trào mệnh danh là “phương pháp văn hình sử" (Formgeschichte method) và phát triển mãi cho tới sau thế chiến II (1939 - 1945). Theo phương pháp này, để khám phá ra giá trị của một bản văn, phải chú trọng đến sự hình thành của nó. Điều này hiển nhiên và rất hữu ích và tiến bộ, theo tinh thần khoa học tiên tiến ngày nay, nếu phương pháp được dùng cách đúng đắn. Áp dụng vào các bản văn Tin Mừng, đặc biệt là các bản Nhất lãm, phương pháp này cũng đem lại nhiều điều hiểu biết sâu sắc hơn.
Nhưng, một số học giả “duy lý” (Tin lành tự do) đã xử
dụng nó vào việc khảo sát các bản văn Tin Mừng, với một “nguyên tắc thiên kiến” : cái siêu nhiên là vô nghĩa.
Do đó theo họ, các bản văn Tin Mừng mang đầy những siêu nhiên nên không thể
có tính cách lịch sử. Vì vậy, phải liệt kê các bản văn đó vào loại các sách bàn
về huyền thoại ! (M. Dibe-cius ; K.L. Chimid ; R. Bulmann, M. Ablerts ; G.
Bertram).
Theo R. Bulmann, người bênh vực nổi tiếng của phong trào
văn hành sử, tất cả các chất liệu do các bản văn Tin Mừng đem lại đều được gán
cho sự sáng tác của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, do nhu cầu và lợi ích thúc
bách. Ông quả quyết : “Tôi thiết tưởng
chúng ta không thể biết gì về đời sống, nhân vị của Đức Kitô. Vì những nguồn
Kitô giáo chúng ta có ngày nay rất hiếm, lẻ loi và lây nhiều truyền thống hoang
đường. Sự giảng thuyết của Đức Kitô là sự giảng thuyết của vị tiên tri cuối
cùng của Cựu Ước : Đức Kitô không phải là Kitô hữu, Người là một người Do thái,
chỉ lặp lại những gì đã nói trước. Tất cả những gì các thánh sử đã gán cho
Người đều có tính cách Kitô hữu, không thể là của Người được. Kitô giáo phát
sinh sau cái chết của Đức Kitô, qua niềm tin vào sự sống lại Đức Kitô mà chúng ta tìm thấy trong Kegyma
(các loan báo Tin Mừng đầu tiên, thời các Tông đồ) không còn gắn bó gì với Đức
Kitô theo xác thịt. Trong khi Đức Kitô loan báo con Người sẽ ngự đến trên mây
trời, thì Kerygma đồng hóa Đức Kitô với con người. Như thế người loan báo trở
thành người được loan báo".
Về vấn đề “sử tính” của các sách Tin Mừng, gần đây nhất
ta có lời dạy của Công đồng Vatican II trong Hiến chế “Lời Chúa” một cách minh
nhiên : “Mẹ Thánh Giáo Hội luôn luôn quả
quyết lịch sử tính của bốn sách Tin Mừng, cũng như mạnh mẽ và liên lỉ bốn sách
Tin Mừng trung thành ghi lại những gì Đức Giêsu, Con Thiên Chúa khi sống giữa
loài người, thực sự đã làm và đã dạy về phần rỗi đời đời của họ, cho tới ngày
Người lên trời” (DV 19 x. Cv 1,1-2).
Thực ra, vấn đề “sử tính” này đã được các Giám mục nghị phụ trong
Công đồng rất quan tâm và cuộc tranh luận để đi tới lời tuyên bố trên đã trải
qua một quá trình cam go sôi nổi trước khi đưa tới xác quyết đó. Ủy ban Giáo
hoàng về Thánh Kinh đã ban hành một huấn thị ngày 14 tháng 5 năm 1964 : “Mẹ Thánh
Giáo Hội”. Văn kiện này bàn giải về “phương pháp văn hình sử” khi nào cần, nhà
chú giải Kinh Thánh có thể dựa vào những yếu tố lành mạnh mà phương pháp
văn hành sử cống hiến cho để hiểu rõ hơn. Tuy nhiên, nên cẩn thận để khỏi rơi
vào những nguyên tắc thiên kiến, thường làm sai lạc kết luận của phương pháp.
Lời dạy của Công đồng đã loại bỏ mọi nghi ngờ về lịch sử
tính của các sách Tin Mừng. Đó là chân lý mà Giáo Hội đã và đang quả quyết bằng
Đức tin và lý trí. Tuy nhiên, “lịch sử” trong Tin Mừng là một loại 1`“lịch
sử đặc biệt”, phải xác định sau khi
nghiên cứu văn loại của từng đoạn. Tin Mừng không phải là một bản phúc trình về
những biến cố đã qua, nhưng là lời truyền bá những sự kiện liên hệ cho ơn cứu
độ vì phần rỗi đời đời.
Vậy, ta cần xác quyết : Theo nghĩa nào các sách Tin Mừng
có lịch sử tính và theo nghĩa nào thì không ?
a. Các bản văn Tin
Mừng không có tính cách lịch sử, hiểu theo lối
chúng ta hiểu “lịch sử" ngày nay. Nếu chúng ta hiểu từ ngữ lịch sử theo
nghĩa chặt như ngày nay, nghĩa là đòi hỏi sự chính xác về ngày tháng, niên biểu
cũng như địa lý được mô tả với những chi tiết tỉ mỉ của các biến cố, thì hiển
nhiên là các sách Tin Mừng đã không có được những điều đòi hỏi đó và như vậy
chúng ta thấy rõ, các sách Tin Mừng không phải là các sách chép sử theo nghĩa
này.
Quả thực các thánh ký ghi chép các sách Tin Mừng đã không
chú tâm đến những điều đòi hỏi đó, các ngài đã không muốn làm nên cuốn lịch sử
hoàn toàn về cuộc đời Đức Kitô. Các ngài cũng là những “thừa tác viên Lời Chúa” nghĩa là những người giảng thuyết, những
người dạy Giáo lý, các ngài chỉ ghi lại
những yêu tố mà các ngài cho là cần thiết hay hữu ích để giải những vấn đề theo
mục đích đã định trước, chứ không có ý muốn chép lại tất cả những điều các ngài
đã được biết hoặc đã nghe nói về Đức Kitô. Đối với chứng tá tôn giáo, bản chất
của sự kiện Đức Kitô đã thực hiện cũng như ý nghĩa các Lời Người đã nói mới là
điều quan trọng và các thánh sử đã chú tâm. Chính vì thế, chúng ta thấy có
những sự cố có vẻ giống nhau, cũng như các lời giáo huấn thuộc cùng chủ đề,
được các tác giả Tin Mừng xếp liền vào một chỗ, mặc dù thực tế đã phải được xảy
ra tại những thời điểm và không gian khác nhau.
Nếu đem so sánh giữa bốn Phúc âm với nhau người ta cũng
tìm được những câu nói, tuy cùng là Đức Kitô nói về cùng một chuyện, nhưng lại
rất khác biệt. Thí dụ Lời Truyền Phép Thánh thể chẳng hạn. Chúng ta không nên
và cũng không cần trông đợi có sự trung thực (của các lời nói) một cách máy
móc, ngay cả lời kết thúc của Tin Mừng theo thánh Gioan cũng rất hiển nhiên : “Đức Giêsu còn làm nhiều điều khác, nếu có
đem ghi lại từng việc một ta thiết tưởng cả thế giới này không chứa đựng nổi
những cuốn sách ghi chép các việc đó” (Ga 21,25).
Như thế các sách Tin Mừng phải được coi là kết quả của sự
lựa chọn chất liệu một cách tự do mà cách thánh sử cho là cần thiết và ích lợi
để làm nên những bài giảng thuyết, các ngài đã lựa chọn và thích ứng với hoàn
cảnh thực tại. Khi cần các ngài cũng thay đổi cách nói, thêm bớt những chi tiết
cụ thể. Nhưng không làm đổi bản chất của các sự việc cũng như giáo huấn của Đức
Kitô. Tuy được tự do lựa chọn chất liệu và trình bày, các thánh ký luôn trung
thành với những điều đã được thấy, được nghe và được truyền tụng về Đức Kitô.
Khi chép các bản văn Tin Mừng, các thánh ký đã không muốn làm một cuốn sách
lịch sử theo nghĩa “ghi chép biên niên”
ngày nay. Nhưng các ngài chỉ muốn có được những sách “Tổng hợp giáo lý” trong đó chỉ thuật lại những
điều về đời sống Đức Kitô mà giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng. Đức Kitô
là Đấng Cứu Thế.
b. Các bản văn Tin
Mừng mang nội dung có giá trị lịch sử chân chính
: Mặc dù khi rao giảng các giảng thuyết viên đã không có ý kể lại chi tiết tỉ
mỉ về Đức Kitô cũng như khi chép lại những bản văn Tin Mừng, các thánh ký chỉ
ghi lại một số nét cụ thể về Người. Nhưng các việc được kể lại, đều có tính
cách lịch sử. Hiến chế “Lời Chúa” quả quyết : “Phần các thánh sử đã viết bốn
sách Tin Mừng, các ngài chọn một ít số
chất liệu được truyền lại bằng miệng hay bằng sách vở tóm tắt một số khác hay
tùy hoàn cảnh của giáo đoàn mà giải thích thêm nhưng vẫn giữ hình thức của các
bài giảng thuyết và như vậy để luôn trung thành truyền đạt cho chúng ta những
điều chân thật về Đức Giêsu” (DV 19).
Từ ngữ “những điều chân thật” mà Công đồng dùng ở đây
phải được hiểu theo nghĩa “các chân lý trong Thánh kinh”, nhất là về phương
diện lịch sử. Chân lý lịch sử của Thánh Kinh (nói chung) không nhất thiết hệ
tại việc dựng lại các biến cố theo thời gian và hoàn cảnh xã hội, nhưng hệ tại
sự giải thích các sự kiện, nghĩa là dưới phương diện những chân lý đó, những sự
kiện đó diễn tả mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa.
Áp dụng vào các bản văn Tin Mừng, ta cũng phải chấp nhận
sự hiện hữu của chân lý lịch sử và kết luận những điều hàm chứa trong nội dung
của các bản văn đó có tính cách lịch sử theo cách của chúng. Sau đây là một số
lý chứng củng cố vững chắc cho kết luận trên.
Trước hết chúng ta chú tâm vào chính các bản văn đó.
Chúng biểu lộ lòng trung thành đơn sơ trong trắng của các thánh ký. Các ngài
biết rõ các điều các ngài thuật lại và các ngài chân thành muốn tỏ lộ ra cho
chúng ta những điều mà các ngài cho là ích lợi và cần thiết cho chúng ta. Thánh
Luca đã bày tỏ lòng chân thành đó cách minh nhiên : “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết
tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được
rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Lc 1,3). Giọng điệu
thẳng thắn, đơn sơ và trung thực của các thánh ký chứng tỏ các ngài chân thành,
vô vị lợi. Các ngài cũng biểu lộ cả những cái bất toàn của các ngài cũng như
của các Tông đồ qua bản văn các ngài viết. Nhất là sự kiện chính các ngài đã
sống và chết cho điều mình tường thuật. Nếu các ngài không phải là chứng tá
trung thành và chân thực, chúng ta phải quả quyết các ngài là những kẻ cuồng
tín.
Nhưng các thánh ký không phải chỉ cô độc : các ngài còn có cả một cộng đoàn Kitô hữu ngay bên :
các ngài chỉ viết nên những gì được Giáo Hội sơ khai chấp nhận. Tin Mừng sống
và truyền lại. Đọc Công vụ chúng ta thấy rõ Giáo Hội sơ khai ngay từ hậu bán
thế kỷ I đã là một cộng đoàn có tổ chức theo phẩm trật và cũng đã rất gắn bó
với truyền thống cách chặt chẽ, luôn sẵn sàng tẩy trừ đi những gì không phải là
chính thống. Sự chấp nhận của cộng đoàn củng cố cho tiếng nói của các thánh ký
; sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn chứng tỏ không thể nào có sự lừa dối, sai
lầm được.
Cũng cần nhìn đến thực trạng của Giáo Hội sơ khai. Chính
vì Đức tin vào Đức Kitô mà có sự gắn bó trong nội bộ và làm khác biệt tách rời
khỏi các Hội đường Do thái cũng như khỏi đám dân “ngoại giáo”. "Thập giá là cớ vấp phạm cho Do thái và sự điên
rồ cho dân ngoại” (1Cr 1,17). Nếu các Kitô hữu đã vượt qua được mọi trở
ngại để chấp nhận “Con Người là cớ vấp
phạm và sự điên rồ” đó (chính là Đức Kitô), thì họ phải chắc chắn về giáo
lý đã lãnh nhận.
Không những Giáo Hội sơ khai đã phải sống tách biệt khỏi
các cộng đoàn Do thái và dân ngoại, Giáo Hội còn bị các cộng đoàn đó tìm cách
sát hại và khai trừ. Chấp nhận Đức tin là đương nhiên chấp nhận sự từ bỏ, những
hy sinh cố gắng và liều lĩnh, ngay tới cả cái chết nữa. Tính chất lịch sử của
các tường thuật Tin Mừng (nói chung là chính sự kiện Đức Kitô hợp với nội dung
Tin Mừng) là vấn đề “sống chết” đối với các Kitô hữu : nếu trước đó họ không
tin và hèn nhát, nay họ mạnh bạo sống Đức tin với tất cả những “thua thiệt ở
đời này” thì đó là vì họ đã chắc chắn về những chân lý của giáo thuyết đã được
các sách Tin Mừng tổng hợp lại.
Các Tông đồ với tiếp sức của các giảng thuyết viên đã mắt
thấy tai nghe, cùng ăn cùng sống với Đức Kitô, vì thế, không ai có thể cản ngăn
được các ngài về việc rao giảng Tin Mừng (Cv 4,20). Các ngài luôn nói lên sự
thật và bênh vực chân lý các ngài đã lãnh nhận cũng như sẵn sàng chấp nhận
đương đầu với tất cả mọi gian nguy khó khăn để làm điều đó. Các ngài không thể
gian dối cũng như không thể chấp nhận sự gian dối. Pascal nói : “Tôi sẵn sàng
tin những sự kiện mà vì chúng các chứng
tá đã dâng hiến mạng sống”.
Lịch sử của các sách Tin Mừng còn được củng cố do chính
những sự kiện được mô tả trong đó. Các sách Tin Mừng đã trình bày một khung
cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo tương ứng với hoàn cảnh của “thế hệ đầu tiên của Kitô giáo”. Ta đã biết sau
khi quân Lamã đã phá Giêrusalem (khoảng năm 70) cả bộ mặt xứ Palestina đã
hầu như hoàn toàn thay đổi. Những gì các sách Tin Mừng trình bày về các thành
phố, các nơi chốn khác nhau, cách sống, phong cảnh đồng nội, những tin tức liên
quan đến tổ chức đời sống xã hội, tôn giáo, tập quán, đảng phái, những cuộc gặp
gỡ và chống đối giữa nhiều quyền bính khác nhau, tất cả đều tương ứng với các
điều được tìm thấy nơi các nguồn khác đồng thời, nghĩa là trước khi quân Lamã
làm đổi hẳn cục diện của mảnh đất Palestina. Như thế phải kết luận rằng : Nơi
các sách Tin Mừng không thể có sự hình thành giả tạo nhưng có sự hòa hợp tự nhiên,
chứng tỏ tính chân thực là truyền thống Kitô giáo chân chính.
Tính cổ kính của các bản văn Tin Mừng cũng là yêu tố phơi
bày lịch sử tính của các sách đó. Nơi các sách Tin Mừng chưa có được sự tổng
hợp về thần học (nếu đem so với các thư của thánh Phaolô) hoặc những suy tư tri
thức luận (được thấy nơi các tác phẩm xuất hiện ở thế kỷ II hoặc III về sau).
Tính chất cổ kính là dấu chỉ của truyền khẩu và biểu lộ việc soạn thảo trung
thành với các kỷ niệm nguyên thủy không có gì bày đặt hay xuyên tạc.
Sự hòa hợp và tương ứng về giáo lý, của các sách Tin Mừng
so với giáo lý tân tòng của các bài giảng thuyết loan báo đầu tiên (Kérygma)
cũng là một biểu lộ của cùng nguồn gốc chân chính. Giáo lí và hình ảnh của Đức
Kitô được các sách Tin Mừng trình bày, về căn bản có sự hòa hợp với các bản văn
khác, như các thư của thánh Tông đồ (của thánh Phaolô chẳng hạn).
Ngay cả những sai biệt tìm thấy giữa các sách Tin Mừng
cũng được coi là yếu tố minh chứng sự thật. Quả thật, trong các sách Tin Mừng,
chúng ta tìm được cả những sai biệt đáng kể. Điều này chứng tỏ sự tự do trong
cách thuật chuyện, cách kết cấu bản văn, miễn là không làm hại đến nền tảng Đức
tin chung về bản chất. Nếu là những sự bày đặt hoặc huyền thoại, thì tại sao
các sai biệt đó không bị khai trừ đi ?
Thêm vào đó, trong cộng đoàn Kitô giáo còn xuất hiện rất
nhiều “Tin Mừng giả tạo” (đã nói ở trên) mà không được chấp nhận. Việc Giáo Hội
(sơ khai) công nhận bốn bản văn Tin Mừng Kinh Bộ, trong khi luôn cứng rắn phủ
nhận các bản văn Tin Mừng giả tạo khác phải có lí do chắc chắn và xác đáng. Nếu
cho rằng các bản văn Tin Mừng là kết quả của sự “lí tưởng hóa” gương mặt Đức
Kitô hơn nhiều và do đó đáng được công nhận hơn. Thực tế không phải như thế.
Lí thuyết cho rằng chính cộng đồng Kitô hữu đã tạo ra sự
kiện Đức Kitô, thì tự nó có sự mâu thuẫn về hai điểm : chứng tá và khả năng
sáng tạo.
Về chứng tá : từ Đức Kitô đến lúc xuất hiện các bản văn
Tin Mừng, khoảng cách thời gian chừng 30-40 năm ; chẳng lẽ các chứng tá biến
mất nhanh như vậy ? Không còn ai quen biết Đức Kitô thực sự sao ?
Về khả năng sáng tạo của cộng đoàn hiển nhiên là cộng
đoàn chỉ có khả năng truyền bá, triển khai rộng rãi, nhưng không có khả năng
sáng tạo : làm sao một đám quần chúng không nghị lực lại có thể tạo nên được
một truyền thống giáo lí cao siêu, có nguồn ngọn hòa hợp như vậy được : “để tạo ta một Newton, phải có một Newton
khác”. Vậy ai có thể tạo nên Đức Kitô, nếu không phải chỉ mình Người ? Mỗi
phong trào của lịch sử đều đòi hỏi một hoặc những nhân vật lãnh đạo có từ khởi
đầu. Nếu gán khả năng này cho các thánh Tông đồ với sức của loài người, thì
điều đó là vô lí không thể chấp nhận được (x. Cv 5,34). Nếu người Kitô hữu tạo
nên Đức tin Kitô giáo thì cái gì tạo nên
chính cộng đoàn Kitô hữu ? Ta phải chấp nhận ngược lại.
Phương pháp “văn hình sử” đã có thời rất phát triển nhưng
rồi cũng xuống dốc ngay tại Đức, nơi đã phát xuất và phát triển nhất. Người ta
đã cố tìm những phương pháp khác, chẳng hạn phương pháp của một số thần học gia
hy vọng vào toán học, Heideberg, v.v.
Ta kết thúc ở đây về vấn đề “tính cách lịch sử” của các bản văn Tin Mừng với lời
xác quyết : “Trong các sách Tin Mừng không có sự kiện nào, xét về bản chất, mà không do Đức Kitô thực hiện, không có
sự xác quyết nào về ý tưởng nào mà không do chính Đức Kitô ít là mặc nhiên,
chứng tá của các thánh sử và tất cả những người đã đóng góp vào việc hình thành
các bản Tin Mừng là đáng tin cậy và đáng được chấp nhận” (x. Théo. Fund của
Arialdo Beni, tr 205).
@ @
II. THÂN THẾ VÀ NGÔI VỊ ĐỨC KITÔ
Sau khi đã xem xét các nguồn tài liệu lịch sử về Đức Kitô
và xác định giá trị sử tính của nó. Nhất là đối với các sách Tin Mừng, chúng ta
cùng nhau chiêm ngắm Người qua những điều các nguồn tài liệu đó (chủ yếu là các
sách Tin Mừng) cung cấp. Cần nhắc lại ở phần khảo luận này, chúng ta chỉ đặc chú
ý đến “lịch sử và con người Đức Kitô”,
nghĩa là chiêm ngắn Người như một Mặc khải thực sự xảy ra trong lịch sử
loài người. Liên quan đến việc giải quyến vấn nạn đã được đặt ra ngày từ đầu :
“Có thực Mặc khải xảy ra và Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến
ở giữa chúng ta ?” Còn về ý nghĩa nội dung Mặc khải chứa đựng trong Tin
Mừng sẽ được khoa tín lí làm sáng tỏ. Nhất là nơi các phần như “về Thiên Chúa Ba Ngôi” (De Deo Uno et Trino), “về Nhập thể” (De Verbo incarnato),
“về Kitô học” (De Christologia), “về Cứu Thế học” (De Soteriologia).
1.
Đức Kitô một con người trong lịch sử
Chấp nhận sử tính của các sách Tin Mừng (theo ý nghĩa đề
cập trên) tất nhiên đưa đến việc Đức Kitô như một con người trong lịch sử, bản
văn Tin Mừng kể lại. Thực ra, như trên đã trình bày, căn cứ vào điều đã được
thánh Phaolô ghi lại, qua các thư Người viết cũng đã giải quyết được vấn đề
này. Các sách Tin Mừng cũng đã chịu “ảnh hưởng” của Người. Nhất là Tin Mừng
theo thánh Luca (ghi lại những gì theo lời giảng của thánh Phaolô). Tuy nhiên,
dựa theo các sách Tin Mừng, nhất định chúng ta có một hình ảnh về Đức Kitô
trong lịch sử một cách rõ nét hơn.
a. Thời gian và
không gian Đức Kitô đã sinh sống : mặc dù các sách Tin
Mừng không thể được coi như các sách “lịch sử” theo nghĩa hiện đại, biên niên
tỉ mỉ của từng sự cố trong cuộc đời Đức Kitô. Nhưng chúng ta cũng tìm được
trong đó không thiếu những yếu tố lịch sử rất rõ ràng, chắc chắn và khá chi
tiết về cuộc đời Đức Kitô trên mảnh đất Palestina, bên bờ phía đông địa trung
hải. Các yếu tố đó được lồng vào những yếu tố lịch sử của trần thế về thời gian
cũng như không gian. Chẳng hạn :
Về thời gian, cuộc đời lịch sử của Đức Kitô được “đóng
khung” giữa triều đại Hoàng đế César Augusto (khi Đức Kitô sinh ra, Lc 2,1...)
đến Hoàng đế Tibero (lúc Đức Kitô khởi đầu cuộc sống công khai ; Lc 3,1 nói :
năm thứ 15 Hoàng đế Tibero chấp chính) của Đế Quốc Lamã, với những sự cố lịch
sử như cuộc kiểm tra dân số được thực hiện dưới thời Quirinio trấn nhiệm Syrie
(Lc 2,2) và trấn thủ Philato (Mt 27,2 ; Lc 3,1 ; 23,1 tại Jérusalem) về chính
quyền tại Palestina cộng tác với Lamã có Hêrôđê Cả (Mt 2,1 ; Lc 1,5) lúc Đức
Kitô sinh ra và Hêrôdê Quận vương (Lc 23,8) lúc Người bị án tử thập giá.
Về không gian, lúc đó Palestina đang quằn quại dưới gót
giày thực dân Rôma với bao nỗi uất ức đè nặng trên đám dân nghèo ; bầu khí
chính trị luôn sôi sục và chỉ chờ dịp để bùng nổ những cuộc bạo loạn. Như trên
chúng ta đã nói đến những mô tả được các thánh ký ghi lại rất cụ thể, chính
xác, phải được thấy tận mắt của những người sống trước biến cố thủ đô Jérusalem
bị quân Lamã tàn phá (khoảng năm 70).
Nói chung các sách Tin Mừng quả thực có chứa đựng rất
nhiều yếu tố lịch sử, chứng tỏ “sử tính” của cuộc đời trần thế của Đức Kitô, cả
thời gian lẫn không gian.
Những người theo “thần thoại thuyết” đã tìm cách chối bỏ
Đức Kitô - Thiên Chúa. Lời của Brews
“Các bạn phủ định Đức Kitô là Thiên Chúa
và làm phép lạ, các bạn có lí hoàn toàn. Nhưng các bạn không thể thấy Đức
Kitô-Thiên Chúa được chứng nhân xác quyết
hơn Đức Giêsu-con người ư ? Các bạn không thấy hai hình ảnh đó không thể
chia lìa nhau sao ? Vậy nếu các bạn chấp nhận Đức Giêsu-con người, các bạn
không thể từ chối Đức Giêsu-Thiên Chúa, vì thế chúng tôi đi cùng một đường,
nhưng theo nghĩa khác, xác định cả Đức Giêsu-con người và Thiên Chúa, đã không
hiện hữu" (theo Fund. p. 247). Thực tế, nhiều người phải công nhận
”con người lịch sử” của Đức Kitô, khi
không thể phủ nhận “sử tính” của các sách Tin Mừng.
b. Những người đồng
thời : mỗi con người xuất hiện trong lịch sử
chắc chắn không thể xuất hiện đơn độc một mình. Cuộc sống luôn có những tương
quan với những người đồng thời và những tương quan đó cũng góp phần chứng tỏ
”sử tính” của cuộc đời một con người. Hiển nhiên theo sự trình bày của các sách
Tin Mừng, không thiếu những bộ mặt của những người đồng thời xuất hiện trong
cuộc đời lịch sử của Đức Kitô.
Trước tiên là những nhân vật nắm giữ thế quyền và giáo
quyền của thời Đức Giêsu và họ đã có tương quan trực tiếp hoặc gián tiếp với
Người. Họ là những nhân vật lịch sử, được chứng tỏ bằng nhiều tài liệu sử học.
Chẳng hạn tổng trấn Philatô đã từng cai trị Palestina dưới triều đại Hoàng đế
Tiberô của Lamã. Những tài liệu sử học
xác quyết về ông (có nhiều và hiển nhiên) cũng góp phần chứng tỏ sự hiện hữu
lịch sử của Đức Kitô.
Một nhân vật cũng rất nổi tiếng được nhiều tài liệu sử
học nói tới và đã có tương quan trực tiếp với Đức Giêsu. Đó là thánh Gioan Tẩy
Giả : chấp nhận sự hiện hữu lịch sử của người cũng dễ dàng đưa đến xác quyết về
Đức Giêsu lịch sử. Thực tế người ta không thể phủ nhận sự hiện hữu lịch sử của
con người “cương trực” này được. Cái “chết vì trực ngôn” của người đã được lịch
sử ghi dấu minh nhiên.
Sự hiện hữu của các thánh Tông đồ nhất là nhóm 12 mà Phêrô làm trưởng cũng là những
minh chứng hiển nhiên về cuộc đời của Đức Giêsu lịch sử. Họ là những chứng nhân
trực tiếp, đã từng sống, cùng ăn, cùng hoạt động với Người. Trước một cộng đoàn
Do thái đang đứng ngơ ngác sau khi chứng kiến việc “một anh què” được chữa lành
tại khuôn viên đền thờ Jérusalem. Thánh Phêrô đã lớn tiếng tuyên bố : “Các ông người Israel, tại sao lại đăm đăm nhìn
chúng tôi. Đức Giêsu, kẻ các ông đã nộp, đã từ chối trước mặt Philatô, trong
khi ông ấy xét là phải tha Người” (Cv 3,12) làm sao có thể phủ nhận được sự
hiện hữu lịch sử của tất cả những chứng nhân trực tiếp này ?
Thánh Phaolô, mặc dù tự thú nhận là không được biết Đức
Giêsu theo xác thịt (có lẽ người đã đến học với giáo sư Gamaliel tại Jérusalem
sau khi biến cố Đức Giêsu chịu chết đã xẩy ra chỉ mấy năm) nhưng cũng đã được
thấy Chúa trên đường đi Damas (Cv 9,1 ; 22,5 ; 26,9) và rồi còn tiếp tục được
“trực tiếp” có tương quan với Chúa nhiều
lần khác trong cuộc sống sau đó. Bàn về Đức Kitô phucû sinh, thánh nhân
cũng nói đến “những người đồng thời” với
Chúa khi viết cho các tín hữu tại Cô-rin-tô khoảng năm 55 “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời
Kinh Thánh (như vậy giả thiết Đức Kitô đã sống thực trong lịch sử) Người đã bị
chôn táng và ngày thứ ba Người đã sống lại theo lời Kinh Thánh. Người đã hiện
ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm 12. Rồi Người hiện ra cho hơn 500 anh em một lần,
trong số đó phần đông đến nay vẫn còn sống nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi
Người đã hiện ra cho Giacôbê, đoạn các Tông đồ hết thảy. Cuối cùng Người đã
hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con nhỏ” (1Cr 15,3). Như thế khi
đọc những lời trên, dân Corin-thô, nếu ai muốn, ngay lúc đó còn tìm được vô số
chứng nhân trực tiếp của biến cố Đức Kitô hiện vốn đang sống.
Ta có thể quả quyết, một số khá đông trong cộng đoàn Giáo
Hội sơ khai (tại Giêrusalem trước năm 70, cũng như tại nhiều địa phương trên
mảnh đất Palestina, mà đa số phát xuất từ đất Do thái) đã từng được thấy Đức
Giêsu, được nghe Người trực tiếp và có thể đã từng lãnh những “đặc ân” (như
được chữa lành bệnh chẳng hạn) tự tay Người. Vì thế, sau biến cố Hiện xuống,
chỉ cần nghe các thánh Tông đồ nhắc qua về Chúa là họ đã tin theo rất đông.
2.
Đức Kitô, một con người hoàn hảo về thể lý
Sau khi đã xác quyết về “con người lịch sử” của Đức Kitô, ta nên “đến gần” Người để
quan sát và chiêm ngắm Người cho rõ hơn (dĩ nhiên cũng vốn căn cứ vào những mô
tả của các sách Tin Mừng là chính yếu).
a. Khuôn mặt nhân
loại : những gì được quan tâm ở đây, trước tiên
đều được nhìn theo phương diện con người. Để giới thiệu khuôn mặt nhân loại nơi
Đức Kitô, các sách Tin Mừng đã nêu lên những yếu tố xuất xứ rõ rệt : từ dòng
giống, dân tộc, quê hương, sinh quán, đến gia đình, họ hàng, bà con và cuộc
sống lao động khó nghèo, người ta có được “một lý lịch” khá đầy đủ về con người
như mọi người, ít là trước mặt pháp luật hiện hành.
Con người đó cũng có một quá trình sinh sống, hoạt động.
Người ta phải quả quyết Đức Giêsu là một con người trọn vẹn về phương diện hình
thể.
Theo các sách Tin Mừng mô tả, Đức Giêsu là một con người
có một thân xác lành lặn, khỏe mạnh, vạm vỡ, có khả năng thể lý, chịu đựng
những điều kiện “sống” khắt khe : cuộc đời lao động cực nhọc và khó nghèo của
“bác thợ mộc” đòi hỏi một sức khỏe dẻo dai nơi nhà Nazaret. Rồi đến quãng đời
“ba năm” rao giảng Tin Mừng đã có những sự kiện chứng tỏ : ăn chay bốn mươi
ngày đêm tại sa mạc, thể hiện những cuộc hành trình (đi bộ hoặc cỡi lừa đôi
khi) khắp mảnh đất Palestina, từ thành này tới thành khác, từ Bắc xuống Nam và
ngược lại. Trong bất kỳ thời tiết nào, nhiều đêm ngủ ngoài trời hoặc không ngủ,
ăn uống thật thất thường và đạm bạc, cần nhắc là khí hậu Palestina tương đối
khá khắt khe và có nhiều thay đổi tùy vùng. Địa thế tại đó cũng khá hiểm trơ,í
với những biển hồ, đồi núi, sa mạc, với những phương tiện đường xá giao thông
ít thuận lợi. Cuộc đời “nay đây mai đó”
của Đức Giêsu, nhất là trong thời gian rao giảng Tin Mừng, nhất định đòi
hỏi nơi Người một sức khỏe dẻo dai.
Người cũng có những nhu cầu thể chất bình thường, nhiều
lần các sách Tin Mừng đã đề cập tới việc Người mệt lả, đói khát, nhưng không
bao giờ nói đến việc Người kiệt lực hoặc đau ốm bệnh tật.
Người tỏ ra thích sống giữa những điều kiện thiên nhiên,
yêu mến các phong cảnh đồi núi, biển hồ. Những lúc mệt nhọc sau một ngày vất
vả, với những buổi tranh luận về giáo thuyết, chẳng hạn, Người thường tìm một
nơi thanh vắng yên tĩnh của đồi núi hoặc bờ hồ để nghỉ ngơi (và nhất là cầu
nguyện).
Người cũng tỏ ra có một khả năng thích ứng dễ dàng trong
cuộc sống : mỗi khi được mời vào bàn ăn, dù là bữa ăn thường, dù là bữa tiệc
linh đình, Người đến ngồi bàn ăn cách tự nhiên thoải mái. Người tỏ ra có thể
thưởng thức mọi sự cách vui vẻ. Tất cả đều chứng tỏ Người đầy nghị lực với một
sức khỏe dồi dào.
Đặc biệt là trong cuộc tử nạn : sau bữa tiệc ly của buổi
tối, Người bị bắt, bị hành hạ đủ mọi cực hình, bị dẫn hết dinh này đến dinh khác
suốt buổi sáng hôm sau, có thể là mãi tới chừng giữa ngày, chắc chắn trong thời gian đó, Người không
được ăn uống gì ; nhưng Người còn vác nổi thập giá trèo lên đồi Gôngôtha ; thời
gian trên thập giá (phải kéo dài chừng 3 giờ) Người luôn còn tỉnh táo chịu
đựng, cầu nguyện, đôi khi lớn tiếng cho đến hơi thở cuối cùng.
Tóm lại, về phương diện thể lý, Đức Kitô là một con người
trọn vẹn, không có gì đáng phàn nàn.
b. Phương tiện thẩm
mĩ.- Đức Kitô đã không để lại một “hình ảnh” nào
chính thức, điều này cũng dễ hiểu vì đối với Do thái Cựu Ước, việc tạc tượng vẽ
hình một con người (bị đồng hóa với việc tôn thờ ngẫu tượng) là một điều bị bài
trừ rất thẳng ngặt. Các nhà hộ giáo và các giáo phụ đã bất đồng ý kiến về diện
mạo Đức Kitô :
Có những vị thánh Augustinô, thánh Cyrillo thành
Ale-xandria, thánh Clémenté thành Alexandria, văn sĩ Tertulianô cho rằng Đức
Giêsu không có một khuôn mặt đẹp, nhưng thân hình xấu xí, không đều đặn, nhỏ
bé. Có lẽ quan niệm này là do ảnh hưởng bởi lời ngôn sứ Isaia mô tả về “đầy tớ
của Giavê” : "hình thù suy biến,
không phải là người, dáng vẻ của Người không thuộc hạng người ta, không duyên
dáng, không oai vệ, không có vẻ gì đáng làm chúng ta mến chuộng, có gặp chúng
tôi thì lo dấu mặt, chúng tôi lại kể Người như kẻ bị trời đánh” (Is 52,13 -
53,12). Hơn nữa các Người cũng chịu quan niệm của tân Platon của thời lưu đày :
Khinh xác, trọng hồn, cho rằng thân xác là tù ngục của
linh hồn.
Lời ngôn sứ trên là mô tả về cảnh "chịu khổ
nạn" và còn phải hiểu theo nghĩa bóng thôi.
Thực ra đã nhiều người lưu ý chúng ngược lại : cho Đức
Giêsu có một sự hấp dẫn mạnh. Các sách Tin Mừng cho biết, trong thời gian hoạt
động công khai, nhiều khi có những đám đông theo Chúa Giêsu đến quên ăn, các
Tông đồ đã mau mắn đáp trả lời mời gọi có sức hấp dẫn của Người. Các em nhỏ
quấn quít bên Người, không muốn rời xa Người, dù có bị "rầy la", các
địch thù Người phải kính cẩn khi đến trước mặt Người. Có lần một phụ nữ hứng
khởi đã la lên : "Phúc cho dạ đã cưu
mang Thầy, phúc cho vú đã cho Thầy bú" (Lc 11,27). Để có sức hấp dẫn
như thế, chắc hẳn Chúa Giêsu phải có một dáng vẻ oai nghi, đường vệ, một nhân
cách lạ thường, khác người, một khuôn mặt dễ mến đáng phục. Có lẽ chính vì vẻ
đẹp thể lý của Người, mà thánh Luca vị lương y đã viết về Người : "Đức
Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc
dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta" (Lc 2,52).
Người ta đã nói nhiều về "cái nhìn" của Người,
một cái nhìn đầy hấp dẫn và cải hóa nhân tâm, trong sáng và như chọc thủng khóe
mắt người khác (Mc 3,5). Người nhìn Simon và ông đã bỏ tất cả để theo Người.
Nhất là cái nhìn của Người tại dinh thượng tế : sau khi đã chối Người, Phêrô
chạm phải cái nhìn đầy tình thương, hiền dịu của Người, khiến ông nước mắt dàn
dụa, thống hối ăn năn suốt đời (Mc 19, 72 ; Lc 22, 61).
Phải chăng Người đã diễn tả chính kinh nghiệm bản thân
khi tuyên bố : "Đền của thân thể là
con mắt, nếu mắt anh thuần khiết thì toàn thể thân anh sẽ rạng ngời sáng
sủa" (Mt 6,22).
Một xác quyết về vẻ đẹp và hình dáng hoàn hảo của Đức
Kitô đến từ tấm khăn liệm xác Người khi táng trong mồ. Các khoa học gia và nhà
thiên nhiên học nổi tiếng (như E. Vaccari, Lavergne, O'Rahilly) các nhà vật lý
(như Vignon Barbert, Hemeck, Moelder, Tapper) đã nêu các lý chứng xác nhận là
chứng thực. Giáo sư Gludica Gerdighter tại đại học y khoa Milan miêu tả về con
người in trong khăn liệm như sau : "Người có vẻ đẹp khôn tả, những nét mặt và những nét vòng quanh mặt tỏ lộ một
sự bình thản, một sự an hòa huyền nhiệm, một sự phó thác thản nhiên. Ngoài vẻ
đẹp hòa hợp của khuôn mặt, những nét khác còn cho chúng ta thấy một con người
trọn vẹn với thân xác, cân đối, cao, khối óc đầy năng lực, khuôn mặt dài, chiếc
trán rộng, thẳng và cao, mũi dọc dừa, hòa hợp với một thân hình cân đối về
chiều dài và chiều rộng, một hạng người tiêu biểu, có sức mạnh và nam tính. Với
hạng người như thế chắc chắn sẽ có nước da (ngăm ngăm đen) và bộ tóc nâu".
Theo bác sĩ Barbert và sử gia Daniel Rops : nơi tấm khăn liệm, người ta xác
định được thân người in trong khăn liệm cao 1m82, các phần thân mình cân đối,
mập mạp, nhất là bộ mặt uy nghiêm, bình thản, đầy sức sống. (La Passion de NSJC - 2 Ed 1950 và Jésus en son Temps p.
622-630).
Tóm lại nhiều lý chứng cho phép kết luận Đức Giêsu là một
con người hoàn hảo về phương diện thẩm mỹ.
c. Phương diện sinh
lý :
Nơi mỗi con người khỏe mạnh bình thường có những bản năng
về sinh lý được biểu hiện qua cuộc sống như nuôi dưỡng, sinh sản, tự vệ và xã
hội. Khi khảo sát những bản năng đó nơi Đức Giêsu (qua những gì được các sách
Tin Mừng kể lại) nhà nội tuyến học Nicola Pende (người Ý) quả quyết tất cả đều
bình thường :
Khi sinh ra như một trẻ nam (bình thường) được bà mẹ
"lấy tã vấn và đặt trong máng
cỏ" (Lc 2,7) : "Mãn tám ngày đến lúc phải làm phép cắt bì cho Hài
nhi, thì Hài nhi được đặt tên là Giêsu" (Lc 2,21). Như vậy trên bình
diện nuôi dưỡng và phái tính Đức Giêsu là một người "đàn ông" phát
triển bình thường từ khi mới sinh.
Bản năng tự vệ của Người được biểu lộ qua việc Người
tránh xa những kẻ xông đánh Người : lẩn mình đi khi bị dân Nazareth đưa lên
triền đồi, có ý xô Người xuống (Lc 4,30). Hoặc khi bị người Do thái lượm đá ném
Người (Ga 8,59).
Bản năng tự vệ được biểu lộ mạnh mẽ nơi Người, rõ nhất là
khi Người bênh vực Cha Người. Người tỏ ra có lập trường và không chút lo sợ như
trong những ngày đến mừng lễ Vượt qua tại đền thờ Giêrusalem : chống lại các Tư
tế, các Biệt phái giả hình và một số "con buôn" làm mất vẻ tôn nghiêm
của đền thờ (Mt 21,12-17 ; Mc 11,15-17 ; Lc 19,45-48 ; Ga 2,13-22).
Dù sao khi thấy "giờ" chưa đến để tự nguyện
dâng hiến mạng sống, Người vốn khôn ngoan đề phòng tránh những điều nguy hại mà
các thù địch có thể gây ra.
Như vậy phải kết luận Đức Giêsu là một con người hoàn hảo
về phương diện sinh lý.
3.
Đức Kitô một con người hoàn hảo về tinh thần
Sau khi đã chiêm ngắm Đức Kitô theo mắt hình dạng thể lý
và bản năng tự nhiên, chúng ta nên đi xâu hơn để tìm hiểu Người về mặt tinh
thần (dĩ nhiên cũng vốn dựa vào điều được các sách Tin Mừng cung cấp). Thực ra,
cũng đã có những người tố cáo Người "không bình thường" về mặt tinh
thần. Tin Mừng thánh Marcô cũng ghi lại "nỗi bận tâm lo lắng của những kẻ thân thuộc Người" vì cho rằng
"Người đã mất trí" và muốn ra đi để bắt Người (Mc 3,21). Nhưng đó chỉ
là do cái nhìn chủ quan của họ, nhất là họ sợ có liên lụy cho họ (tại Việt Nam
dưới thời phong kiến cũng đã có xảy ra chuyện "tru di tam tộc" đối với những kẻ được coi là "phản tặc" như trường hợp Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát). Các
sách Tin Mừng đã chứng tỏ ngược lại về Người theo nhiều phương diện.
a. Phương diện tâm
thần (tính tình)
Có nhiều sự kiện được ghi trong các sách Tin Mừng, chứng
tỏ Đức Giêsu đã biểu lộ những "cảm xúc" sâu đậm và cả những "đam
mê" (hiểu theo nghĩa tích cực)
Người biết vui, biết buồn, biết khổ, và nhất là biết yêu.
Tình yêu nơi con người thường được "phân loại"
: đối với gia đình, đối với người khác phái, đối với bạn bè, đối với tha nhân
và đối với Thiên Chúa. Nơi Đức Kitô chẳng những các loại tình yêu này đều hiện
hữu, nhưng còn rất đặc biệt : Người tỏ ra như là gương mẫu, về bậc thang giá
trị của các loại tình yêu đó bằng những thể hiện cụ thể.
Có người cho rằng Đức Giêsu đã tỏ ra quá lạnh nhạt đối
với chính Mẹ mình. Chẳng hạn, trong biến cố "đi dự lễ tại Đền thờ Giêrusalem lúc 12 tuổi" (Lc ,2,49)
hoặc trong lần "Mẹ Người và anh em Người" đến tìm Người (Mt 12,
48; Mc 3,33). Thực sự đó chỉ vì Người tỏ cho biết phải đặt tình yêu "đối
với Thiên Chúa'' lên chỗ nhất và cao cả tuyệt đối. Chính Người đã làm phép lạ
đầu tiên tại tiệc cưới Cana do lời yêu cầu của Mẹ Maria (Ga 2,1) và lúc chịu cực hình trên thập giá, sắp tắt thở, Người còn lo
lắng cho Mẹ (Jn 19,26) chắc chắn Người
rất yêu mến Mẹ.
Xét rộng ra, tình yêu của Đức Giêsu đối với quê hương,
dân tộc, xứ sở cũng được tỏ hiện rõ nét (xem Mt 15,21).
Ngày nay người ta muốn đẩy tính hiếu kỳ tới một phạm vi
đặc biệt của tình yêu nơi Đức Kitô Giêsu nhân loại đó là tình cảm của Người đối
với phụ nữ, những người khác phái. Đọc các sách Tin Mừng, người ta thấy cũng
nhiều lần Đức Kitô đã giao tiếp thân mật với một số phụ nữ và Người cũng để cho
họ được cộng tác với Người, lo cho Người, ít là khía cạnh vật chất của đời sống
trong thời gian Người thực hiện việc giao giảng Tin Mừng (Lc 8,1). Phải quả
quyết rằng nơi Người không một chút "tình dục" và Người cũng không
bao giờ muốn tỏ ra xây dựng cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, Người rất tôn trọng
tình yêu đối với phụ nữ và chắc chắn Người muốn nhìn thấy nơi mỗi phụ nữ, hình
ảnh phản chiếu người Mẹ đồng trinh của Người trổi vượt mọi người, Đức Giêsu
thương xót và tìm phương giúp đỡ người phụ nữ tin tưởng vào Người bằng ánh sáng
trong sạch và chân lý cứu độ, vì Người hiểu hơn ai hết sự mỏng dòn yếu đuối của
họ. Dựa vào tin Mừng, các nhà tâm lý học Nicola Pende và Piere Lipper nêu lên
một số điểm rất tích cực về "loại tình yêu" này nơi Đức Giêsu : Người
có lưu ý tới một số phụ nữ và giao tiếp với họ cách tự nhiên, Người thường có
cái nhìn "thiện cảm" về họ. Ngay cả đối với những phụ nữ thường bị
người đời nhìn bằng con mắt nghi ngờ, khinh dễ "chẳng hạn như Maria Mađalêna hoặc người phụ nữ ngoại
tình" (Jn 8,1). Người đã đàm thoại và mặc khải "nước hằng sống"
cho người nữ Samaria (Jn 4,7) Người đã xử
rất thân tình với hai chị em Matha và Maria (cả Lazaro nữa) người Bêthania (Jn 11,1; 12,1). Tóm lại, Đức Giêsu đã cho
thế hệ tương lai một gương sáng về tình yêu chân thành và trong sạch ngay
chính và đúng mức với những người khác phái : Làm thế nào để yêu mến họ mà
không làm vấy bẩn họ không làm hạ giá họ, nhưng kính trọng họ và có thể dùng họ
như những người cộng tác tối hảo. Trong lịch sử Giáo Hội cũng đã ghi nhận một
số thánh nhân, chẳng hạn như thánh Phanxicô và thánh Clara. Phanxicô Salêsiô và
thánh Jeanne de Chantal. Thánh Phaolô cũng đã nhắn nhủ thánh Timôthê hãy đối xử
với các "bà có tuổi như những người
mẹ, các thiếu nữ như chị em, một lòng thanh khiết vẹn toàn". (Tim 5,2).
Nơi Đức
Giêsu, tình yêu đối với các bạn bè rất đậm đà, đặc biệt nhất là trường hợp
Lazaro tại Bêthania : Người đã khóc khi đứng trước mộ ông, đến nổi người Do
thái phải xì xèo "Xem kìa Người thương ông ấy dường nào" (Jn 11,36). Người đã coi các Tông đồ như bạn hữu
(Jn 15,15) và đối xử với tất cả nhóm họ một cách thân tình kể cả Giuđa Iscariô
kẻ phản bội (Mt 26,50). Thánh Gioan Tông đồ luôn hãnh diện nhắc lại : "Môn đồ Đức Giêsu yêu mến" (Jn
13,23; 19,26; 21.20).
Ngay cả đối với một số biệt phái cũng được Đức Giêsu đối
xử thân tình, chẳng hạn Nicôđêmô (Jn 3,1). Mặc dù các Biệt phái thường đứng về
phe chống đối Người. Người đã nhận lời mời và vào ăn tại nhà một biệt phái tên
là Simon (Lc 7,36). Người cũng dạy các môn đồ của Người phải kính trọng các
người Biệt phái theo chức vụ của họ (Mt
23,2).
Nói chung về tình
yêu đối với tha nhân nơi Đức Giêsu, Thánh Maccô viết : "Ra khỏi thuyền, Người đã thấy dân chúng đông đảo và
Người chạnh lòng thương xót họ như đàn chiên không kẻ chăn dắt và Người bắt đầu
giảng dạy họ nhiều điều" (Mc 6,34). Dĩ nhiên đây là một loại tình yêu
vô vị lợi của người có ý thức trách nhiệm cao và Đức Kitô là một mẫu gương
tuyệt hảo, Người đã biểu lộ tình yêu này bằng những dịp ban ơn cụ thể, tùy theo
nhu cầu của từng người, đa số các phép lạ Người làm đều với mục đích này. Tột
đỉnh chính là việc Người hiến mạng sống "Làm
giá cứu chuộc cho nhiều người" (Mt 20,28).
Phải nói gì về tình yêu đối với Thiên
Chúa nơi Đức Kitô ? Chỉ một mình Người hiểu
biết Thiên Chúa (Cha Người ) cách trọn vẹn. Vì thế, chỉ mình Người có thể yêu
mến Cha Người cách đầy đủ và cân xứng. Người đã thể hiện bằng tình yêu này bằng
sự vâng phục ý Chúa Cha. Có biết bao những sự kiện chứa đựng trong các sách Tin
Mừng chứng tỏ điều đó : "Ta không tìm ý Ta, nhưng ý Cha, Đấng đã sai Ta ; lương thực của Ta là làm
theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người (Jn 4,34 ;5,30) Cho nên
giây phút cuối cùng của cuộc sống tại trần thế Đức Kitô đặt cả sức lực để
thi hành thánh ý cha : "Nguyện cho
thánh ý Cha được thành sự " (Mt 26,42 ; Mc 14,36).
Nếu chỉ nhìn dưới khía cạnh tôn giáo nói chung, người ta
cũng phải chấp nhận nơi Đức Giêsu một gương mẫu về tình yêu tôn giáo được thể
hiện qua việc "sống đạo". Mặc dù với sứ vụ đặc biệt nhiều khi Người
phải "đả phá" những điều bị lạm
dụng. Tuy nhiên ít là như một số người Do thái đương thời, Người luôn kính
trọng và cũng "nắm giữ" những điều chính đáng nơi Do thái giáo.
Xét theo phương diện tiêu cực : Người ta cũng không thể tìm thấy nơi Đức Kitô những điều
nghịch thường về tâm thần.
Người luôn tỏ ra quân bình trong lời nói và hành động, dù
lúc gặp cảnh "chướng tai gai
mắt" làm cho Người có vẻ tỏ ra thịnh nộ, lôi đình. Người cũng vốn làm
chủ được mình và kiểm soát được lời nói, từng cử chỉ, chẳng hạn khi người xua
đuổi những người "họp chợ" tại khuôn viên đền thờ Giêrusalem (Mt
21,13 ; Mc 11,15).
Trong Tin Mừng người ta không thể tìm thấy những lời chua
cay, thiếu công bằng hoặc những lời thóa mạ ích kỷ với ý muốn "hạ
nhục" những kẻ chống đối. Ngay cả nơi những lời "hạch tội kí lục và
biệt phái" (Mt 23,1) ta cũng thấy đó
là những lời được đắn đo trước khi nói ra.
Người ta
cũng phải nhìn nhận nơi Đức Giêsu không có những hành động tàn ác, thô bạo.
Người luôn hành động hết sức quân bình và cao thượng. Dù ngay cả trước những
mưu mô xảo trá của đối phương (Biệt phái). Người cũng tỏ ra khôn ngoan, thận
trọng, hiền từ không bị xáo trộn tâm hồn. Chính Người dạy dỗ các đồ đệ :
"Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và
khiêm nhường trong lòng"(Mt 11,29).
Đức Giêsu không có sự ngây ngất, chia trí khỏi thực tại.
Người luôn chủ động và ý thức rõ rệt về thực tại đang sống với óc quan sát tinh
tế và trí phán đoán bén nhạy. Người luôn biết diễn tả ý tưởng của Người bằng
những lời nói, ngôn từ có vẻ đơn sơ, giản dị, bình dân, nhưng chính xác. Những
dụ ngôn Người dùng để diễn tả giáo thuyết của Người, bao gồm những cảnh sống
chung quanh Người : gia đình, phong tục, tập quán, nông dân, ngư phủ, xí
nghiệp, chợ chiên, cánh đồng, sông hồ, đồi núi, biển khơi, cũng như mọi loại
sinh hoạt của những hoàn cảnh xã hội đa dạng và phức tạp tất cả đều được quan
sát tinh tế, diễn tả sáng sủa và chính xác với những vẻ mỹ lệ của chúng. Tất cả
đều được sử dụng hướng theo một mục đích một cách tự nhiên hợp lý.
Nhưng sự bình thản hòa dịu được biểu lộ cao điểm nhất nơi
Đức Kitô. Đó là trong cuộc tử nạn Người chịu :"Người bị tra tấn, Người chịu đựng và không mở miệng, như cừu bị dẫn
đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm không hề mở miệng" (Is 53,7).
Tắt một lời, Đức Giêsu là một con Người hoàn hảo về
phương diện tâm thần.
b. Theo phương diện
lí trí :
Theo thánh Luca kể lại, ngay từ lúc mới 12 tuổi, đã có
lần Đức Giêsu biểu lộ trí khôn thông minh sáng suốt của Người tại Đền thờ
Giêrusalem : "Người ngồi giữa các tiến sĩ mà nghe và hỏi họ. Mọi kẻ nghe Người đều sửng sốt về trí thông minh và
các lời Người đối đáp" (Lc 2,46).
Trong cuộc sống âm thầm lao động tại Nazareth, với một
cuộc sống nghèo nàn ở một vùng "sơn cước quê mùa", chắc chắn Đức
Giêsu về phương diện con người cũng chỉ nhận được một nền giáo dục cơ bản tối
thiểu. Nhưng có lẽ Người cũng đã từng "đọc sách" trong nhiều cuộc "hội họp" (ngày Sabbat) của
dân Nazareth. Như thánh Luca cho biết, một lần trở lại Nazareth khi đã bắt đầu
sứ vụ công khai "theo lẽ thường của Người, thì ngày hưu lễ Người vào Hội đường, Người đứng dậy giảng dạy ; người ta
trao cho Người sách tiên tri Isaia" (Lc 4,16). Việc biết đọc ở thời đó
cũng đáng kể.
Sự khôn ngoan của Đức Giêsu được biểu lộ rõ ràng nhất là
trong cuộc đời công khai với việc rao giảng một giáo thuyết cao siêu cần khai
sáng, làm mọi người phải thán phục : "Bởi
đâu ông ấy được khôn ngoan và các việc quyền năng này" (Mt 13,54).
"Làm sao ông ấy đã chẳng theo học mà thông hay chữ ?" (Jn 7,15).
"Không bao giờ có ai nói năng như ông ấy" (Jn 7,46). Chính các địch
thù của Người cũng phải thú nhận điều đó. Người trả lời minh bạch những
"vấn đề hóc búa" (có lẽ đã được
đặt ra từ lâu) của các Biệt phái, tư tế, Sađusêô về nhiều vấn đề : luật
pháp, nộp thuế cho Lamã, sự sống lại của kẻ chết, giới răn trọng nhất, khiến họ
phải ngậm tăm "không ai có thể đáp lại một lời cho Người, và lời ấy không ai còn dám chất vấn Người nữa" (Mt
22,46).
Giáo lí Người truyền dạy thật cao siêu, giải đáp được các
khúc mắc chứa đựng những nét cao đẹp của các người khôn ngoan trần thế. Nhất là
giáo lí đó mang tính chất sống động hiện tại, nhưng phi thời gian, phi không
gian và phổ quát.
Phương pháp sư phạm Người dùng cũng rất độc đáo. Người
diễn tả những chân lí cao siêu mầu nhiệm với một cách thế tự nhiên, bình dị và
hòa hợp. Người không quá "phức
tạp" và trừu tượng như các triết gia, ngay cả đối với những điều khó
hiểu. Người dùng kiểu nói đơn sơ, rõ ràng thường rất bình dân, làm cho các
thính giả say mê Người, kể cả những người ít học và trẻ em cũng có thể lĩnh hội
được ý nghĩa ; khoa sư phạm của Người dựa trên tâm lí kiên nhẫn nhắc đi nhắc
lại theo cách truyền khẩu của thời đó, nhờ đó hợp với trình độ của mọi người.
Để giảng dạy, Người thường dùng những hình ảnh thu lượm
được ở các cảnh sống chung quanh. Cuộc sống trên mảnh đất Palestina đa dạng và
phức tạp, với nhiều sắc tộc chung đụng, những tập quán khác biệt, dưới những
thế lực quyền hành dễ va chạm và tế nhị. Khi đọc văn Người, người ta không gặp
phải những tư tưởng phức tạp như nhiều loại văn cổ điển (chỉ so sánh trong bộ
Tân Ước, các bản văn Tin Mừng cũng phải được coi là đơn sơ giản dị nhất).
Người ta có thể nêu lên tất cả những yếu tố Đức Giêsu đã
thu thập được ở đời sống dân chúng, ở thời đại. Người đã biến đổi, siêu nhiên
hóa và phổ quát hóa để có thể diễn tả những chân lí siêu nhiên cho mọi người
của mọi thời đại, mọi chủng tộc quốc gia, vượt quá thời gian và không gian.
Như vậy, về phương diện lí trí, những điều được nêu trên
phải đưa đến kết luận, Đức Giêsu là một con người hoàn hảo. Ở phần "Kitô học" thuộc tín lí sẽ bàn về ba kiến
thức : đắc thủ, thiên phú và hưởng kiến nơi "Ngôi
Lời Nhập Thể".
c. Phương diện luân
lí
Phải nhìn nhận con người "sau tội tổ tông", vì
bản tính đã bị hư hoại thường bị các tình dục lôi kéo về điều ác, nhất là các
điều ác hiểu theo phương diện luân lí. Do đó, bất kì ai cũng thường có những
bất toàn lầm lỗi ; trong cuộc sống ngày nay, dù một người được coi là "vị
thánh sống". Nhưng nơi Đức Giêsu hiển nhiên không có tình dục (vì không
mắc tội tổ tông), nên Người không hề phạm tội và cũng không hề mắc những lỗi
lầm, dù nhỏ mọn (xét về mặt Thiên Chúa,
Người không hề phạm tội. Điều này sẽ được bàn giải ở phần tín lí). Mặc dù nhìn
theo khía cạnh loài người, Người có "khả năng" phạm tội.
Có rất nhiều lí chứng trong Tin Mừng quả quyết Đức Giêsu
là một người hoàn hảo về phương diện luân lí.
Trước hết đọc Tin Mừng, người ta phải nhìn nhận nơi Đức
Giêsu có một "ý chí sắt đá",
cho phép Người luôn tự chủ và quân bình trong cuộc sống, nhất là về phương
diện luân lí. Chính Người đã "thách đố" công khai trước mặt các thù
địch của Người : "Ai trong các ông
chứng minh đã là tôi có tôi ?" (Ga 8,46). Người luôn hành động cách
xác quyết, không bao giờ phải do dự, vì Người luôn hiểu biết tường tận các hoạt
động của Người : tất cả đều hướng về một mục đích, là thể hiện thánh ý Cha
Người cách trọn vẹn.
Các Tông đồ là những người được sống gần Đức Giêsu. Ít là
trong thời gian theo Người hoạt động công khai rao giảng Tin Mừng : các Người
luôn thán phục "ông thầy trẻ tuổi". Họ gọi Người là Đấng thánh, Đấng
công chính. Họ đã tỏ lòng thán phục đó bằng việc từ bỏ mọi sự đi theo Người.
Tông đồ Phêrô đã có lần đại diện cho anh em để thưa với Người : "Lạy Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin
và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng thánh của Thiên Chúa..." (Ga 6,68).
Sau này, vị Tông đồ cả đã viết để làm chứng "Người là Đấng thánh, tội không hề phạm, và gian dối không hề gặp
nơi miệng Người "; "Đức Kitô đã chết một lần vì tội lỗi, Đấng công
chính đã chết cho kẻí bất lương, để đem chúng ta đến cùng Thiên Chúa " (1Pr
3,18).
Chính Giuđa Iscariôt, sau khi phản bội Người "thấy
Người bị kết án thì hối hận mà đem trả 30 đồng bạc cho các Thượng tế và hàng
niên trưởng, mà rằng : "Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội" (Mt 27,3). Hắn đã ngã lòng vì không tìm
được lí do minh oan cho mình nên đã thắt cổ tự vẫn.
Còn các kí lục và Biệt phái thù địch dù luôn tìm cách đưa
Người vào cạm bẫy, ngay cả việc dùng đến những phương tiện bất chính và dối trá
cũng đã không thành công. Họ không thể tìm được dù chỉ là hình bóng một khuyết
điểm nơi Người. Trước lời thách thức công khai của Người (Ga 8,46) họ đành phải
ngậm câm. Có lần đến trước mặt Người (để thách thức). Họ đã nịnh Người : Thưa
Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay thật và Thầy dạy đường lối Thiên Chúa
cách chân thành (Mt 22,16).
Cả trước vành móng ngựa (tòa án đạo và đời) họ cũng không
tìm thấy điều gì để cáo tội Người. Mọi cố gắng của các thù địch của Người chẳng
những đã không thể kết tội Người, mà lại làm vinh danh cho Người, chẳng hạn khi
họ tố cáo Người "là bạn của người tội
lỗi" (Mt 9,11) chữa bệnh trong ngày Sabbát (Lc 6,7), lấy danh hiệu
tướng quỉ Beelzebul mà trừ quỉ con (Mt 12,24), ăn uống không rửa tay trước (Mt
15,2) dùng giáo thuyết quyến rũ dân ngư (Ga 7,12) tự xưng là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa (Mt 26,24). Tất cả những điều đó đều chứng tỏ Người vô tội.
Sau cùng, chính Tổng trấn Philatô lúc giữ vai trò xét xử
Người cũng phải tuyên bố "ta không
tìm ra tội trạng nào nơi ông ấy" (Ga 18,38), còn người "trộm
lành" lúc cùng bị treo cùng Người cũng đã thú nhận : "Chúng ta chịu như thế nầy là đích đáng, vì xứng với
việc đã làm. `Chứ ông nầy đâu có làm điều gì trái !" (Lc 23,41). Khi Đức
Kitô đã tắt thở, viên bách quan có nhiệm vụ coi việc xử tử Người, đã tôn
vinh Thiên Chúa : "Hẳn thật, ông này
là người công chính" (Ga 23,47).
Tại các thư của thánh Phaolô, người ta tìm được rất nhiều
điều tuyên xưng về sự vô tội của Đức Giêsu.
Đọc các sách Tin Mừng, người ta cũng phải nhận rằng : nơi
Đức Giêsu không bao giờ có sự nhớ lại tội ác, cảm thấy lương tâm cắn rứt hoặc
cần phải được ơn tha thứ. Trong "Kinh Lạy Cha" Người dạy mọi người
cầu nguyện và tha nợ chúng con (Mt 6,12 ; Lc 11,4). Nhưng chính Người lại không
cầu nguyện như vậy. Không bao giờ người ta thấy từ cửa miệng Người lời cầu khẩn
"Lạy Cha, xin tha thứ cho con".
Nhưng trên thập giá Người đã cầu nguyện : "Lạy Cha xin tha thứ cho
chúng" (Lc 23,34), "Chính
Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị
nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm ; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình
an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành" (Is 53,5).
"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được
thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân được tới mức thập toàn, Người trở
nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã
được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê" (Dt 5,8).
Ta kết thúc phần này với lời thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Do thái
"Đã hẳn đó là vị Thượng tế mà chúng
ta cần đến, thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được
nâng cao vượt quá tầng trời" (Dt 7,26).
4.
Đức Giêsu, một con người
gương
mẫu của sự trọn hảo
Dù nhìn theo phương diện nào, như trên đã trình bày,
người ta phải công nhận sự trọn hảo vẹn toàn nơi con người Đức Giêsu. Nơi Người
tập trung tất cả những gì tốt lành, là cao thượng có nơi bản tính con người,
trong cuối cuộc đời Đức Giêsu. Renan một học giả Tinh Lành đã viết : "Đức
Giêsu quả là một vĩ nhân, dù chỉ nhìn
Người với con mắt nhân loại. Không ai có thể sánh được với Người" (mặc
dù cuốn sách được viết theo lối "tiểu thuyết hóa"). Nhưng điều sáng
tỏ nhất nơi Người, đó là Người được coi như gương mẫu cho mọi người, trong cách
sống phục vụ, mọi hành động nơi cuộc sống của Người đều bày tỏ "một sứ
vụ".
a. Tương quan với
tha nhân trong cuộc sống.
Suốt thời kì ẩn dật tại "xưởng thợ mộc"
Nazareth, tuy rằng Người chỉ sống âm thầm nghèo khó, nhưng đó cũng là một tấm
gương chói sáng trong tương quan nhân loại cho mọi người. Tuy nhiên, khoảng ba
năm sống cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, là thời gian biểu lộ rõ nét
nhất về gương mẫu trọn hảo, nhất là về mặt phục vụ nơi Đức Giêsu.
Người là "người của đại chúng", các sách Tin
Mừng chứng tỏ trong thời gian sống cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã làm tất cả
với hết tâm lực, khả năng và thời giờ cho mọi người. Người tiếp đón bất kì ai
muốn đến với Người. Người như muốn ôm vào lòng, với cả chiều rộng cả chiều sâu
của tình yêu, tất cả những ai cần đến Người. Phải quả quyết rằng : Người là
"Hiển thể" cho các hữu thể khác.
Người có thái độ âu yếm hiền từ đối với các trẻ nhỏ muôn
quấn quýt bên Người, vuốt ve và chúc lành cho chúng (Mt 10,13) đặt chúng như
"gương mẫu các công dân nước trời" (Mt 18).
Người động lòng trắc ẩn với bệnh nhân, những người gặp
đau khổ. Người chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền. Người không hề trả lời
"không" đối với bất kỳì bệnh nhân nào kêu cứu tới Người (ngay cả
trường hợp người ngoại giáo Phenixia xin Người chữa con bà) (Mc 7,26). Đứng
trước những đau khổ Người không trì hoãn cứu chữa, cho dù đôi khi việc cứu chữa
có trở thành duyên cớ cho các kẻ thù Người tố cáo Người vi phạm luật ngày
Sabbat (Mc 11,1-12)
Người không hất hủi những người thường bị người đời (thời
đó) cho là tội lỗi, đáng khinh re,í kết án (như các người thu thuế, gái điếm Lc
18,9-14). Những người Biệt phái và Kí lục "nói hành" Người về việc
tiếp đón các tội nhân và ngồi ăn với họ. Người trả lời : "Không phải người lành mạnh cần tời thầy thuốc mà người đau yếu
mới cần. Con Người tới tìm và cứu chữa người đã hư mất".
Với đám dân chúng thành tâm theo Người đến nỗi quên ăn,
Người lo cho họ cả mặt thể chất : "Thầy thương đám dân này, kìa đã ba hôm nay họ vẫn theo Thầy mà chẳng có
gì ăn. Để họ nhịn đói mà về, Thầy sợ họ bị đói lả dọc đường vì có nhiều người
từ xa mà đến" (Mt 15,32).
Ngay cả với nhóm người tự cho mình là thù địch với Người,
Đức Giêsu vốn cũng xử nhân từ đại lượng với họ. Người có dùng những lời nặng nề
khiển trách nhóm Biệt phái và Kí lục (Mt 23,1-33). Nhưng đó cũng vì tình thương
và sứ vụ : Người phải sửa sai những gì hư hỏng.
Người luôn tỏ ra thành thực khiêm nhu, nhưng dũng cảm
trong mọi việc tương giao. Tất cả mọi hoạt động của Người chỉ nhằm mục đích
phục vụ hữu ích cho con người theo thánh ý của Chúa Cha "Con Người đến để
phục vụ" (Mt 20,28).
Tất cả cuộc sống của Người gây nên một ấn tượng thành
thật. Người dạy các tông đồ : "Lời chúng con phải : có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là
do ác quỉ" (Mt 5,37). Chính Người xưng mình là : Đường, Sự thật, Sự
sống. Các môn đệ luôn hài lòng khi nói về Thầy : "Không ai thấy một lời
gian dối nơi cửa miệng Người". Cả những "thù địch" của Người
cũng phải thú nhận : "Chúng tôi biết Thầy chân thật, không vị nể
ai...".
Với tinh thần phục vụ chân thành, Người luôn tỏ ra khiêm
nhu, khi ban ơn qua các phép lạ, Người thường ngăn cấm không được tuyên truyền
(Mc 3,12 ; 5,43) Người dạy các môn đệ : "Khi đã làm các điều đã được
truyền dạy rồi, hãy nói chúng tôi là những đầy tớ vô dụng không làm gì hơn là
phận sự phải làm" (Lc 17,10). Cả cuộc sống khó nghèo và nhất là cái chết
đau thương của Người biểu lộ cao điểm nhất tinh thần khiêm nhu, tự hạ của Người
(Ph 2,6).
Tuy nhiên lúc nào cũng nhằm vào mục đích của cuộc đời,
Người luôn hoạt động cách cương quyết, không hề do dự, sợ sệt hoặc lùi bước.
Người sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan trong sứ vụ. Người tuyên bố với các môn
đệ : "Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình
đi, vác khổ giá của mình mà theo Ta" (Mt 16,24). Nhất là trên bước
đường "tiến về Giêrusalem" để tận hiến mạng sống, Người báo trước rõ
ràng "cuộc thương khó" Người sẽ chịu và tiến đi một cách cương quyết.
Người mắng Phêrô là Satan khi ông dám can ngăn Người (Mt 16,22) ; cuối cùng
thực sự Người đã chấp nhận cái chết, Người đã thốt lên : "Mọi sự đã hoàn
tất" (Ga 19,30).
b) Đức Giêsu, một
con người khác thường
Tất cả những phác họa trên về con người Đức Giêsu đưa
chúng ta đến một "nhận xét" rất quan trọng : quả thực Người là một
con người lịch sử, sống trong lịch sử theo thời gian, không gian và những điều
kiện hữu hạn của một cuộc sống, nhưng Người không phải chỉ như một con người,
nhìn theo phương diện nào, người ta cũng phải thú nhận Người trổi vượt hơn bất
kì một con người lịch sử nào khác. Văn hào Bossuet (Pháp) quả quyết : "Quả
thực, Đức Giêsu đứng trước mọi người chúng ta một khoảng cách không thể vượt
qua nổi".
Từ nhận xét đó, tất yếu đưa chúng ta đến câu hỏi khác :
vậy Đức Giêsu là ai ? Người từ đâu đến ? Đến để làm gì ? Khoa thần học tín lí
sẽ cho giải đáp đầy đủ ý nghĩa về những câu hỏi đó.
Ở đây chúng ta chỉ nên tóm gọn một số yếu tố quan trọng
cho lời giải đáp của những thắc mắc trên, rút ra từ chính những gì Đức Giêsu đã
mạc khải, được các sách Tin Mừng ghi lại, và đã trở thành nền tảng của đức tin
kitô giáo.
Qua cuộc sống cũng như lời nói, hành động Đức Giêsu đã
vén tỏ dần dần về Người và về sứ vụ Người tại trần gian. Như một vị thiên sai,
Người được Thiên Chúa gửi đến trên trần gian này. Các sách Tin Mừng ghi lại rất
nhiều lí chứng về việc Người từ Thiên Chúa mà đến, nhưng Người là một vị thiên
sai đặc biệt và duy nhất, đã được các ngôn sứ Cựu Ước loan báo và mọi thế hệ
mong chờ để mạc khải về Người, Người cũng chấp nhận một số "danh
hiệu" quen thuộc nơi Cựu Ước như "Con vua Davit" (Mt 9,27 ;
21,9) "Đấng sẽ đến" (Mt 11,3) "Vua Israel" (Lc 23,42). Và
khi cần Người "đã thanh luyện" ý nghĩa của chúng cho thích hợp, đích
thực. Nhất là danh hiệu Messia (tức là Đấng được xức dầu, tiếng Hipri là
Masciah, tiếng Hi-lạp là Krixto, và La-tinh là Chris-tus) tiến lên đến tột đỉnh
của mạc khải, Người xưng mình là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa :
"Ta và Cha Ta là một" (Ga 10,30).
Như vậy, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng hành với Thiên
Chúa, được sai đến trần gian, nhập thể làm người, để thi hành công cuộc cứu độ
Thiên Chúa đã thiết định cho con người.
Trong suốt dòng lịch sử loài người, chỉ mình Đức Giêsu
Nazereth là người độc nhất, tuyên bố
Người là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa (theo nghĩa chính xác và chân
thật). Người ta phải run sợ trước xác quyết như thế. Nói mình là Thiên Chúa tức
là xác quyết mình là tất cả : toàn năng, toàn tri, khởi đầu và kết thúc, mọi sự
đời đời. Không một vĩ nhân nào, kể cả các nhân vật trổi vượt trong Cựu Ước đã
dám quả quyết như vậy, rồi ngay cả các vị sáng lập ra các tôn giáo lớn hiện có
trong lịch sử loài người như đức Phật, Mahomet, các Risis Ấn Độ. Cũng như các
hoàng đế La-mã, Hy-lạp, cũng không hề có ai dám tự xưng mình như vậy (danh hiệu
thiên tử của các vua chúa Trung hoa, Việt Nam cũng chỉ là hiểu theo nghĩa rộng
mà mọi người "mặc nhiên" hiểu như vậy !).
Để phủ định giá trị xác quyết của Đức Giêsu như thế,
người ta phải kết luận : hoặc là Người đã cố ý đánh lừa, hoặc là Người bị đánh
lừa. Không còn con đường nào khác. Chính vì thế những người Do-thái (Biệt phái,
Kí lục) đã ghép Người vào tội "phạm thượng" để lên án đóng đinh thập
giá cho Người, hoặc các bà con thân thuộc của Người đã cho "Người đã mất
trí".
Nơi Đức Giêsu, khi mạc khải về chính mình như thế Người
hoàn toàn ý thức. Khuôn mặt cao thượng của Người, với những cử chỉ, lời nói,
cách sống, hoàn cảnh, không phải là nguyên động lực dấu hiệu chắc chắn đáng tin
về những điều Người mạc khải sao ? Làm thế nào hiểu được một con người hoàn hảo
về mọi mặt, khôn ngoan thánh thiện (như đã trình bày) không hề có lời gian dối
nơi cửa miệng Người, lại có thể (cố ý đánh lừa hoặc bị đánh lừa được).
Trong lịch sử nhân loại, chỉ một mình Đức Giêsu Nazareth
là người đã dám tuyên bố như thế, mà muôn muôn ngàn người qua mọi thế kỉ, với
đủ mọi cấp bậc trong xã hội đều đồng tâm tin theo và công nhận mầu nhiệm giáo
lí Người giảng dạy ; nếu không chấp nhận mạc khải của Người về chính Người thì
không thể nào lĩnh hội được.
Tại những thế kỉ gần đây, nhiều trường phái phê bình, duy
lí, đã cố gắng tìm đủ mọi cách thế để phủ nhận "vấn đề Đức Giêsu".
Các giả thuyết khác nhau, đối kháng nhau chan chát. Mỗi lí thuyết khai sinh,
chống lại lí thuyết có trước và triệt hạ nhau, nhưng kết quả : thánh Ciprianô nói
"Anh thay đổi, vậy anh sai lầm". Chính Loisy, một học giả đã có nhiều
công sức bàn giải vấn đề, phải thú nhận "Cánh đồng phê bình phá hoại là
một tháp Babel !" với những ý tưởng lẫn lộn (hỗn độn) còn hơn việc hỗn độn
khác nhau về ngôn ngữ, ông còn thêm : "Con người Đức Kitô không thể cắt
nghĩa một cách tự nhiên được ! Không thể cắt nghĩa cách tự nhiên, vì Người với
bằng chứng giáo lí và đời sống, vượt mọi giới hạn, mọi hoàn cảnh, ngoài mọi hư
nát và thay đổi của thụ tạo, vì chính Người tuyên bố : Người là sứ giả của
Thiên Chúa Đấng đã sai Người.
Như vậy, nguyên đứng về mặt lí luận theo lí trí con người
bình thường, với sự thành tâm tìm hiểu và không cố chấp theo thiên kiến. Người
ta phải chấp nhận : Đức Giêsu là Đấng chân thật đã mạc khải những điều chân
thật (hữu lí và hữu ích).
Điều cốt yếu nhất nơi mạc khải của Đức Giêsu, Người đã
xưng mình là Con Thiên Chúa (và cũng chính là Thiên Chúa) được sai đến trần
gian thi hành sứ vụ cứu chuộc nhân loại.
Mạc khải này
còn được chứng tỏ minh nhiên hơn, do chính những kì công Đức Giêsu đã thể hiện
trong thời gian Người sống tại trần gian : các phép lạ và các lời tiên tri kì
công tột đỉnh là mầu nhiệm phục sinh.
`
III. NHỮNG PHÉP LẠ ĐỨC KITÔ ĐÃ THỰC HIỆN
Ở phần bàn về mặc khải, ta đã thấy "phép lạ và tiên
tri" được xếp vào các dấu hiệu "ngoại tại" để chứng tỏ mặc khải.
Công đồng Vatican I cũng dạy : "Nhất là phép lạ và tiên tri trở thành
những dấu hiệu rất chắc chắn của mặc khải" (D.1970).
Đức Kitô là "Mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa "
Người đã mặc khải về Mình "là Con Thiên Chúa được Thiên Chúa sai đến trần
gian để thi hành sứ vụ cứu độ, loài người". Chính Người nại đến "phép
lạ "để chứng tỏ về sứ vụ chân thật Người mặc khải : "Cho dù các người
không tin chính Mình Ta, thì hãy tin vào các việc ấy"(Ga 10,38) "Các
ngươi hãy đi tin lại cho Gioan mọi điều tai nghe mắt thấy : Mù được sáng mắt
què được đi, phong hủi được sạch và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại"
(Mt 11,4; Lc 7,22).
Sau khi đã chiêm ngắm dung nhan Người giờ đây chúng ta
cùng nhau tìm hiểu những "dấu lạ" Người đã thực hiện để kiện toàn
niềm tin vào những gì Người đã mặc khải.
1.
Khả năng hiện hữu của phép lạ
Chúng ta rảo qua những điều đã được bàn liên quan đến
phép lạ cánh chung. Rồi áp dụng vào trường hợp "rất đặc biệt" nơi Đức
Kitô .
a) Định mệnh thuyết
và ngẫu nhiên thuyết
Đó là các trào lưu trực tiếp chống đối "sự hiện hữu
của phép lạ" những người chủ trương thuyết này cho rằng : Hoặc luật tự
nhiên thì tất yếu, và không thể biến đổi, do đó không chịu ảnh hưởng của các
luật ngoại trừ, hoặc chẳng có luật nào cả, các biến cố xẩy ra chẳng có liên lạc
gì, và cũng chẳng có sự lệ thuộc nào với nhau cả.
Lý luận cũng như thực tế cho thấy, không thể chối bỏ
"định luật tự nhiên" được, sự hiện hữu của chúng ta là tất yếu, chắc
chắn có nguyên nhân có hậu quả. Tuy nhiên chính nguyên nhân có thể đa dạng và
phức tạp và như vậy việc thay đổi nguyên nhân sẽ đưa đến việc thay đổi hiệu quả
cũng là tất yếu.
Ở trường hợp các phép lạ, vì nại vào sự can thiệp của
Thiên Chúa (và phép lạ xảy ra là dấu chỉ của
sự can thiệp đó) ; Nên các nguyên nhân của luật tự nhiên "phải lùi
bước" trước quyền năng vô biên của Người. Vì thế sự hiện hữu của phép lạ,
tuy làm ta ngạc nhiên, nhưng tự bản chất nó là hiển nhiên. Chẳng những hiện hữu
của phép lạ còn có thể nhận ra (vì là
dấu chỉ ngoại tại) một cách chắc chắn.
b) Lịch sử tính của
các phép lạ Đức Kitô đã làm
Các tường thuật về các phép lạ được coi là phần cốt yếu
của các sách Tin Mừng chúng gắn liền với cơ cấu, đặc tính và mục đích của các
sách đó, mà nếu bỏ đi sẽ hủy hoại cả sách. Chính nhà duy lý Harvard (Đức) cũng
quả quyết "nếu lấy đi các phép lạ khỏi các sách Tin Mừng , tức là phá hoại
tận gốc của sách đó.
Quả thật, nếu lấy đi các phép lạ tất cả lịch sử chứa đựng
trong các tường thuật của các sách Tin Mừng mất hết chỗ đứng : chẳng hạn ; nơi
Tin Mừng theo thánh Marcô, người ta thấy các tường thuật phép lạ chiếm quá nửa
về lượng và gồm 209 câu (cả sách có chừng 670 câu).
Chính các tường thuật về phép lạ được coi như những yếu
tố cơ bản để hiểu những yếu tố khác. Thí dụ, lòng nhiệt thành tin theo Chúa của
các Tông đồ ngay từ đầu lệ thuộc vào việc các Tông đồ đã thấy các phép lạ Chúa
làm, như ở Cana (Ga 2,11) hoặc mẻ cá đã bắt được tại Gênêsaret (Lc 5, 5). Sự nô
nức đến với Chúa của đám quần chúng đông đảo cũng vậy (Ga 7,31).Cũng chính phép
lạ đã gây nên cho các người biệt phái và ký lục lòng ghen ghét chống đối Chúa,
như dịp Người chữa người bại tay ngày hưu lễ (Mt 12,9). Lòng thù ghét của họ đã
tới "cực độ" do phép lạ Đức Giêsu cho Lazarô sống lại (Ga 11,1) đến
nỗi họ quyết định giết Chúa Giêsu và giết luôn cả Lazarô nữa (Ga 11, 45) các
phép lạ Đức Giêsu thực hiện quá hiển nhiên, đến nỗi chính họ cũng không dám
"chối bỏ". Họ chỉ có thể tìm cách chối quanh. Chẳng hạn khi thấy
Người trừ quỷ thì họ nói ; Ông ấy trừ được quỷ chẳng qua là nhờ Bêelzêbut đầu
mục các quỷ (Mt 12,24) hoặc họ tố cáo Người vì "chữa bệnh" vào ngày
lễ nghỉ Sabas (Mt 12, 9). Sau này văn sĩ Tertulianô khi viết cho "người Do
thái" cũng nêu rõ điều đó cho họ nhận ra : Đức Giêsu đã làm những việc ấy
(phép lạ), cả các anh (biệt phái Dothái) cũng không dám hồ nghi, vì khi các anh
nói các anh không ném đá Đức Giêsu, vì công việc Người làm, nhưng vì việc Người
đã làm trong ngày Sabat.
Chẳng những sự hiện hữu của phép lạ Đức Giêsu đã thể hiện
là hiển nhiên, Người còn ban quyền "làm phép lạ" cho các môn đệ của
Người (Mc 6,13). Sau này chính các phép lạ là một trong những đề tài thường
được các Tông đồ dùng tới. Trong diễn từ tại Giêrusalem trước đám đông tụ họp,
thánh Phêrô đã tuyên bố : "Các ông người Israel, xin nghe lời này : Đức
Giêsu Nazaret, Người được Thiên Chúa ủy nhiệm đến với các ông bằng những việc
quyền năng, những điềm thiêng cùng dấu lạ, tức là những việc Thiên Chúa đã dùng
Người để thi hành, như các ông biết. Thiên Chúa đã cho Người sống lại" (Cv
2,22, đọc thêm Cv 3,11 ; 4,8).
Sử gia Joseph Flavio khi nói về Đức Giêsu cũng viết :
"Người thực hiện những công việc lạ lùng". Cả sách Talmud cũng phải
nhận "lịch sử tính của các phép lạ của Đức Giêsu, khi họ gán cho Người làm
"nghề ảo thuật" làm điên đảo dân chúng
Dù sao khi đọc các tuờng thuật của các phép lạ chúng ta
cũng cần phân biệt chính phép lạ với các trình thuật, nghĩa là phân biệt
"bản chất" ra khỏi "áo khoác". Trải qua các hoàn cảnh sống
khác nhau (Phụng vụ, huấn giáo), các tường thuật đã có những biến đổi. Phương
pháp "văn hành sử" đã chứng minh là người kể chuyện không thể giữ
mình "hoàn toàn trung lập và khách quan" được. Chắc chắn là việc Đức
Giêsu Phục Sinh và ơn Hiện xuống đã có "ảnh hưởng" trên các tường
thuật phép lạ, tuy thế, sự tiết độ và cách nói đơn sơ của các bản văn cũng phải
được coi là dẫn chứng sự chân thành trung trực...tuy có sai biệt về những cái
tùy thuộc vào giữa các bản văn.
2)
Các loại phép lạ do Đức Kitô thực hiện
Theo T.W.Wright (trong cuốn Hastigs-dictionary of Christ
and the Gospels London 1908) Đức Kitô đã làm 41 phép lạ rõ ràng. Nhưng GL.
Fillion (trong Les Micacles de N.S.J.C. Paris 1909) thì chỉ tính có 39 phép lạ.
Chỉ có một phép lạ được cả bốn Tin Mừng kể lại. Đó là
biến cố "bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng (Mt 14,13 -21 ; Mc 6, 22-44).
Có 13 phép lạ được ghi trong ba sách Tin Mừng, 6 phép lạ
được ghi trong 2 sách và 20 phép lạ chỉ được thấy nơi một Thánh sử.
Linh mục De Grandmaison (trong bộ Jésus Christ ở tr,
II.P.317) đã đếm được 32 phép lạ nơi Tin Mừng theo Thánh Marcô, 24 phép lạ nơi
Tin Mừng theo Mathêu, 24 phép lạ nơi Tin Mừng theo Thánh Luca và Thánh Gioan
chỉ nêu 9 phép lạ.
Các phép lạ đó được thu gọn thành ba loại :
a) Các phép lạ về
thiên nhiên
Qua những biến cố này, Đức Giêsu đã khắc phục những định
luật thường của thiên nhiên, như luật sinh hóa học (phép lạ biến nước thành
rượu tại Cana chẳng hạn Ga 2, 7-9) luật vật lý (chẳng hạn phép lạ Đức Giêsu đi
trên mặt hồ (Mt 19,25-27) luật động lực học (Người làm cho gió bão, sóng nước
trở thành yên lặng (Mt 8,25) luật bảo toàn khối lượng (Người làm cho bánh hóa
nhiều, với 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ cho 5.000 người ăn. Theo các sách Tin
Mừng nhất lãm, phép lạ này còn được nhắc lại ít
là hai lần (Mt 16, 5-11 ; Mc 8,14-21).
Những lần "khuất phục" các luật của thiên nhiên
đó, Đức Giêsu không làm "triệt tiêu các luật này" một cách vĩnh viễn.
Nhưng chỉ ở trong những trường hợp đặc biệt và hiện hữu này, các luật đó
"coi như" bị quyền lực của Người khống chế để chúng không sinh hiệu
quả theo luật của các nguyên nhân tự nhiên. Quyền lực của Người được biểu lộ
cách hiển nhiên : sự việc xẩy ra khi Người "truyền lệnh" nghĩa là như
Người muốn.
b) các phép lạ trên con người
Quan trọng nhất là biến cố Đức Giêsu biểu lộ quyền năng
của Người trên sự sống của con người : ít là ba lần Người làm cho kẻ chết sống
lại : Con gái viên đầu mục, đã chết và người ta đang khóc lóc với cả "kèn
trống" (Mt 9,18-26) ; Cậu con trai bà góa thành Naim đang được người ta
khiêng đi chôn (Lc 7,11-17) và ông bạn Lazarô đa ỵ"mồ yên mã đẹp” được bốn
ngày rồi, đến nỗi khi Người muốn người ta mở viên đá lấp mồ, bà chị thân yêu
Matha phải kêu lên : "Thưa Thầy ;
nặng mùi rồi" (Ga 11,44).
Những phép lạ
khác là để chữa bệnh. Đáng chú trọng hơn là các bệnh cơ năng một phần thân thể
bị hủy hoại, như mù, què, điếc, tay khô bại. Các nhà khoa học ngày nay cũng
đồng ý xếp các bệnh như phong cùi, băng huyết kinh niên, phù thũng, vào loại
bệnh cơ năng, theo các sách Tin Mừng, Đức Giêsu đã chữa lành tất cả các bệnh đó
"ngay tức khắc" không cần thuốc thang hoặc phương tiện y học nào
(ngày nay có những bệnh như vậy được chữa với các phương pháp phẫu thuật khoa
học). Người làm cho các cơ năng đã bị hư hoại được tức khắc trở nên lành lặn.
Khiến các bệnh nhân có thể sử dụng chúng ngay, như các người bình thường.
Ngoài những trường hợp được minh nhiên kể lại, Thánh sử Luca còn thêm "tất cả dân chúng tìm
cách rờ đến Người vì có sức thiêng từ Người phát ra mà chữa họ hết thảy (Lc
19). Thánh Matthêu cũng nói "Người chữa lành mọi tật nguyền, bệnh hoạn
trong dân" ( Mt 4,23).
c) Khử trừ các tà
thần
Theo cách nhìn của khoa học ngày nay có lẽ một số những
biến cố "trừ quỉ" mà các sách Tin Mừng ghi lại chỉ là việc "chữa
bệnh thần kinh" : các bệnh nhân đó mắc "tâm bệnh" chứ chẳng có
quỉ ma gì cả : tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này mọi người vốn cũng phải
chấp nhận quyền năng của Đức Kitô đã được biểu lộ cách minh nhiên. Chẳng hạn,
cách Người chữa "đứa nhỏ bị quỉ ám kinh phong" (Mt 17,14-21) làm sao
áp dụng nỗi các luật "tâm lý" vào trường hợp đứa nhỏ đó hoặc như
trường hợp tại hội đường Capharnaum (Mc 1, 23-28). Hiển nhiên các "khán
giả" ngày đó không ai dám phủ nhận "sự hiện hữu của tà thần nơi con
bệnh" dù họ không tin vào Người, họ cũng phải "bái phục Người"
(Mt 8, 28-34). Phải quả quyết rằng ngày nay may mắn chúng ta "ít" bị các
loại "tà thần" ma quỉ "khuấy khuất". Đó cũng chính là nhờ
Đức Kitô "khuất phục" chúng bằng Mầu Nhiệm Phục Sinh.
Theo các sách Tin Mừng Nhất Lãm, chính Đức Giêsu đã chứng
tỏ việc Người "trừ quỉ" là dấu chỉ "sự kiện của nước Thiên Chúa
tại trần gian" : "ví bằng Ta nhờ Thần Khí Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì
quả là nước Thiên Chúa đã đến trên các ông" (Mt 12, 28 ; còn Lc 10, 20 thì
nói về "ngón tay Thiên Chúa") thánh Gioan cũng nói đến cuộc "đấu
tranh" giữa ánh sáng và sự tối tăm : "ánh sáng chiếu soi trên tối tăm
và tối tăm không diệt được sự sáng" (Ga 1,5). Chính Đức Giêsu đã xưng Mình
là sự sáng (Ga 12, 46) đến trong thế gian để phá tan bóng tối tăm của tà thần
(đọc Ga 8,30, 37-47).
3.
So sánh với "các loại phép lạ"
Có thể trong cuộc đời mỗi người, có những dịp chúng ta
"đối diện" với một hiện tượng lạ lùng làm chúng ta ngạc nhiên đôi khi
kinh hoàng, và thường được người đời cho là "phép lạ". Vì thế, từ ngữ
này nhiều khi bị "lạm dụng" và cần phân biệt cách thận trọng, để
tránh những lừa bịp, nông nổi, nực cười (xem lại phần bàn về phép lạ nơi mạc
khải trên). Ở đây chúng ta nhìn qua một số sự kiện có thể được "người đời coi là phép lạ".
a) Các trò ảo
thuật
Thực chất các ảo thuật đều là những mánh khóe (nhiều khi
có thể được coi là nghệ thuật) để đánh lừa giác quan của "khán giả" bằng cách dùng những
dụng cụ tinh vi, cách xếp đặt khéo léo, nhanh tay hoặc còn cả những phản ứng
hóa học. Dĩ nhiên cũng đòi hỏi ở nhà ảo thuật "sự tài khéo" nào đó,
cần tập luyện công phu.
Tuy nhiên, thường nhà ảo thuật "biểu diễn tài
nghệ", nên cứ phải nhắc đi nhắc lại và rồi, với những con mắt sâu sắc,
những mánh khóe dễ bị phanh phui.
Đi xa hơn, có
thể kể đến các loại "bùa chú" ma thuật. Tuy loại này cũng không thiếu
lừa bịp, nhưng cũng có những trường hợp phải công nhận sự hiện hữu của
"quỉ thần". Dù sao sự hạn chế của quỉ thần là hiển nhiên (như đã bàn
trên).
b) Những "phép
lạ" được gán cho "Đức Phật"
Người ta phải chân nhận những tài liệu cổ về Đức Phật
(thực tế ngày nay còn rất ít và tương đối khá muộn thời so với cuộc sống thực
của người), không hề đề cập đến "phép lạ". Chính người cũng chẳng bao
giờ xưng mình là "thần thánh" và cũng không muốn đụng tới lãnh vực
siêu nhiên của thần thánh (xem lại phần về phật giáo). Tuy nhiên, sau này người
ta đã biến chất hóa đạo lý của người và bày đặt ra những "phép lạ",
được gắn cho người đã thể hiện (chừng 30 hoặc 32 phép lạ). Điều đáng quan tâm
là chính những chuyện bày đặt của hậu thế lại quá ngỗ nghịch, kỳ cục. Chẳng
hạn, Phật không có cảm giác lè lưỡi và liếm mũi, liếm mắt và liếm cả trán nữa
!!!
c) Những "phép
lạ" được gán cho giáo chủ Mahômét.
Nền tảng của Hồi Giáo do giáo chủ Mahômet sáng lập và
truyền bá là kinh Coran. Người ta kể khi có người xin ông "làm phép
lạ" giáo chủ đã trả lời : phép lạ của ông là chính kinh Coran. Chỉ sau này
các đồ đệ của ông mới gán cho ông một số phép lạ. Ngay cả trường hợp này cũng
lại thấy "nông nổi nực cười"
chẳng hạn giáo chủ đã khiến "mặt trăng" chui vào tay áo trái rồi chui
ra tay áo phải (để làm gì ? ích gì cho ai ?) Nếu có thực xảy ra, thì cũng
"lố lăng" hơn "lạ lùng".
Tóm lại, theo khoa học và các nhà quan sát hiện đại : các
"phép lạ" đó chỉ đưa đến kết luận, một là không có, hai là lừa bịp.
Người ta cũng "tố cáo" Đức Giêsu Nazareth
"làm nghề ảo thuật" hoặc lừa bịp dân chúng ; nhưng đọc kỹ những tường
thuật về phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, người ta phải chân nhận : Không có một
phạm vi nào của cuộc sống con người vượt quá quyền năng của Người. Các phép lạ
Người làm đã chứng tỏ Người thống trị mọi quyền lực, mọi định luật của thiên
nhiên và đời sống con người.
Cách thế Người thể hiện các phép lạ rất đơn giản. Chúng
ta làm các việc "bình thường" cách dễ dàng thế nào, thì Đức Giêsu
cũng làm phép lạ cách dễ dàng như vậy : một lời nói, một cử chỉ, một cái chạm
tay, một ý định, thế là đủ ! Xét theo cái nhìn thông thường của con người,
nguyên nhân và hậu quả rất không tương xứng nhau.
Tinh thần biểu lộ qua các phép lạ cũng đặc biệt : không
bao giờ Người làm phép lạ để giỡn chơi, biểu diễn, khoe khoang một cách hợm
hĩnh ! Đôi khi phép lạ được dùng để chứng tỏ "quyền lực" (như tha tội
chẳng hạn) nhưng tất cả đều được thể hiện với tinh thần siêu thoát vì ích lợi
tha nhân, cứu giúp những kẻ khốn khổ và đặc biệt là củng cố lòng tin siêu
nhiên.
Nhất là chính đời sống thánh thiện hoàn hảo về mọi mặt
của cá nhân "Đấng quyền năng" làm cho giá trị của các phép lạ Người thể hiện trở nên có
ý nghĩa siêu việt, chứng tỏ một sứ vụ siêu việt và giãi bày một nguồn gốc siêu
việt.
Dù sao, chính Người cũng vốn "để một lối thoát"
cho những ai không muốn đón nhận Người : Đức tin đòi có "tự do" không
thể cưỡng chế, ép buộc : Người đã nói với những biệt phái và Sadoc : "Thế
hệ xấu xa và ngoại tình, chúng đòi dấu lạ, nhưng sẽ không cho chúng dấu lạ nào
trừ phi dấu lạ Giona" (Mt 16,4 ; Mc 8,12). Cuối cùng bị treo trên thập giá
với những lời chế giễu : "Nó đã cứu những người khác, chứ vô phương cứu lấy mình ! Nó là vua
Israel ! Bây giờ nó hãy xuống khỏi thập giá và ta sẽ tin nó" (Mt 27,42).
Đức Giêsu đã im lặng cầu nguyện.
4. Khả năng
giải thích theo khoa học thiên nhiên
Theo điều kiện tự nhiên, để thể thiện một việc gì, con
người chẳng những cần những khả năng xứng hợp, mà còn cần đến phương tiện (dụng
cụ) thích hợp và cả thời gian tương xứng nữa. Những "phép lạ" cũng
chính là những việc được thể hiện "vượt quá" những điều kiện về
phương tiện, dụng cụ và thời gian. Nhất là
nơi những phép lạ của Đức Kitô : nguyên nhân và hậu quả không tương xứng
theo cách tự nhiên. Vì thế không thể giải thích theo luật thiên nhiên được mà
phải chấp nhận là "phép lạ".
a) Các trường phái
phê bình
Đặc biệt là các nhà "duy lý" cực đoan. Họ tìm
cách giải thích một số phép lạ của Đức Giêsu theo luật thiên nhiên và khoa học
: chẳng hạn, việc "làm cho kẻ chết
sống lại". Họ cho là "chưa chết thật, chỉ có ngất đi và Đức Giêsu đã
lay tỉnh".
Nhưng lối giải thích này không "ổn" ! Cả ba
trường hợp (con gái ông Giairô, con trai bà góa Naim và Lazarô) đều phải quả
quyết "đã chết thật, đang khiêng đi chôn, và nặng mùi rồi". Chỉ cần xét tới việc người ta liệm người chết
theo tục lệ Do thái lúc đó cũng đã rõ. Người chết được "bó chặt như bó
giò". Đó không phải là cách "tối hảo" để làm chết hẳn, nếu quả
thật xác vốn còn một chút hơi thở nào ?
Rồi nữa, tại sao những người khác (cha mẹ anh chị em thân
thuộc) không nhận ra việc chưa chết. Mà chỉ mình Đức Giêsu từ xa đến không quan
sát gì nhiều, lại nhận ra ? Người chỉ gọi một tiếng, là người chết ngồi lên, ra
khỏi mồ, nói được.
Việc chữa bệnh bằng ám thị (phải là tâm bệnh) cũng đòi
điều kiện thích hợp nơi chính con bệnh và thời gian tương xứng, còn các bệnh cơ
năng đòi hỏi nhiều hơn (giả sử việc giải phẫu, thay mắt, chân tay). Nơi Đức
Giêsu đâu có những điều kiện đó ? Theo sự hiểu biết của mô thể học ngày nay,
phải mất chừng nửa giờ để một tế bào phát sinh, không thể có sự "đột
biến" nơi thiên nhiên.
b) Quá khứ và hiện
tại của khả năng khoa học
Mặc dầu ngày nay khoa học đã phát triển đến mức độ
"kỳ diệu", nhất là về ngành y học. Tuy nhiên yếu tố phương tiện và
thời gian vốn luôn rất quan trọng.
Năm 1957 tờ nguyệt san Kitô học nhan đề "La
roccha" (tảng đá) tại Ý đã mời các chuyên gia về bệnh gia truyền, tai,
mũi, họng, mắt, để khảo sát mấy phép lạ đặc biệt, nhất phép lạ Lazarô sống lại,
việc chữa lành người bất toại, người mù từ mới sinh, người câm điếc để xem -
theo xét đoán của họ - các phép lạ đó ngày nay có thể cắt nghĩa theo khoa học
được không ? Nhưng tất cả đều nhất trí : khoa học hiện đại không thể cắt nghĩa
các phép lạ đó một cách khoa học được.
c) Tương lai của "khoa học" có hé mở một lời giải đáp
Một số nhà duy lý cực đoan quả quyết "những gì ngày
nay không biết, chỉ nên coi là chưa biết, rồi sẽ có ngày biết được". Vì
thế theo họ những gì ngày nay còn được coi là "phép lạ" thực ra cũng
chỉ là "theo luật thường của thiên nhiên", nhưng ngày nay chưa khám
phá được. Có thể hy vọng ở tương lai của khoa học. Nhưng ở trên chúng ta đã bàn
về khả năng "hạn chế" của khoa học.
Các phép lạ Đức Giêsu đã thể hiện, không phải là hiệu quả
của sức lực, khả năng con người, nhưng là do Thiên Chúa. Trong tương lai khoa học cũng không bao giờ giải thích theo
luật thiên nhiên được.
Ta kết luận ở đây
: nếu phép lạ Đức Giêsu đã làm không mang một sự kỳ lạ siêu việt, chúng ta được
phép đem tất cả giá trị luân lý nơi con người Đức Giêsu vào vấn đề. Hoặc Người
là một vị đại thánh, hoặc Người chỉ là con người bịp bợm.
Tuy nhiên, việc chứng tỏ tính chân thật của điều Người
Mặc khải không phải "chỉ có" các phép lạ mà thôi.
@
IV. NƠI ĐỨC KITÔ,
CÁC LỜI TIÊN ĐÃ ỨNG NGHIỆM
Sau khi tìm hiểu về các phép lạ Đức Giêsu Nazareth đã
thực hiện, chúng ta tiến thêm để chiêm ngắm Người qua các hoặt động tiên tri
cũng được coi như những phép lạ, nhưng thuộc phạm vi tâm lý, tinh thần.
Thực tế, các người đồng thời của Người đã thâm tín rằng
Người là một tiên tri cao cả (Mt 21,11 ; Lc 7,16). Chính Người cũng ý thức mình
vượt trên các tiên tri Cựu ước, ý thức về sự kết thúc thời tiên tri và bắt đầu
một kỷ nguyên mới (Mt 5, 21-48 ; Lc 16,16).
Ở phần khảo luận này, chúng ta chú trọng đến việc Chúa
Giêsu tỏ lộ nhân cách (ngôi vị) của Người qua hoạt động tiên tri, tức là chú
trọng đến các "lời tiên tri được ứng nghiệm". Có hai loại "lời
tiên tri" này : Lời tiên tri do chính Đức Giêsu tiên báo và lời tiên tri
được tiên báo trong Cựu ước chỉ về Đức Giêsu. Nơi Người, các hoạt động tiên tri
đó không những được coi là dấu chỉ ngoại tại chứng tỏ sự chân thực Người Mặc
khải, nhưng còn tỏ hiện sự thành tín của chính Thiên Chúa, đối với các lời hứa
đã được ban ra từ ngàn đời.
1.
Ứng nghiệm các lời tiên tri của Đức Giêsu
Lời tiên tri được coi là lời loan báo trước, biểu lộ sự
"biết trước" một cách chắc chắn về một biến cố (nào đó) còn trong
tương lai tự do, mà theo cách tự nhiên, vì còn lệ thuộc vào một ý chí tự do,
chưa quyết định nên không thể biết trước một cách chắc chắn được. Đức Giêsu đã
nói "tiên tri" về nhiều loại và tất cả đã ứng nghiệm.
a) Lời tiên tri về
chính Mình Người
Các lời tiên tri quan trọng nhất được Đức Giêsu tiên báo
về cái chết khổ nạn và sự Phục Sinh của Người. Việc loan báo này được Người
nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cách rõ ràng và khá chi tiết. Chẳng hạn, nơi Mt
16,21 "từ bây giờ Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho môn đồ biết Người phải lên
Giêruzalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký
lục, và bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại". Đây là thánh ý của Chúa
Cha, Người không thể từ chối, vì thế khi Phêrô muốn can ngăn Người, Người đã
nặng lời với ông. Thánh Matthêu còn ghi thêm như thế một lần tiên báo nữa (Mt
17,22) về cuộc tử nạn đó. Ta cũng cần nhấn mạnh là các lời tiên tri này được
thực hiện từ khi Đức Giêsu còn trong sứ vụ Galilêa, nghĩa là chưa có sự đụng độ
nhiều giữa Người và giáo quyền trung ương (tại Giêruzalem) của Do thái. Sau này
Người còn nói thẳng với họ bằng dụ ngôn tá điền vườn nho (Mt 21,32) ở lần loan
báo thứ ba (về cuộc khổ nạn) một chi tiết nữa được thêm vào. Đó là Người sẽ bị
nộp cho dân ngoại để họ nhạo báng, đánh đập và treo lên khổ giá (Mt 20,17).
Cả hai Tin Mừng nhất lãm kia (Mc 8,31 ; 9,30 ; 10,32 ; Lc
9, 22 ; 9,44 ; 18,31) là những bản văn song hành. Tất cả "chi tiết"
đều xảy ra đúng như lời Đức Giêsu đã loan báo, như một "vở kịch" được
viết trước và thể hiện sau, (xem các tường thuật thương khó).
Riêng Tin Mừng thánh Gioan, tuy không trực tiếp đưa lại
những lời tuyên bố trước này nhưng cũng có những lời Đức Giêsu đã nói ám chỉ về cái chết khổ nạn của Người. Chẳng hạn
lời Mặc khải khi Chúa đuổi những người buôn bán ra khỏi khuôn viên đền thờ (Ga
2,18). Lời Mặc khải cho Nicô-đêmô (Ga 3,14) cũng như lời Mặc khải cho người Do thái khác (Ga 8,27). Thực ra, về
ý niệm cái chết đau khổ và sự Phục Sinh của Đức Giêsu luôn được Người ý thức
trong suốt cuộc đời của Người. Vì biết đó là đường hướng an bài của Cha Người
để đem lại ơn cứu độ cho loài người. Người đã tự nguyện chấp nhận, Người tuyên
bố rõ : "Vì lẽ này mà Cha Ta yêu quý Ta, ấy là Ta thí mạng sống của Ta để
rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng
sống Ta. Ta có quyền thí mạng sống của Ta và cũng có quyền lấy lại. Đó là lệnh
truyền Ta đã lãnh nơi Cha Ta" (Ga 10,17-18).
Ngoài ra, Đức Giêsu còn nói trước rằng một sự giận ghét
của thế gian luôn luôn hành hạ Danh Người và các môn đệ Người (Mt 10,22 ; Ga
7,7 ; 10,26). Tuy nhiên Người cũng luôn ý thức về sự "tôn vinh" Thiên
Chúa Cha dành cho Người qua tất cả những đau khổ (Ga 10,12-24).
Có người cho rằng, vì thấy "bầu khí oán thù càng
ngày càng cao độ nơi các thủ lĩnh Do thái đối với Người, nên Đức Giêsu có thể
"đoán trước" được kết quả. Nhưng thực ra, các lời tiên báo này
đã thể hiện từ khi Đức Giêsu còn ở
Galilêa, chưa có nhiều những "đụng độ" với giáo quyền trung ương tại
Giêruzalem. Vả lại lúc đó Do thái đã mất
quyền "tuyên án tử" (Ga 18,31).
Còn trước mặt dân ngoại, Người chẳng có gì phải quan tâm
(Ga 19,6).
b) Các lời tiên tri
về các người xung quanh : Khả năng biết cách
"phi thời gian và không gian" nơi Đức Giêsu đã được biểu lộ nhiều nơi
trong các sách Tin Mừng (sẽ được bàn ở chỗ khác). Ta chỉ nêu lên ở đây về những
lời tiên tri được Đức Giêsu tiên báo rõ ràng :
Trước hết, chuyện Nazareth lần đầu tiên được tiếp xúc với
Đức Giêsu (Ga 1,45) và chuyện Đức Giêsu sai Phêrô đi câu cá, lấy lạng bạc nộp
thuế đền thờ (Mt 17,27) cũng có thể được coi như những dấu lạ tiên tri nơi Đức Giêsu.
Trường hợp Đức Giêsu nói về cái chết của Lazarô (Ga 11,1)
khi Người còn ở Bethania hiển nhiên là một hoạt động tiên tri "Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở
đó, để anh em tin" (Ga 11,15).
Trong cuộc hành
trình lên Giêruzalem lần cuối cùng khi đến Betphaghe, Đức Giêsu sai hai môn đồ
đi "mượn lừa" (Mt 21,11 ; Mc 11,1) : "Các con hãy đi đến làng
trước mặt, và tức khắc sẽ gặp cột sẵn một lừa mẹ..." mọi việc đã xảy ra
đúng như lời Người đã dạy.
Việc sai môn đồ dọn nơi mừng lễ vượt qua : "các con
hãy vào thành..., môn đồ ra đi vào thành và gặp như Người đã nói với họ và họ
đã dọn lễ vượt qua (Mt 26,17 ; Mc 14,13).
Âm mưu phản bội của Giuđa Iscariô đã bị Đức Giêsu phát
giác (Mt 26,20 ; Mc 14,17). Nếu Người muốn tránh cuộc tử nạn thi đâu có khó
khăn nhưng : đặc biệt nhất là việc
tiên báo với thánh Phêrô : " Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa gáy
hai lần, anh đã chối Thầy ba lần" (Mt 26,34 ; Mc 14,26). Mặc dù thánh
Phêrô đang cương quyết " dẫu phải chết với Thầy tôi cũng sẽ không chối
Thầy" nhưng việc đã cứ xảy ra như lời Đức Giêsu đã loan báo trước.
Chính nhờ "kinh nghiệm bản thân" về sự ứng
nghiệm Lời Chúa, nên sau này tại ven biển Tyberia, lúc Chúa đã phục sinh, thánh
Phêrô thành tâm tuyên bố : "Lạy Thầy, Thầy thông biết mọi sự" (Ga
21,15). Ông đã đón nhận lời tiên tri cuối cùng của Đức Giêsu về "sự kết
thúc của đời ông". Chẳng những ông đã tin lời Người ông còn muốn Người nói
thêm : "Lạy Thầy, còn người này thì sao ?" (Ga 21).
Ngoài ra Đức Giêsu cũng đã nói trước về việc "dân
ngoại sẽ trở lại" (Mt 8,11). Tin Mừng sẽ được rao giảng khắp thế giới (Mt
26,13). Giáo Hội Người sẽ tồn tại đến tận thế (Mt 16,18).
Nại tới ngẫu nhiên để cắt nghĩa những lời tiên tri của
Đức Giêsu thì thực là "nực cười". Có lẽ một biến cố độc nhất được nói
trước mà ứng nghiệm thì ngẫu nhiên cũng có thể xảy ra. Nhưng càng khó xảy ra
hơn, nếu có hai biến cố. Nơi lời Đức Giêsu không phải chỉ có hai ; nếu biến cố
càng nhiều, càng khó xảy ra vì ngẫu nhiên.
c) Lời tiên tri về
thành Giêrusalem và dân Do Thái. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại" lời tiên tri của Đức Giêsu về sự tàn phá thành Giêrusalem" (Mt 24,1 ;
Mc 13,1). Tin Mừng theo thánh Gioan không nói đến điều này (có lẽ) vì khi thánh
sử viết thì biến cố Girusalem bị tàn phá đã quá rõ ràng (do tướng Titô của La
mã thực hiện khoảng năm 70).
Theo cha Beni : các sử gia cổ điển trong đó có Joseph
Flavio (một sử gia Do thái ở hậu bán thế kỷ I, đã trực tiếp cộng tác với La Mã
trong việc vây hãm và tàn phá thành) đều chứng nhận các lời Đức Giêsu đã nói
trước, nhất là về các dấu chỉ, đã ứng nghiệm từng chi tiết nhỏ.
Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều gắn liền những lời tiên báo
này (với diễn từ chung luận) về ngày tận cùng của thế giới (có thể là cho cả vũ
trụ ?). Vì thế khó phân biệt được những gì
Đức Giêsu nói riêng về thành Giêrusalem và những gì phải đợi đến
"ngày tận thế" mới xảy ra. Điều các thánh sử (và cả Giáo Hội thời sơ
khai quan tâm là cuộc quang lâm sau cùng của Người (Mt 24,3).
Dù sao, biến cố Giêrusalem bị tàn phá đã rõ ràng. Lời Đức
Giêsu tiên báo về đền thờ : "... sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào ; tất cả đều sẽ bị phá đổ" (Mt
24,2) ; thực tế hiểu được theo nghĩa đen (ngày nay khó xác định rõ được cả nền
đền thờ ở chính xác chỗ nào). Nhìn trên bình diện tự nhiên, chẳng những việc
tàn phá này "không thể biết trước được" mà còn "không thể tưởng tượng nỗi".
Lịch sử chứng tỏ người La Mã thường rất quí trọng và muốn duy trì tất cả những
đền đài dinh thự, được coi như " chiến lợi phẩm", kỷ niệm những chiến
thắng họ đã tạo được. Trường hợp đền thờ Giêrusalem
quả là "bất thường" và phải nhìn nhận đó là thiên ý.
Về số phận bi đát của dân Do Thái đã được Đức Giêsu tiên
báo bằng nhiều dụ ngôn nữa (Mt 21,33) và các đoạn song hành. Thánh Augustinô đã
viết về họ : dân Do Thái đã bị lưu lạc
khắp các dân, họ thành những chứng tá cho sự gian ác của mình và cho chân lý
của chúng ta" (Is Ps 1,22). Tuy nhiên ở đây chúng ta cần nhắc lại lời của
công đồng Vatican II : "Mặc dù chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái
chết của Đức Kitô, nhưng không thể qui trách nhiệm một cánh hàm hồ những tội ác
trong khi Người chịu khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như không
thể qui trách cho những người Do Thái
thời nay (Tuyên Ngôn Nostra AEtate - về liên lạc của Giáo hội với các tôn
giáo ngoài Kitô giáo - số 4).
2.
Ứng nghiệm lời các tiên tri đã chỉ về Đức Kitô
Mỗi người kể cả những "danh nhân" thường cũng
chỉ được nói tới sau khi đã chết hoặc đã thể hiện được những công việc vĩ đại
vẻ vang, hoặc sớm nhất cũng phải là đã hiện hữu tại trần gian này, và những gì
được nói trước thường chỉ là những phỏng đoán hoặc cầu chúc. Chỉ có một mình
Đức Kitô là đặc biệt. Cuộc sống của Người tại trần gian đã được các ngôn sứ
loan báo trước từ nhiều thế hệ. Không ai có thể chối bỏ việc trông chờ Đấng cứu
thế nơi truyền thống Do Thái và chính truyền thống này được tích lũy lại do các
lời tiên báo của các ngôn sứ (cũng gọi là tiên tri). Các vị tiên tri trong Cựu
Ước đã loan báo trước về "Đấng sẽ đến" thường cũng chỉ được "nhìn
thấy trước" về một số phương diện nào đó và nói lên đôi nét tuy rõ ràng
nhưng phiếm diện và do đó gây khó hiểu. Tuy nhiên nếu thu góp lại các lời tiên
tri chỉ về Đức Kitô, chúng ta có được một khuôn mặt của Người khá rõ ràng. Nhất
là về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người đã từ cõi chết sống lại. Thánh sử
Luca đã ghi lại chính lời Đức Giêsu về việc đó khi Người đã từ cõi chết sống
lại, giải thích rõ cho hai môn đồ đi Emau : "hỡi những kẻ ngu độn và trí
lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói. Thế thì Đức Kitô lại không phải
chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quanh của Người sao ?" và khởi từ Maisen và hết
thảy các tiên tri Người dẫn giải cho họ các điều đã viết về Người trong toàn bộ
sách thánh (Lc 21, 25-27).
a) Các lời tiên tri
về Đức Kitô trong Cựu Ước : Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một số lời tiên tri Cựu ước nói về Đức Kitô, được coi như những cột mốc trong quá trình
Thiên Chúa chuẩn bị ơn cứu độ nơi lịch sử đang được tuyển chọn. Phần giải thích
chi tiết, chúng ta xin nhường lại cho khoa chú giải Kinh Thánh.
Ngay từ khi những "con người đầu tiên" bị ma
quỉ phỉnh gạt làm điều tội chống lại Thiên Chúa và chuốc lấy án phạt, Thiên
Chúa đầy lòng từ bi hay thương xót đã chiếu soi nơi các Tông Đồ "một lời
hứa kỳ diệu" gây nên niềm hy vọng ơn cứu độ sẽ do Đấng Cứu thế mang lại.
Sách khải huyền ghi lại lời Thiên Chúa tuyên án phạt con rắn. "Ta sẽ đặt
hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và giòng giống người
ấy. Giòng giống người đàn bà sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn lại gót chân nó"
(St 3, 15).
Tổ phụ Apraham là người Thiên Chúa chọn, để qua ông, ơn
cứu độ được thực sự chuẩn bị nơi lịch sử loài người. Ông đã nhận được nhiều đặc
sủng cũng như các lời hứa của Thiên Chúa. Lời hứa quan trọng nhất được ban, sau
khi ông đã chứng tỏ lòng tin tuyệt đối của ông vào Thiên Chúa qua việc sẵn sàng
hiến tế Isaac. Lần thứ hai Thần sứ Giavê gọi Abraham từ trời và phán : Ta lấy
mình Ta, Ta thề : Ta sẽ làm cho dòng giống ngươi nên đông, và dòng giống ngươi
sẽ chiếm đoạt cửa thành quân địch. Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà
cầu phúc cho nhau bởi vì ngươi đã vâng nghe tiếng Ta" ( St 22).
Sau này chính Đức Giêsu đã quả quyết ( với người đàn bà
xứ Samaria) "vì ơn giải thoát khơi nguồn từ Do Thái" (Ga 4,22).
Tổ phụ Giacóp khi sắp "qui hồi tổ tiên" đã chúc
phúc cho các con. Lời chúc phúc cho Giuđa được coi là lời tiên tri quan trọng
nhất về viễn tượng ơn cứu độ : "Phủ việt sẽ không rời khỏi Giuđa và gậy chỉ
huy sẽ không rời khỏi đầu gối nó, cho
đến khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải bái phục
= vị cái thế lâm trào, Đấng muôn dân bái phục" (St 49,10).
Lời ngôn sứ Nathan tiên báo cho Đavit về việc Đấng Cứu
thế sẽ phát xuất từ dòng họ nhà Đavit : " ...Ta sẽ cho dòng giống ngươi
chỗi dậy kế vị ngươi, dòng giống xuất từ đất ngươi và Ta sẽ cho vương quyền nó
kiên vững... Ta sẽ là Cha nó và nó sẽ là con Ta" ( 2Sm 7,12- 14). Sau này
ngôn sứ Isaia bổ túc rõ lời tiên tri này : "Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một
mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy" (Is 11, 1-2).
Vị vương đế dòng dõi Đavit đó khi đến, sẽ có một "
tiền sử" (Malakia 3,1). Người sẽ sinh tại Bethlem, thành của Đavit ( Mica
5,25) do một Trinh nữ (Is 7, 14). Người hiền lành và hay thương xót (Is 42,
2-4) Người sẽ được ban quyền năng để cứu giúp những kẻ khốn cùng ( Is 61,
1...).
Nhưng nhất là các lời ngôn sứ tiên báo về cuộc khổ nạn
của Người. Từ việc bị phản bội và bị bán với 30 đồng bạc (Zac 11,13) : bị đánh
đập, bị hành hạ (Is 50, 6) bị luận án chết như một tội nhân (Is 53, 7-12). Bị đóng
đinh Thập Giá (Tv 21, 17) bị nhạo báng chê cười trên thập giá (Tv 21, 8-9) các
áo trong ngoài bị chia cắt hoặc bắt thăm (Tv 22,19). Bị cho uống dấm chua, mật
đắng (Tv 22,16 ; 69, 22), bị lưỡi đòng đâm thâu trái tim (Zac 12,10), nhưng
không một xương nào bị dập gãy (Tv 34,21).
Chẳng những các ngôn sứ Cựu ước tiên báo về Đấng Cứu thế
bằng các lời tiên tri một số "nhân vật Cựu ước" cũng được coi là
"hình ảnh Người", về một khía cạnh nào đó : từ Ađam tổ tông, cha của
nhân loại, đến các tổ phụ kế tiếp như Aben, Menkisedek, Isai, Aaron, Đavit, các
ngôn sứ và nhất là Maisen, vị thủ lãnh giải phóng Israel khỏi cuộc làm nô lệ Ai
cập (Xh 32, 32, Ds 13, 7).
Số những sự việc của Cựu ước, cũng là dấu chỉ về Người,
như chiên vượt qua, việc Thượng tế Menkisedek dâng bánh rượu làm hiến tế, rắn
đồng bị treo trong sa mạc, dân Do thái ở sa mạc 40 năm.
Tóm lại, nơi Đức Kitô mọi lời hứa và lời tiên tri đã được
ứng nghiệm đầy đủ. Thánh Matthêu khi chép Tin Mừng, vì nhằm đối tượng là người
Do thái, nên đã rất quan tâm đến việc chứng tỏ"các lời tiên tri ứng nghiệm
". Trong sách Tin Mừng Người chép : Người đã dẫn chứng Cựu ước đến hơn 70
lần, còn Thánh Gioan thì ghi chính lời Đức Giêsu quả quyết với người Do thái :
các ngươi truy tầm Kinh Thánh (Cựu ước) vì nghĩ rằng trong đó các ngươi có sự
sống đời đời : ấy mà chính Kinh thánh lại làm chứng về Ta (Ga 5,39). "Nếu
các ngươi tin Maisen, các ngươi đã tin Ta, vì chính về Ta mà ông đã viết. Nếu chữ viết của ông, các ngươi
không tin, thì làm sao các ngươi tin được Lời nói của Ta ? "( Ga 5,46-
47).
b) Người Do-thái
thời Đức Giêsu
Đã ý thức các lời tiên tri chỉ về Đức Kitô. Việc trông
chờ "Đấng sẽ đến" nằm trong truyền thống Do-thái nhờ lời các ngôn sứ
đã tiên báo về Người. Các lời đó đã nêu lên một số dấu chỉ để nhận ra Người,
nhưng thời gian Người xuất hiện thì truyền thống đó đã không thể xác định. Tuy
nhiên, người ta cũng tìm được một số dấu chỉ có thể hiểu về thời gian. Chẳng
hạn, lời sấm của Jacob trên Judas. Khi nhà Macabe hết quyền và Hêrôđê Cả, một
người ngoại quốc được La-mã ủng hộ nắm quyền (khoảng từ năm 37) thì nhiều người
cho rằng "Phủ việt" đã rời khỏi
Judas và do đó "Vị cái thế phải Lâm Trào = người làm chủ vương
trượng" (St 49,10).
Nhất là lời tiên tri tìm được nơi Daniel càng giúp cho sự
hiểu ý nghĩa trên là chân chính : "Đã
khâm định 70 tuần trên dân ngươi và trên thành thánh của ngươi, để chấm dứt tội
nghịch. Từ lúc lời được ban ra, báo trước việc vãn hồi và xây lại Giêrusalem,
cho đến vị được xức dầu lãnh tướng là 70 tuần năm" (Dn 9, 24-25). Ý
nghĩa lời này cho rằng từ sau cuộc lưu đày Babilon và Giêrusalem được tái thiết
đến thời Đức Kitô Đấng sẽ đến phải là 70 tuần năm (490 năm).
Có lẽ chính vì thấy "thời đã mãn" mà những
người Do-thái ở thời Đức Giêsu rất nóng lòng và rất dễ bị "kích động"
(đọc Cv 5,34), việc Gioan Tẩy Giả xuất hiện cũng là một dịp xôn xao (Mt 3,1).
Cuộc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể (Mt 21,1-10) quả là một cuộc
"biểu dương lực lượng" rất hợp thời. Nếu Người muốn việc "vùng
lên để giải phóng" sẽ dễ dàng được đám dân chúng đầy háo hức đó hết mình
tham gia.
Nhưng : c) Ứng nghiệm theo nghĩa nào : Vì các lời tiên
tri thường có tính cách không rõ ràng (mang ý nghĩa mầu nhiệm) nên dễ bị hiểu
và giải thích sai lạc. Do đó, đưa đến tinh thần quá khích.
Nhiều người Do-thái nhất là những người đương thời với
Đức Giêsu, thường bị cuộc sống thực tế (do sự lệ thuộc và nô lệ dưới ách thống
trị La-mã) làm cho hiểu về "cuộc giải thoát của Đấng sẽ đến" quá
thiên về vật chất, chính trị, trần gian. Họ nhìn các dấu lạ Đức Giêsu đã thực
hiện "dưới con mắt tìm lợi lộc vật chất". Chẳng hạn, những lần Chúa
Giêsu làm phép lạ "hóa bánh ra nhiều" (Mt 14, 13-21). Thánh Gioan ghi
rõ : "Thấy phép lạ Người vừa làm,
người ta nói : hẳn Người là vị tiên tri. Đấng sẽ đến trong thế gian. Đức Giêsu
biết rõ là họ sắp bắt Người để tôn Người làm vua thì Người lại rút lui lên núi
một mình" (Ga 6,14). Chính vì Đức Giêsu không đáp ứng lòng mong chờ
của họ nên họ đã không đón nhận Người, kể cả các vị Tông đồ, những người đã
sống gần gũi và thân tín với Người cũng vậy (Mt 20,20). Nhưng rồi ai được ban
cho sẽ hiểu và lãnh nhận Người cách chân thành.
Các nhà phê bình cực đoan (phái duy lí) của thời đại gần
đây đã cố gắng cắt nghĩa bằng hiện tượng "ứng nghiệm các lời tiên
tri" bằng cách nại đem các giả thuyết nội suy về sau do bàn tay của những
kitô hữu (Giáo Hội sơ khai). Tuy thế, chính khoa khảo cổ học ngày nay đã chứng
minh rằng các giả thuyết đó không có trên nền tảng vững chắc. Về vấn đề các bản
văn Cựu Ước chứa đựng các lời tiên tri, năm 1957 người ta đã tìm được tại động
Qumrân (gần biển Chết) các bản văn cổ nhất là phần chép của sách Isaia, ít là
đã hiện hữu từ thế kỉ II trước công nguyên, trong các bản văn đó có ghi chép
các lời tiên tri. Hợp với bản LXX của Do-thái. Văn hào Pascal viết : "Bằng
chứng vĩ đại trong các bằng chứng về Chúa Kitô chính là các lời tiên tri".
Tuy nhiên, chúng ta cũng nói được như ở phần bàn về các phép lạ : việc chứng
minh tính chân thật của Mặc khải Đức Kitô không phải chỉ có phép lạ và tiên tri
thôi : phép lạ vĩ đại nhất và cũng là việc ứng nghiệm lời tiên tri hoàn hảo
nhất chính là Đức Kitô Phục Sinh.
V. ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
Phép lạ vĩ đại nhất và ứng nghiệm trọn vẹn các lời tiên
tri là Đức Kitô Phục sinh. Sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu ghi lại một biến cố
: sau khi đã chứng kiến nhiều dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện, mấy Kí lục và Biệt
phái còn xin "dấu lạ". Người bảo họ : "Thế hệ xấu xa và ngoại tình ! Chúng đòi dấu lạ, nhưng sẽ không
cho chúng dấu lạ nào, trừ phi dấu lạ tiên tri Giona : ví như Giona đã ở trong
bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng ở trong lòng đất ba
ngày ba đêm như vậy" (Mt 12, 39-40). Còn thánh Gioan khi đặt biến cố
"tẩy uế Đền thờ" lên các đoạn đầu sách Tin Mừng Người chép đã viết :
"Người Do-thái hỏi Chúa Giêsu : ông
lấy dấu lạ nào tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ? Đức Giêsu
đáp : "Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, và trong ban ngày Tôi sẽ xây
dựng lại...Vậy khi Người sống lại từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại Người đã nói
điều đó, họ đã tin Kinh Thánh và lời Đức
Giêsu đã nói" (Ga 2, 18, 22). Biến cố Đức Giêsu Phục Sinh, không những
là dấu lạ vĩ đại nhất, bao quát tất cả các việc kỳ diệu này đã thực hiện, nó
còn là nền tảng của Đức tin kitô giáo,
là sự kiện toàn và hoàn tất của "biến cố Đức Kitô", trở thành trung
tâm của lịch sử ơn cứu độ. Thánh Phaolô sau này đã quả quyết với tín hữu
Côrintô rằng : "Nếu Đức Kitô đã
không sống lại thì lời giảng của chúng tôi thật vô ích và vô ích nữa việc anh
em tin" (1Cr 15,14). Quả thật, nếu Đức Kitô đã không sống lại thì cũng
chẳng có việc rao giảng Tin Mừng, chẳng có Giáo Hội. Vì thế, không có gì lạ, ở
mỗi thế hệ, Kitô giáo "đặt lại" vấn đề cơ bản này của niềm tin : Đức
Kitô đã Phục Sinh. Niềm tin nơi Chúa Phục Sinh đưa đến việc tin phục Người là
chính Thiên Chúa và từ đó tin theo tất cả những gì Người đã dạy với niềm hi
vọng được Phục Sinh với Người.
Vấn đề được dành khảo sát ở đây là tương quan giữa niềm
tin kitô giáo và lịch sử : việc Đức Kitô Phục Sinh có phải là một sự kiện lịch
sử và nếu là sự kiện lịch sử thì phải hiểu như thế nào ?
Ở thời gần chúng ta đã có một số "thần học
gia"phủ nhận tương quan giữa niềm tin về Đức Kitô Phục Sinh và lịch sử.
Chẳng hạn Bulhman và đồ đệ của ông, theo họ : biến cố Đức Giêsu Phục Sinh chỉ
là vấn đề chủ quan. Chính các Tông đồ bắt đầu tin rằng Thiên Chúa đã làm cho
Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, chứ không phải có gì thực hiện nơi thân xác của
Người đã được an táng trong mồ. Đây là lời của Bulhman : "Niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô và niềm
tin có ở trong lời giảng của các Tông đồ cũng là một". Theo ông, Đức Kitô
chỉ sống lại vì đức tin và trong đức tin của các Tông đồ. Sự Phục Sinh của
Người chỉ là đức tin và lời loan báo. Nếu hiểu Phục Sinh có nghĩa là xác Đức
Giêsu trở lại cuộc sống, thì theo ông, Đức Kitô đã không sống lại. Vì thế, sự
Phục Sinh chỉ là huyền thoại.
1.
Niềm tin Phục Sinh
Không một ai đã quả quyết rằng Đức Giêsu Phục Sinh nghĩa
là Người đã trở lại cuộc sống cũ như trước cuộc tử nạn. Thánh Thomas d'Aquin
nói : "Đức Kitô Phục Sinh không trở lại cuộc sống thường quen, nhưng là
cuộc sống bất diệt. Cuộc sống ấy vượt tầm hiểu biết thông thường và đầy huyền
nhiệm" (Sum Theo.III q. 53 a.2). Sự sống lại của Người dĩ nhiên không
giống như sự sống lại của những người khác, chẳng hạn Lazarô, con bà góa thành
Naim. Vì thế, sự Phục Sinh của Đức Kitô là một mầu nhiệm (đối tượng của đức
tin) không thể chứng minh cách khoa học và trực tiếp. Do đó, đòi hỏi niềm tin.
Nếu Đức Giêsu cũng sống lại như các trường hợp khác, chẳng hạn Lazarô, lại tiếp
tục cuộc sống trần gian như xưa với sự "hiện diện bình thường", ai
muốn gặp có thể đến gặp, thì khỏi cần chứng minh. Nhưng như thế chắc chắn rồi
Người lại chết. Đức Kitô Phục Sinh không phải như vậy, Người có một sự hiện hữu
mới.
Nhưng niềm tin "Đức Kitô Phục Sinh" không phải
là một sự hão huyền, không tưởng, nó dựa vào những chứng tá chắc chắn. Tuy
không thể kiểm chứng trực tiếp cách thế Phục Sinh của Người. Nhưng có thể nhận
ra cách chắc chắn nhờ các hiệu quả, để có thể quả quyết sự Phục Sinh đó là một
biến cố, bao gồm những dự kiện lịch sử như một biến cố có thật trong lịch sử.
Chính những dữ kiện lịch sử đó đã tạo thành niềm tin và đối tượng của những gì
chúng ta khảo sát ở đây.
a) Từ cộng đoàn nhỏ
bé tại Palestina : Khoảng năm 30-40, người ta thấy xuất hiện, trước hết ở Giêrusalem, rồi lan ra khắp Palestina, một "cộng đoàn tôn
giáo" gồm đa số là Do Thái. Nhưng dần dần cộng đoàn cũng thu nhận những
người "dân ngoại" (không phải là Do Thái) và tách biệt khỏi Do Thái
(hội đường) vì niềm tin vào Đức Kitô. Đó là cộng đoàn kitô hữu sơ khai. Điều
đầu tiên và nổi bật nhất nơi niềm tin của họ là : "Thiên Chúa đã làm cho
Đức Giêsu Nazareth sống lại từ cõi chết" (Cv 2,32 ; 3,15 ; 4,10). Từ đó họ
tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Đức Kitô Đấng Cứu thế" và chuyên cần tìm
hiểu tuân theo những gì đã được Người truyền dạy. Niềm tin chung này đã tạo họ
"thành một cộng đoàn" đến mức "hết thảy đều coi mọi sự như của
chung" (Cv 2,44). Họ đồng tâm nhất trí, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân,
lòng hoan lạc, dạ đơn thành, lòng ngợi khen Thiên Chúa . Họ coi mình "là
những kẻ được cứu rỗi" (Cv 2,16).
G. Bornkam, một đồ đệ của Bulhman đã chấp nhận : niềm tin
vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu không phải chỉ là kinh nghiệm đặc biệt của các
Tông đồ cũng như của những người hăng say tin tưởng vào các ông. Không ! Bất cứ
nơi nào có chứng tá, ở bất cứ cộng đoàn kitô hữu địa phương nào, cho dù có
những khác biệt về cách sống, niềm tin Phục Sinh có những điều được tuyên xưng
và làm cho họ được hiệp nhất. Phải quả quyết : chính niềm tin đó đã làm phát
sinh cộng đoàn kitô hữu, và tách biệt họ khỏi hội đường Do Thái (người Do Thái
đã cho rằng các kitô hữu thờ kính Đức Kitô như ngẫu tượng).
Niềm tin đó cũng đã là sức mạnh nâng đỡ cộng đoàn trong
gian nan thử thách ngay từ buổi đầu đã có những "bách hại" từ phía
những kẻ không tin, nhất là giáo quyền Do Thái (Cv 4, 5-7). Điển hình nhất là
phó tế Stephanô bị ném đá (Cv 6,1) và sự xuất hiện của Phaolô (tên thực của
Người là Saulô, Cv 9,1). Cộng đoàn càng ngày càng phát triển lớn mạnh và niềm
tin đó đã trở thành "truyền thống" vững chắc của cộng đoàn (đọc 1Cr
15,3-5).
b) Bởi đâu có niềm
tin Phục Sinh : Không phải ai cũng được thấy Đức
Giêsu Phục Sinh. Nhưng đã có những người quả quyết mình "đã được thay
đổi". Xét theo mặt loài người, phải nhận rằng niềm tin nơi những người
không được thấy dựa vào những người đã thấy và những gì họ đã thấy. Các chứng
nhân và chứng tá. Ngày nay chúng ta chỉ còn có thể khảo sát vấn đề theo các bản
văn. Nhưng phải luôn ý thức rằng chứng nhân và chứng tá thực sự không phải chỉ
là những bản văn. Uy tín của đời sống chứng nhân nhất định phải đóng vai trò rất
quan trọng và những người được tiếp xúc cảm nghiệm và tin theo. Rồi từ đó, các
chứng nhân hoạt động có tính cách giây chuyền. Đó chính là cuộc sống chứng nhân
của Giáo Hội.
Tuy nhiên, ở đây, nhìn theo mặt lịch sử, chúng ta phải
căn cứ vào các bản văn. Ta có thể kể các bản văn quan trọng hiện có : 1Cr 15,
3-8 ; Th 28, 1-20 ; thêm vào đó, cũng nên coi các đoạn khác : Cv 1,11 ; 9,20.
Việc phân tích và phê phán chi tiết về các bản văn đó,
xin nhường cho "khoa chú giải Kinh Thánh". Ở đây chúng ta chỉ quan tâm
đến hai chứng tá được rút ra từ các bản văn đó : ngôi mộ trống (có thể coi là
chứng tá tiêu cực và gián tiếp) và những lần Đức Giêsu xuất hiện trước mặt một
số người được Người chọn làm nhân chứng trực tiếp (chứng tá tích cực).
c) Ngôi mộ trống :
Cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại sự kiện được phát hiện
đầu tiên liên quan đến việc Phục Sinh của Đức Giêsu : "Ngôi mộ trống"
(Mt 28,1 ; Mc 16,1). Tuy có những chi tiết khác nhau, nhưng cả bốn thánh sử đều
nói là việc khám phá đầu tiên đó là do một nhóm phụ nữ. Có lẽ Maria Madalêna là
đầu tiên, hoặc ít ra cũng là người "năng nổ nhất". Họ đến mộ từ sáng
hôm kế tiếp ngày Hưu lễ với chủ đích kiện toàn thêm việc xức dầu thơm cho xác
Chúa Giêsu. Nhóm phụ nữ này đã từng theo Đức Giêsu và họ cũng đã cộng tác trong
việc an táng Người vào buổi chiều tối hôm thứ sáu. Họ đã biết rõ ngôi mộ và
biết rõ tất cả viên đá lấp của mộ. Thánh Marcô ghi về nỗi băn khoăn lo lắng của
họ trước lúc đến mộ : "và họ nói với nhau : ai sẽ vần viên đá ra khỏi cửa
mộ cho ta" (Mc 16,3).
Đem dầu thơm ra mộ, nhưng nhóm phụ nữ đã không đạt được
mục đích : ngôi mộ trống, không còn xác Đức Giêsu ở đó nữa. Theo giáo sư
Kremmer : trên bình diện lịch sử, việc khám phá ngôi mộ trống của nhóm phụ nữ
rất đáng tin. Trước hết họ đến mồ như thế là hợp với phong tục của thời đó. Họ
chỉ là "phụ nữ", đã thấy thế thì nói thế, ai tin thì tin, vì họ biết
chứng tá của họ không có giá trị gì trước pháp luật. Rồi ngôi mộ vẫn còn đó :
"trống rỗng". Ngay cả những "địch thù" của Chúa Giêsu cũng
đã không chối "ngôi mộ trống", nhưng tìm cách cắt nghĩa khác (Mt
28,11). Vì thế, giáo sư Kremmer kết luận : một sử gia không có lí chính đáng để
phủ nhận việc các phụ nữ đến thăm mộ, và đã thấy ngôi mộ trrống, không còn xác
Đức Giêsu ở đó nữa. Sử gia Hans Von Camphenausen cũng đồng ý : "Sự khảo
sát phê bình trình thuật của Marcô làm tôi cho rằng phải chấp nhận tin mồ trống
rỗng và sự khám phá đầu tiên về mồ trống, nhiều điều chứng tỏ việc đó và đã
không có gì quyết đáp, xác định đối kháng lại". Dĩ nhiên rồi việc khám phá ra ngôi mồ trống còn
được kiểm tra do nhiều nhân vật khác có thế giá hơn, ít là về mặt luật lệ (Ga
20,5).
Tuy ngôi mộ trống không phải là chứng tá tích cực của
việc Đức Giêsu Phục Sinh. Nhưng nó cũng là một chứng tá rất quan trọng. Nếu xác
Đức Giêsu vẫn còn nằm tại ngôi mộ thì việc tuyên bố Phục Sinh chỉ là lố bịch và
không ai cần quan tâm tới. "Ngôi mộ trống" buộc người ta phải tiến xa
hơn trong việc khảo sát vấn đề.
d) Các lần hiện ra :
Những chứng nhân trực tiếp, chứng tá về Đức Giêsu Phục
Sinh không dừng lại ở việc khám phá ngôi mộ trống. Theo thánh Gioan kể thì
Maria Madalêna đã được thấy Đức Giêsu xuất hiện đầu tiên. Thánh Marcô cũng đồng
ý như vậy. Thánh Mátthêu thì lại nói chung cả nhóm phụ nữ. Còn thánh Luca chú
trọng đến "hai môn đệ đi Emmau". Nhìn qua, các chi tiết của các bản
văn có thể khác biệt. Tuy nhiên, nhất định không có sự mâu thuẫn đối kháng.
Về mặt lịch sử, phải chân nhận bản văn 1Cr 15,3-9 là quan
trọng nhất. Nó được coi là đã "hiện hữu" trước nhất mang một nội dung
rõ ràng và bao quát, có thế giá về mặt pháp lí đặc biệt là do chính cá nhân tác
giả (là thánh Phaolô). Quả thế, các nhà Kinh Thánh đều đồng ý : trong kinh bộ
Tân Ước, đa số các thư của thánh Phaolô đã xuất hiện trước nhất (kể cả thư 1Cr
khoảng năm 50-55). Đoạn văn trên có tính cách biệt lập đối với các sách Tin
Mừng. Nhưng nó lại được coi là đúc kết ngắn gọn và chặt chẽ của một
"truyền thống" vững chãi : "Tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại
cho anh em điều mà chính tôi đã chịu lấy". Tác giả đã nêu lên sáu cuộc
xuất hiện của Chúa Phục Sinh : với Kêpha (Phêrô) ; với nhóm Mười Hai ; với hơn
500 anh em một lần ; với Giacôbê ; với tất cả các Tông đồ và với chính tác giả
"người mạt nhất trong các Tông đồ". Để nhấn mạnh cho những người còn
hồ nghi, tác giả quả quyết : "Trong số đó, phần đông đến nay vẫn còn sống,
nhưng cũng có người đã yên nghỉ". Thế đấy, các chứng nhân vừa nhiều, vừa
sống động, được chỉ tên, chỉ mặt rõ ràng. Tác giả đã không chú trọng đến
"nhóm phụ nữ" làm gì vì chính "truyền thống" cũng đã coi
nhẹ chứng tá của họ.
So với các bản văn khác, người ta phải nhìn nhận sự tương
ứng, thích hợp, mặc dù có những chi tiết không tìm thấy được ở đâu khác. Vì
trưng lại "truyền thống" nên thứ tự có lẽ được xếp theo "thế
giá" hơn là theo thời điểm các lần hiện ra. Sau cùng, chính thế giá của
tác giả bảo đảm chứng tá của Người.
Điều đáng ghi nhận đặc biệt rút ra từ các tường thuật của
các sách Tin Mừng : thánh Mátthêu và thánh Marcô hướng về các lần Chúa xuất
hiện ở Galilêa. Còn thánh Luca và thánh Gioan lại tập trung vào các lần hiện ra
tại Giêrusalem (Ga 21 được coi là phụ lục). Việc giải thích các khác biệt đó có
thể suy ra từ chính môi trường hoàn cảnh của mỗi tác giả cũng như từ chủ đích
mỗi vị nhằm khi chép Tin Mừng.
Thâu tóm lại từ các tường thuật, chúng ta có một số yếu
tố :
* Đức Giêsu đã sống lại và hiện ra
(nhân chứng có nhiều) ;
* Người đã sống lại vào ngày thứ ba (đúng như Người đã
nói trước) ;
* Người đã xuất hiện trong một thời gian có giới hạn với
một số người giới hạn. Cách xuất hiện thường đột ngột. Nơi xuất hiện bất kì.
Trong phòng kín, ngoài bãi biển, trên đoạn đường, tại khu vườn ;
* Xác Phục Sinh của Người vốn là một thân xác (có thể ăn
uống, đi lại, chung đụng). Nhưng có một hình thức hiện hữu mới (chẳng hạn : vào
trong phòng khi các của vẫn đóng).
* Tất cả các tường thuật đều không hề mô tả chính việc
Phục Sinh (truyền thống chống lại các chuyện bày đặt). Chúng ta kết luận với
lời của cha Arialdo Beni : "Trong các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh chúng
ta đứng trước một cái gì mầu nhiệm, sâu thẳm. Các tường thuật đề cập tới sự xuất
hiện không phải chỉ là một người sống lại, nhưng một nhân vật được vinh hiển mà
xác Người hiện hữu với một cách thức mới : được thần quang hóa mà đôi khi cả
các môn đệ thân tín cũng không nhận ra. Họ chỉ nhận thấy Người khi Người ban
cho khả năng nhìn thấy Người" (theo Fund, trước 262).
2.
Các giả thuyết đối nghịch
"Phục Sinh từ cõi chết" là một phép lạ vĩ đại
nhất, Đức Giêsu đã thực hiện, nhưng cũng như khi nói về phép lạ : vì là một sự
kiện tôn giáo phải có thái độ cởi mở, quảng đại, khiêm tốn, mới lãnh hội được.
Đối với những kẻ không tin, thiếu thiện tâm tìm hiểu thì vốn có "lối
thoát". Các nhân chứng dù hăng say chân thành đến đâu (sẵn sàng hi sinh đổ
máu để dâng hiến cả mạng sống) cũng
không thể ép buộc niềm tin được. Vì thế, trước những chứng tá đã nêu, một số
giả thuyết đối nghịch đã xuất hiện. Điều này chỉ là đương nhiên.
Việc tìm hiểu các giả thuyết đối nghịch đó một cách ngay
chính, dù sao cũng đem lại những điểm tích cực.
a) Giả thuyết đánh
lừa : Lấy trộm xác. Đây là cách chối bỏ sự kiện
Phục Sinh "cổ điển nhất". Nó xuất hiện ngay từ khi "sự kiện ngôi
mộ trống được phát hiện". Điều này cũng dễ hiểu. Xác Đức Kitô không còn
thấy trong mồ nữa, vậy là đã được lấy đi". Vấn đề cần khảo sát kĩ để đưa
tới chân lí. Ai đã lấy đi và lấy đi như thế nào ?
Theo thánh Gioan, chính Maria Magdala, chị phụ nữ đầu
tiên phát hiện ra ngôi mộ trống, cũng đã có ngay tư tưởng" nghi ngờ về
việc lấy trộm xác", dù đã thấy và đã đàm thoại với "thiên thần"
Maria cũng vốn cứ một mực : "người ta đã cất Chúa tôi đi mà tôi không biết
họ đã đặt Người ở đâu ?" (Ga 20,13). Tư tưởng "độc đáo" của chị
tập trung : "...đã đặt Người ở đâu, tôi sẽ đến cất lấy Người" !
May cho Maria, vì chị đã được "tuyển chọn" (làm
nhân chứng trực tiếp) nên mối nghi ngờ của chị sớm được xóa đi.
Nhưngg không phải ai cũng được như vậy ! Khi chép Tin
Mừng, thánh Mátthêu có đối tượng là các người Do-thái và đây cũng là dịp để tác
giả sách Tin Mừng thứ nhất "đập lại" sự thiếu thiện chí tìm hiểu của
những người Do-thái cứng tin. Chỉ một mình Tin Mừng Người chép đã để tâm đến
chuyện "lính canh mồ" (Mt 27,63) để dẫn đến việc "các anh hãy
nói môn đệ hắn đã đến ban đêm ăn trộm
hắn, đang lúc chúng tôi ngủ ; và chuyện bịa kia đã đồn mãi giữa người Do-thái
cho đến ngày nay (= khi Matthêô chép Tin Mừng)" (Mt 26,13).
Giả thuyết "lấy trộm xác" này có giá trị thấp
và dễ dàng bị bác bỏ. Có biết bao nhiêu vấn nạn đối kháng lại :
* Làm sao hiểu được các Tông đồ có khả năng làm chuyện đó
: chỉ trước đó vài ngày các ông đã quá sợ hãi, bỏ trốn khi Đức Giêsu bị bắt,
làm thế nào mà trong một ít ngày, tâm trạng các ông đã thay đổi để nghĩ đến
chuyện "ăm trộm" này ? Mà nếu biết thực sự họ ăn trộm, tại sao không
đưa ra pháp luật đàng hoàng ? Rồi sự việc đã không chỉ dừng lại ở chỗ "ăn
trộm xác" rồi phao tin. Nếu là chuyện bịp bợm (có vẻ trò trẻ con như vậy)
làm sao họ có thể hiến thân đến đổ máu để làm chứng nhân được.
* Nếu các Tông đồ không ăn cắp xác mà người khác lấy đi
vì một lí do nào đó, tại sao không ai bắt bẻ lại các Tông đồ về việc rao giảng
"Tin Mừng Phục Sinh" bằng cách đặt các ngài trước thi thể Đức Giêsu
vốn còn đó ?
Để phủ nhận ngôi mộ trống. Còn có những giả thuyết khác :
* Hố chôn công cộng : do G. Guignert và A. Loisy (tác
phẩm Les Evangiles Synoptiques I trước 223).
* Mộ vô danh : do M. Gohuel (trong La Resurrection de
Jésus dans le Christianisme primitif - Paris 1933).
* Hai cuộc chôn cất khác nhau : do G. Baldensperger (le
tombeau vide et la légende - Paris 1935).
Các giả thuyết trên đây, tuy được xây dựng công phu, khôn
khéo (và cũng tân tiến nữa). Nhưng nếu đem đối chiếu với các tài liệu chính
thống, với những kiến thức về luật pháp và khảo cổ học thì không thể đứng vững.
Chúng không được dựa trên những chứng tá có giá trị lịch sử.
b) Giả thuyết ảo
tưởng :
Nhiều nhà duy lí tìm cách cắt nghĩa sự thân tín của các Tông
đồ (và các chứng nhân trực tiếp) về việc Phục Sinh, chẳng qua chỉ là "ảo
tưởng". Theo họ, Đức Giêsu đã chết và đã được chôn cất trong mồ. Các Tông
đồ bị ảo ảnh đánh lừa : họ tin rằng Người đã sống lại. Do ảo ảnh đã phát sinh
ra thân tín và tuyên bố Đức Giêsu đã Phục Sinh (Renan, Omodeo, Goguel). giả
thuyết này nhằm chối bỏ các "chứng nhân trực tiếp" : các lần xuất
hiện của Đức Giêsu không có thật, chỉ là do ảo ảnh, tưởng tượng và thâm tín.
Giả thuyết có vẻ dựa trên khoa học (nhất là khoa tâm lí học) "rất hiện
đại" và có cơ sở lí luận. Tuy nhiên thực tế nó cũng vấp phải nhiều điều
đối kháng rất hiển nhiên theo lịch sử (và do cả chính khoa tâm lí nữa).
* Trước hết, ảo tưởng là hiện tượng có thật trong lịch sử
và được khoa tâm lí học chứng tỏ. Ngay cả mỗi người chúng ta, cũng có thể một
lần nào đó trong cuộc sống đã có ảo tưởng, ngủ mơ chẳng hạn. Có thể một lúc nào
đó ta tưởng rằng có người gọi, hoặc nghe thấy tiếng chuông, thực tế đã chẳng có
gì cả ! Ảo tưởng là một hình ảnh của trí tưởng tượng, trở nên mạnh đến mức làm
ta nhìn thấy bằng nhãn quan hoặc cảm thấy bằng giác quan khác (như nghe thấy
tiếng động) mặc dù chủ thể không hiện hữu.
* Ảo tưởng thường xuất hiện trong hoàn cảnh ngây ngất
hoặc quá đau khổ trong tâm hồn (hiện tượng tâm lí) : thần kinh quá căng thẳng,
ý muốn được thấy (cái gì đó) quá mạnh và như thế, để có ảo tưởng, đòi hỏi có
những điều kiện hoàn cảnh tâm sinh lí thích hợp. Nó thường xảy ra nơi những con
bệnh tâm thần (ít là yếu thần kinh). Nhưng không xảy ra thường xuyên. Nhất là
không bao giờ đã thấy xảy ra cho cả một tập thể theo cùng một cách.
* Áp dụng vào trường hợp "Đức Kitô Phục Sinh"
người ta thấy được nhiều dữ kiện đối kháng, ngay cả trong việc phân tích các
bản văn chứng tích.
* Các chứng nhân là một tập thể khá đông (hơn 500 người)
làm thế nào có thể quả quyết tất cả họ đều mắc bệnh tâm thần ? Thực tế, các
Tông đồ là những "ngư phủ" khỏe mạnh vạm vỡ (đã từng sống những ngày
"lao động mệt nhọc". Nhất là cuộc đi bộ nhiều ngày từ Galilêa đến
Giêrusalem đòi hỏi những con người có sức khỏe dẻo dai).
Họ cũng là những con người luôn sống thực tế, bận tâm
nhiều đến chuyện "ai lớn hơn" trong nhóm (Mt 18,1 ; Mc 9,34). Họ tìm
cách bảo vệ quyền lợi "của nhóm" (Mc 9,38). Khi thấy nguy hiểm, họ đã
bỏ trốn cả.
* Về mặt tâm lí, thực sự các Tông đồ (cũng như những
chứng nhân khác) đã không có được những điều kiện cần thiết để ảo tưởng xảy ra,
họ đã không trông mong việc Đức Giêsu tái xuất hiện. Sau biến cố thập giá tại
Gôngôtha họ đã "ngã lòng", tìm cách bỏ cuộc : hai môn đồ đi Emmau đã thú
nhận sự ngã lòng và mất tin tưởng (Lc 24,13).
Ngay cả khi được các phụ nữ cho biết về những gì họ đã
thấy, đã nghe, các Tông đồ cũng không tin họ. Các ông đã chẳng hiểu gì về những
lời Đức Giêsu đã tiên báo (Mc 9,32). Nên chưa có được ý tưởng về sự Phục Sinh
của Đức Giêsu và khi nghe các phụ nữ, các ông đã "hoảng hồn" (Lc
24,22).
* Mặt khác, nếu các Tông đồ đã nghĩ đến việc Phục Sinh,
chắc chắn cuộc mai táng chiều tối thứ sáu đã không xảy ra như thế : khăn liệm,
dây băng buộc chặt, đặt vô mồ đá, vần viên đá lớn lấp cửa mồ.
Các Tông đồ đã thiếu tin tưởng về việc Phục Sinh đến nỗi
chính khi được thấy Đức Giêsu tái xuất hiện, họ cũng còn nghi nan, tưởng mình
thấy "ma" (Lc 24,37). Họ đã phải kiểm chứng giác quan của họ bằng cụ
thể, rờ nắn, nhìn xem tay chân Người, dâng Người của ăn. Trường hợp của Tôma
(Ga 20,24-29) thì không thể nào khoa tâm lí học giải thích nổi về ảo tưởng (nếu
thực sự là ảo tưởng).
Nếu Đấng Phục Sinh chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng,
thì mọi người sẽ sớm nhận ra. Các lần xuất hiện của Đức Giêsu vừa nhiều, vừa cụ
thể sống động ở bất cứ nơi nào Người muốn. Người đã thể hiện những động tác,
khiến các đối tượng được chọn không thể nào cưỡng lại được. Sau khi đã được
kiện toàn niềm xác tín, thánh Phêrô đại diện các Tông đồ khác luôn tuyến bố :
"Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho
sống lại, chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy" (Cv 2,82). Không gì
có thể ngăn cản được các ngài : "Phải vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục người ta" (Cv 5,29).
Bên cạnh giả thuyết ảo tưởng cũng còn có những giả thuyết
khác nữa, nhằm chối bỏ biến cố "Phục Sinh".
* Đức Giêsu chưa chết thực sự, chỉ ngất đi, rồi hồi tỉnh
lại, dò dẫm đến với các môn đệ được ít ngày. Sau cùng lại chết âm thầm không ai
biết. Đó là ý kiến của Gottlob Paulus (1761-1851). Giả thuyết này cũng không có
nền tảng và ngày nay không còn ai chủ trương theo (Jésus Christ, T.II P. 709
của L. de Grandmaison).
* Giả thuyết tượng trưng : sự Phục Sinh của Đức Giêsu chỉ
là tượng trưng cho sự bất tử thiêng liêng của Người, chứ không phải là sự Phục
Sinh thân xác. Nhưng làm thế nào hiểu được thái độ và cuộc sống của các
"nhân chứng trực tiếp" do niềm tin Phục Sinh tạo nên các Tông đồ và
các chứng nhân khác không phải chỉ tin, nhưng "ý thức về thực tại của Đấng
Phục Sinh". Các ngài đã hi sinh tất cả cho ý thức đó.
* Các lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh chỉ là
"nội tâm" thôi (With Maryen A.Feuillet).
Lời của Feuillet : "Một vài người đã gặp Đức Giêsu
Phục Sinh, nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ là ý trong nội tâm thôi. Đấng Phục Sinh
không hiện diện bên ngoài". Do đó : việc Đức Giêsu Phục Sinh chỉ là
"mầu nhiệm đức tin" thôi. Nhưng cứ xét từ ngữ "chứng nhân"
được sử dụng (Cv 2,32 ; 3,15) người ta thấy phải chấp nhận ý nghĩa : đã chứng
kiến, đã là khán giả và thính giả : để là "chứng nhân" cần phải nhìn
thấy và nghe thấy. Thánh Phêrô đã quả quyết trước cộng tọa Do Thái : "Phần
chúng tôi, điều chúng tôi đã thấy và đã
nghe, chúng tôi không thể không nói" (Cv 4,20).
Vì là một mầu nhiệm, đòi hỏi niềm tin, sự Phục Sinh của
Đức Giêsu không thể được chứng minh cách "khoa học" theo nghĩa chặt
như các biến cố hiện hữu trong lịch sử thông thường. Đối với những người
"không có niềm tin". Họ có thể (và cho đi là cũng có quyền) nói lên
"suy tư" của mình, dựa trên những tiêu chuẩn của họ. Tuy nhiên không
ai được phép xuyên tạc lịch sử. Quả thực, có những người đã tìm cách xuyên tạc
lịch sử để xây dựng những giả thuyết "đối nghịch" điều họ không chấp
nhận. Nhưng các giả thuyết của họ hiển nhiên bao gồm những vấn nạn không thể
giải được.
Từ ngày 1.3.1970 đã diễn ra một "hội nghị" quốc
tế tại Rôma để tìm hiểu về biến cố Phục Sinh. Tham dự hội nghị này, có nhiều
học giả và chuyên gia nổi tiếng. Chẳng hạn, giáo sư Giêrêmias của Tin lành,
Archiandita Sorim của Chính thống. Hội nghị đã đi đến kết luận. Việc Phục Sinh
của Đức Kitô là một sự kiện khách quan, thực tế, độc lập khỏi niềm tin các Tông
đồ và có trước niềm tin đó. Việc Phục Sinh có nghĩa là Chúa Cha đã tôn vinh
nhân tính của Đức Kitô bằng cách thông cho Người một cuộc sống mới và siêu
việt.
3.
Ý nghĩa của sự Phục Sinh
Các bản văn "truyền thống" đã cung cấp hai
"chứng tá" căn bản về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Ngôi mộ trống và
các lần hiện ra. Chấp nhận sử tính và sự chính thực của các bản văn, tức là
công nhận sự Phục Sinh là một biến cố lịch sử. Tuy nhiên, điều Đức Giêsu Phục
Sinh không phải chỉ là một biến cố lịch sử thông thường xảy ra đó, rồi qua đi,
nhưng nó mang ý nghĩa sâu đậm và quan trọng và trở nên trung tâm điểm của kitô
giáo.
Ngày 10.3.1972 văn phòng khảo sát tín điều của Hội Đồng
Giám mục Pháp đã xuất bản một bản văn về đức tin của Giáo Hội về việc Chúa Phục Sinh, trong đó chúng ta đọc thấy :
"Việc Chúa Phục Sinh là trung tâm điểm của kitô giáo. Hôm nay chúng
ta cùng Giáo Hội quả quyết niềm tin chúng ta vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa sinh
bởi Đức Trinh Nữ Maria mà các Tông đồ đã biết. Người bị đóng đanh chôn táng
trong mồ đã sống lại và đang sống".
a. Sự Phục Sinh là
một Mặc khải về Ngôi vị thần linh.
Trước hết, sự Phục Sinh có khía cạnh hộ giáo, nó là phép
lạ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại : một dấu chỉ chứng tỏ rõ ràng nhất về sứ
mạng mà Chúa Kitô đã từng tuyên bố mình mang đến. "Như Cha biết Tôi và Tôi biết Cha, và Tôi thí mạng sống Tôi
vì đàn chiên ; vì lẽ này mà Cha yêu mến Tôi ấy là vì Tôi thí mạng sống Tôi để
rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống Tôi được nhưng chính Tôi tự mình thí mạng
sống Tôi. Tôi có quyền thí mạng sống Tôi và cũng có quyền lấy lại" (Ga
10,15).
* Hiển nhiên, nếu "biến cố Đức Giêsu" kết thúc
nơi mồ đá, thì ai có thể chấp nhận chứng cớ về sự thân mật của Người với Chúa
Cha, về những đặc ân thần linh của Người với Chúa Cha. Đối với Do-thái,
"thập giá" không những là một thất bại hoàn toàn, mà còn là "án
phạt" một "chúc dữ của Thiên Chúa". Biến cố "Núi Sọ"
quả thật đã làm cho những kẻ thân tín nhất của Người cũng phải thất vọng và tìm
đường "tháo lui" sớm (Lc 24,13).
* Nhưng rồi, biến cố Phục Sinh đã làm "đảo ngược
tình thế" : lòng trí các Tông đồ (và các chứng nhân khác) đã biến đổi sâu
xa, bền bỉ các Người từ chỗ thất vọng chán nản đã trở nên chứng nhân kiên vững,
bất khuất, từ những người tầm thường sợ sệt, nhút nhát, họ đã biến thành những
người lãnh đạo can trường, dấn thân chinh phục và cải tạo thế giới.
* Sự Phục Sinh chẳng những là dấu chỉ chứng tỏ Mặc khải,
một sự Mặc khải rõ ràng nhất về ngôi vị thần linh của Đức Kitô (Cv 2,36 ; Rm
10,9) : nó nói lên địa vị làm Chúa mọi loài của Người, đến nỗi "Khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và
trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì ; và
để tôn vinh Thiên Chúa Cha mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức
Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,10-11).
* Sự Phục Sinh là sự viên mãn, tất cả Mặc khải bằng lời
nói và hành động của Thiên Chúa (và đặc biệt là của chính Đức Giêsu) dưới ánh
sáng Phục Sinh mới thể hiện được giá trị. Nó trở nên con đường mở ra mãi mãi
cho cuộc sống vĩnh cửu (1Cr 15,12).
* Mặc khải ngôi vị thần linh của Đức Giêsu, sự Phục Sinh
dẫn đến mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là nền tảng ơn cứu độ. Trong cuộc sống
nhập thể, mầu nhiệm Ba Ngôi đã được Mặc khải : Đức Kitô luôn nói đến Cha Người
và Người sẽ gửi Thánh Thần đến. Nhưng chính sự Phục Sinh của Đức Giêsu bày tỏ
rõ ràng mầu nhiệm này : Chúa Kitô Phục Sinh là đồng nguyên nhân với Thiên Chúa
Cha và Ban Thánh Thần. Hành động Phục Sinh được cả Ba Ngôi thực hiện (Cv 1,15)
và để lại ơn cứu độ cho loài người.
Đặt trên nền tảng biến cố Phục Sinh, khoa thần học tín lí
sẽ quảng diễn rõ các mầu nhiệm được Mặc khải qua Đức Kitô.
b. Đức Kitô đang
sống :
Đem thuốc thơm ra mộ để xức xác Đức Giêsu, mấy phụ nữ
được báo cho biết Người đã Phục Sinh với lời trách : "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết" (Lc 24,5).
Ý niệm Phục Sinh nơi các Tông đồ không phải chỉ có nghĩa "chỗi dậy từ
kẻ chết" thôi. Nhưng nhờ những lần được chứng kiến Đức Giêsu hiện diện
trước mắt các ngài thâm tín rằng Người đã sống lại và đang sống (Cv 25,19).
Thánh Mátthêu kết thúc Tin Mừng Người chép với lời của Đức Kitô Phục Sinh : "Và này Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày
cho đến tận thế" (Mt 28,20). Các Tông đồ được có kinh nghiệm bản thân
về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh : từ nay, dù các ngài ở đâu, các ngài luôn
xác tín có Chúa Kitô hiện diện luôn bên các ngài : "có Chúa cùng họ hoạt động" (Mt 16,30).
* Đức Kitô đã chiến thắng vấn đề mà nhân loại không giải
nổi, đó là sự chết. Nhờ mầu nhiệm Phục Sinh, Người chứng tỏ hoàn toàn về Người
: "Tôi có quyền thí mạng sống Tôi và
Tôi cũng có quyền lấy lại" (Ga 10,18) ; "Phục Sinh và sự sống
chính là Tôi : ai tin vào Tôi thì dẫu có
chết cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin Tôi sẽ không phải chết bao giờ"
(Ga 11,25).
* Chính niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã tạo nên cộng đoàn
Giáo Hội (Cv 5,33). Sự hiện hữu và tồn tại của Giáo Hội làm nhân chứng cho mầu
nhiệm Phục Sinh (Cv 1,21-22). Nhưng Giáo Hội sống nhờ sức sống của Đức Kitô,
Đấng sống và là nguồn sự sống. Đời sống của Giáo Hội biểu lộ qua các hoạt động,
đặc biệt là các nhiệm tích, cũng chính là phương thế ban sự sống của Đức Kitô.
Người sống trong toàn thể Giáo Hội và trong từng phần tử (Gl 2,20).
Nhờ cảm nghiệm bản thân trên đường đi Damas (Cv 9,1 ;
22,5 ; 26,9) thánh Phaolô đã quảng diễn "sức sống động của Đức Kitô trong
Giáo Hội với hình ảnh "Giáo Hội là thân thể Đức Kitô" (Ep 1,23 ; 1Cr
15,24).
* Đấng đang sống cũng sẽ lại đến trong vinh quang (Cv 1,
11). Nhờ biến cố Phục Sinh, quang lâm cánh chung của Đức Kitô đã khai mào. Nước
Thiên Chúa đã đến trong nhân loại. Ngay từ bây giờ Giáo Hội đã hưởng trước thực
tại cánh chung, tuy đã hưởng trong Niềm Tin và Cậy hướng về ngày viên mãn.
* Qua việc Phục Sinh, ngày nay có Đấng Hằng Sống
"ngự bên hữu Chúa Cha" để luôn cầu bầu cho chúng ta. Được giao hòa
với Thiên Chúa nhờ máu Người (Dt 5,9 ; Rm 7,4). chúng ta cùng Đức Kitô Phục
Sinh bước vào cuộc sống mới (Rm 6,5-11). Sự Phục Sinh qua thanh tẩy sẽ được
hoàn tất nhờ sự Phục Sinh cánh chung, ta sẽ được tham dự với Đức Kitô Phục Sinh
"Trưởng tử giữa các vong nhân" (Cl 1,18) vào sự vinh hiển bất diệt (Rm
8,20-22). Chúng ta đúc kết với lời linh mục Nguyễn Thế Thuấn :
"Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là trung tâm đích thực
và viên mãn của đức tin là một biến cố trong đó Thiên Chúa yêu mến và cứu độ
Con của Người. Một biến cố ban cho hiện hữu của con người tất cả ý nghĩa, phương
hướng và lẽ sống mà con người đang tìm kiếm. Phục Sinh là trung tâm của Mặc
khải, của đức tin và của đời sống Hội Thánh. Mọi mầu nhiệm mọi tín điều đều là
những tia sáng hay hậu kết của mầu nhiệm Phục Sinh. Tất cả Mặc khải được viên
mãn và tất cả giao ước, được hoàn thành trong mầu nhiệm ấy. Tất cả lòng tin của
Hội Thánh nhất thiết là lòng tin xây trên biến cố Phục Sinh. Chính khởi từ và
vì Đức Kitô sống lại mà tín hữu đi đến lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào ơn
cứu độ loài người, vào ơn tái sinh trong ơn thánh, trong sự sống đời đời, trong
sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Nhất nhất đều khởi từ và nhờ vào mầu nhiệm Chúa
Kitô Phục Sinh. Xét về lịch sử thần học, tất cả lòng tin của Hội Thánh đều tùy
vào quả quyết căn bản bao quát : "Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi
chết" hay "Giêsu Kitô là Chúa" lời rao giảng đầu tiên và các lời
tuyên xưng đức tin tiên khởi đều khởi sự từ quả quyết nền tảng ấy. Nhờ sự sống
lại của Đức Kitô, tất cả nhân loại được thâu nhận vào sự sống trong tình yêu
của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi Chúa Giêsu đã sống lại, thì không thể nào phân tách
số phận loài người với sự sống đời đời của Thiên Chúa. Vậy, sự sống lại của Đức
Kitô tỏ cho thấy : tất cả Mặc khải toát yếu lại nơi mầu nhiệm độc nhất và bao
quát này : chính Thiên Chúa thông ban sự sống và chính Mình Người cho nhân
loại. Thiên Chúa yêu mến, cứu độ và ban phúc vinh hiển cho con người trong Đức
Kitô Phục Sinh.
Vậy thì vấn đề lẽ sống, vấn đề họa phúc cùng tận sẽ kết
liễu làm sao ? Vấn đề lý tưởng loài người khi mỗi người nghĩ đến mình phải làm
gì để đáng là con người, tất cả những câu hỏi căn bản, những nguyện vọng thầm
kín của tất cả nhân loại, những khắc khoải, những băn khoăn đồng nhất với tất
cả thực hữu sinh mạng của con người tìm kiếm và đi trong thể động để mong gặp
được cái gì làm thỏa mãn cùng tột mọi ước mơ thâm sâu của chính bản lĩnh con
người, tất cả những điều đó đã gặp được giải đáp trong mầu nhiệm Đức Kitô Phục
Sinh. Mầu nhiệm ấy làm trọn cách thỏa mãn cái chờ mong sâu thẳm của tất cả nhân
loại, bởi vì mầu nhiệm ấy là nền tảng khởi thủy và cũng là hoàn thành cánh
chung cho bí nhiệm của con người" (Kerygma 2 tr 106 - 107).
MỤC LỤC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét